Sai lầm tuổi thiếu niên

LTS: Tiếp tục diễn đàn kỳ này là những câu chuyện được kể từ hai nhà giáo, đã chứng kiến và chiêm nghiệm từ thực tế cuộc sống xung quanh...

Minh họa: Hoàng Phong
Minh họa: Hoàng Phong


Tôi có người bạn rất thân, có thể chia sẻ với nhau nhiều câu chuyện trong cuộc sống. Anh kể tôi nghe về những sai lầm của đời mình, trong đó có một sai lầm ở tuổi thiếu niên đeo đẳng anh suốt cuộc đời dù đã ăn năn. Được anh đồng ý, tôi chia sẻ câu chuyện sau chỉ với một mục đích: Người lớn đừng mắc sai lầm nữa.

Anh là người ham thích đọc sách từ nhỏ. 12 tuổi anh đã đọc tác phẩm Tố Tâm của Song An Hoàng Ngọc Phách. Lòng anh rung động theo từng lời văn mà bây giờ ta gọi là tiểu thuyết ngôn tình. Cha mẹ đều là công chức, học hành khá, nhưng chưa bao giờ đề cập đến vấn đề giới tính dù nhà đông anh em trai gái...

Nhà anh không làm phòng riêng, mấy anh em được đẩy lên tầng gác, phòng ngủ của cha mẹ ngay dưới chân cầu thang. Hằng ngày lên xuống cầu thang, không ít lần hình ảnh thân mật của cha mẹ... lọt vào mắt anh vì phòng đâu có cửa cũng chẳng có rèm che. Anh bảo vừa tò mò, vừa thích thú, vừa sợ...

Rồi anh đã tìm cách... làm thử những hành vi sờ soạng đó với bé gái em của bạn anh. Năm 15 tuổi, anh phạm sai lầm với cô em họ kém anh 4 tuổi ở quê ra chơi. Cô em họ đã kể lại cho mẹ nghe. Thế là anh bị một trận đòn thừa sống thiếu chết...

Anh nói với tôi rằng nếu lúc nhỏ anh không sa vào những câu chuyện tình cảm với những tình tiết mô tả dung tục đầy cám dỗ trên sách và hình ảnh thân mật của cha mẹ không ám ảnh, có lẽ anh đã không làm những hành động bậy như thế.

Từ kinh nghiệm bản thân, khi đã lập gia đình, anh luôn giáo dục về giới tính cho con cái trong nhà rất cẩn thận. Anh dặn dò con trai không nên có cử chỉ quá thân mật với bất kỳ trẻ em gái nào và giải thích vì sao.

Tuyệt đối không để các cháu gần gũi, vui chơi cùng nhau mà không có người lớn trông nom. Cha mẹ cũng không bày tỏ hành vi quá thân mật trước mặt các con. Đối với con gái, anh luôn dặn dò bé cẩn thận trước các hành vi thân mật dù là người quen hay lạ.

Đối với việc được tặng quà như một điều kiện đáp ứng yêu cầu đụng chạm đến thân thể của bất kỳ ai phải tuyệt đối không đồng ý. Mọi việc bé thấy không bình thường nên báo lại cho cha mẹ biết cho dù có bị đe dọa gì nữa. Anh bảo những câu chuyện về sai lầm trong quá khứ của anh rất có thể xảy ra với ai đó vì sự vô ý của người lớn trong chăm sóc con trẻ mà anh là một ví dụ.

Câu chuyện đau lòng khác xảy ra với láng giềng tôi. Mỗi khi bận việc, họ gửi con qua nhà nội gần đó cho người em trai út trông nom. Chẳng biết thế nào mà cháu bé vừa qua trung học cơ sở lại mang thai. Gặng hỏi mãi mới biết chú út là thủ phạm.

Nếu báo với chính quyền thì sợ tai tiếng cho cả hai bên nội ngoại. Chú út mà mắc phải vòng lao lý thì ông bà nội đau khổ. Cuối cùng, gia đình phải cắn răng đưa con đi xa để sinh nở. Chuyện bắt đầu từ việc được nhờ cậy đưa đón cháu đi học và tham gia các hoạt động khác, chú út đưa cháu đến những chỗ vui chơi ngoài phạm vi nhà trường.

Rồi hậu quả xấu xảy ra. Người chú đã bắt đầu bằng việc tặng quà, cho tiền tiêu xài để “thu phục” cháu bé ngây thơ. Sau đó là lợi dụng việc đưa đón đi học đã đưa cháu đến những tụ điểm nhạy cảm để vui chơi. Chuyện xảy ra, người chú dọa không được tiết lộ vì sẽ làm cả nhà tan nát... Quá ngây thơ và sợ hãi, cháu bé đã không kể cho ai cho đến khi sự việc vỡ lở...

Người bạn láng giềng ân hận vô cùng vì quá tin tưởng người thân, không biết cách dạy con, dạy em mình và cũng chẳng bao giờ để ý kiểm tra mối quan hệ chú - cháu xem có gì xảy ra bất thường.

Tai hại hơn, thường ngày khi dạy dỗ những đứa con gái ngây thơ của mình về giới tính bằng cách đe rằng: các con nếu làm mất danh giá gia đình thì chỉ có cái chết mới đền bù được tội lỗi! Khi cháu bị xâm hại, cháu không dám báo cho cha mẹ biết để tìm cách khắc phục hậu quả.

Qua hai câu chuyện thật mà bản thân mình chứng kiến, tôi có thể đưa ra những nhận xét rằng: Gia đình là yếu tố quan trọng nhất cho việc giáo dục những hiểu biết sơ khởi về giới nhưng chúng ta lại thiếu sót trong việc gần gũi, tâm tình, dạy dỗ con cái, nhất là ở nông thôn.

Tâm lý của bậc cha mẹ thường là đề phòng, cảnh giác với người lạ mà quên mất sự gần gũi, thân mật trong mối quan hệ thân thuộc, họ hàng lại dễ nảy ra mầm mống cho việc xâm hại. Quan niệm “người thân trong gia đình không có khả năng làm hại con trẻ” là sai lầm.

Từ “mầm mống” gây họa cho đến khi hậu quả xảy ra, do quan hệ huyết thống trong dòng họ, đa số trường hợp lại chọn phương án “đóng cửa dạy nhau”, không thể “vạch áo cho người xem lưng” đã khiến người phạm tội không bị trừng phạt. Không bị “vạch mặt”, thủ phạm dễ “lờn thuốc”. Tệ hơn, việc không ít người lớn lại đổ cho nạn nhân không biết tự bảo vệ, cho rằng “ngu thì ráng chịu” nên nạn nhân không dám tiết lộ khi bị xâm hại.

Đối với các cháu bé bị xâm hại, gia đình cần phải thông cảm, thương yêu, giúp cháu vượt qua cú sốc đầu đời. Gia đình phải luôn bên cạnh khuyến khích, động viên con mình tham gia các hoạt động xã hội, cho con thấy mặt tích cực của cuộc sống.

Nhà trường hiện nay vì tập trung việc trau dồi kiến thức cho các em nhiều nên bỏ quên hoặc chưa xem trọng việc trao cho các em kỹ năng tự bảo vệ cũng như hiểu biết về giới. Việc cảnh giác trước các nguy cơ bị xâm hại chưa được đánh giá đúng mức. Ảnh hưởng của phim ảnh, thông tin độc hại trên mạng cũng là vấn đề nhức nhối, khó kiểm soát.

Chính vì vậy, đừng bao giờ xem là “còn sớm” để giáo dục các em về giới, về những vấn đề xâm hại tình dục ngay từ nhỏ. Hơn lúc nào hết, nhà trường phải là chỗ dựa cho cha mẹ trong việc giáo dục này vì hiểu biết giới hạn của họ cũng như tâm lý e ngại, xấu hổ khi đề cập những vấn đề này với con cái. Việc hướng dẫn, dạy dỗ không thể đợi đến lúc các em trưởng thành mà phải ngay từ những năm tháng đầu tiên.

Cha mẹ hay nhà trường? Không đùn đẩy trách nhiệm cho nhau, tất cả đều phải học và hành động ngay, đừng đổ cho xã hội.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận