TTCT - Singapore tự hào là một xã hội đa sắc tộc, ngôn ngữ và văn hóa, cũng là điểm mạnh then chốt giúp đảo quốc này vươn mình trở thành nền kinh tế hiện đại bậc nhất thế giới. Nhưng cùng với quá trình hiện đại hóa, tiếng Anh đang ngày càng trở nên lấn át một cách đáng ngại... Nur Asyikin Naser có ba người con và cô thường tận dụng thời gian lái xe đưa chúng tới trường để dạy chúng tiếng mẹ đẻ bằng cách bật sách nói tiếng Malay.Singapore là xã hội đa văn hóa và ngôn ngữ. Ảnh: MediumỞ nhà, Asyikin, giáo viên cấp II 35 tuổi dạy tiếng Malay ở trường công lập Singapore, còn cho con xem truyện và phim tiếng Malay cho trẻ tuổi 4-9. Cô cũng khuyến khích hai đứa lớn đang cấp một tập viết bằng cả hai thứ tiếng và viết thiệp ngắn bằng tiếng Malay để gửi ông bà. Gần đây cô kết nối với gần 100 bà mẹ trên WhatsApp để kiếm bạn viết thư cho con mình. "Trên Facebook, có người mẹ phàn nàn con gái viết tiếng Malay rất thảm họa nên gợi ý lập nhóm để bọn trẻ viết thư với nhau. Giờ thành thói quen vì nhiều người hưởng ứng", cô Asyikin nói với tờ Today.Khó dạy trẻ tiếng mẹ đẻTrong khi cô thành công với việc tạo tình yêu tiếng mẹ đẻ cho con, mục tiêu tương tự với "bọn trẻ còn lại" của cô - những học sinh cô đang dạy tiếng Malay - khó khăn hơn nhiều. Cô nói nhiều học sinh không thể nói/viết thành câu bằng tiếng Malay do ít được thực hành ngoài lớp học.Với Roystonn Loh, ông bố 35 tuổi làm nghề marketing, ba đứa con từ 2-7 tuổi của anh thường rất hờ hững mỗi khi người nhà cố tình nói với chúng bằng tiếng Hoa quan thoại. Cuối cùng thì ở nhà Loh, tiếng Anh vẫn là ngôn ngữ chính."Chỗ làm thì nói tiếng Anh nên chuyển và giữ song ngữ là khó. Trẻ con thì về căn bản là phản chiếu của bạn", anh nói. Với tiếng Anh là ngôn ngữ chính ở trường nhiều thập niên qua, con anh Loh thuộc thế hệ trẻ không còn thuần thục tiếng mẹ đẻ mà thoải mái dùng tiếng Anh hơn ngày càng đông đảo ở Singapore, vốn là một quốc gia đa sắc tộc và ngôn ngữ.Nghiên cứu năm 2020 của Viện Chính sách IPS về giới, tôn giáo và ngôn ngữ cho thấy 61% phụ huynh Singapore tầm tuổi 26-35 sử dụng tiếng Anh thường xuyên nhất với con cái. Con số này với phụ huynh tầm 56-65 tuổi là 45%.Việc sử dụng tiếng Anh thường xuyên ở nhà diễn ra cùng lúc với việc nhiều người Singapore gốc Hoa và Ấn cảm giác gắn với tiếng Anh hơn tiếng mẹ đẻ hoặc ngôn ngữ truyền thống. Dùng tiếng Anh như "ngôn ngữ ở nhà" có thể chỉ bởi tiện lợi với lứa bố mẹ và ông bà ở Singapore hiện giờ, theo tiến sĩ Goh Hock Huan - chuyên gia giáo dục ở Trung tâm nghiên cứu sư phạm và thực hành tại Viện Giáo dục quốc gia (NIE). Một số thiếu tự tin khi sử dụng tiếng mẹ đẻ và các gia đình đa sắc tộc cũng thường sử dụng tiếng Anh hơn.Ảnh: KLookÍt động lực để họcChính sách tiếng mẹ đẻ ở trường (chọn cho trẻ một tiếng mẹ đẻ dựa trên sắc tộc bên cạnh tiếng Anh) cũng tác động tới thái độ của trẻ với việc học, theo phó giáo sư Susan Xu Yun của Đại học Xã hội Singapore (SUSS). Có ba tiếng mẹ đẻ chính thức ở nước này là tiếng Hoa, Malay và Tamil. "Với những đứa trẻ này, tiếng mẹ đẻ không được bố mẹ, ông bà nói ở nhà chỉ đơn thuần là một môn trong 12 năm học chính thức - theo phó giáo sư Xu - Không có động lực, thực hành và trải nghiệm, mức độ thuần thục ngôn ngữ qua chương trình học sẽ hạn chế".Sinh viên Liow Wan Yu, 21 tuổi, thuần thục tiếng Hoa nhưng ít cơ hội nói với bạn, những người chủ yếu xuất thân từ các gia đình thường nói tiếng Anh. "Phải nói tiếng Hoa ở nhà giúp rất nhiều. Tôi nghĩ khi tiếng Hoa không còn là môn kiểm tra ở trường, đó cũng là khi hầu hết bạn bè tôi mất dần mối liên hệ với ngôn ngữ này", Liow nói.Với Loh và vợ, kỹ năng tiếng Hoa thuần thục không được quan tâm lắm cho tới khi anh nhận ra khoảng cách lớn giữa khả năng ngôn ngữ của con gái mình và yêu cầu ở trường cấp I. Mối quan tâm về khả năng ngôn ngữ của con cái vẫn "thuần là học hành", khi anh thoải mái chia sẻ về văn hóa và truyền thống người Hoa với con bằng tiếng Anh. Nhưng nhiều người khác lo ngại hơn: với họ, tiếng mẹ đẻ ở nhà giúp gắn kết văn hóa và truyền thống.Với Asyikin, cô thấy trẻ thường sai những từ thuộc dạng kính ngữ khi nói chuyện với giáo viên hay người lớn tuổi. "Với tôi, đó không chỉ là ngôn ngữ mà còn là căn tính. Khi ta nói tiếng mẹ đẻ, có những giá trị như sự kính trọng, lịch sự, thể hiện trong đó", cô nói. Tiến sĩ Goh từ NIE đồng ý, ông nói ngôn ngữ truyền tải "giá trị văn hóa".Ngôn ngữ: Chìa khóa thế giới quan mớiTrong khi văn hóa và truyền thống có thể "không bị ràng buộc bởi ngôn ngữ", mỗi ngôn ngữ lại mở thêm một thế giới quan cho người biết, theo phó giáo sư ngôn ngữ Tan Ying Ying - Đại học Nanyang. Bà chỉ ra những lợi ích khác của việc giỏi tiếng mẹ đẻ như gắn kết với những thế hệ lớn tuổi hơn.Tính đa ngôn ngữ của xã hội Singapore đang mai một khi tiếng Anh ngày càng áp đảo. Ảnh: Catalyst PlanetVới bé Shreya Archita, 14 tuổi, có tiếng mẹ đẻ là Bengal đồng nghĩa phải dậy sớm sáng thứ bảy đi học, do ở trường chỉ dạy tiếng Tamil. Nhưng cô bé luôn trông chờ lớp học này sau khi giành được những giải như người cao điểm nhất tiếng Bengal từ lớp 6. Ngoài điểm số, cô bé hằng tối vẫn chat được bằng tiếng Bengal với ông, người đang sống ở Kolkata, Ấn Độ - giúp bé có động lực học ngôn ngữ hơn. "Nói tiếng Bengal giúp em kết nối với gia đình và hiểu rõ hơn nguồn gốc. Em cần học tiếng Anh vì nó quan trọng phổ quát nhưng với tiếng Bengal, nó đặc biệt. Em cảm thấy tự hào", bé Shreya nói.Với hệ thống song ngữ nghiêng nhiều về tiếng Anh, chính quyền Singapore đang cố gắng cân bằng để việc học tiếng mẹ đẻ dễ tiếp cận hơn. Năm ngoái, Bộ trưởng Giáo dục Chan Chun Sing công bố giáo trình dạy tiếng mẹ đẻ mới gồm nhiều game và công nghệ hơn. Dù vậy, bộ vẫn nhấn mạnh vai trò quan trọng của bố mẹ như là "người thầy đầu tiên" của trẻ trong đời, đóng vai trò lớn định hình thái độ và góc nhìn của trẻ với ngôn ngữ.Cô Archita Biswas đã xây dựng tình yêu của con gái Shreya với tiếng Bengal bằng việc chia sẻ truyện cổ tích vào bữa ăn. Ngoài việc giúp con thích văn học Bengal truyền thống, cô Archita còn nghĩ ra những câu chuyện giúp Sherya chìm đắm được vào thế giới ngôn ngữ tiếng mẹ đẻ. Chồng cô, anh Vedha Giri, vốn chỉ nói tiếng Tamil, dùng Google dịch và các kiến thức tiếng Ấn Độ khác để giúp Shreya làm bài tập. Kể chuyện cũng là cách mà cô Ksther Lim, 46 tuổi, giới thiệu ngôn ngữ và văn hóa cho cậu con trai 15 tuổi, về Trung thu và năm mới theo âm lịch của người Hoa chẳng hạn. Theo cô thì nên giúp con trở thành người nói tiếng Hoa "hiệu quả" hơn là cố bắt con phải nhuần nhuyễn - điều này giúp đứa trẻ hiểu tầm quan trọng của việc gắn kết với ngôn ngữ.Với cô Marsya Ruzana Aw, gia đình đa ngôn ngữ nhiều khi khiến họ thường nói tiếng Anh tại nhà, do "đây là ngôn ngữ chung nhất". Khi trưởng thành, cô gái 27 tuổi nói chuyện bằng tiếng Hoa với ông bà nội nhưng lại nói tiếng Malay với họ hàng bên ngoại. "Thách thức giờ là thuyết phục con tôi về lợi ích của việc biết thêm ngôn ngữ. Dù ông bà nói tiếng Hoa, việc đưa ngôn ngữ này vào cuộc sống hằng ngày khó hơn" - theo cô Marsya, người lấy chồng Malay và có hai trẻ 3 và 4 tuổi. Cô cũng muốn con mình học tiếng Hoa để "thêm cơ hội" khi vào trường.Tiến sĩ Tan của Nanyang không ngạc nhiên khi giới trẻ giờ thờ ơ với tiếng mẹ đẻ hay là ở Singapore, mọi người thấy gắn với tiếng Anh hơn. Những người chỉ nói một ngôn ngữ là tiếng Anh có thể cảm thấy họ chẳng mất mát gì vì giống như nhiều nơi khác, tiếng Anh rất được coi trọng ở Singapore và người ta có thể bị đánh giá vì tiếng Anh giỏi hay kém chứ ít ai đánh giá tiếng Hoa, Tamil, hay Bengal."Tôi hoàn toàn hiểu bọn trẻ ngày nay khi các em thấy tiếng Anh giỏi là quá ổn, vì các em có bạn bè đa dạng về xuất thân, chủng tộc và tất cả các em nói tiếng Anh với nhau và ngay cả như vậy cũng là góp phần xây dựng bản sắc quốc gia", tiến sĩ Tan nói. Tuy nhiên, bà cũng cảnh báo rằng lối tư duy đó sẽ đưa Singapore vào "con đường chỉ còn một ngôn ngữ" và sự đa dạng ngôn ngữ sẽ mất đi. "Nếu chúng ta tin ý tưởng ngôn ngữ là nơi lưu giữ văn hóa, thì mọi mất mát về ngôn ngữ đều là mất mát về văn hóa - bà nói - Nếu bạn có ba ngôn ngữ khác nhau, bạn có thể nhìn thấy ba thế giới khác nhau. Nếu chỉ có một, chúng ta chỉ có một góc nhìn đơn lẻ".■ Tiến sĩ Sun Baoqi, chuyên gia giáo dục tại NIE về phát triển trẻ em, nói nghiên cứu cho thấy sử dụng tiếng mẹ đẻ ở nhà và có bố mẹ giúp trẻ làm bài tập bằng tiếng mẹ đẻ có tác dụng tích cực với động lực học của trẻ. Theo nghiên cứu này, việc học tiếng mẹ đẻ ở trường ngược lại không tạo động lực nhiều. Tags: SingaporeHọc tiếng AnhChuyên gia giáo dụcChương trình họcNgôn ngữ
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo ông Vương Đình Huệ THEO WEBSITE ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM 21/11/2024 Ngày 20-11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm.
Metro số 1 chạy chính thức ngày 22-12 CHÂU TUẤN 21/11/2024 Những công việc còn lại của dự án đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên (metro số 1) đang được các bên liên quan tập trung hoàn thiện. Dự kiến ngày 22-12, tuyến tàu điện này sẽ 'lăn bánh' chạy thương mại.
Phát hiện gần 150 bộ hài cốt giữa trung tâm Hà Nội khi cải tạo hệ thống thoát nước PHẠM TUẤN 21/11/2024 Trong quá trình cải tạo hệ thống thoát nước trên phố Tây Sơn (Đống Đa, Hà Nội), các công nhân đã phát hiện gần 150 bộ hài cốt có độ sâu gần 1 mét so với mặt đường.
Lần đầu lộ diện, con gái tỉ phú Nguyễn Đăng Quang bỏ 600 tỉ mua cổ phiếu Masan BÌNH KHÁNH 21/11/2024 Đăng ký mua 10 triệu cổ phần, song bà Nguyễn Yến Linh - con gái chủ tịch Tập đoàn Masan - chỉ mua được gần 8,5 triệu do "không đạt được thỏa thuận".