Sách giáo khoa và tự trị giáo dục

TIM KENNEDY 05/10/2018 02:10 GMT+7

TTCT - Sách giáo khoa ở nhiều nước từ lâu đã không còn là nền tảng tri thức độc quyền trong các trường học nữa, và sự đa dạng nguồn tư liệu học tập với các công cụ trực tuyến và điện tử, nhiều khả năng sẽ là tương lai của giáo dục phổ thông.

Những nền tảng học tập trực tuyến sẽ chỉ ngày càng nhiều hơn, đa dạng hơn, và mạnh mẽ hơn so với sách giáo khoa truyền thống. Ảnh: ncta.com
Những nền tảng học tập trực tuyến sẽ chỉ ngày càng nhiều hơn, đa dạng hơn, và mạnh mẽ hơn so với sách giáo khoa truyền thống. Ảnh: ncta.com

 

Trong tiếng Anh, các doanh nhân khởi nghiệp công nghệ thường thích khoe khoang rằng những phát minh của họ “làm đứt đoạn” các thị trường hiện hữu, không hiệu quả. Các ứng dụng đi xe như Uber và Grab đã “làm đứt đoạn” thị trường taxi truyền thống bằng cách đưa ra dịch vụ rẻ hơn và đáng tin cậy hơn.

Facebook và Google đã “làm đứt đoạn” các thị trường truyền thông ở chỗ giờ họ thu hút hơn 80% chi cho quảng cáo trên tất cả các nền tảng số, chỉ trừ ở Trung Quốc, theo Financial Times. Truyền thông truyền thống như báo in và tạp chí đã rất vất vả mà vẫn không theo kịp.

Sách giáo khoa điện tử

Giờ thì công nghệ có thể đã sẵn sàng để làm đứt đoạn một thị trường truyền thống nữa, lần này là ở các trường học: sách giáo khoa.

Sự thiếu hiệu quả của sách giáo khoa truyền thống thật dễ nhận ra. Chúng đắt đỏ và nặng nề. Trong những môn học mà đề tài liên tục thay đổi như tự nhiên xã hội hay khoa học, chúng có thể trở nên lạc hậu chỉ sau một đêm. Sách giáo khoa đôi khi cũng có những điểm không chính xác, điều không thể sửa chữa nếu không ấn hành nguyên một bộ sách cập nhật mới.

Nội dung sách giáo khoa cũng thường quá chung chung nên không thú vị hoặc không có liên hệ trực tiếp gì với mỗi học sinh trong lớp. Một sách giáo khoa văn học thiết kế cho học sinh ở California chẳng hạn, khó mà hấp dẫn tương tự với các học sinh ở New Zealand, ngay cả khi các em nói cùng một ngôn ngữ.

Những người ủng hộ sách giáo khoa điện tử tuyên bố rằng công nghệ mới này có thể giải quyết mọi vấn đề và còn hơn nữa. Sách giáo khoa điện tử có thể lưu trữ trên mạng và mọi học sinh đều có thể tiếp cận qua điện thoại, máy tính bảng hay máy tính.

Chúng có thể được cập nhật thông tin mới ngay lập tức và có thể nhắm tới các nền văn hóa cụ thể, thậm chí là từng lớp học cụ thể. Trong tương lai, những người ủng hộ nói sách giáo khoa điện tử có thể được điều chỉnh theo yêu cầu nhiều tới mức mọi giáo viên đều có thể sắp xếp giáo án của riêng họ cho các lớp học của mình.

Tuy nhiên, ngay cả ở các nước phát triển cao, sách giáo khoa điện tử vẫn chưa bắt đầu một cuộc cách mạng. Vào năm 2007, Hàn Quốc tuyên bố một kế hoạch số hóa toàn bộ các lớp học ở nước này, bao gồm sách giáo khoa, cho tới năm 2015.

Đến năm 2012, sau sự phản đối từ các giáo viên và những nhà lãnh đạo giáo dục, chính quyền đã phải điều chỉnh kế hoạch của họ. Sách giáo khoa điện tử giờ được dùng ở một số trường học nhưng kết hợp với sách giáo khoa thông thường chứ không thay thế.

Ở Hàn Quốc, những người chỉ trích sách giáo khoa điện tử sợ rằng công nghệ mới sẽ khiến học trò lại càng nghiện điện thoại và các thiết bị điện tử, vốn đã là một vấn đề lớn ở nước này rồi. Văn hóa học thuật ở Hàn Quốc có tính cạnh tranh rất cao; các sinh viên dành phần lớn thời gian ngoài lớp học để học thêm - với giáo viên kèm riêng hoặc ở các trung tâm luyện thi - để dự các kỳ thi tiêu chuẩn ăn thua rất lớn.

Với sách giáo khoa điện tử có thể tiếp cận 24/7, giới lãnh đạo giáo dục lo ngại nguyên một thế hệ các học trò Hàn Quốc giờ sẽ dán mắt vào những màn hình, thay vì trải nghiệm thế giới thực.

Trong khi đó ở Hoa Kỳ, việc áp dụng sách giáo khoa điện tử đã chậm lại chủ yếu vì quan ngại về chi phí. Dù sách giáo khoa điện tử về cơ bản rẻ hơn so với sách truyền thống, nhưng không thể được dùng lại hết năm này qua năm khác như sách giấy. Thay vì thế, các nhà xuất bản sách điện tử thu tiền phí trên mỗi học trò, điều đồng nghĩa mỗi năm sách giáo khoa điện tử phải được ấn hành lại.

Chi phí đặc biệt cao cho các sinh viên đại học ở Mỹ, những người thường phải tự mua lấy sách giáo khoa. Vì sinh viên không có lựa chọn nào khác ngoài việc mua sách theo chỉ thị của các giáo sư - về mặt kinh tế, họ là một thị trường bị khống chế - chi phí đã tăng liên tục theo thời gian.

Sinh viên đại học trung bình ở Mỹ ngày nay chi hơn 1.200 USD mỗi năm cho sách giáo khoa và dụng cụ học tập. Không có sự can thiệp từ chính quyền, sách giáo khoa điện tử khó có khả năng giúp giảm các chi phí này, vì những nhà xuất bản sách giáo khoa không hề có động cơ kiếm được ít tiền hơn.

Chấm dứt dùng sách giáo khoa?

Đối mặt với những chi phí và thách thức này, một số chuyên gia giáo dục đang đặt câu hỏi cực đoan nhất: liệu chúng ta có cần sách giáo khoa - cả giấy lẫn số hóa? Trong thế giới hiện đại, nơi tất cả thông tin mà bạn có thể cần tới trong đời mình nhiều khả năng đều có trên Internet, thì không phải là hợp lý hơn nếu cứ dạy cho học trò cách tự tìm thông tin thôi sao?

Đó là triết lý đằng sau những chương trình như Nền tảng học tập hội tụ (Summit Learning Platform), một chương trình giảng dạy được một mạng lưới trường học ở California khởi tạo dựa trên những bài giảng qua Internet không cần sách giáo khoa.

Nền tảng này tập hợp các nguồn chính từ Internet - các bài báo, bài viết, các đoạn video YouTube, các bài phát thanh... - và sử dụng chúng làm nền tảng cho các bài học của họ. Cách tiếp cận này có những thiếu sót; Internet đầy những thông tin không chính xác và tin tức giả mạo, và học sinh phải được dạy cách phân biệt những nguồn đáng tin với những nguồn không đáng tin. Nhưng những người ủng hộ nền tảng này lập luận phương pháp đó dạy cho học trò cách tự học thay vì đơn giản là ghi nhớ những dữ kiện và con số trong một cuốn sách giáo khoa.

Dù sách giáo khoa điện tử hay các nền tảng học tập trực tuyến có trở nên áp đảo hay không, xu hướng chung trong giáo dục hiện giờ là tách dần khỏi sự chỉ thị từ trên xuống và sự kiểm soát tập trung.

Giáo viên có nhiều công cụ hơn bao giờ hết để thiết kế và triển khai các bài học của riêng họ, dựa trên sách giáo khoa, các nguồn trực tuyến, và tri thức của chính họ để tạo ra trải nghiệm tham gia nơi người học. Ở mức tối đa có thể, các hiệu trưởng và giáo viên - những chuyên gia tương tác hằng ngày với học sinh - phải được trao quyền tự trị để quyết định về sách giáo khoa và học trình. Có lẽ cách tốt nhất để sáng tạo “đứt đoạn” trong giáo dục thực ra rất đơn giản: Hãy để trường học và cộng đồng tự quyết định sử dụng những phương tiện gì.■

CHIÊU VĂN chuyển ngữ

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận