TTCT - Do những ràng buộc lịch sử, ngôn ngữ, chủng tộc và văn hóa, có ba quốc gia trong Liên Xô cũ đặc biệt gắn bó với nhau là Nga, Belarus và Ukraine. Ukraine hiện giờ là một quốc gia non trẻ đang tìm cách tự xây dựng cho mình một bản sắc riêng. Họ bị giằng xé giữa bản sắc Nga đã hàng nghìn năm - có thể tính từ thời Đại Công tước Vladimir cải đạo người Slav sang Chính thống giáo năm 988 - và một nhu cầu mới, ngày càng tăng trong dân chúng, nhất là những người trẻ sinh ra sau khi Liên Xô sụp đổ, hướng về phương Tây, EU và cả NATO. Đống đổ nát này trước khi chiến sự nổ ra là sân bay quốc tế Donetsk. Ảnh: EPA Trên phông nền đó, tình cảnh “mắc kẹt” giữa hai làn đạn của người dân Ukraine lúc này thật sự là một bi kịch. Và những bi kịch con người nhiều khi không được nhắc tới giữa tham vọng chính trị, quân sự, lãnh thổ vô biên của các cường quốc - mà lịch sử đã luôn cho thấy không bao giờ đếm xỉa tới các thân phận nhỏ nhoi.Kulishov (không phải tên thật) là một thân phận như vậy. Là một người đàn ông của gia đình, thích chụp ảnh phong cảnh và làm việc trong lĩnh vực công nghệ, từ tháng 1-2015, anh đã phải rời bỏ nhà mình ở Donetsk và đến tị nạn tại thị trấn Bakhmut (cách đó 40km). Theo lời anh kể, giao tranh mỗi ngày một ác liệt trong vùng Donetsk khiến anh, vợ anh và đứa con nhỏ đã phải sống nhiều ngày dưới tầng hầm, nhưng rồi các dịch vụ thiết yếu cũng không còn được bảo đảm và anh không còn lựa chọn nào khác.“Tôi rất buồn, tôi không muốn rời thành phố mình đang sống - anh nói với Hãng tin Al Jazeera - Nhưng suy nghĩ mạch lạc thì chẳng còn cách nào khác”. Kulishov là một trong khoảng 1,5 triệu người đã mất nhà cửa vì cuộc xung đột đang tiếp diễn ở đông Ukraine nhưng vẫn còn may mắn vì không nằm trong số 14.000 người đã thiệt mạng kể từ khi Nga sáp nhập Crimea và giao tranh nổ ra năm 2014.Maksym Khodushko, 42 tuổi, là một giám đốc tiếp thị xởi lởi sống ở thành phố thuộc vùng Donetsk, Kramatorsk, nơi đã nhiều lần đổi chủ giữa quân đội Chính phủ Ukraine và quân nổi dậy thân Nga, cho rằng thành phố của anh đã trở thành một “vùng xám” mà Nga định dùng làm vùng đệm giữa họ và NATO. “Có những người nghĩ Putin muốn xây dựng một Matxcơva mới ở đây, nhưng tôi thì cho rằng ông ta muốn biến nơi này thành hoang địa không người”, Khodushko nói.Nếu Nga xâm lược, Khodushko nói anh sẽ ở lại chiến đấu ngay cả nếu không được trực tiếp cầm súng. “Chỉ có đồ ngu mới không sợ - anh nói - Nhưng tôi còn biết chạy đi đâu. Nhà tôi ở đây, gia đình tôi, cả cuộc đời tôi ở đây”. Quyết tâm của anh có cơ sở là những trải nghiệm quá khứ: “Sau những gì chúng tôi đã trải qua [thời kỳ quân nổi dậy chiếm đóng], tôi biết rất nhiều người ở Kramatorsk sẽ bỏ chạy nếu một cuộc tấn công tổng lực [của Nga] nổ ra”.Còn ở Mariupol, thành phố ngay miền nam Donetsk và nhìn ra biển Đen, gần như đối diện với Crimea, Olena Zolotariova, 44 tuổi, một người tranh đấu cho môi trường và ủy viên hội đồng thành phố, lo lắng rằng “trước kia người Nga còn sử dụng chiến tranh kiểu bình phong, giờ thì có vẻ họ muốn tháo bỏ mặt nạ và công khai mọi chuyện, đáng sợ chứ!”Al Jazeera mô tả rằng ở nhiều thành phố và làng mạc chạy dọc tuyến biên giới, “căng thẳng đang âm ỉ giữa những người muốn tiếp tục ở lại với Ukraine và những người chào đón sự hiện diện của Nga”. Khi xung đột nổ ra năm 2014, nhiều người trẻ và có học làm nghề chuyên môn đã rời bỏ vùng Donbass để về sống ở các thành phố lớn miền tây Ukraine, vốn cũng là vùng gần gũi với châu Âu hơn. Giao thông và thương mại ở miền đông bị ảnh hưởng nghiêm trọng.Victor (không phải tên thật), một chủ cửa hàng tuổi trung niên sống ở khu vực đặc biệt thân Nga cách Mariupol chỉ vài kilômet, bán hàng cho khách trong bộ đồng phục quân đội Ukraine và phát tờ rơi ủng hộ Ukraine cho những người chịu nhận. “Phải nói 90% khách tới cửa hàng tôi là thân Nga - ông nhún vai - Nhưng tôi không sợ. Ở đây ai cũng hiểu rõ lập trường [chính trị] của tất cả những người khác”.Theo Moscow Times, một cuộc thăm dò của Rating Group (Ukraine) tuần trước cho thấy 72% người Ukraine được hỏi nói Nga là một “nhà nước thù địch”, chỉ 12% cho biết họ nhìn nhận Nga như một đồng minh. Cuộc thăm dò được tiến hành từ 6 tới 8-12-2021 và có 2.500 người trả lời nhưng không bao gồm vùng Crimea, Donetsk và Luhansk. Tuy nhiên, mức 72% này đã là giảm so với cuộc thăm dò tương tự vào tháng 4-2021, khi có tới 76% người Ukraine coi Nga là một quốc gia “thù địch”. Cuộc thăm dò cũng cho thấy dân Ukraine có quan điểm ngày càng tiêu cực với Belarus trong tám tháng qua. Gần một nửa, 48%, nói họ coi Belarus là “nhà nước thù địch”, so với chỉ 22% trong cuộc thăm dò trước đó. Tags: UkraineNgaCrimeaDonbassMariupol
Hạ tầng sạc pin ô tô điện Việt Nam: Trạm sạc chưa nhiều, quy chuẩn chưa đủ CÔNG TRUNG 22/03/2023 1759 từ
Miễn đăng kiểm xe mới: Chủ xe vẫn phải xếp hàng từ sáng đến trưa lấy phiếu hẹn PHẠM TUẤN 22/03/2023 Ngày đầu áp dụng thông tư mới về kiểm định xe cơ giới, tại Hà Nội, hàng trăm người dân chen chúc chờ phát phiếu hẹn đăng kiểm cho ô tô cũ, chủ xe mới cũng phải xếp hàng dài lấy phiếu hẹn.
Trưởng Phòng CSGT TP.HCM: 'Cán bộ vi phạm, cản trở xử phạt sẽ gửi thông báo đến cơ quan công tác' THU DUNG 22/03/2023 Sáng 22-3, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường chủ trì Hội nghị tổng kết công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông 2022 và triển khai Năm an toàn giao thông 2023.
Chuyên gia ngôn ngữ cơ thể: Ông Tập 'thoải mái và chủ động hơn' khi gặp ông Putin NGUYÊN HẠNH 22/03/2023 Các chuyên gia ngôn ngữ cơ thể nhận định Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có vẻ thoải mái và chủ động hơn so với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại cuộc gặp hôm 21-3.
Vụ hộ dân nuôi 82 con chó gây ô nhiễm: Phường và người dân vận động san sẻ bớt đàn chó CHÂU TUẤN 22/03/2023 Liên quan vụ hộ dân ở quận 4 (TP.HCM) nuôi 82 con chó gây ô nhiễm bị xử phạt, địa phương và người dân, hàng xóm đang vận động san sẻ bớt đàn chó.