Ta của tương lai

KHÁNH LINH 01/02/2022 18:00 GMT+7

TTCT - Ngày 30-10-2021, logo của Facebook thay đổi kèm một cái tên mới: Metaverse. Một cách điệu của ký hiệu vô cực hay hai nửa khác nhau của một vật thể, hiểu bằng cách nào cũng có lý. Và nó thể hiện tham vọng, tương lai của công nghệ số. Một tương lai mà ở đó, khái niệm ảo - thật không còn phân biệt.

Hãy tưởng tượng, sau giờ cơm tối, thay vì lướt Facebook thả giận dữ hay haha, chúng ta sẽ đeo thêm một cái kính, có thể là một đôi găng tay và bắt đầu một cuộc đời khác. 

Chúng ta chọn một bộ suit C&K và kính Warby Parker mới mua được hôm qua bằng đồng coin mới nhất của FPT, sau đó rảo bước đến quán bar cổ điển sành điệu nhất ở downtown của thành phố mới do VNG up lên tuần rồi. 

Ảnh: Wired.com

 

Ở đấy ta uống vang Pháp 14 độ mùa nho 2004 với giá 10 đồng ETH của công ty rượu vang Đà Lạt rồi bằng tài hùng biện và khả năng khiêu vũ của app Loisongquytoc, ta giành được nàng hoa hậu vừa đăng quang tuần rồi từ tay một thằng cha đẹp trai và giàu có mà card avatar ghi là CEO của hãng BKVE… 

11h đêm, sau khi đã cùng nàng ngất ngây trong khách sạn app của Saigon Tourist với giá 150 etherium, ta thong thả rảo bước trên đại lộ Metro và… mở kính ra, tắt máy tính. 

Check các ví điện tử ta thấy nó hao đi tương đương 1 triệu VND. Ngày chơi bời ở Metaverse tạm kết thúc. Sáng mai ta lại đi xe buýt đến sở kiếm tiền để nuôi một ta khác. Ở sở làm, khi biết ta chính là “play boy” tối qua, sếp gầm lên tức tối vì chỉ mới mấy tiếng trước, sếp chính là gã CEO BKVE kia.

Mạng xã hội, game, đồ họa 3D tiền ảo, và các vi cảm biến sinh trắc thế hệ mới cùng những con chip nano, thiết bị thực tế ảo, trí tuệ nhân tạo hợp thành cái gọi là hệ sinh thái công nghệ Metaverse đã và đang dẫn dắt con người đến một viễn cảnh rất gần đấy. 

Viễn cảnh mà ở đó, con người ở thế giới thực kiếm tiền để nuôi sống thế thân thứ hai của mình, và ngược lại, thế thân đấy lại phản ánh giá trị của con người thực.

Những gì mà một con người bình thường cần 20 - 30 năm để trải nghiệm từ ngây thơ, hồi hộp, nỗ lực, thất vọng, vui sướng, đau khổ, mệt mỏi, bằng lòng…, với Metaverse, chỉ cần vài năm, thậm chí là vài tháng, còn nếu có tiền thì có thể gom cả sướng vui của một đời người, chỉ cần vài ngày để nếm trải hết. 

Không cần cố gắng, không cần hiểu biết, không cần phải bước ra khỏi nhà và không cần nhìn đi đâu khác, ngoài màn hình.

Điều đấy không hề hoang đường hay viển vông. Các game thủ ngồi bấm phím đến chết đã có từ 10 năm nay và càng ngày càng nhiều, trở thành Youtuber hay streamer bây giờ đã là một định hướng nghề nghiệp nghiêm túc. Và những ai càng biết sớm về AI, về 4.0… đều được cho là những người thông minh, đột phá.

***

Yuval Noah Harari - sử gia và triết gia Do Thái thông tuệ và bình dân - đã mô tả trạng huống này chính xác đến từng chi tiết trong cuốn sách 21 bài học của thế kỷ 21

Tất cả những gì hàng tỉ người dùng trên thế giới đang được hưởng thụ từ sóng 4G miễn phí, Facebook và Google cho con người được thể hiện bản thân và không phụ thuộc vào sách vở kinh viện nào… là một món quà với giá rất rất đắt, mà hàng tỉ người dùng không có quyền trả giá.

Họ hoàn toàn tự nguyện bởi những người làm ra các công cụ đấy là những người thông minh, giỏi giang nhất thế giới, họ chắc chỉ chiếm một phần triệu dân số thế giới. 

Họ biết làm sao để hàng tỉ người còn lại không thể rời mắt khỏi màn hình, trong khi vẫn ảo tưởng đấy là quyền lựa chọn của mình.

Với Metaverse, cuộc sống ảo sẽ bước thêm một nấc thang cao hơn rất nhiều với cái gọi là “chia sẻ trải nghiệm”. 

Thị giác và xúc giác sẽ được thay thế bằng các card 3D phân giải nét gấp trăm lần mắt thường, cảm biến siêu nhạy và thuật toán có thể giúp bạn sờ tay vào màn hình mà vẫn có cảm giác run rẩy như lần đầu cầm tay cô bạn gái.

Bạn muốn hôn cô ấy lúc bạn và nàng 18 tuổi? Khả năng cao là không khó, vì có thể cô ấy cũng muốn có cảm giác đấy cách đây 30 năm, hãy hẹn nhau vào app “Tình học trò”, ở đấy thế thân của bạn và nàng sẽ ít hơn bạn bây giờ 30, cả số tuổi lẫn số cân. 

Cảm giác lên đỉnh, bằng một thuật toán nào đó, cũng sẽ xuất hiện trong trí não bạn, trong khi tay bạn vẫn đang bấm phím và mắt bạn vẫn đeo kính 3D. Khứu giác và vị giác, lưỡi và mũi, thay thế được không ư? Khó hơn, nhưng cũng chỉ là chuyện sớm muộn thôi.

Vậy lúc đấy thế thân của bạn khác gì chính bạn? Con người ảo hay con người thật còn có thể phân biệt không? 

Có chăng là người thật làm gì cũng khó hơn người ảo, vì giá các app sẽ ngày càng rẻ và sớm muộn gì cũng miễn phí, trong khi tiền phòng khách sạn và vé máy bay thật thì ngày càng tăng. Vậy thế thân trong Metaverse cần được dành nhiều thời gian hơn.

Nỗi lo sợ một ngày nào đó trí tuệ nhân tạo, người máy có thể hiểu như người, thống trị loài người hầu như là viễn tưởng, vì trước khi điều đó xảy ra, con người đã tình nguyện biến thành máy, tức là ưu tiên cho thế thân của mình trên Metaverse hơn con người thực. 

Bạn nghĩ bạn nỗ lực vì ai nhiều hơn: vì bản thân hay vì status và like? Cho bạn trả lời lại! Status và like do những người như Zuckerberg nghĩ ra đấy, bạn không thắng nổi đâu. Do đấy, thế thân sẽ là con người thực tương lai của bạn. Bạn hay thuật toán hiểu rõ về thế thân, con người thật đấy hơn? Cho bạn trả lời lại!

Tất cả những điều đấy, đem lại cuộc sống tốt đẹp hơn (theo định nghĩa hiện tại) hay bản chất của nó vẫn là lợi nhuận của nhà tư bản, như đay nghiến của Karl Marx từ cách đây 150 năm? 

Hay như Harari tiên đoán: Hầu hết cư dân trên thế giới sẽ là những kẻ vô dụng tự nguyện. Khi mà họ vừa là data vừa là thị trường để cho chỉ một phần triệu kẻ còn lại dẫn dắt.

Cách nhìn bi quan về mặt trái của một bước nhảy công nghệ sớm muộn gì cũng đến có tên Metaverse không phải là hoang đường. 

Thành tựu của những thiên tài công nghệ đã dần biến họ thành những người dẫn dắt xã hội thay vì những tri thức, triết gia, linh mục hay chính trị gia chân chính (hy vọng là vẫn còn tồn tại những người như thế), bằng những công cụ khai thác big data, AI, machine learning… 

Những triết gia công nghệ, những người có thể hạn chế phần nào mặt trái của các đột phá số, tiếc thay, không có bao nhiêu so với số lượng những thiên tài bỏ học.

***

“Con người thì có thân thể”, đấy là điểm bấu víu - cũng theo Harari - để mỗi cá nhân giảm thiểu sự chiếm hữu của Metaverse. 

Chừng nào các cảm biến sinh hóa còn chưa thay thế được cái lưỡi để ta biết chua cay mặn đắng, chừng nào màn hình 3D siêu nét chưa đem lại được mùi ngai ngái của cây cỏ hay hương thơm nồng nàn của hoa sữa, chừng nào ta còn biết kiệt sức dấn từng bước chân cuối cùng để hiện ra trước mắt là gió trời và bọt nước tung trắng xóa - không phải bằng cách lướt phím, chừng nào não người còn chưa được giải mã và mô tả bằng các thuật toán, lúc đó ta vẫn còn cơ may sống sót - bằng chính con người bằng xương bằng thịt. 

Hy vọng nó còn kéo dài thêm vài mươi năm.

Sau đấy, có lẽ con người chết đi khó hơn là sống. Con người có xương có thịt của bạn nằm xuống nhưng dữ liệu thế thân của bạn tất nhiên sẽ sống tiếp, thậm chí là bắt buộc phải sống tiếp, chừng nào nó còn tạo ra dữ liệu, và do đó, tạo ra lợi nhuận!

Làm sao chúng ta có thể nói được với những người thông minh nhất thế giới rằng: Các ngài làm ơn hãy hiểu: 

“Cuộc sống tươi đẹp, sống động phải nằm đâu đó ở ngoài kia, là sông suối núi rừng, là âm thanh sóng biển, tiếng chim kêu, là những bản nhạc do những con người thật trình diễn, là những bức tranh được vẽ bằng tay, những nụ hôn bằng đôi môi, chứ không phải ở trên màn hình, không đến từ Metaverse”! 

Những thiên tài công nghệ có lẽ sẽ không thèm hiểu, hoặc họ đã quá hiểu cũng nên, và sẽ cười khẩy vào những kẻ níu kéo quá khứ đó.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận