Tái định cư: Chuyện bằng hoặc hơn nơi ở mới 

NGUYỄN MINH HÒA 23/05/2018 01:05 GMT+7

TTCT - Tái định cư (TĐC) là câu chuyện của tất cả các quốc gia trên thế giới, bởi nước nào cũng cần đất đai để làm các công trình công ích. Tuy nhiên để đảm bảo cho người dân có được nơi an cư mới “bằng hoặc tốt hơn” chỗ ở cũ là chuyện không phải đơn giản. Và ở Việt Nam, còn thiếu vắng rất nhiều công cụ để thực thi yêu cầu này.

Người dân tái định cư ở một khu chung cư trên đường Chu Văn An, Q.Bình Thạnh, TP.HCM vui đùa cùng người thân, hàng xóm tại khuôn viên chung cư. Ảnh: Tự Trung
Người dân tái định cư ở một khu chung cư trên đường Chu Văn An, Q.Bình Thạnh, TP.HCM vui đùa cùng người thân, hàng xóm tại khuôn viên chung cư. Ảnh: Tự Trung

 

Để có đất trống, không thể không động chạm tới những khu dân cư đã có từ trước đó, thường đó là những làng nông nghiệp truyền thống có từ lâu đời. Có thể không khá giả, nhưng đó là những cộng đồng có cuộc sống ổn định và một nền tảng tinh thần gắn bó bền chặt.

TĐC là quá trình làm đảo lộn toàn bộ đời sống truyền thống và thường nhật của người dân trên 5 lĩnh vực: nhà ở và hạ tầng kỹ thuật; sinh kế (việc làm, thu nhập); môi trường tự nhiên và cảnh quan; quan hệ cộng đồng; và điều kiện sống (trường học, trạm y tế, nước sạch, chợ, đình chùa, nhà thờ...).

Tác động hàng triệu người dân

Để quá trình TĐC không gây tổn hại năng nề đến người dân, nhất là những cộng đồng nghèo, những định chế tài chính hàng đầu thế giới như Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), là những nơi cung cấp tài chính lớn nhất thế giới cho các quốc gia, các nhà đầu tư trong và ngoài nước thực hiện các dự án TĐC phải chấp nhận các nguyên tắc và quy trình mà họ đưa ra cho việc TĐC. Họ sẽ ngưng cung cấp nguồn tài chính nếu vi phạm các nguyên tắc đó.

Bắt đầu từ năm 1990, WB đòi hỏi người dân trong diện TĐC phải “có cuộc sống ngang bằng hoặc tốt hơn” sau khi TĐC, còn ADB yêu cầu đảm bảo “sao cho tương lai kinh tế và xã hội của họ sẽ được thuận lợi như khi không có dự án”.

Từ sau năm 1990, bước vào giai đoạn công nghiệp hóa và đô thị hóa, ở nước ta có hàng trăm ngàn dự án TĐC tác động đến hàng triệu người. Mặc dù cơ quan chức năng đã cố gắng và đạt được những thành công nhất định, nhưng số dự án TĐC được đánh giá cao không nhiều.

Những dự án TĐC ở vùng sâu vùng xa như thủy điện, thủy lợi không thành công thường liên quan đến tạo sinh kế cho người dân sau khi di dời, còn ở đô thị các dự án TĐC không thành công liên quan đến nhà ở, điều kiện sống và sinh kế.

Bất cứ dự án TĐC nào cũng có 3 giai đoạn: tiền dự án, trong dự án và hậu dự án. Ở giai đoạn tiền dự án, mọi việc tỏ ra khá suôn sẻ. Khi người dân tiếp xúc với nhân viên dự án cùng với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, lúc này người dân tỏ ra hồ hởi, được xem các bản đồ lớn nhiều màu xanh đỏ, được nghe những lời hứa hẹn “có cánh” mà chủ đầu tư “vẽ” ra, còn khi bước vào giai đoạn thực hiện dự án thì mọi chuyện trở nên rắc rối.

Có một khái niệm mà chúng ta cần bàn: đó là “áp giá” bồi thường. Điều này có nghĩa là Nhà nước hay chủ đầu tư thông qua các cơ quan chức năng, tự bàn thảo với nhà đầu tư rồi đưa ra một cái giá bồi thường mà người dân buộc phải chấp nhận, không thỏa thuận, dù giá này bao giờ cũng thấp với giá trị thật của thị trường ở thời điểm ban hành văn bản; và mức chênh lệch của nó với giá trị được hình thành trong tương lai gần là vô cùng lớn, có khi đến hàng trăm lần.

Chủ đầu tư đền bù 1m2 đất nông nghiệp, hay đất đất thổ cư cho dân theo đúng bảng giá quy định của Nhà nước và có cộng thêm cả phần hỗ trợ cho dân thì cũng đến vài triệu đồng. Nhưng chỉ cần ngay sau khi có một phần đất sạch, đổ một vài xe đất, làm đường sơ sài là chủ đầu tư rao bán đất nền, thậm chí căn hộ trong tương lai với giá rất cao.

Khi ấy, những người đã nhận đền bù rồi thì thấy xót xa tiếc của, người chưa di dời thì kiên quyết không đi nữa, họ muốn thương lượng lại để đỡ thiệt hại. Từ thời điểm này, dự án bị đẩy vào tình thế bế tắc, khiến nhiều dự án dở dang trong nhiều chục năm, nhiều cái bị đổ vỡ dây chuyền...

Đôi bên cùng có lợi: Khó?

Có ý kiến cho rằng, lẽ ra chủ đầu tư nên nhân nhượng, thiện chí với người dân để làm sao có được mới quan hệ “hai bên đều thắng” (win-win). Tuy nhiên thực tế điều đó không đơn giản. Với nhiều chủ đầu tư, lợi nhuận là quan trọng nhất, thậm chí kể cả việc bỏ qua những vấn đề về pháp lý như bảo vệ môi trường, cảnh quan. Chính vì những điều này mà các thiết chế tài chính lớn đã yêu cầu các cơ quan trung ương và địa phương phải vào cuộc để giám sát ngay từ đầu nhằm đảm bảo chủ đầu không tự tung tự tác. Đồng thời phải công khai, minh bạch tất cả các khâu, phải bàn thảo rộng rãi, cặn kẽ với dân liên quan đến dự án.

Đối với những dự án lớn, liên quan đến rất nhiều người, tác động đến rất nhiều lĩnh vực, các thiết chế tài chính quốc tế này còn đưa ra những khuyến cáo có tính ràng buộc cao là TĐC tại chỗ, không nên TĐC di dời ra nơi khác. Bởi TĐC tại chỗ sẽ đảm bảo được việc giữ lại mối quan hệ cộng đồng truyền thống, tiếp tục duy trì mạng lưới sinh kế được hình thành từ lâu nay, cũng như việc giữ gìn nâng cấp các cơ sở tôn giáo, giáo dục đã có.

Việc TĐC tại chỗ bằng cách đưa dân cư sống tản mát trên diện rộng vào sống ở một khu vực chung cư có độ nén cao, có cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội tốt là chuyện quá ư dễ dàng đối với chủ đầu tư. Nhiều quốc gia còn ban hành chính sách để người dân tại chỗ trở thành cổ đông thông qua việc góp quỹ đất của mình vào dự án, tức là đất đai của họ sau khi được định giá đúng sẽ trở thành một phần trong vốn phát triển của nhà đầu tư đại diện. Tuy nhiên, hình thức này ở VN chưa bao giờ thành công vì nhà đầu tư chỉ muốn đất sạch.

TĐC là một vấn đề hệ trọng, không chỉ liên quan đến dân sinh mà thực sự là chuyện chính trị và an ninh xã hội. Từ thực tế ở nhiều nơi trên cả nước cũng như TP.HCM vừa qua cho thấy Chính phủ cần thay đổi quan điểm và quy trình đối với TĐC; và thực tế cũng cho thấy đất đai là con đường dẫn tới các mâu thuẫn và xung đột xã hội lớn nhất và dai dẳng nhất!■

Ông Hoàng Minh Trí (nguyên phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển TP.HCM):

Lấy ý kiến dân về quy hoạch, không nên làm cho có

Lâu nay luật có quy định lấy ý kiến người dân nhưng quá trình thực hiện còn bất cập. Vai trò tham gia của người dân trong việc lập các đồ án quy hoạch chưa thực chất dẫn đến những khiếu nại, khiếu kiện khi thực hiện.

Theo quy định, việc lấy ý kiến người dân phải vừa tiếp thu vừa có phản biện. Có những ý kiến sẽ tiếp thu, điều chỉnh, nhưng cũng có những góp ý đơn vị tư vấn lập quy hoạch sẽ phản biện vì không thể thực hiện được. Trong trường hợp này đơn vị tư vấn phải phản hồi cho người dân lý do tại sao không điều chỉnh theo ý kiến góp ý.

Tất cả ý kiến góp ý đó khi báo cáo với cấp trên phê duyệt thì phải nói rõ ghi nhận bao nhiêu ý kiến, nội dung ý kiến và những ý kiến nào được tiếp thu hay không tiếp thu.

Nhưng có một bất cập là hiện nay khi góp ý cũng chỉ mời đại diện dân phố, các tổ chức đoàn, thể của cư dân. Với những người như thế chưa chắc họ góp ý được về mặt kỹ thuật. Ngoài ra việc lấy ý kiến của người dân có lúc chỉ dừng lại ở việc lắng nghe, tiếp thu. Còn phản biện nhiều lúc chưa được chú trọng, mà chủ yếu muốn tìm sự đồng thuận dẫn đến vai trò của người dân trong thực hiện quy hoạch chưa được hiểu đúng.

Kinh nghiệm thực tế có rất nhiều ý kiến của người dân được tham khảo để hoàn thiện đồ án quy hoạch, tuy nhiên rất nhiều ý kiến những nhà quy hoạch không thể thực hiện được.

Ví dụ khi làm quy hoạch một khu dân cư cấp phường, mở rộng con đường, theo quy định thì phải lấy tim đường mở sang hai bên nhưng cả hai hộ dân hai bên đường đều ý kiến sao không mở sang một bên... Những ý kiến như vậy thường làm đau đầu nhà quy hoạch. Mặc dù vậy, nguyên tắc lấy ý kiến người dân rất quan trọng, đảm bảo sự công khai minh bạch, giúp người dân giám sát công tác thực hiện quy hoạch sau này.

Theo tôi, cần học tập kinh nghiệm của nhiều nước, quy hoạch chung (1/5.000 - 1/10.000) trở lên sẽ đăng lên website cho toàn dân, kể cả người nước ngoài góp ý. Nhưng đến quy hoạch chi tiết 1/2.000 lại có quy định nếu góp ý về mặt y tế, giáo dục, giao thông, hạ tầng thì phải những nhà chuyên môn mới được tiếp nhận ý kiến. Bởi những quy hoạch chi tiết là cụ thể hóa các đồ án quy hoạch chung. Khi đó chỉ những người có chuyên môn mới góp ý sâu vào các yếu tố kỹ thuật trong đó.

TIẾN LONG ghi

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận