Quyền được nói...

HUỲNH HUY TUỆ (*) 02/08/2021 03:00 GMT+7

TTCT - Đã có rất nhiều lời khen ngợi dành cho lễ khai mạc Olympic Tokyo 2020. Dĩ nhiên, những lời khen dành cho Olympic kỳ này khác hẳn so với các kỳ trước đây.

 
Những chú robot linh vật là điểm đặc sắc của Olympic Tokyo 2020. Ảnh: Getty Images

 

Cụ thể, nếu những kỳ Olympic như kiểu Bắc Kinh 2008 được khen là quá hoành tráng, quá nghệ thuật, quá đẹp..., thì lần này, bởi đại dịch khiến cho đến sát ngày khai mạc vẫn chưa biết có tổ chức hay không, nên kịch bản đã không nghiêng về chuyện KHOE!

Chủ nhà Nhật Bản bám vào từ mới trong khẩu hiệu của Olympic: “together” (cùng nhau). Cùng nhau giữ gìn cho Trái đất - thông qua màn trình diễn khai mạc giới thiệu về “văn hóa gỗ”. Rồi già trẻ lớn bé, mọi giới, mọi tầng lớp bắt tay nhau để vượt qua khó khăn.

Ý nghĩa này thể hiện rõ nhất trong hai tiết mục rước cờ và rước đuốc Olympic. Với phần rước cờ, mở màn là lá cờ Olympic được đưa vào sân bởi 6 VĐV của đoàn thể thao người tị nạn. 

Tiếp đến là trao cho 6 nhân viên vệ sinh, bảo vệ, y tế... đang làm việc trong sân để phục vụ lễ khai mạc. Vì vậy, họ có phần lúng túng và e dè qua những bước chân ngập ngừng.

Ở phần rước đuốc là nỗi lo đến thắt tim với cựu VĐV bóng chày nổi tiếng nhất Nhật Bản thời những năm... 1960, Shigeo Nagashima, nay là một cụ già 85 tuổi, từng trải qua cơn tai biến phải đi nhích từng chút một. 

Hay những em học sinh đến từ các vùng bị hủy hoại bởi sóng thần cũng đã mang tới cảm giác rất xúc động. Chưa kể ngôi sao da màu người Nhật Naomi Osaka thực hiện nghi thức châm lửa cuối cùng - thể hiện quan điểm “cùng nhau” rất rõ nét.

Nhưng không phải người Nhật nào cũng hài lòng. Bên ngoài sân hôm khai mạc và cho đến tận bây giờ, vẫn còn rất nhiều người biểu tình phản đối Olympic, với lý do làm ảnh hưởng đến cuộc sống của dân nghèo, trong khi dịch bệnh vẫn chưa thuyên giảm.

Dân công nghệ thông tin Nhật thì bực tức khi màn trình diễn quả cầu bằng 1.824 drone chẳng phải sản phẩm “made in Japan”, mà là của Hãng Intel Mỹ, còn drone thì sản xuất tại Hàn Quốc. 

Người Nhật chỉ bỏ tiền ra mua thôi. Nhiều kỹ sư công nghệ thông tin Nhật đã lên các diễn đàn IT nước này chỉ trích gay gắt chính phủ, họ nói nhà nước phải biết thấy xấu hổ, phải thay đổi bằng những chính sách quyết liệt hơn, để công nghệ Nhật Bản không tụt hậu như nhiều năm nay, thể hiện rõ qua Olympic này.

Giáo sư khoa chính trị ở Đại học Teykio, ông Watanabe Hiroka, đã có một bài bình luận trên tờ Manichi rằng lễ khai mạc như thế là tạm ổn, nhưng hình ảnh nước Nhật ở đâu trong thế giới tương lai? Một câu hỏi mang tính phê phán dành cho nhà cầm quyền. 

Những người bình tĩnh hơn thì trấn an rằng thay đổi cũng như cơn đau trở dạ, phải đau đớn mới có hạnh phúc.

Những người này có ý nhắc đến Olympic Tokyo 1964, khi ấy cũng vấp phải làn sóng phản đối cho rằng chưa phải lúc. Nhưng sau đó và cho đến tận bây giờ, Olympic năm ấy vẫn là niềm tự hào của người Nhật.

Theo dõi những cuộc tranh luận, phê phán, cãi cọ lẫn nhau về Olympic trên các báo, diễn đàn, mạng xã hội của người Nhật, điều tôi thấy thú vị nhất là ai cũng có quyền mở miệng để nói lên chính kiến của mình. 

Dĩ nhiên, ai cũng có lý và cái lý ấy dựa trên góc tiếp cận của từng người. Còn những nhà quản lý và điều hành, lịch sử sẽ phán xét họ đúng hay sai...

(*) Tổ chức BAJ - Cầu châu Á - Nhật Bản

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận