Snackfishing: Tình nguyện chờ 'ăn dưa bở'

THANH NHI 19/01/2025 15:04 GMT+7

TTCT - Giữa thế giới thật giả lẫn lộn, việc cho phép mình thả lỏng để thư giãn với những hình ảnh "chắc chắn là giả" lại mang đến niềm vui bé nhỏ...

Người mê ăn uống đôi lúc mơ về sản phẩm kết hợp giữa các thương hiệu 'ruột' với nhau, chẳng hạn ước gì có KitKat có vị Nestcafe hay khoai tây chiên Pringles hương marshmallow. Còn gì sung sướng hơn khi có người đứng ra trực quan hóa những ý tưởng đó. Biết xạo mà vẫn vui.

Snackfishing: tình nguyện chờ 'ăn dưa bở' - Ảnh 1.

Tiếng Anh có từ catfish để chỉ hành vi lừa đảo trực tuyến bằng việc tạo ra danh tính giả trên mạng xã hội hay ứng dụng hẹn hò. Lấy cảm hứng từ đó, snackfish là từ chỉ các món ăn không có thật - chủ yếu là đồ ăn vặt (snack) - được tạo ra từ phần mềm chỉnh sửa như Photoshop hay một chút khéo léo thủ công, nhằm "đánh lừa" người xem rằng nhãn hàng liên quan vừa tung ra sản phẩm độc lạ.

Xu hướng này phổ biến từ khi những hình ảnh chai tương cà Henz trong suốt hay mứt Nutella lấp lánh xuất hiện trên tài khoản Instagram UK Snack Attack của Benji, một nhà phân tích dữ liệu sống ở London. 

Trong đoạn video về "sản phẩm mới" Tomato Ketchup Clear tháng 11-2023, Benji cầm chai Heinz chứa tương cà trong suốt từ kệ siêu thị với giọng ngạc nhiên: "Bạn không thể tin tôi đã tìm thấy thứ gì hôm nay đâu!" trên nền nhạc Giáng sinh, thu hút hơn 113 triệu lượt xem. Đoạn phim ngắn chưa đầy 30 giây gây "bão bình luận" về một sản phẩm vốn chỉ được tạo ra từ dung dịch gội đầu trong suốt, một chai rỗng và một cái nhãn tên tự in.

Tính đến hết năm 2024, tài khoản UK Snack Attack đã có 1.360 bài viết, toàn bộ là các sản phẩm snackfishing do Benji sáng tạo - mới nhất là nến thơm có hương kẹo sô cô la trứ danh Ferroro Rocher nhân mùa Giáng sinh, sô cô la phết có vị bia Guinness, rồi Coke ăn kiêng dưa leo muối chua... Mọi thiết kế đều bắt mắt và trông thuyết phục như thật.

Khi còn là sinh viên, Benji đã "lùng sục" Fanta nhập khẩu có vị hiếm gặp và sau đó làm những "nghi lễ" ăn mừng để nếm thử cùng bạn bè. Dần dần, anh trở nên ám ảnh với những món ăn độc lạ và đến tận các cửa hàng chụp ảnh chúng, đăng trên tài khoản riêng. 

Nhưng đại dịch COVID-19 và những ngày "giãn cách xã hội" khiến việc ra ngoài mua sản phẩm độc lạ khó khăn, đã mang đến cho anh ý tưởng mới: tự tạo ra những sản phẩm "không đụng hàng" và làm giả nhãn sản phẩm bằng phần mềm chỉnh sửa. Anh còn dàn dựng luôn cảnh mua chúng ở cửa hàng để thêm phần chân thật. Đây vừa là thú vui nhằm thư giãn sau thời gian làm việc, vừa nhằm "đánh lừa cư dân mạng" - Benji thừa nhận với tạp chí Wired.

Lúc đầu, Benji không nói gì về việc sản phẩm là thật hay không. Cho đến một ngày, một công ty có sản phẩm được Benji "phù phép" nhắn tin năn nỉ anh làm ơn nói rõ sản phẩm đó là không có thật, vì người ta hỏi mua quá trời, anh mới nghĩ ra từ snackfish. Về sau này, mọi bài đăng của Benji đều ghi rõ "CÁI NÀY KHÔNG CÓ THẬT", nhưng điều đó cũng không ngăn dân mạng "còm" hỏi mua.

Snackfishing: tình nguyện chờ 'ăn dưa bở' - Ảnh 2.

Điều gì khiến những sản phẩm "giả như thật" này mang lại sức hút như vậy? Như phần bình luận dưới bài đăng hơn 12.000 lượt yêu thích cho chai Coke muối chua, một bình luận cho hay "Anh bạn trai cũ từ Mỹ của tôi hẳn sẽ rất thích..." hay với thanh sô cô la vị chanh của Kinder Bueno, có một bình luận nói lên tiếng lòng rằng "...lúc đầu tôi cảm thấy kinh tởm, nhưng bây giờ đây là tất cả những gì tôi muốn...".

Gần 220.000 người đang theo dõi tài khoản của Benji dù họ biết đây chỉ là những sản phẩm snackfishing. Có vẻ những ý tưởng tưởng chừng "điên rồ" của Benji, theo một cách nào đó lại làm hài lòng một số người tiêu dùng có sở thích khác biệt, hoặc vô tình hiện thực hóa - đúng hơn là hình ảnh hóa - mong muốn thầm kín của họ bấy lâu.

Giữa thế giới thật giả lẫn lộn, việc cho phép mình thả lỏng để thư giãn với những hình ảnh "chắc chắn là giả" lại mang đến niềm vui bé nhỏ khác. Cũng nhờ đó, những người lướt mạng lại tìm thấy thêm một sản phẩm đúng gu mà họ chưa hề nghĩ tới. 

Nói cho cùng, lằn ranh giữa tồn tại hay không tồn tại này thật mong manh. Những sản phẩm hôm nay không tồn tại, chưa chắc gì ngày mai lại không xuất hiện trên một kệ hàng siêu thị nào đó. Quả tình, bánh Oreo vị gừng hay Yakult vị đào - như Benji "đề xuất" - nào phải ý tưởng tồi?

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận