Tấm căn cước và con người thực

SÁNG ÁNH 11/02/2019 23:02 GMT+7

TTCT - Họ đi theo đoàn người trên các con đường đất. Leila lếch thếch nắm tay người anh lớn. Em vừa lên 4 và mẹ em đằng sau đội trên đầu cái chăn vải cột lại bốn góc chứa mấy bộ quần áo, tay xách bình nước bằng nhôm đã vơi nửa.

Tấm căn cước và con người thực - Ảnh 1.

Ảnh: BEHANCE

Quang cảnh ở đây vẫn thế, những đồi vàng đổ nhẹ xuống biển xanh, những vườn cam nặng trĩu dưới nắng lốm đốm trái chín, chẳng có gì khác trên con đường 30 cây số họ mới trải qua. 

Mẹ Leila bỗng dưng nói lớn: “Các con không được hái cam, rơi xuống đất cũng không được nhặt, đây là quê người, cây trái là của người ta”. Họ vừa qua đến phần đất Libăng, chỉ cách Haifa nơi em sinh ra có 1-2 ngày đường bộ. Cha em đã chọn ở lại. “Mẹ con cứ đi đi, biết đâu anh giữ được mảnh vườn căn nhà, sao thì cũng là quê cha”, và ông cúi xuống hôn em lần cuối. Đó là vào ngày 13-4-1948, ngày mà dân tộc Palestine gọi là “Nabka”, đại nạn, khi tân quốc gia vừa thành lập Israel tàn sát hàng ngàn người để đuổi 800.000 người Ả Rập sang các nước láng giềng, xóa 600 làng mạc không để lại một vết tích.

Căn cước của Leila Khaled từ đó dựa trên sự mất mát và cái không có, cái không có được và cái không còn. Phải đến vườn cam Libăng thì em mới ý thức rõ rệt em là người Palestine, trái cây ăn được và trái cây bị cấm. 

Năm lên 25 tuổi, Leila Khaled trở thành không tặc nữ đầu tiên trên thế giới. Năm 1969, đánh cướp chuyến bay TWA 840 từ Rome (Ý) đi Tel Aviv (Israel), cô đã buộc cơ trưởng phải bay qua trời Haifa, quê nhà mà cô đã rời bỏ bằng chân đất 21 năm về trước. 

Những căn cước “âm bản” như trên lại là những căn cước ràng buộc nhất, như lời thơ của nhà thơ quốc dân Palestine Mahmoud Darwish:

Hãy ghi xuống

Tôi là người A-rập

Số thẻ của tôi là 50.000

Tôi có tám người con

Đứa thứ chín sẽ ra đời sau mùa hạ”

(Thẻ căn cước)

Người Palestine khi mất đi đất nước, chỉ còn một tấm căn cước để duy trì.

Như nhân vật người gốc Hi Lạp của Anton Chekhov tiếc nuối là ở Hi Lạp, cái gì ông cũng có, gia đình, bạn bè..., nhưng ở Nga thì không có gì cả. Tuy vậy, cái mà ông vẫn có là tấm căn cước Hi Lạp. “Thẻ số 50.000” là cái chứng minh những người này mang theo dưới biển, trên rừng, trong những vườn cam hay là hoa lệ nước người.

 

Căn cước kiểu không còn, đã mất hay chưa có lại là cái được nâng niu và duy trì, bảo vệ nhiều nhất trong tâm khảm con người, kiểu “tình chỉ đẹp khi còn dang dở”, và bi lụy bởi nó, nhiều khi mất mạng như người Palestine, người Rohingya (Myanmar), người Kurd, người Tutsi-Hutu (Rwanda), người Dinka-Nuer (Nam Sudan)... và xiết bao nữa. 

Nó cũng là bám víu của những người tha hương lạc lõng, dù là về khoảng cách địa lý hay là về lịch sử, quá khứ. Nó mạnh mẽ nhất là lúc ngoại xâm, là trên sân bóng đá, là lúc ta ở xa quê nhà. “Càng đi xa ta càng nhớ em”, bên kia sông là nhà và căn cước của ta là ngày trước.

Tôi có dịp ngồi chung toa tàu với vài bạn tứ xứ không quen biết trước. Đó là tuổi thanh niên trên những con đường balô nên dễ gần gũi. Các bạn tự giới thiệu, có bạn bảo tôi người Thụy Điển, bạn thì người Mỹ. Một bạn bảo, tôi người Ý, đảo Sicily, thì một bạn Tunisia buột miệng: “Đó từng là thuộc địa của chúng tao!”. Thì có vậy, trong toa tàu này bạn ấy là người Ả Rập, đã có thời cai trị Sicily, nhưng ở một nơi khác, nơi vườn rau quê nhà của bạn đó, thì bạn là người Berber, một dân tộc bị văn minh Ả Rập đồng hóa. 

Tôi là người Việt ở Pháp, nhưng sang đến Đan Mạch, mở miệng nói vài câu là được người Pháp mời ăn chung. “Có chỗ ngủ chưa, về lều cắm trại của bọn tao”, tức là của “chúng mình”. Ở đây là ngược lại, sự gần gũi là vì tao từng là mẫu quốc của chúng mày. Một bà người Pháp kể, có thời gian bà phải công tác dài hạn ở Bắc Kinh. Bà có dịp mấy ngày sang thăm Hà Nội. Mới đến nơi, bà đã thấy thân quen, đây là nhà! Ngõ nhỏ, phố nhỏ, nhà bà ở đó, và từng mái ngói rong rêu như bà tự nhận! Trên một du thuyền ở Caribê thì gia đình gốc Trung Quốc nhìn tôi như đồng hương. 

Tại Costa Rica (Trung Mỹ) còn có cả gia đình Ấn Độ lại ngồi cùng bàn hỏi có ăn chay như họ không, ở đây cơm bọn này thịt cá ê hề trông khiếp hãi nhỉ!

Người Việt tại Pháp, trong thập niên 1950 và mãi đến 1960, có rất nhiều trường hợp khi giao tiếp với người Âu hay tự nhận là người... Nhật. Chẳng qua, ta không có dịp đô hộ Tây Ban Nha hay Sicily, và thương hiệu Nhật Bản này được biết đến từ chiến thắng nửa vời của nước Nhật vào năm 1904 tại Port Arthur, Mãn Châu trước một nước châu Âu cũng nửa vời: Nga. Dẫu vậy, đó vẫn là lần đầu một nước châu Á có hải quân đủ hiện đại để đánh bại một nước Âu châu. 

Nó mang lại cho cả lục địa một niềm tự hào nhận vơ, sau này được xác định bởi màn hình Sony và xe Toyota. 

Tấm căn cước và con người thực - Ảnh 2.
 
 

Nếu căn cước Palestine dựa trên một “đại nạn” là mất hết, thì căn cước mà vài người Việt mượn tạm là dựa trên “đại nạn” kém phát triển và chưa có gì hết, không có cả hoa anh đào, nên ta đành lắt léo mà cầm nhầm. 

Phải nói, ngay cả ngày nay, đối với quần chúng bình dân Thái Lan, cụ thể là phái nữ không quan tâm đến bóng đá, căn cước “Việt Nam” chẳng gợi được gì cả. Có biết Cam-bốt không? Có. Có biết Lào không? Có. Vậy thì Việt Nam là nước phía đông hai nước vừa kể đấy. 

À! Nhưng nếu bảo Việt Nam là nước phía tây của Miến Điện thì thành phần bình dân Thái này cũng có kẻ tin.

Hiện nay ở Mỹ, cái căn cước “Mỹ” (trắng) đang có giá, và làn sóng này đã đưa ông Trump lên làm tổng thống. Thành phần nông dân ít thu nhập, thành phần công nhân những xưởng máy đóng cửa, những hầm mỏ khánh kiệt, bị toàn cầu hóa bỏ mặc trên những cánh đồng mênh mang và những thị trấn èo uột đột nhiên phát hiện ra căn cước siêu cường của Hoa Kỳ. Họ là người Mỹ và xác định điều này bằng ngoại nhân xâm nhập, đồng minh lừa đảo, bạn bè lợi dụng, đuổi hết ra ngoài và ta đóng cửa lại ngồi nhà ôm nhau ăn gà chiên và uống Coca Cola. Vậy là hạnh phúc của thời hoàng kim nào đó sẽ trở lại. 

Chiều hướng này lác đác ở Ý, Hungary, Czech, Ba Lan... Cái căn cước là cái đã mất, chùm khế ngọt, giàn hoa giấy và con trâu cày hay hồi chuông giáo đường trên những luống ruộng.

Còn một căn cước nữa, luôn phải khẳng định với một căn cước khác đối diện: một đội bóng đá. Không ai hô Việt Nam, Việt Nam nếu là hai đội Việt Nam đá với nhau. Nhưng căn cước cũng có thể là hội nhập và chia sẻ. 

Một sáng sớm ở một làng trung du bang Texas, tại quán bánh bột chiên (donut) duy nhất của thị xã ố màu, tôi gặp một ông già đội nón cao bồi và dây lưng to bản đang ngồi sẵn ở quầy. Ông gục gặc chào một tiếng “Howdy”. Bỗng dưng tôi thấy tôi là người ở đây từ tiền kiếp nào quen thuộc, bà phục vụ to xương chậu trễ nải trề môi đằng sau quầy là người tôi từng theo đuổi dạo cấp ba. Thật dễ dàng, dù là nơi xa lạ nhất, người xa lạ nhất, ta chỉ cần nhìn những người xung quanh lần đầu như họ hàng thân quen yêu mến là ta thấy bình yên. 

Trong tâm, ta chỉ cần tự bảo, tôi là người ở đây và đây là nhà, họ sẽ nhận ra ngay. Trên chuyến phà lên phố ở Zanzibar, hai thanh niên châu Phi ngồi cạnh mở gói ăn trưa chỉ có một ổ bánh mì ngọt, thay vì bẻ làm hai đã bẻ làm ba để đưa tôi một phần. 

Các anh không cần phải trao đổi trước. Tôi ngồi trên chuyến phà này như đã cả ngàn năm và bởi vì tôi yêu các anh như người làng cùng một cây đa, giếng nước.

Như vậy, căn cước chỉ định hay là ta tự nhận, có phần thiệt thòi và có phần vinh quang. Libăng chẳng hạn, là một quốc gia có nhiều người Ả Rập theo Kitô giáo, có nhiều địa danh gắn với các truyền thuyết về Jesus. 

Nhưng Libăng cũng là nôi của nền văn minh lừng lẫy Phoenicia từ thời tiền Công giáo, nền văn minh từng vùng vẫy Địa Trung Hải, có tướng Hannibal mang mấy thớt voi vượt cả rặng Alps chinh phạt đế quốc La Mã. Một số bạn Ả Rập Kitô tại Libăng khăng khăng họ là người Phoenicia, mặc dù, tất nhiên, vào thời xa xưa đó, chưa có đạo Hồi và chưa có cả Kitô. 

Tại Iraq thời còn Ả Rập chủ nghĩa của Saddam Hussein, ông này tôn vinh anh hùng dân tộc là sultan Saladin. Sultan này từng dẫn đạo quân Hồi chiếm lại thành Jerusalem và là lãnh đạo nghĩa khí được cả kẻ thù là các hiệp sĩ Thánh chinh Âu châu ca ngợi hết lời. Nhưng Saladin lại là người dân tộc Kurd, tức dân tộc thiểu số tại Iraq mà ông Hussein cho nếm mùi vũ khí hóa học khi ông cầm quyền!

 

Nó phức tạp như vậy, lắm khi, thường khi, cái gì vinh quang thì ta lấy, cái gì nhọc nhằn thì ta quên. Tôi cũng vậy, khi ở Hà Nội thì tôi là anh ba Sài Gòn. Nhưng lên taxi thì tôi là đồng hương Thành Nam vì quê cha tôi ở đó nên xin đừng “chặt chém” và đừng lái xe lòng vòng. Khi gây chuyện ân oán thì tôi là giang hồ Phố Cảng, vì tôi sinh ra ở đó không chối cãi được, có ghi rõ ràng trên giấy tờ tùy thân, tuy không có đâu ghi tôi là anh trai của Dung “Hà”. 

Tôi là người Mỹ, nhưng với người Mỹ miền Đông thì tôi là người Cali, dám theo phe chủ trương tách bang này khỏi liên bang. Trong cộng đồng Việt kiều bang Cali thì tôi là người “miền Nam”, đành nhường cho các bạn Việt kiều San Jose phần “Thung lũng hoa vàng”. 

 Nhưng khi xuống phố Bolsa dưới quận Cam thì tôi lại là người “miền Bắc”, quận Los Angeles. “Anh ở trên đó hả, đâu có phở ngon như ở dưới (quận Cam) này!”. Phở ấy hả, tôi thấy ngục nhưu phấn ngon nhất là ở... Hàn Quốc! Khẩu vị, cũng như căn cước, là cái quyền tôi, cho tôi khẳng định chút xíu vì nó của riêng tôi.

Có lần, tôi thấy một người da đen Mỹ bị bảo vệ đòi xem thẻ phòng tại chân thang máy một khách sạn cao cấp ở Mỹ. Ông tức giận mắng: “Tôi là khách ở đây, anh (phân biệt mà) không biết xấu hổ hả!” và bắt buộc phải chìa thẻ ra. Trong thang máy, ông vẫn chưa nguôi, hậm hực vì bị xúc phạm. Tôi vỗ về chia sẻ: “Họ cũng xét thẻ của tôi”, ý muốn nói là ở khách sạn này, ai lên phòng cũng bị xét thẻ hết vì lý do an ninh thôi. Nhưng ông bắt lấy ngay và bảo: “Đó thấy chưa, đúng là nó kỳ thị bọn chúng mình!”. Cũng là dễ hiểu, đoạn trường ai có qua cầu mới hay, như ông từ lúc sinh ra ở đây, là mỗi ngày đã gặp phải cảnh ngộ này, nên giờ phản ứng là phải.

Thời apartheid tại Nam Phi, kỳ thị và phân biệt, phòng ăn, nhà vệ sinh, khu vực sinh hoạt... đều chia rẽ hẳn hoi da trắng và da màu. Người nước ngoài, như người Nhật Bản, để họ có thể ra vào sinh hoạt chung với người da trắng, đặt mông lên cũng một bồn toalét, được phong tước là “da trắng danh dự”. 

Phần tôi, với người châu Phi, tôi tự phong cho tôi tước “da đen danh dự”, có bạn Phi châu cười thì tôi đưa cánh tay trần ra đọ ngay, thấy chưa, tôi cũng chẳng đen kém anh em mấy.

Căn cước của tôi, nếu theo phần ông ngoại, là làng Du La, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương. Nhưng nếu theo phần bà ngoại tôi thì bà lại bảo: “Cái làng Du La, nó nhiều du côn”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận