TTCT - “Quân khuyển lính Mỹ bỏ lại sẽ phục vụ cho Taliban”, nhan đề một bài báo ngày 2-9 của đặc phái viên tờ Sự thật Komsomol (Kp.ru) đã ý nhị nói về tình thế “đau đầu” của Nga khi người Mỹ rời Afghanistan. Chuyện quân đội Mỹ bỏ rơi quân khuyển đã được lên tiếng trước đó, khi tổ chức bảo vệ quyền động vật American Humane cảnh báo các chú chó công vụ này sẽ phải chịu số phận “tệ hơn cái chết” dưới tay Taliban. Tuy nhiên, theo khẳng định của Said (một chỉ huy tiểu đoàn 313 Taliban) với Kp.ru, các chú chó này đã được các tay súng Taliban gom về và cho ăn uống đầy đủ. “Chúng sẽ phục vụ cho Taliban hoặc cho an ninh sân bay”, chỉ huy Said nói với Kots.Dĩ nhiên, vấn đề không đơn giản ở quyền động vật. Quân đội Tajikistan tổ chức duyệt binh và tập trận ở khu vực biên giới với Afghanistan. Ảnh: TASS Cũng như các tay súng Taliban ngày nay đã khác xưa, mà theo tường thuật của Kots: “Thoạt nhìn, có thể nhầm các tay súng của tiểu đoàn 313 Taliban tinh nhuệ với các chuyên gia nước ngoài: họ nói tiếng Anh thuần thục, mặc quân phục thời thượng, giày cao cổ, mũ chiến thuật, một số còn được trang bị đèn nhìn đêm..., chứ không phải những “sinh viên” mang giày vải và mặc áo dài tới chân như người ta tưởng tượng”. Mỹ rút quân, Nga đau đầuKhông chỉ đội ngũ các tay súng được huấn luyện và thiện chiến hiện diện ở Kabul. Người Mỹ rút đi với vũ khí, kỹ thuật bỏ lại gây ra nhiều nỗi lo cho bàn cờ Trung Á. Thậm chí đã xuất hiện thuyết âm mưu. Ví dụ, thượng nghị sĩ Andrei Klimov, thành viên Ủy ban các vấn đề quốc tế trong Hội đồng Liên bang Nga (Thượng viện), cho rằng Hoa Kỳ “để lại cho Taliban vũ khí và thiết bị hiện đại vì một lý do: nhằm tạo lò lửa căng thẳng gần biên giới Nga và Trung Quốc”.Cựu lãnh đạo Bộ Quốc phòng của Cộng hòa nhân dân (ly khai) Donetsk Igor Strelkov cũng có quan điểm tương tự: “Người Mỹ chẳng quan tâm tới việc Nga, Trung Quốc cùng các nước khác sẽ cố thiết lập hòa bình, ổn định ở Afghanistan bằng cách nào. Đó là lý do vì sao họ bỏ lại thiết bị, vũ khí và di tản càng nhanh càng tốt”.Theo cổng thông tin bình luận quân sự Nga Topwar.ru, hiện nay, mối đe dọa thực sự với Taliban và các nước Trung Á chính là những kẻ ủng hộ tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS hoặc ISIS) hoạt động tại đó. Từ năm 2015, IS đã tạo ra nhánh “Vilayat Khorasan”, hoạt động tại một số khu vực của Afghanistan và Pakistan, trong khi lãnh thổ của các nước cộng hòa Trung Á thuộc Liên Xô cũ là đầu cầu.Đây là mối đe dọa nghiêm trọng, bởi các căn cứ của tổ chức khủng bố này nằm dọc biên giới Afghanistan, Tajikistan và Turkmenistan. Sau thất bại ở Syria và Iraq, các tay súng IS sống sót (chủ yếu là người Afghanistan, Trung Á và Kavkaz) bắt đầu đổ đến các cứ điểm này. Theo các nguồn tin, số lượng chiến binh có thể lên tới vài nghìn người!Tại các cộng hòa Trung Á, các tay súng trở về đã tiến hành tổ chức, tuyên truyền người dân địa phương. Các chuyên gia chống khủng bố thừa nhận hiểm họa của việc hợp nhất và lan rộng ảnh hưởng của các tổ chức cực đoan Trung Á sau khi bàn cờ địa chính trị Afghanistan thay đổi. Mối đe dọa được cho là khá lớn với Tajikistan và Turkmenistan, những nước so với khu vực có mức sống thấp, nhiều khó khăn xã hội và kinh tế, mức độ tham nhũng và phân tầng dân cư cao, trong khi quân đội yếu và dân chúng tôn sùng đạo Hồi.Cổng thông tin nghiên cứu Nga aurora.net trong bài viết “Afghanistan như một nhân tố trong chiến lược của Nga” cho rằng thay đổi quyền lực ở Afghanistan đang buộc Nga phải xem xét lại chiến lược của mình ở Trung Á. Trong hơn 20 năm người Mỹ hiện diện ở đó, chiến lược của Nga là “chờ xem và phản ứng”, xuất phát từ việc cán cân quyền lực ở khu vực này đã hình thành, ổn định.Trong khả năng tối đa có thể, Nga đã tham gia Liên minh kinh tế Á - Âu (EAEU) và liên minh quân sự CSTO, những cơ cấu không loại trừ bản chất đa vectơ của các quốc gia Trung Á, cho phép Nga hiện diện quân sự ở biên giới các nước với Afghanistan và đưa nước này vào dự án Vành đai - con đường của Trung Quốc. Thế nhưng trong khoảng trống quyền lực sau khi Mỹ rút lui, “Nga cần một chiến lược tích cực, nếu không, thế chủ động sẽ bị các đối thủ khác chiếm lấy và Nga sẽ mất trắng trong 20 năm tới”, aurora.net kết luận.Lo ngại bùng nổ chủ nghĩa cực đoanTrước mắt, sự thay đổi chế độ ở Afghanistan đã làm gia tăng dòng người di cư và tị nạn vào các nước SNG và từ đó vào Nga.Trong điều kiện dân số Nga ngày càng già đi và mức sinh thấp, đội ngũ lao động nước ngoài được xem là một trong những yếu tố giúp giải quyết bài toán lao động. Cơ cấu tăng dân di trú này đa số có nguồn gốc từ các láng giềng Trung Á. Theo các thống kê của cơ quan hộ tịch, từ tháng 1 đến tháng 7-2021, ở Nga có gần 6,5 triệu đăng ký di trú của công dân nước ngoài (so với chỉ hơn 600.000 cùng kỳ năm 2020). Vào cuối nửa năm, 2/3 số đó đến từ các nước Trung Á Uzbekistan (gần 2 triệu người), Tajikistan (hơn 1 triệu), Kyrgyzstan (nửa triệu) và Kazakhstan (hơn 220.000). Còn theo ghi nhận từ Bộ Nội vụ Nga, trong năm 2021, số lượng người di cư bất hợp pháp dao động từ 800.000 - 1 triệu người, chủ yếu là công dân các nước SNG.Trong bài báo nhan đề “Vấn đề di trú và an ninh Nga: yếu tố Afghanistan” trên Kp.ru, tác giả Vladimir Ovchinsky viết: “Kể cả ước tính chính thức tối thiểu, 1 triệu người di cư bất hợp pháp cũng là con số ấn tượng trên tương quan với 146 triệu dân Nga, xác định cần thiết phải tăng cường các biện pháp để đảm bảo ổn định di trú và chống lại di cư bất hợp pháp”. Tác giả so sánh: “2 triệu người di cư bất hợp pháp vào năm 2021 đối với 332 triệu dân của Hoa Kỳ và từ 1,8 đến 3,9 triệu người di cư bất hợp pháp với 447 triệu dân của EU đã là mối quan tâm nghiêm trọng cho chính phủ các nơi này, khiến họ kêu gọi không vượt qua “lằn ranh đỏ” đe dọa an ninh quốc gia”.Các số liệu hành pháp Nga cho thấy vào năm 2020, Matxcơva đã trấn áp được hoạt động của gần 240 nhóm tội phạm sắc tộc có tổ chức. Tính đến ngày 1-1-2021, tổng số tội phạm liên quan đến vượt biên trái phép, di trú bất hợp pháp, đăng ký di trú lậu ở Nga lên tới hơn 50.000 vụ, trong các điều kiện giãn cách vì COVID! Các nhà hành pháp Nga đã kêu gọi tăng cường trách nhiệm hình sự với tội phạm di trú ở Nga mà theo họ, so với các nước khác, hình phạt này ở Nga vẫn còn thấp so với một số quốc gia khác (ở Nga là tối đa 7 năm tù, so với 10 - 20 năm tù ở Úc, Mỹ).Một trong những nhiệm vụ đầu tiên mà giới hành pháp Nga đặt vấn đề là ngăn chặn sự bùng nổ chủ nghĩa cực đoan. Các nhà nghiên cứu của aurora.net cho biết “mạng lưới gián điệp Taliban ở Trung Á đã được xây dựng từ lâu, bài bản. Chúng tạm thời ngủ yên, nhưng nếu cần, sẽ không chỉ được kích hoạt mà còn được nhân lên về số lượng”.“Phương Đông là một vấn đề tế nhị”Một trong các lãnh đạo Taliban, Mullah Abdul Ghani Baradar, trong một cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình Uzbekistan 24, từng cho biết trong tương lai Taliban “sẽ không để các hiểm họa từ Afghanistan đe dọa Uzbekistan hoặc các nước Trung Á khác, và Taliban tuân thủ quan điểm hợp tác hòa bình, phát triển quan hệ với các nước Trung Á”. Tuy nhiên, bài bình luận trên Topwar không khỏi nghi ngờ: “Nhưng phương Đông là một vấn đề tế nhị. Hôm nay họ nói một đằng, ngày mai họ làm một nẻo”.Về chiến thuật, người Nga đang tăng cường an ninh ở căn cứ quân sự 201 tại Tajikistan, nước Trung Á có biên giới chung dài hơn 1.300km với Afghanistan. Theo báo Tự Do (Nga), vào cao điểm tháng 7-2021, phe Taliban đã giao tranh với quân đội Kabul dọc biên giới Tajikistan, chỉ cách căn cứ quân sự 201 của Nga 70km. Tại căn cứ này hiện Nga bố trí một sư đoàn súng trường cơ giới và tổ hợp quang - điện tử “Okno” cho hệ thống kiểm soát không gian vũ trụ. Hàng trăm binh sĩ Afghanistan đã băng qua sông Pyanj để vào Tajikistan vì không tin vào sự nhân đạo của phe Taliban. Nay, sau chiến thắng của Taliban, Nga cũng không loại trừ khả năng xâm nhập của các nhóm Hồi giáo từ Afghanistan qua đường biên giới Tajikistan. Tương tự là tình hình ở biên giới với Turkmenistan, dù ở đây địa hình bằng phẳng hơn, khó tránh khỏi tấn công của không quân.Một số chuyên gia Nga đánh giá hiện “nguy cơ các mối đe dọa từ bên ngoài và bên trong với Nga được dự báo ở mức độ cao chưa từng có”, nên cần phải thực hiện ngay một loạt biện pháp nhằm đảm bảo ổn định di cư và an ninh chống khủng bố, có tính đến sự ảnh hưởng, phụ thuộc lẫn nhau của cả ba yếu tố là đại dịch, vấn nạn di trú và vấn đề Afghanistan.Dự báo Nga sẽ giải quyết vấn đề bằng cách tập trung vào hai lĩnh vực chính: thắt chặt luật nhập cư, tăng cường các biện pháp kiểm soát biên giới; và kích hoạt các sáng kiến trong khuôn khổ các tổ chức quốc tế (Liên Hiệp Quốc) và khu vực (SNG, CSTO...) để bảo đảm ổn định di trú và an ninh.Về mặt chiến lược, các chuyên gia Nga phân tích chỉ có thể hạn chế sự bành trướng của Taliban vào Trung Á khi Afghanistan tham gia vào dự án hội nhập Á - Âu dưới sự bảo trợ của Trung Quốc, Iran, Pakistan, Ấn Độ và Nga. Ngày 24-8, tại Trung tâm Ứng phó khủng hoảng của Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể (CSTO), cuộc họp lần thứ 24 của Hội đồng Điều phối về chống di cư bất hợp pháp được tổ chức với sự tham dự của đại diện tất cả các nước CSTO. Cuộc họp thống nhất rằng hoàn cảnh kinh tế xã hội và chính trị nội bộ hiện nay ở Afghanistan đang “mang lại những rủi ro cho các quốc gia trong khu vực CSTO”, mà cụ thể là số lượng người tị nạn không kiểm soát được, nạn buôn bán ma túy, vận chuyển trái phép vũ khí và các tội phạm khác. Tags: Khủng bốAfghanistanTrung ÁMỹ rút khỏi Afghanistan
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Đua theo ‘cơn sốt’ ăn táo đỏ, những ai không nên ăn? ĐOÀN NHẠN 22/11/2024 Nhiều người đang theo trào lưu mua táo đỏ trên mạng để ăn hằng ngày, nhưng cần lưu ý cách dùng đúng để đạt công dụng và tránh bất lợi.
Bà Tôn Ngọc Hạnh trở thành bí thư Tỉnh ủy trẻ nhất cả nước A LỘC 22/11/2024 Bà Tôn Ngọc Hạnh, 44 tuổi, được điều động, chỉ định làm tân bí thư Tỉnh ủy Bình Phước và là bí thư Tỉnh ủy trẻ nhất cả nước hiện nay.
Khám xét nơi ở và làm việc của viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TP.HCM ĐAN THUẦN 22/11/2024 Ngày 22-11, Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an đã thi hành lệnh khám xét nơi làm việc và chỗ ở của ông Huỳnh Nguyễn Lộc, viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TP.HCM.
Gần 150 bộ hài cốt ở phố Tây Sơn không phải của binh lính nhà Thanh PHẠM TUẤN 22/11/2024 Ngày 22-11, nhà chức trách cho biết gần 150 bộ hài cốt phát hiện trên phố Tây Sơn, Hà Nội là của người dân bình thường, được chôn cất ở đây từ 50-70 năm.