Ta đâu có sống một mình

TTCT - Sau vụ án hiếp dâm chị 8 tuổi và giết hại em 4 tuổi, câu hỏi đang được những người còn quan tâm đến cuộc sống chung trong xã hội này đặt ra là liệu chúng ta có thể làm được gì để hạn chế nguy cơ những chuyện như vậy xảy ra trong tương lai?

Phóng to
Sự bàng hoàng của hàng xóm vụ hiếp, giết trẻ em ở Sơn Tây - Ảnh tư liệu

Lại thêm một vụ hiếp, giết chết trẻ em
Bàng hoàng án mạng giết trẻ em
Hoảng loạn sau vụ hiếp giết trẻ em ở Sơn Tây

Câu hỏi đầu tiên của nhiều người - đang lo sợ tai nạn tương tự có thể xảy ra cho chính mình - rằng có thể nhờ cậy được gì vào cơ chế hàng xóm, công an, dân phòng hay không. Nhìn từ góc độ cộng đồng, tức trong mối quan hệ của một khu dân cư, nếu mỗi thành viên chỉ cần thêm một chút quan tâm là mọi chuyện sẽ thay đổi rất nhiều.

Thời sinh viên sống ở Warsaw (Ba Lan), có hôm ra khỏi nhà tôi quên khóa cửa. Khi quay về, thấy tất cả các căn hộ xung quanh đều để cửa mở để trông nhà giúp tôi suốt cả ngày trời. Tôi không có quan hệ thân thiết gì với hàng xóm nên có thể hiểu hành động của họ đơn giản là một thông điệp kỳ vọng rằng tôi và những người khác cũng sẽ quan tâm giúp đỡ họ như thế trong một dịp khác. Mối quan hệ cộng đồng là như vậy.

Một trong những nguyên tắc đạo đức để mọi người cùng chung sống an lành trong cộng đồng là khái niệm utility, tạm hiểu là nguyên tắc tối đa hóa chỉ số hạnh phúc. Thật ra điều này không có gì xa lạ trong minh triết Việt về một cuộc sống “biết điều”, thể hiện từ những điều nhỏ nhặt nhất như “lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”.

Một đứa trẻ lớn trên trong môi trường cộng đồng và phân biệt rõ đâu là phải, đâu là trái chắc chắn sẽ có nhiều tính “người” và bớt cơ hội để “con thú” trong mình trỗi dậy.

Một xã hội trọng đạo lý sẽ ít có kẽ hở cho những vụ việc như vừa xảy ra ở Sơn Tây - dấu hiệu rõ ràng nhất của đạo đức suy đồi.

Công trình nghiên cứu kiểu kết nối xã hội này đã làm nên tên tuổi giáo sư Robert Putnam với quyển sách Bowling alone giải thích tại sao xã hội Mỹ xuống cấp khi hiện tượng người ta đi chơi bowling một mình ngày càng phổ biến. Khi tình trạng “không thấy không nghe” phổ biến ngoài phố và trong làng thì kẻ hiếp dâm, giết người có thể thản nhiên xuất hiện, thỏa mãn thú tính và bỏ đi, hàng xóm có thể chỉ biết khi đọc trên báo chí những điều rùng rợn và kinh hoàng vừa diễn ra ngay bên cạnh. Nếu hàng xóm cùng “để cửa mở” và để mắt trông, nếu cả làng cảnh giác với một kẻ lạ có hành vi bất thường...

Những câu hỏi tương tự như vậy sẽ cùng nhau hướng đến một câu hỏi lớn hơn cho toàn xã hội: đâu là đạo đức cho mỗi thanh niên Việt Nam của ngày hôm nay? Một trong những phương pháp tìm cách trả lời cho câu hỏi mang tầm thời đại này là loạt bài giảng nổi tiếng của giáo sư Michael Sandel (Đại học Harvard) về đạo lý trong cuộc sống (*). Tâm điểm bài giảng là một vụ án trên chiếc tàu Anh hồi thế kỷ 19 khi thủy thủ đoàn giết và ăn thịt một cậu bé để sống sót, và sinh viên của thế kỷ 21 bàn cãi xem như vậy có hợp đạo lý hay không.

Nhưng nói như thế không có nghĩa cho phép chúng ta nghĩ rằng mọi tội lỗi là do xã hội bên ngoài tạo ra, vì mỗi chúng ta chính là một thành viên tạo ra tính cách và duy trì đạo lý của xã hội đó. Các vụ giết người dã man không chỉ là hệ quả của điện ảnh Hollywood lên cuộc sống nước Mỹ, mà còn làm chấn động đất nước Na Uy vốn nổi tiếng hiền hòa. Bước tiến công nghệ có thể khiến các thành viên trong gia đình ngồi cạnh nhau nhưng lại sống trong những thế giới rất khác nhau trên máy tính và điện thoại của họ.

Tội ác có thể lượn lờ ngay trong phòng khách, trên giường nhà bạn. Lối sống buông thả với các thần tượng đổi tình lấy tiền có thể dụ dỗ con gái bạn. Phim ảnh và trò chơi điện tử giết người xâm nhập tâm trí con trai bạn. Hình ảnh khiêu dâm và những trò như “cứu net” kiên nhẫn chờ chồng bạn tìm đến.

Cấm đoán không còn là biện pháp có thể áp dụng cho thế kỷ 21 này. Vấn đề là mỗi người chúng ta hiểu được việc “mở cửa trông nhà giúp hàng xóm” sẽ đem lại ích lợi to lớn đến thế nào cho xã hội và gia đình mình. Một câu khuyên nhủ đứa trẻ hư có thể giúp loại trừ một kẻ giết người sau này cho xã hội. Một lời nhắc nhở cảnh giác sẽ giúp hàng xóm tránh được biết đâu là một tai nạn đang chực chờ. Và tất nhiên, không thể không nhắc đến trách nhiệm của dân phòng, công an khu vực, cảnh sát, tổ dân phố, chính quyền địa phương, thầy cô giáo, y bác sĩ và các cơ quan chức năng - những người sống bằng ngân sách, tức tiền đóng góp của dân chúng - để làm nhiệm vụ điều phối xã hội, duy trì cuộc sống tối thiểu là an toàn cho mỗi người chúng ta.

Và có lẽ người có trách nhiệm đầu tiên chính là các nhà báo - người định hướng cho nhận thức và tư duy của toàn xã hội. Tin liên quan đến giết người, hiếp dâm luôn ăn khách và giúp tăng lượng phát hành, tức là cần câu cơm của những người sống bằng nghề truyền thông. Thế nhưng có nên lạm dụng tối đa để giật tít thật kêu, biến kẻ sát nhân thành thần tượng của trẻ vị thành niên chưa hình thành nhân cách như trong vụ “vãi Luyện” hay không? Câu hỏi về đạo đức công dân, đạo đức cộng đồng bắt đầu từ câu hỏi về đạo đức nghề nghiệp của mỗi nhà báo và từng tòa soạn.

Trong vai trò của độc giả, chúng ta có thể đặt câu hỏi với mỗi bài báo tường thuật vụ hiếp chị 8 tuổi, giết em 4 tuổi dã man này rằng nhà báo và tòa soạn đăng bài đó để thỏa mãn nhu cầu thấp hèn của cái “con” trong chúng ta muốn đọc những thứ như vậy, hay để nâng cao kiến thức về pháp luật và hiện trạng xã hội của phần “người” trong chúng ta, vốn luôn muốn sống an toàn trong cộng đồng?

__________

(*) Xem trên YouTube http://www.youtube.com/watch?v=kBdfcR-8hEY).

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận