Sóng gió trong làng điền kinh thế giới

ĐOÀN DỰ 08/09/2015 02:09 GMT+7

TTCT- Đối với Liên đoàn Điền kinh thế giới (IAAF), tháng 8 là tháng quan trọng nhất trong năm 2015 với hai sự kiện: bầu cử chủ tịch IAAF và giải VĐTG (tại Bắc Kinh từ ngày 22 đến 30). Tuy nhiên, có một sự kiện mà IAAF hoàn toàn không lường trước đang làm chao đảo tổ chức này.

Thế giới đang chờ đợi báo cáo của Ủy ban điều tra do cựu chủ tịch Dick Pound của WADA chỉ huy . Ảnh Competitor.com

Kênh truyền hình ARD, trong một phim tài liệu phát sóng vào tối 1-8 và The Sunday Times trên số báo ngày 2-8, tiết lộ về một nghi vấn doping dính líu đến rất nhiều VĐV điền kinh. Cả hai cho biết đã có được 12.000 kết quả xét nghiệm máu do IAAF thu thập của khoảng 5.000 VĐV điền kinh trong khoảng thời gian từ năm 2001-2012.

Kết quả thử nghiệm: nhiều thông số đáng ngờ

Sau khi nhờ hai chuyên gia xét nghiệm chống doping người Úc Michael Ashenden và Robin Parisotto phân tích các kết quả thử nghiệm này, ARD và The Sunday Times đưa ra những con số làm rúng động giới điền kinh:

hơn 800 VĐV có kết quả thử nghiệm gây ngờ vực về khả năng doping bằng máu (xem box); khoảng 1/3 số VĐV điền kinh đoạt huy chương ở các cự ly trung bình và dài (kể cả marathon) ở các Olympic và các giải VĐTG trong khoảng thời gian năm 2001-2012 có những kết quả thử nghiệm đáng ngờ. Đứng đầu là Nga với 80% VĐV đoạt huy chương ở các cuộc tranh tài nói trên có kết quả thử nghiệm đáng ngờ, thứ nhì là Kenya với 18 VĐV.

Trong cuốn phim tài liệu của ARD, chuyên gia xét nghiệm Michael Ashenden cho biết: “Dựa vào giá trị của những thông số, rõ ràng là các cự ly trung bình và dài ở các giải VĐTG và Olympic đã bị chi phối bởi doping bằng máu.

Có những kết quả cho thông số gây ngờ vực rất lớn, lớn đến mức độ trở thành các trường hợp tệ hại nhất mà tôi từng thấy”. Ông tin rằng nạn doping trong điền kinh hiện nay phổ biến rất mạnh mẽ, giống như ở môn xe đạp cách nay 20 năm.

Robin Parisotto, vốn là thành viên của Ủy ban kiểm soát hộ chiếu sinh học của Liên đoàn Xe đạp thế giới, cũng có ý kiến tương tự: “Thành thực mà nói, tôi chưa bao giờ thấy những thông số máu có giá trị cực lớn như vậy. Trong quá khứ, có một vài VĐV ở những môn thể thao khác có các thông số giống như vậy. Tuy nhiên, khi có rất nhiều VĐV cùng có những thông số máu rất lớn, điều đó không chỉ gây ngờ vực mà còn gây ngờ vực ở mức độ tột đỉnh”.

IAAF phản bác

Nếu tin vào những tiết lộ và giả định của ARD và The Sunday Times, người ta có thể nghĩ đến khả năng IAAF che giấu các trường hợp doping mà lẽ ra họ phải phát hiện trong ngần ấy năm. Vì vậy, không có gì đáng ngạc nhiên khi lãnh đạo IAAF đều phản bác sự ngờ vực của ARD và The Sunday Times.

Ông Lamine Diack (vừa kết thúc nhiệm kỳ cuối của ông trên vai trò chủ tịch IAAF ngày 19-8) nói với tờ L’Équipe (Pháp) rằng ngờ vực là điều không thể loại trừ trong các cuộc xét nghiệm máu chống doping, nhưng không phải sự ngờ vực nào cũng dẫn đến kết luận dương tính.

Từ năm 2009, việc xét nghiệm luôn có sự tham gia của ba chuyên viên thuộc ba đơn vị khác nhau. Sau khi phân tích một cách độc lập các mẫu thử vô danh, họ phải đi đến cùng một kết luận, nếu có một trường hợp bất thường. Khi một trong ba chuyên viên có ý kiến khác với hai người còn lại, trường hợp đó sẽ được bỏ qua. Vì vậy, Diack cho biết ông không lo lắng gì về những tiết lộ của ARD và The Sunday Times.

Trong khi đó, Sebastian Coe (cựu VĐV người Anh từng đoạt hai HCV ở các Olymic 1980 và 1984, vừa đắc cử chức chủ tịch IAAF vào ngày 19-8) lên tiếng bênh vực điền kinh bằng những lời lẽ quyết liệt và dứt khoát. Ông nói với Hãng tin AP: “Đây là lời tuyên chiến đối với môn thể thao của tôi. Tôi phản đối kịch liệt giả định này. Đối với tôi, đây là một thời điểm rất quan trọng...

Việc sử dụng những dữ liệu mà họ có được bằng cách nào đó cho thấy sự thiếu hiểu biết đến bất ngờ, hoặc sự ác ý cao độ xung quanh những dữ liệu mà bạn không thể suy diễn xa hơn”.

Giữa cuộc tranh cãi này, Tổ chức chống doping thế giới (WADA) cho biết họ không muốn có ý kiến trong khi chờ đợi báo cáo của ủy ban điều tra do họ thành lập hồi cuối năm 2014.

Số là vào thời điểm đó, sau khi kênh truyền hình ARD phát đi một cuốn phim tư liệu về doping trong làng điền kinh Nga, WADA đã thành lập một ủy ban độc lập để điều tra về những gian dối có thể xảy ra trong quá trình lấy mẫu thử, trong việc xử lý các kết quả xét nghiệm và để phát hiện những phương pháp không hiệu quả trong cuộc chiến chống doping.

Các đối tượng điều tra của ủy ban này là IAAF, VĐV, HLV, bác sĩ và chuyên gia săn sóc Nga. Ủy ban cũng được quyền điều tra phòng thí nghiệm chống doping ở Matxcơva và tổ chức chống doping của Nga.

Biện pháp chống doping không hiệu quả

Theo dự kiến ban đầu, Ủy ban điều tra sẽ báo cáo kết quả với WADA vào cuối năm nay. Trong khi chờ đợi kết quả, người ta hiểu rằng tất cả đều có thể xảy ra. Tuy nhiên, một cách khách quan, khó tin rằng IAAF cố tình che giấu các kết quả xét nghiệm dương tính.

Trong những năm qua, IAAF không có dấu hiệu khoan nhượng với các trường hợp doping mà họ tìm thấy được. Chẳng hạn như trường hợp nữ VĐV Thổ Nhĩ Kỳ Asli Cakir Alptekin từng đoạt HCV ở nội dung 1.500m tại Olympic London 2012.

So sánh các mẫu thử máu với các thông số trong hộ chiếu sinh học của Alptekin, IAAF xác định cô đã doping bằng máu trong khoảng thời gian từ ngày 29-7-2010 cho đến 17-10-2012. Dù vậy, Liên đoàn Điền kinh Thổ Nhĩ Kỳ bênh vực Alptekin và quyết định “tha bổng” cô vào tháng 12-2013.

Không hài lòng với quyết định này, IAAF khiếu nại sự việc lên Tòa án thể thao quốc tế (CAS). Mới đây, ngày 16-8, CAS thông báo Alptekin, sau khi thỏa thuận với IAAF, đồng ý hủy bỏ các kết quả thi đấu của cô từ ngày 29-7-2010, trong đó có những kết quả giúp cô đoạt HCV Olympic London và chiến thắng ở Giải vô địch điền kinh châu Âu 2012. Cô cũng chấp nhận bị treo giò tám năm vì đã doping bằng máu.

Vì vậy, khả năng lớn nhất trong vụ xìcăngđan từ những tiết lộ của ARD và The Sunday Times là các biện pháp chống doping của IAAF không hiệu quả. Xem trọng chiến thắng hơn sự trung thực, một số HLV và VĐV luôn tìm mọi cách qua mặt các chuyên viên chống doping. Điển hình là trường hợp HLV Alberto Salazar của Mo Farah, VĐV người Anh đoạt hai HCV ở Olympic London.

Trước khi nói thêm về vị HLV người Mỹ gốc Cuba này, những người hâm mộ Mo Farah cần lưu ý rằng tên anh không có trong danh sách các VĐV bị nghi ngờ trong cuộc điều tra của ARD và The Sunday Times.

Salazar luôn phủ nhận việc giúp các VĐV doping, nhưng thừa nhận hồi tháng 6 rằng ông đã thử nghiệm chất bị cấm steroid testosterone trên một vài đối tượng (người ta cho là các con trai của ông) để xem đến chừng nào các VĐV không bị xét nghiệm dương tính sau khi sử dụng chất này.

Dĩ nhiên Salazar cho biết thử nghiệm này nhằm để tránh cho các VĐV bị xét nghiệm dương tính trong trường hợp họ vô tình đưa steroid testosterone vào cơ thể khi bôi kem, chứ không phải để cố tình lừa dối các chuyên viên xét nghiệm chống doping.

Dù sao, người hâm mộ vẫn có thể tiếp tục duy trì niềm tin vào môn điền kinh, bất chấp báo cáo vào cuối năm nay của Ủy ban điều tra thuộc WADA như thế nào. Bởi ngôi sao sáng nhất của điền kinh thế giới từ năm 2008 không có tên trong danh sách nghi ngờ của ARD và The Sunday Times. Đó là “tia chớp” Usain Bolt - VĐV đang giữ kỷ lục thế giới ở hai nội dung 100m và 200m. Thật đáng mừng!■

Doping máu là gì?

Doping máu là làm tăng lượng hồng huyết cầu trong máu bằng những phương pháp không hợp lệ để giúp VĐV lập thành tích cao. Càng có nhiều hồng huyết cầu mang oxygen đến phổi và các cơ, sức bền của các VĐV càng cao. Có nhiều cách để doping máu. Các VĐV có thể sử dụng các chất bị cấm như EPO hoặc các chất tổng hợp có khả năng làm tăng sự chuyển tải oxygen trong máu. Các VĐV cũng có thể doping máu bằng cách truyền máu của chính họ. Vài tuần trước khi thi đấu, các VĐV trích ra một lượng máu từ cơ thể của họ rồi lưu trữ trong tủ lạnh. Vài ngày trước khi thi đấu, VĐV truyền lượng máu này trở lại cơ thể để làm tăng sức chịu đựng trong các cuộc tranh tài.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận