TTCT - Ở các đô thị, các biện pháp ứng phó mỗi khi có thiên tai địch họa có thể tác động tiêu cực đến những lĩnh vực khác, trong đó có hệ thống lương thực thực phẩm. COVID-19 cùng với các lệnh phong tỏa, đóng cửa, hạn chế đi lại cũng không là ngoại lệ. Anh: Indian ExpressMột khảo sát do Tổ chức Lương thực và nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO) thực hiện từ tháng 4 và tháng 5-2020 cho thấy hệ thống lương thực, thực phẩm đô thị ở các nền kinh tế, dù thu nhập trung bình hay cao, dù ở châu Á - Thái Bình Dương hay Mỹ Latin, đều bị đứt gãy vì đại dịch.Khảo sát nhận được phản hồi từ 860 người, trong đó có 56% là thành viên chính quyền địa phương và số còn lại đến từ các cơ sở học thuật, tổ chức phi chính phủ và bộ máy chính phủ quốc gia.Theo FAO, 70% nguồn cung lương thực toàn cầu là dành cho tiêu thụ ở đô thị, vì thế việc hệ thống thực phẩm đứt gãy, nhất là ở khâu phân phối và bán lẻ, sẽ ảnh hưởng an ninh lương thực và chuyện đói no của người dân.Theo FAO, hệ thống lương thực thực phẩm (food system) bao gồm các nguồn tài nguyên, các khâu đầu vào, sản xuất, vận chuyển lương thực thực phẩm, cùng với các ngành công nghiệp chế biến, sản xuất, bán lẻ và tiêu thụ thực phẩm. Hệ thống thực phẩm và chuyện “đóng cửa”Kết quả thăm dò của FAO củng cố và cung cấp thêm bằng chứng cho kết luận của nhiều nghiêu cứu trước đó về tác động của các biện pháp giới hạn, phong tỏa phòng chống dịch lên hệ thống lương thực, thực phẩm.Cụ thể, tác động của COVID-19 chủ yếu nằm ở đầu nguồn của chuỗi cung ứng thực phẩm (chế biến, vận chuyển, phân phối, bán lẻ). Việc hạn chế đi lại với người, hàng hóa và dịch vụ, cùng với các lệnh đóng cửa trường học, chợ, nhà hàng, cửa tiệm... làm ảnh hưởng đến cả việc phân phối lương thực và thực phẩm ở các chợ ngoại thành. Tình trạng thiếu lương thực thường đi kèm với tình trạng mua bán hoảng loạn đã dẫn đến việc tăng giá.Tại 70,3% các thành phố được khảo sát (87,2% từ các nước thu nhập cao và 47,4% từ các nước thu nhập thấp), việc đóng cửa các nhà hàng, căngtin, điểm bán thức ăn đường phố đã gây ảnh hưởng đến hệ thống lương thực thực phẩm. Tất cả những tác động tiêu cực này sẽ đổ lên vai của nhóm dễ bị tổn thương - những người vốn đã mất việc nay lại gặp khó khăn trong việc mua đồ ăn.Một trong các biện pháp phòng chống dịch có ảnh hưởng đến hệ thống lương thực là việc giới hạn bán thực phẩm ở không gian mở như công viên, quảng trường và đường phố. Các đô thị ở quốc gia thu nhập cao có vẻ ít chịu tác động này so với các nước thu nhập trên trung bình (tỉ lệ tương ứng là 56,4% và 79,2%).65,9% người tham gia khảo sát cũng cho rằng các lệnh giới hạn về sử dụng phương tiện công cộng cũng tác động đến hệ thống thực phẩm, chủ yếu là với các đô thị ở quốc gia thu nhập trung bình thấp (73%), so với nước thu nhập cao (43,6%).Đối với hơn 40% thành phố được khảo sát, một vấn đề khác có thể ảnh hưởng đến hệ thống lương thực thực phẩm là thiếu hụt lao động trong các hoạt động liên quan đến nông nghiệp và thực phẩm vì đại dịch. Các tác động này sẽ để lại hệ quả lâu dài hơn nếu việc thiếu lao động xảy ra trong các giai đoạn quan trọng của vụ mùa, từ gieo hạt đến thu hoạch. Lịch sử đã có bài học Ebola: nông dân ngừng gieo trồng, sản xuất vì sợ lây nhiễm, làm đứt gãy chuỗi cung ứng nông sản.Theo FAO, có một số nhóm giải pháp ưu tiên thực hiện để các thành phố vừa đảm bảo hệ thống lương thực không bị phá vỡ, vừa bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương trong thời gian các biện pháp ngăn chặn tác động của đại dịch được triển khai.Chẳng hạn, nhiều thành phố (50,9%) đã áp dụng các cơ chế giám sát thị trường lương thực, thực phẩm và giá cả; đa số việc này là do chính phủ thực hiện. Các thành phố tích cực nhất trong việc giám sát giá lương thực là từ các nước có thu nhập trung bình thấp (59,2%).Trong khi đó, 45,2% thành phố được khảo sát ưu tiên áp dụng các biện pháp phân phối thực phẩm hiệu quả, mở rộng dịch vụ giao hàng, thiết lập các trung tâm thực phẩm tạm thời và phân phối trực tiếp để cải thiện khả năng tiếp cận thực phẩm, đặc biệt là của các nhóm dân cư dễ bị tổn thương. Biện pháp này được tích cực áp dụng bởi các đô thị ở các quốc gia có thu nhập cao (55,3%). Các phần thực phẩm cứu trợ trong chương trình cung cấp thực phẩm thiết yếu cho 1 triệu hộ gia đình dễ bị tổn thương vì đại dịch ở Senegal trong tháng 4-2020. Ảnh: Tân Hoa xãNhững câu chuyện cụ thểVới mục đích “cung cấp thông tin có giá trị về cách chính quyền thành phố và địa phương ở các nước đối mặt với những thách thức do gián đoạn hệ thống thực phẩm liên quan đến COVID-19”, FAO đã liệt kê một loạt ví dụ cụ thể về cách nhiều quốc gia xây dựng chính sách và chương trình đối phó với các khủng hoảng như chợ truyền thống trở thành ổ dịch, thực phẩm không đến được với người yếu thế, nông dân không bán được hàng cho thành phố...Tại thủ đô Lima của Peru, trong giai đoạn tiến hành khảo sát, nhiều chợ đã trở thành ổ dịch, trong đó có chợ đầu mối trái cây, nơi 79% tiểu thương dương tính với SARS-CoV-2. Giải pháp chính quyền thành phố đưa ra là thay đổi cách hoạt động của chợ để thực hiện mục tiêu kép: vừa đảm bảo giãn cách, vừa bảo vệ người yếu thế.Cụ thể, chính quyền tận dụng hạ tầng sẵn có để phi tập trung hóa chợ đầu mối chính của Lima (lưu lượng hàng hóa mỗi ngày lên đến trên 6.000 tấn, cung ứng nông sản cho hơn 1.100 chợ truyền thống trong thành phố và cả mạng lưới toàn quốc), với các giải pháp như mở chợ di động ở các khu vực thông thoáng, dễ kiểm soát.Chính quyền Lima cũng mở hội chợ thực phẩm, tiêu thụ khoảng 15 tấn thực phẩm mỗi ngày và giúp trung bình 900 hộ gia đình mua được thực phẩm cần thiết. Ngoài ra chính quyền cũng trao bữa ăn, giỏ thực phẩm trực tiếp cho người dễ tổn thương và mở “nhà chung”, cung cấp chỗ ở, thực phẩm và chăm sóc y tế cho người vô gia cư.Trao thực phẩm trực tiếp cho người cần cũng là giải pháp được chính quyền thủ đô Dhaka (Bangladesh) thực hiện. Theo tìm hiểu của FAO, chính quyền thành phố yêu cầu cấp cơ sở phối hợp với các tổ chức cộng đồng để xác định chính xác các đối tượng cần trợ giúp thực phẩm - người khuyết tật, người cao tuổi, mẹ đơn thân và trẻ em.Phải cậy đến các tổ chức này vì họ “nắm địa bàn” rất sát sao, và nhờ cách tiếp cận “trúng đích” như thế, chính quyền thành phố đã có thể phát xấp xỉ 300.000 giỏ thức ăn cho người nghèo ở thành phố trong suốt thời gian phong tỏa từ tháng 3 đến tháng 6-2020, khi thực phẩm thiếu thốn và nhiều gia đình tuyệt vọng vì đói ăn.Trong khi đó, thành phố Davao (Philippines) được nhắc đến như điển hình trong việc hỗ trợ nông dân khi đường cung ứng lương thực, thực phẩm bị đứt gãy vì các lệnh hạn chế. Chính quyền Davao đã mua lương thực trực tiếp từ các nhà sản xuất địa phương, sắp xếp lại thành từng gói và trao trực tiếp cho những người dễ bị tổn thương nhất. Chiến lược này không chỉ giúp ích cho nông dân nhỏ lẻ mà còn hỗ trợ các hộ gia đình dù sống ở đô thị nhưng thu nhập giảm sút vì các biện pháp hạn chế.Chính phủ Senegal cũng thực hiện sáng kiến “Giỏ thức ăn cho hộ gia đình” (Household Food Basket) để đạt mục tiêu kép tương tự: giúp nông dân không bán được nông sản vì đi lại bị hạn chế, và giúp các gia đình thiếu lương thực, không tiếp cận với thực phẩm đa dạng và giàu dinh dưỡng như trước.Với sự hỗ trợ của FAO và một số cơ quan khác của Liên Hiệp Quốc, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Senegal đã tạo thị trường cho nông dân tiêu thụ và để người dân tiếp cận được thực phẩm. Các nhà sản xuất địa phương, đặc biệt là phụ nữ và nông dân trẻ, được kết nối với khoảng 37.500 gia đình (gần 300.000 người) thiếu thực phẩm, để bên bán được hàng, bên có thức ăn.Trong báo cáo tổng kết kết quả khảo sát, FAO nhấn mạnh rằng các chính quyền đô thị có tiềm năng trong việc nhận dạng và kết nối các mắt xích khác nhau trong hệ thống lương thực thực phẩm, từ đó thúc đẩy việc phối hợp, hợp tác giữa các bên để đề ra các giải pháp sáng tạo nhằm khắc phục các khó khăn do ảnh hưởng của các biện pháp phòng chống dịch.“Những gì quan sát được từ các thành phố ở nhiều quốc gia cho thấy quản trị lương thực đô thị là một lĩnh vực có thể sáng tạo và cần được đầu tư để đảm bảo tính bao trùm và tăng sức chống chọi cho các hệ thống lương thực thực phẩm” - báo cáo viết.Báo cáo cũng đề cập đến sự lệch pha trong điều hành giữa chính quyền địa phương và quốc gia; chính quyền địa phương thường ở thế khó vì có vai trò thực hiện nhưng lại không được tham gia vào quá trình đưa quyết định (chẳng hạn soạn thảo và ban hành một nghị định).FAO khuyến nghị rằng các giải pháp ứng phó của chính quyền, từ địa phương đến quốc gia, không nên chỉ dừng lại ở tính chất “thiện nguyện và khẩn cấp” mà phải đạt đến các kế hoạch, chính sách, tầm nhìn dài hạn hơn. Trong đó, việc thiết lập các hội đồng chuyên lo chính sách lương thực hoặc các nền tảng quản lý nhiều bên tham gia nên được xem là chìa khóa của các kế hoạch quản trị thực phẩm. Tags: Khủng hoảngThực phẩmĐô thịĐóng cửaLương thựcĐứt gãyAn ninh lương thực
Để việc 'giải quyết thủ tục hành chính phi địa giới' đi vào thực chất Nguyễn Đức Lam (Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông IPS) 11/10/2024 1863 từ
Điểm thi IELTS phổ biến nhất của thí sinh Việt Nam là 6.0 TRỌNG NHÂN 15/10/2024 Thống kê từ IELTS cho thấy điểm thi phổ biến nhất của thí sinh Việt Nam là 6.0, trong khi đó chỉ 1% thí sinh đạt trên điểm 8.5.
Đến lượt Temu, Taobao đổ bộ thị trường Việt Nam CÔNG TRUNG 15/10/2024 Sự xuất hiện của các nền tảng thương mại điện tử Trung Quốc như Temu, Taobao và 1688 đang tạo ra một cơn sốt hàng giá rẻ tại Việt Nam.
Ông Trump muốn bổ nhiệm Elon Musk làm bộ trưởng cắt giảm chi phí KHÁNH QUỲNH 15/10/2024 Cựu tổng thống Donald Trump cho biết sẽ bổ nhiệm tỉ phú công nghệ Elon Musk làm bộ trưởng cắt giảm chi phí, nếu giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tháng 11.
TP.HCM kêu gọi đầu tư 5 dự án văn hóa thể thao hơn 2.000 tỉ đồng THẢO LÊ 15/10/2024 TP.HCM kêu gọi đầu tư 5 dự án PPP (đối tác công tư) về văn hóa, thể thao.