TTCT - Kết quả kiểm toán mới nhất (năm 2010) tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước (Kiểm toán Nhà nước vừa công bố) kết luận rằng một số tập đoàn và tổng công ty chưa phát huy tốt vai trò chủ đạo, đầu tàu của nền kinh tế, chưa tương xứng với những lợi thế và sự đầu tư của Nhà nước... Nhờ những nhận thức mới cả về phương diện lý luận lẫn thực tiễn đối với vai trò của những định chế lớn trên thế giới trong quá trình dẫn đến khủng hoảng kinh tế toàn cầu, kết hợp với thực tế Việt Nam, có những lý do khiến tác giả bài này cho rằng đã đến lúc chúng ta cần đưa ra một đại quyết sách đối với các tập đoàn. 1. Sự sụp đổ của hàng loạt định chế tài chính lớn kể từ sau cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu và những gì đang diễn ra từ cuộc khủng hoảng nợ châu Âu hiện nay cho chúng ta một bài học về việc nếu như để một tập đoàn phát triển đến mức quá lớn hay quá quan trọng để cho phép nó có thể phá sản (too big to fail) thì đến một lúc nào đó sẽ dẫn đến nguy cơ ngân sách quốc gia không đủ nguồn lực để giải cứu (too big to save). Ở Việt Nam, tuy các tập đoàn vẫn hoạt động thật đấy, nhưng trong số đó có những tập đoàn đang trong tình trạng “sống dở chết dở” và phải nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ Chính phủ mới có thể trụ vững đến giờ. Nếu cứ để tình trạng này tiếp diễn thì chắc chắn đến một điểm tới hạn nào đó người nộp thuế sẽ không thể cáng đáng nổi. 2. Những cuộc khủng hoảng đang diễn ra ở Mỹ và châu Âu cho thấy rủi ro cho nền kinh tế sẽ xuất hiện nếu như một chính sách vĩ mô thiết kế chỉ chú tâm hướng đến “yêu” doanh nghiệp lớn hoặc “yêu” mô hình chính phủ lớn (cồng kềnh, thiếu hiệu năng quản lý với quá nhiều quy tắc can thiệp vào thị trường). Chỉ một trong hai điều trên đã là rủi ro cho nền kinh tế. Vậy mà cả hai yếu tố trên đều đã manh nha hiện hữu ở Việt Nam từ rất lâu. Bộ máy quản lý hành chính và kinh tế của ta tuy nhiều tầng nhiều nấc nhưng hiệu năng quản lý thấp, cộng thêm nhiều tập đoàn khổng lồ vào, rủi ro là không nhỏ, nhất là trong trường hợp một cuộc khủng hoảng kinh tế khu vực nổ ra, những cú sốc dầu, lương thực, lạm phát... Khi ấy, các tập đoàn với quy mô càng lớn thì sẽ càng bị thiệt hại nặng nề. Đây là điều mà trên thế giới, các công ty và ngân hàng đều đang phải đối mặt. 3. Liệu sự tồn tại và hoạt động của các tập đoàn có liên quan đến thâm hụt ngân sách từ năm này sang năm khác? Sự đổ vỡ hoặc kinh doanh thiếu hiệu quả của một số tập đoàn suy cho cùng dẫn đến nguồn thu của quốc gia bị thiếu hụt và sau đó Chính phủ lại phải chi tiêu nhiều nguồn lực để cứu trợ. Nỗ lực của Chính phủ đưa thâm hụt ngân sách hướng về mức 5%/GDP có khả năng bị những lực cản từ các tập đoàn trì kéo lại? Điều này đòi hỏi phải có những khung đánh giá mới hằng năm về ngân sách quốc gia. 4. Thực tế thời gian qua cũng cho thấy một số tập đoàn, công ty lớn như điện, xăng dầu, khoáng sản... hoạt động không hiệu quả đã góp phần làm cho mặt bằng các chi phí đầu vào cơ bản của xã hội tăng lên. Do đó, ít nhiều gây thêm khó khăn cho việc thắt chặt chính sách tiền tệ để chống lạm phát. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã phải có cuộc gặp riêng với các tập đoàn để yêu cầu họ phải nghiêm túc tăng cường trách nhiệm, góp phần cùng Chính phủ chống lạm phát và ổn định nền kinh tế ở tầm vĩ mô. 5. “Không có bữa ăn trưa miễn phí nào đối với các tập đoàn” là luận điểm rất quan trọng khi đưa ra những đánh giá về rủi ro hoạt động ở các tập đoàn. Nhiều định chế tài chính hàng đầu thế giới có một cơ chế quản trị rủi ro khá hoàn hảo mà vẫn còn chưa biết cách đối phó hiệu quả với loại rủi ro này, chẳng hạn một nhân viên không có chức sắc gì ở một ngân hàng hàng đầu thế giới tại Pháp là Societe Generale vẫn vô tư thực hiện hàng loạt giao dịch ngoại hối từ năm này sang năm khác làm cho ngân hàng này lỗ gần 7,1 tỉ USD mới bị phát hiện vào năm 2008. Như vậy, quả thật khó có thể biết được chính xác điều gì đã và sẽ xảy ra đối với rủi ro hoạt động đang âm thầm xói mòn một số tập đoàn nước ta. Vụ giám đốc tài chính của một tập đoàn trốn ra nước ngoài mới đây hay việc Sở quản lý kinh doanh vốn và ngoại tệ (Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn) kinh doanh ngoại hối thua lỗ gần 500 tỉ đồng cách đây vài năm chỉ là vài ví dụ. 6. Với việc chiếm đến 60% tín dụng ngân hàng, 70% tổng tài sản cố định, 70% nguồn vốn ODA nhưng chỉ tạo ra được 9% việc làm toàn xã hội, kinh tế Việt Nam đang đi dần về cực của một nền kinh tế tập quyền. Tình trạng này nếu không được cải thiện thật nhanh sẽ ngày càng làm tê liệt các cỗ máy tạo công ăn việc làm cho nền kinh tế là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Thêm nữa, vấn đề là đã một thập niên qua mà ta vẫn chưa thể đưa ra được định nghĩa thế nào là một tập đoàn thì sự sáng tạo ban đầu (khi thành lập tập đoàn) có khả năng có những khiếm khuyết. Không ai phủ nhận những thành quả mà các tập đoàn nhà nước đạt được thời gian qua. Thảo luận về vai trò các tập đoàn kinh tế nhà nước mới đây (của Hội đồng khoa học các cơ quan trung ương) cho thấy Nhà nước đã, đang tiếp tục đặt nhiều kỳ vọng vào phát triển các tập đoàn kinh tế nhà nước (hiện là 12 tập đoàn) thành những tập đoàn kinh tế mạnh, đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế đất nước trong giai đoạn mới, đặc biệt trong việc định hình và phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, duy trì động lực tăng trưởng, tạo việc làm... Nhưng thực tế vừa qua cũng cho thấy độ chênh lớn khi đưa lên bàn cân những gì mà tập đoàn đạt được với những gì mà cả nền kinh tế phải gánh vì sự thua lỗ của một số tập đoàn. Đã đến lúc chúng ta buộc phải có những lựa chọn ít đau nhất bằng cách đưa ra những giải pháp vừa dũng cảm, vừa hài hòa cả trong ngắn và dài hạn. Và những giải pháp trong ngắn hạn luôn phải thỏa mãn những mục tiêu dài hạn. Trước mắt, những bộ phận của tập đoàn, thậm chí những tập đoàn nào kinh doanh không hiệu quả hoặc tạo ra quá nhiều rủi ro, phải lập tức bán, thanh lý, hợp nhất - sáp nhập hoặc cổ phần hóa sao cho thu hẹp đến mức tối đa quy mô hiện hữu. Tối đa 3-5 năm nữa phải cấu trúc lại để cả nước chỉ còn vài tập đoàn với động lực chính là hướng ra thị trường quốc tế để thực hiện các nhiệm vụ mà ngoài Nhà nước ra không ai có thể thay thế được, nhất là trong bối cảnh địa - kinh tế - chính trị ngày càng phức tạp ở khu vực và trường quốc tế. Đó có thể là cách lựa chọn ít đau và khôn ngoan nhất. Tags: Khủng hoảng kinh tếPhá sảnKiểm toán Nhà nướcNợ châu Âu
Tổng Bí thư Tô Lâm trực tiếp trao đổi chuyên đề đặc biệt quan trọng THÀNH CHUNG 25/11/2024 Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu đột phá mạnh mẽ hơn về thể chế phát triển, tháo gỡ điểm nghẽn, rào cản, trong đó lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm.
Nga tuyên bố có quyền đưa tên lửa Oreshnik đến châu Á để đối phó Mỹ NGHI VŨ 25/11/2024 Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov cho biết Nga có thể triển khai tên lửa tầm ngắn và tầm trung tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong phản ứng với các hành động của Mỹ.
Tổng thống Bulgaria thăm Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, trào dâng cảm xúc người lính DUY LINH 25/11/2024 Tổng thống Bulgaria Rumen Radev, người từng là phi công tiêm kích rồi tư lệnh không quân, đã dừng hồi lâu trước chiếc MiG-21 số hiệu 5121 tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam.
Thủ tướng Campuchia bác thông tin thiếu vốn làm kênh đào Phù Nam Techo TRẦN PHƯƠNG 25/11/2024 Thủ tướng Hun Manet khẳng định không có bất cứ trở ngại nào về vốn trong việc triển khai dự án kênh đào Phù Nam Techo của Campuchia.