“Ruồi là ruồi”

MAN ÔNG 31/12/2015 20:12 GMT+7

TTCT - Ruồi từng là vật trung gian truyền cho con người nhiều loại bệnh tật đến mức thành dịch. Nó gián tiếp giết chết nhiều triệu người. Cho nên thái độ của con người đối với nó chưa từng thân thiện.

Tranh: Lê Thiết Cương
Tranh: Lê Thiết Cương

Đó là tên cuốn tiểu thuyết của tay họa sĩ kiêm nhà văn Đỗ Phấn do Nhà xuất bản Trẻ ấn hành đầu năm 2014. Cuốn sách hư cấu trên hai tuyến nhân vật chính: một là con người với tên tuổi xuất xứ đầy đủ, hai là lũ ruồi tồn tại song song.

Câu chuyện dài dòng hư cấu này lục lọi tìm kiếm vẻ đẹp văn chương là chính. Nó không giải quyết rạch ròi được bất kỳ mối quan hệ nào giữa người và ruồi.

Căn cứ vào những hiện vật khảo cổ học thì có thể biết ruồi cũng như nhiều loài côn trùng khác có niên đại tồn tại lâu hơn con người rất nhiều. Và thật ngạc nhiên, chúng không hề tiến hóa như học thuyết Darwin giả định. Đại khái con ruồi tìm được cách ta hàng triệu năm ở trong các hóa thạch nhựa cây vẫn có hình dáng và cấu tạo tương tự con ruồi bây giờ.

Ruồi từng là vật trung gian truyền cho con người nhiều loại bệnh tật đến mức thành dịch. Nó gián tiếp giết chết nhiều triệu người. Cho nên thái độ của con người đối với nó chưa từng thân thiện. Nặng thì phun thuốc tàn sát thường kỳ. Nhẹ thì làm thơ giễu nhại cảnh báo: “Con ruồi là giống hiểm nguy/Cái chân của nó rất vi trùng nhiều”.

Giờ thì ở Hà Nội và các thành phố lớn trên cả nước đã cơ bản thắng lợi trong công cuộc diệt ruồi. Chẳng cần dùng đến thuốc men nào cả. Đơn giản chỉ là thay đổi nếp sinh hoạt cũ mà thôi. Vài chục năm trước, việc thay thế công tác đổ thùng ban đêm trong nội thị bằng chiếc hố xí hai ngăn ủ phân tại chỗ đã gây nên một đại dịch ruồi trong thành phố.

Người ta phải tìm đủ trăm phương nghìn kế diệt ruồi. Từ lãnh đạo làm gương cầm vỉ ruồi đập từng con một cho đến các loại bẫy lồng, bẫy dính. Từ chế ra cái chong chóng cắm điện quay tít mù xua ruồi cho đến dùng túi nilông đựng nước treo ngoài cửa quán khiến ruồi nhìn vào bóng mình được phóng to lên mà sợ hãi bay mất. Tóm lại cũng chỉ được một thời gian ngắn. Ruồi không sa vào những cái bẫy như thế nữa.

Ở Hà Nội lúc ấy đông đảo họ nhà ruồi nhất phải kể đến hai nơi gần thành phố. Một là ở nghĩa trang Văn Điển. Xôi thịt bày lên cúng ở ban thần thổ địa chỉ vài phút sau ruồi bâu đen kịt dù hương khói tưng bừng. Hai là ở làng Đăm trồng dưa lê nổi tiếng. Làng ấy cỗ bàn nấu xong phải mắc màn lên để cất thức ăn.

Tuy nhiên lúc khách khứa đến bày mâm bát ra vẫn phải có một tiểu đồng đứng túc trực với cái quạt nan luôn tay. Chẳng phải để hầu hạ ai cả. Chỉ hầu ruồi.

Hố xí hai ngăn ngày ấy là một phát minh mang tầm vóc lịch sử. Tác giả của nó nhận được bằng khen và nhân rộng mô hình ra toàn quốc. Cũng là nhân rộng mô hình chăn nuôi ruồi trên một nửa lãnh thổ. Mãi đến khi thanh toán được “phát minh vĩ đại” ấy thì mới tạm yên được nạn ruồi.

Thế nhưng con ruồi vắng bóng từ lâu bỗng một hôm hiện về. Chỉ một con thôi mà làm náo loạn gần như toàn bộ làng thầy cãi nước nhà. Những biện luận chặt chẽ mang tính pháp lý được mang ra thi thố trên hầu hết các diễn đàn báo giấy, báo mạng.

Thiệt hại không còn nằm trong vài nghìn tỉ đồng của nhà sản xuất và bản án 7 năm tù giam cho anh chàng nghịch dại nữa. Nó mang trở lại những nỗi lo xưa cũ và thắc mắc truyền đời rằng rốt cuộc thì cái giống ruồi ấy, ngoài số vi trùng nó mang không rõ bao nhiêu, còn di chứng gì cho một xã hội thừa khủng hoảng truyền thông, thiếu triết lý kinh doanh, đậm đặc cảm tính và mù mờ trong chọn lựa?■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận