Sống trong "thế giới phẳng 2.0"

MINH NHIÊN 18/11/2012 00:11 GMT+7

TTCT - Ở Mỹ ai sẽ chi trả cho các biện pháp tránh thai? Liệu quỷ sa tăng có xuất hiện ở Mỹ? Tổng thống Obama có phải là một người Kenya bí mật... chống chủ nghĩa thực dân không?

Những câu hỏi tưởng ngớ ngẩn, vậy mà từng gây tranh cãi trong cuộc tranh cử tổng thống Mỹ vừa qua, theo hai đồng tác giả quyển sách That used to be us (*).

Vì sao?

Phóng to

Hai đồng tác giả Thomas Friedman và Michael Mandelbaum đã dẫn lời Tổng thống Obama (phát biểu ngày 3-11-2010) để khẳng định một thực tế hiển nhiên là nước Mỹ đang bị bỏ lại phía sau. “Người Mỹ chúng ta không quan tâm Trung Quốc có hệ thống đường sắt tốt hơn, Singapore có những sân bay tốt hơn. Và rồi chúng ta chợt nhận thấy chiếc siêu máy tính nhanh nhất thế giới hiện nay lại thuộc về Trung Quốc - vị trí bá chủ từng là của chúng ta” ...

Vì sao, thay vì phải “đi trước các quốc gia khác 20 năm” như đã từng, thì nay nước Mỹ bị “tụt hậu 20 năm”?

Bốn nguyên nhân

“Toàn cầu hóa kết hợp với công nghệ cuối cùng sẽ đụng chạm đến tất cả mọi người. Chúng mạnh hơn nhiều so với bất cứ cá nhân riêng lẻ nào. Chúng rất tàn bạo, vô nhân tính và không ai có thể né tránh được... Tất cả chúng ta có nhiệm vụ phải hiểu hai xu hướng này đang ảnh hưởng lên cuộc sống... như thế nào và chúng ta - mỗi cá nhân và quốc gia - phải làm gì để khai thác chúng chứ không bị chúng cuốn đi”. (Từng là bá chủ, trang 73)

Trong quyển sách, hai tác giả đưa ra bốn nguyên nhân khiến nước Mỹ lâm vào cuộc suy thoái : một chính sách công thiếu nhạy bén, lúng túng và chia rẽ; thất bại trong việc giải quyết những vấn đề lớn nhất là giáo dục, thâm hụt ngân sách, nợ quốc gia, năng lượng và biến đổi khí hậu; bỏ quên những công thức truyền thống từng giúp nước Mỹ làm nên những điều vĩ đại; và cuối cùng là một hệ thống chính trị tê liệt với những hệ thống giá trị xói mòn.

Cùng lúc, hai đồng tác giả đã chỉ ra sự tiến bộ của Trung Quốc khi đưa 10 triệu dân thoát khỏi đói nghèo, hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế… Nhưng như họ nhận định, để duy trì vị thế cường quốc của Mỹ, lựa chọn đúng đắn là “không nên trở thành giống Trung Quốc” mà “nên là chính mình”. Bởi theo hai tác giả, Trung Quốc đã thu được 90% tiềm năng từ hệ thống chính trị toàn trị của họ, trong khi người Mỹ chỉ mới thu được 50% lợi ích tiềm năng của hệ thống chính trị dân chủ. Vấn đề nằm ở chính bản thân nước Mỹ!

Những “người Mỹ mới” cạnh tranh với người Mỹ trên chính đất Mỹ

Hai đồng tác giả đã đúc kết từ lịch sử Mỹ “một công thức thành công của hợp tác giữa khu vực công và khu vực tư để thúc đẩy kinh tế phát triển”. Nó có năm trụ cột: ngày càng có nhiều người được tiếp cận với giáo dục; xây dựng và liên tục hiện đại hóa cơ sở hạ tầng; mở rộng cửa với người nhập cư để thu được những trí tuệ xuất sắc nhất; hỗ trợ của chính phủ đối với nghiên cứu và triển khai khoa học cơ bản; và cuối cùng là quản lý hoạt động khối kinh tế tư nhân để ngăn chặn những sụp đổ về tài chính.

Thế nhưng theo thời gian, những cuộc tranh cãi chính trị Mỹ đã đi quá xa khỏi công thức này. Trong khi đó, con tàu thế giới đang lao nhanh về phía trước, với những tiến bộ vượt bậc của công nghệ khiến chính Thomas Friedman phải thừa nhận rằng chỉ sáu năm sau khi quyển sách Thế giới phẳng của ông ra đời (2005), nhân loại đang chứng kiến một thế giới phẳng hơn mà ông gọi là “Thế giới phẳng 2.0”, thế giới “siêu kết nối”.

Toàn cầu hóa đã mở cánh cửa cho 2 tỉ người để họ có được cuộc sống như chính người Mỹ. 2 tỉ người đi theo kinh tế thị trường. Vô hình trung, toàn cầu hóa tạo ra những “người Mỹ mới” có khả năng cạnh tranh vốn và việc làm với người Mỹ trên chính nước Mỹ. Thế giới mới đó đặt ra vô số thách thức, từ giáo dục tới thị trường việc làm, từ chủ thuê lao động tới công nhân cổ trắng lẫn cổ xanh. Một thế giới không có chỗ cho những “người bình thường” xuất thân từ những nền giáo dục thiếu sáng tạo và chất lượng kém.

That used to be us không chỉ cung cấp cho người đọc cái nhìn thấu đáo và chi tiết về hiện trạng Mỹ, những cách thức để người ta thoát khỏi cái bẫy thành công, mà còn nhiều bài học cho các nhà quản trị trong thời đại “siêu kết nối”. Đặc biệt, chương về giáo dục có những câu chuyện thuyết phục về vai trò tối thượng của nhà giáo, về các chính trị gia cũng phải là những nhà giáo dục xuất sắc, về những phụ huynh biết “đòi hỏi” và các doanh nghiệp nếu chỉ biết tới lợi nhuận mà không vận động cho một nền giáo dục chất lượng hơn thì sẽ không thể cạnh tranh.

____________

(*): That used to be us - Thomas Friedman và Michael Mandelbaum. Bản tiếng Việt: Từng là bá chủ, Nguyễn Hằng dịch, NXB Trẻ, tháng 11-2012

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận