Rắc rối Snowden

DUY VĂN 07/07/2013 19:07 GMT+7

TTCT - Câu chuyện của Edward Snowden không khỏi làm người ta liên tưởng đến hai tình huống tương tự trên phim ảnh: công dân xứ Krakozhia Viktor Navorski trong bộ phim Terminal và anh chàng người Ý trong bộ phim Cuộc phiêu lưu khó tin của những người Ý ở Nga.

Phóng to
Tổng thống Ecuador Rafael Correa (thứ hai từ phải) phát biểu trên chương trình truyền hình “Enlace Ciudadano” tại Manabi (Ecuador) về vấn đề Snowden hôm 29-6 - Ảnh: AFP

Trong bộ phim Terminal do Steven Spielberg đạo diễn, công dân xứ Krakozhia Viktor Navorski (Tom Hanks đóng) bị kẹt tại sân bay Mỹ chỉ vì khi anh đang trên chuyến bay thì ở nước mình xảy ra đảo chính. Washington không còn công nhận Krakozhia nên Navorski không thể nhập cảnh Mỹ, nhưng cũng không thể trở về xứ sở vì chính phủ mới không chấp nhận. Thế là anh chàng phải lang thang khổ sở ở khu vực quá cảnh và sống nhờ những mánh láu cá lẫn sự thương hại của nhân viên sân bay.

Còn bộ phim hợp tác Nga - Ý Cuộc phiêu lưu khó tin của những người Ý ở Nga (do Eldar Ryazanov (Nga) và Franco Prosperi (Ý) cùng đạo diễn năm 1974) thì kể về chuyện đi tìm kho báu ở Leningrad. Một trong những người đi tìm kho báu đã bị mafia Ý hủy hộ chiếu nên không được Liên Xô cho nhập cảnh, cũng không thể trở về Roma, phải sống lăn lóc ở khu vực quá cảnh...

Tuy nhiên, nếu hai tình huống dở khóc dở cười trong phim chỉ là cuộc phiêu lưu của những nhân vật cá biệt, thì “vụ Snowden” đã trở thành rắc rối không nhỏ trong quan hệ giữa các quốc gia.

Trao trả - không trao trả?

“Cho đến khi Snowden chưa được một quốc gia nào đó cho phép cư trú chính trị thì ông ta vẫn có thể lưu trú yên ổn trên lãnh thổ Nga, dưới sự bảo vệ của công ước Geneva về vấn đề này. Không có chuyện giao trả ông ta cho Mỹ”.

Chủ tịch Hội đồng nhân quyền Nga
Mikhail Fedotov
(http://izvestia.ru/news/552673)

Là câu hỏi báo chí Nga đặt ra suốt tuần qua, kể từ khi Snowden bất ngờ đáp máy bay đến Matxcơva hôm 23-6 rồi “mất tích” trong khu vực quá cảnh của sân bay quốc tế Sheremetyevo. Hầu như rất ít ý kiến đề nghị giao nộp Snowden và đến nay thì báo chí Nga đoan chắc ông Putin sẽ không dễ dàng trao trả Snowden.

Chẳng hạn, trả lời báo giới nhân chuyến thăm Phần Lan hôm 25-6, cũng là lần đầu tiên đề cập đến vụ Snowden, khi được hỏi Nga sẽ dẫn độ Snowden cho Mỹ hay không, ông đã đáp “câu hỏi này không có tính thực tế: Nga và Mỹ không có hiệp ước dẫn độ”.

Vả lại, theo ông, Snowden không phạm tội trên lãnh thổ Liên bang Nga, và nhắc: “Còn một nhân vật khác giống Snowden, ngài Assange, người cũng được đòi dẫn độ và cũng bị coi là tội phạm. Nhưng ông ấy, giống Snowden, lại cho mình là người bảo vệ nhân quyền và đấu tranh cho tự do thông tin. Các bạn hãy tự hỏi mình xem những người như thế có cần bỏ tù không”.

Hầu hết chính giới Nga, dù theo đường lối dân tộc hay tự do, đều kêu gọi ông Putin không giao nộp Snowden. Họ không quan tâm đến việc quan hệ Nga - Mỹ sẽ bị phức tạp hóa bởi “một tay tình báo nào đó”, mà lý do lớn hơn là việc trao trả sẽ mang tới một “vết nhơ cho nước Nga”, như nhận định của nhà chính trị học Boris Mezhuyev đăng trên Izvestia (1).

Boris Mezhuyev nhắc việc B. Yeltsin đã chấp nhận trao trả Erich Honecker ngày 30-6-1992 cho Tây Đức (Erich Honecker là tổng bí thư của Đảng Xã hội thống nhất Đức, lãnh đạo Đông Đức từ 1971-1989. Ông bị lật đổ bởi chính đảng của mình vì không chấp nhận đường lối cải tổ, công khai theo kiểu Liên Xô thời Mikhail Gorbachev, và vì cách hành xử cứng rắn với những công dân Đông Đức đào thoát sang Tây Đức.

Tuy bị Liên Xô trao lại cho Tây Đức nhưng Honecker đã thoát khỏi những cáo buộc nhân quyền và định cư ở Chile tới ngày mất).

“Việc trao trả đó từng làm phương Tây coi Nga như một nước bán thuộc địa và bán phụ thuộc khiến cho đến nay Mỹ tiếp tục đưa ra những yêu cầu tương tự với Nga. Chính vì lý do đó mà nước Nga cần phải chịu đựng và can đảm để không bị rơi vào thế giơ đầu chịu báng” - Boris Mezhuyev viết.

Vấn đề không chỉ ở chỗ giữa Nga và Mỹ không có hiệp ước dẫn độ những công dân bị kết tội phản quốc, mà là ở chỗ bản thân việc dẫn độ này chưa có tiền lệ. Trên thế giới, chưa từng có việc nước được yêu cầu dẫn độ trao trả một điệp viên tiết lộ bí mật đáng giá cho quốc gia đòi dẫn độ. Liên Xô chưa từng trao trả Kim Philbey cho Vương quốc Anh (Harold Adrian Russell “Kim” Philby (1912-1988), từng là điệp viên cấp cao của tình báo Anh nhưng hoạt động hai mang cho đến khi trốn sang Liên Xô và bị Anh kết tội phản quốc).

Tương tự, cả Liên Xô lẫn Nga cũng chưa bao giờ nghĩ sẽ được MI 6 trao lại Oleg Gordievski - đại tá KGB nhưng hoạt động hai mang cho tình báo Anh từ năm 1974 cho đến khi bị lộ năm 1985 và đào thoát sang Anh. Với Mỹ, Liên Xô và nước Nga hậu Xô viết thậm chí chưa bao giờ mơ tới việc sẽ được trao trả nguyên phó tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Arkadi Shevchenko, người từng làm những việc tương tự như Snowden đã làm với Mỹ: khi còn làm phó tổng thư ký Liên Hiệp Quốc ở New York từ năm 1963, ông ta đã chuyển thông tin mật của Liên Xô cho Mỹ và đào thoát sang Mỹ năm 1978.

Và có lẽ cũng chẳng chính khách Nga nào mơ hồ việc Mỹ - để đổi lấy Snowden, sẽ trao trả cho Nga cựu tướng KGB Oleg Kalugin, người định cư ở Mỹ từ năm 1995 và đã bị Nga kết án vắng mặt 15 năm tù vì tội phản bội và tiết lộ bí mật quốc gia. Những “ân oán giang hồ” này luôn được người Nga nằm lòng và nhắc tới mỗi khi nổ ra những vụ lộ mật và đào thoát, cho nên Kremlin không thể hành xử thiếu thận trọng.

Một số ý kiến cho rằng Nga nên tranh thủ cơ hội này để làm quốc tế gia tăng thiện cảm với nước Nga, bằng cách không trao Snowden cho Mỹ cũng như những quốc gia có hiệp ước dẫn độ với Mỹ. Thành viên Hội đồng tổng thống Nga về quyền con người A. Brod, người chỉ ra một đòn thâm khi nói: “Nếu gần đây người ta hay đặt vấn đề nhân quyền ở nước Nga thì đây là dịp Nga thể hiện sự tiến bộ của mình trong vấn đề này, rằng Nga đã làm tất cả cho sự bình an của người này (ám chỉ Snowden)” (2).

Ngay cả ở Mỹ, các chính khách Đảng Cộng hòa cũng khẳng định Nga đang nhân cơ hội này để phục hồi vị thế của mình, như dân biểu Cộng hòa từ Bắc Carolina Graham Lindsey, người trách móc Washington: “Đơn giản là tôi ngạc nhiên khi chúng ta không hiểu ý định của Putin. Ông ta đang muốn phục hồi vị thế và hình ảnh Liên Xô”.

Cuộc đua bất khả kháng

Muốn hay không, cuộc đào thoát của Snowden đã kéo các chính khách lẫn các nhà ngoại giao vào một cuộc đua bất khả kháng. Theo The Daily Beast, hai lãnh đạo lưỡng đảng Quốc hội Mỹ đang nhanh chóng hoàn tất để đưa ra các gói biện pháp nhằm gây sức ép cho Nga trao trả Snowden.

Từ phía Nga, đến sáng 30-6, trên báo Nga bắt đầu xuất hiện đồn đoán về khả năng Nga sẽ tranh thủ cơ hội này để ký với Mỹ hiệp ước dẫn độ, điều Nga đã nỗ lực nhiều và gần đây nhất là vào năm 2012 nhưng Mỹ vẫn khước từ. Interfax cho biết: tháng 5 năm ngoái, tại cuộc gặp với Bộ trưởng tư pháp Mỹ Eric Holder, công tố viên trưởng Liên bang Nga Yuri Chaika đã chuyển tới Mỹ dự thảo hợp tác về vấn đề dẫn độ, nhưng phía Mỹ chưa trả lời.

Interfax dẫn các nguồn tin nói Mỹ không xem xét thỏa thuận trên vì luật Nga không cho phép giao nộp công dân của họ cho nước ngoài, mặc dù nguồn tin này cũng chỉ ra rằng Mỹ đã ký thỏa thuận dẫn độ với Pháp, dù hiến pháp Pháp, cũng như Nga, không cho phép dẫn độ công dân!

Trong khi đó, người Mỹ cũng tranh thủ các kênh để có thể bắt Snowden. Mới nhất là cuộc nói chuyện “thân tình” của Phó tổng thống Mỹ Joseph Biden với Tổng thống Ecuador Rafael Correa hôm 29-6, người sau cuộc gặp cho biết “sẽ hội ý với Mỹ trước khi đưa ra quyết định chính thức về đơn xin tị nạn của cựu nhân viên CIA Snowden”.

Trước đó, đại diện Bộ Ngoại giao Mỹ Patrick Ventrell nói với Itar Tass tại cuộc họp báo hôm 26-6 rằng Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã nhắc lại việc Mỹ từng trao trả cho Nga bảy tội phạm và Mỹ “sẽ rất vui nếu Nga đáp trả tương tự”. Như phụ họa thêm, cổng thông tin Mỹ Trib Total Media dẫn nguồn Bộ An ninh nội địa Mỹ nói trong năm năm vừa qua, Mỹ đã trục xuất về Nga 1.700 tội phạm “mà đâu có cần những thỏa thuận chính thức nào” (3).

Tuy nhiên, Trib Total Media cũng nhấn mạnh trong lời lẽ chính thức, ông John Kerry lẫn người của Bộ An ninh nội địa đều tránh dùng từ “dẫn độ” khi nói đến việc trao trả về Nga các phần tử tội phạm. Chỉ nhắc nhở này thôi cho thấy “quy mô” vụ Snowden là không thể so sánh với những phần tử tội phạm kia!

“Danh sách snowden“

Có vẻ như một trong những biện pháp gây sức ép của Mỹ đã có hiệu quả. Sau cuộc nói chuyện với Phó tổng thống Mỹ Joe Biden, tổng thống Ecuador đã dịu giọng hơn với nhà cầm quyền Mỹ khi tuyên bố để được xem xét cung cấp nơi cư trú chính trị, Snowden phải ở trên lãnh thổ Ecuador. Nhưng do hiện nay Snowden đang ở Nga nên “số phận Snowden phải nằm trong tay chính quyền Nga”.

Đặc biệt, liên quan đến thẻ quá cảnh mà Ecuador cấp cho Snowden vào ngày 22-6 và kênh truyền hình Univision phát hiện đưa tin, ông Rafael giải thích nó do lãnh sự Ecuador ở London Fidel Narvaez “tự ý cấp” mà không hỏi ý kiến Quito. Ông khẳng định Quito đã hủy giấy quá cảnh này và sẽ kỷ luật viên lãnh sự (4).

Có lẽ đó là lý do mà tối 30-6, Snowden đã chính thức xin tị nạn chính trị ở Nga cùng 18 nước khác. Hãng tin Nga RIA Novosti dẫn lời đại diện lãnh sự Nga trong vùng quá cảnh sân bay Sheremetyevo xác nhận đại diện WikiLeaks Sarah Harrison, người đi cùng Snowden từ Hong Kong tới Nga, đã chính thức đệ đơn này.

Một ngày sau đó, truyền thông Nga đưa phát biểu mới nhất của Tổng thống V. Putin liên quan tới điều kiện để Snowden có thể ở lại nước Nga: “... Ông ta phải chấm dứt những việc gây phương hại cho đối tác Mỹ, dù điều đó nghe có vẻ lạ khi do tôi nói ra. Và vì Snowden xem mình là... chiến sĩ đấu tranh cho quyền con người nên có thể ông ta không có ý định dừng công việc này lại, vì vậy ông ấy phải chọn nước mình sẽ sống và tới đó. Khi nào điều đó xảy ra, rất tiếc, tôi không biết”.

Đúng như ông Putin nghĩ, Snowden đã chọn lựa con đường làm “chiến sĩ bảo vệ nhân quyền” khi ngày 2-7, thư ký báo chí tổng thống Nga V. Peskov cho biết Snowden đã “từ bỏ ý định xin cư trú chính trị ở Nga, dù vẫn đang ở khu vực quá cảnh Sheremetyevo”. Hiện các nhà ngoại giao Nga đang lãnh nhiệm vụ chuyển đề nghị của Snowden cho đại sứ quán các nước được yêu cầu.

Trong số 18 nước này, Na Uy cho biết đã nhận được thư, trong khi Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro, đang công du Matxcơva, đã trả lời như sau khi được hỏi ông sẽ “có mang Snowden theo về nước không?” (Venezuela cũng là một trong số các nước Snowden xin cư trú chính trị): “Cái mà tôi mang về là vô số thỏa thuận ký với Nga, đặc biệt trong lĩnh vực dầu khí”. Ở châu Á, có hai nước trong “danh sách Snowden”: Ấn Độ và Trung Quốc!

____________

(1): izvestia.ru/news/552645
(2): ria.ru/trend/snowden_usa_extradition_24062013/
(3): ria.ru/world/20130630 /946647039.html
(4): online.wsj.com/article/SB10001424127887323873904578575882970421630.html

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận