TTCT - Từ bao giờ ta không còn thấy mối quan hệ tốt đẹp giữa cha mẹ học sinh và thầy cô giáo, cũng như nhà trường nói chung, là một sự hiển nhiên nữa? Từ bao giờ, phong bì và quà cáp được nhiều người xem là đã đủ để nuôi dưỡng mối quan hệ ấy? Và từ bao giờ, hội phụ huynh chuyển thành “hội phụ thu”? Từ bao giờ, chuyện giáo viên đánh đập học trò, phụ huynh xông vào lớp học hành hung giáo viên, hai bên bêu rếu nhau trên mạng xã hội, trở thành một thực tế mà chúng ta thấy thường xuyên hơn và dường như đang quen dần?Có thể sẽ có người nói rằng đó chỉ là một gam màu tối trong bức tranh lớn và nhiều màu sắc hơn của nền giáo dục. Nhưng trong những mối quan hệ hệ trọng như giữa thầy và trò, giữa cha mẹ học sinh và nhà trường, chỉ vài trường hợp như kể trên cũng đã là quá nhiều.Tôi muốn nhắc lại một phong trào giáo dục đã xa xưa, Đông kinh nghĩa thục, để tìm câu trả lời. Đông kinh nghĩa thục là một trường tư chỉ tồn tại có 9 tháng (từ tháng 3 đến tháng 11-1907). Trường không thu học phí, giáo viên ban đầu cũng không có lương. Nguồn kinh phí lúc đầu để trường hoạt động đều dựa vào các khoản ủng hộ của những người sáng lập, những nhà hảo tâm yêu nước, và các khoản đóng góp tự nguyện của học sinh.Nhưng theo cụ Lê Đại - một hội viên sáng lập của trường, phụ trách ban tài chính - “Ấy vậy, có lúc nhà trường đứng ra thu tiền ủng hộ không xuể”. Lý do Đông kinh nghĩa thục nhận được sự ủng hộ lớn lao của dân chúng như vậy thật dễ hiểu: do niềm tin đặt vào nhà trường và những người sáng lập. Những người ủng hộ tin vào lý tưởng của nhà trường, vào việc làm và uy tín của thầy cô giáo. Họ coi trọng tri thức và những giá trị tinh thần mà nhà trường đem lại. Lúc bấy giờ, nào ai có hứa hẹn học ra trường thì được bằng này cấp nọ, thành được ông nọ bà kia đâu! Có thể thấy niềm tin vào lý tưởng giáo dục quan trọng đến nhường nào.Ngay cả trong những thập niên nghèo khó và chiến tranh của đất nước trước đây, thầy cô giáo vẫn được xã hội nói chung, phụ huynh nói riêng, đối xử trân trọng. Đó là vì học trò đến trường trước hết là để học làm người. Đương nhiên ai chẳng mong con cái học hành đến nơi đến chốn, sau này thành đạt hay ít ra cũng có được cái nghề nuôi thân, nhưng việc học để thành con người có phẩm giá chưa bao giờ bị xem nhẹ vào những thời đó.Nay thì nhà trường bị thương mại hóa. Tấm bằng mới là mục tiêu tối hậu. Chuyện mua bằng bán điểm rất hiếm khi xảy ra vào thời trước, nay trở thành chuyện không còn làm ai ngạc nhiên. Nếu ai ai cũng lao vào cuộc chạy đua kiếm tiền bằng mọi cách, nhà trường sao có thể miễn nhiễm?Nếu việc học đã được xem là cuộc bán mua, thì nguyên tắc “khách hàng là vua”, “khách hàng bao giờ cũng đúng” sẽ được áp dụng. Mọi mối quan hệ đều được quy ra thành tiền. Vì thế mới có những phụ huynh tự cho mình quyền hành hung thầy cô giáo khi họ không vừa ý. Có thể nói chắc chắn một điều: bất cứ ai coi thầy cô giáo như những người dạy con mình thành nhân, chứ không chỉ thành công, thì không bao giờ có thể đối xử với họ như thế.Ai là nạn nhân trong những mối quan hệ hỏng hóc ấy? Tất cả đều mất. Người “lãnh đủ” chính là học trò. Những con người lẽ ra là thân yêu nhất, là hình mẫu để cho chúng noi theo, để học thế nào là phải trái đúng sai, lại lao vào nhau tranh thua thắng hoặc đặt tất cả lên bàn cân tiền bạc, bộc lộ hết những thứ xấu xí.Chính sách xã hội hóa đã tạo ra những khởi sắc rất đáng kể trong giáo dục, cho phép người dân có nhiều lựa chọn hơn, kích thích các trường đầu tư nhiều hơn cho cơ sở vật chất và chất lượng giáo dục. Đồng tiền không có lỗi, cách chúng ta sử dụng tiền (bao gồm cả tiền ngân sách và tiền đóng góp trực tiếp dưới nhiều hình thức của người dân) mới là vấn đề.Có lẽ cần một cuộc đánh giá toàn diện và sâu rộng về chính sách xã hội hóa giáo dục, đặc biệt là ở cấp học phổ thông, để thấy hết những tác động của nó trên quy mô quốc gia, từ đó mới có thể có những điều chỉnh thích hợp. Làm sao để người dân chung tay góp phần tạo ra nguồn lực cho giáo dục nhưng đồng thời không đẩy giáo dục vào thế thị trường hóa hoàn toàn?Hầu hết các nước đều xem giáo dục phổ thông là lợi ích công, và trách nhiệm chính ở đây thuộc về Nhà nước. Chất lượng giáo dục phổ thông là nền tảng quan trọng nhất trực tiếp quyết định tương lai của một đất nước. Sai lầm trong xây dựng nhân cách những năm đầu đời sẽ rất khó sửa về sau. Rà soát và đánh giá tác động của chính sách xã hội hóa có ý nghĩa rất quan trọng, vì cách chúng ta sử dụng nguồn lực có vai trò quyết định trong việc cổ vũ những giá trị gì và ngăn chặn những hành vi gì.Bài học Đông kinh nghĩa thục và sự sôi động của giáo dục tư nhân hiện giờ cho thấy nguồn lực trong dân không thiếu. Tinh thần sẵn sàng chi tiền cho giáo dục của dân ta thậm chí còn làm người nước ngoài thấy kinh ngạc. Nhưng đổ tiền mua một dịch vụ thì kết quả sẽ rất khác so với việc đóng góp với niềm tin rằng nhà trường mang lại cho con cái chúng ta một cuộc đời có phẩm giá và một tương lai xứng đáng với nỗ lực của nó. ■ Tags: Trường tưXã hội hóa giáo dụcThương mại hóaTrường côngBất hòa trong giáo dụcĐông kinh nghĩa thục
Thủ tướng: 'Chúng ta cứ đấu thầu nhưng cuối cùng quân xanh, quân đỏ, kỷ luật liên tục' THÀNH CHUNG 23/11/2024 Thủ tướng chia sẻ hoạt động doanh nghiệp nhà nước phải theo quy luật thị trường, giá trị, cung cầu và cạnh tranh, không thể can thiệp bằng các biện pháp hành chính.
Đàm Vĩnh Hưng kiện Gerard Williams đòi bồi thường có vô lý? HOÀI PHƯƠNG 23/11/2024 Những ngày qua, vụ việc ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng kiện Gerard Williams - chủ nhà nơi xảy ra tai nạn ở Mỹ, đòi bồi thường thiệt hại khiến nhiều người quan tâm.
Nhiều ngân hàng thu đậm trở lại từ bán chéo bảo hiểm BÌNH KHÁNH 23/11/2024 Nhiều ngân hàng ghi nhận mức tăng trưởng tốt trở lại ở mảng kinh doanh và dịch vụ bảo hiểm. Đây là tín hiệu tích cực trở lại đối với kênh bancassurance (bán chéo bảo hiểm qua ngân hàng) sau thời gian gặp nhiều khó khăn.
Phó tổng thống Philippines: Đã bố trí người ám sát Tổng thống Marcos THANH BÌNH 23/11/2024 Phó tổng thống Philippines đã chỉ thị sát thủ giết chết vợ chồng Tổng thống Marcos và chủ tịch Hạ viện Philippines trong trường hợp bà bị sát hại.