Tăng cân vì dịch COVID-19

HỒNG VÂN 08/04/2021 18:00 GMT+7

TTCT - Với nhiều người trên thế giới, một năm sống chung với đại dịch COVID-19 là một năm mà thói quen ăn uống, tập luyện, sử dụng thiết bị điện tử của họ có chiều hướng xấu đi do phải ở nhà thường xuyên, dài ngày, ăn uống mất kiểm soát và ít thể dục.

Ở nhà phòng dịch khiến nhiều người lên cân. Ảnh: BBC

 

Tăng hơn 3kg

Theo một nghiên cứu đăng ngày 22-3 trên tạp chí JAMA, trung bình người Mỹ có thể đã tăng thêm 3,24kg trong giai đoạn cao điểm ở nhà phòng dịch (từ tháng 2 đến tháng 6-2020). Họ ăn nhiều hơn, tập thể dục ít hơn và không có gì ngạc nhiên khi phần lớn đều tích lũy thêm vài kilogram cho cơ thể.

Khi COVID-19 chưa bùng phát ở Mỹ, các nhà khoa học của ĐH California, San Francisco, có một chương trình theo dõi sức khỏe với 250.000 tình nguyện viên. 

Người tham gia thường xuyên nhập thông tin về huyết áp, điện tâm đồ, cân nặng và các chỉ số khác vào một ứng dụng điện thoại để các nhà nghiên cứu tìm hiểu thêm về lối sống và các mô hình sức khỏe có thể dẫn đến bệnh tim để ngăn chặn chúng từ sớm.  

Đến giữa tháng 3 và đầu tháng 4-2020, 45 tiểu bang ở Mỹ ban hành lệnh ở nhà. Nhóm nghiên cứu đã sử dụng cơ sở dữ liệu này để làm một nghiên cứu mới, trả lời câu hỏi liệu đột ngột chuyển sang lối sống ít vận động hơn ảnh hưởng đến thói quen ăn uống và cân nặng của chúng ta ra sao. 

Họ chọn một nhóm gồm 269 người ở 37 tiểu bang, tỉ lệ nam nữ tương đối cân bằng từ cơ sở dữ liệu có sẵn của nghiên cứu về bệnh tim mạch để phân tích. 

Trong 4 tháng, từ ngày 1-2-2020, thời điểm trước khi các biện pháp hạn chế được thực hiện đến ngày 1-6-2020, các nhà nghiên cứu thấy rằng trung bình mỗi người tăng 270 gram mỗi 10 ngày.

Tăng cân là điều không bất ngờ do người dân và chính các tình nguyện viên này không có điều kiện để ra ngoài tập thể dục. Đáng nói là nhiều người trong số họ đã giảm cân thành công ở thời điểm trước khi nghiên cứu.

Vì vậy, kết quả nghiên cứu gợi ý rằng hành vi lành mạnh cho sức khỏe đã bị gián đoạn, thậm chí đảo ngược. Mặc dù số liệu từ 269 tình nguyện viên không đủ sức đại diện cho toàn bộ dân số Mỹ, các nhà nghiên cứu cho rằng tình hình thực tế có thể còn tệ hơn.

Do tham gia vào chương trình nghiên cứu về tim mạch, phải cập nhật chỉ số huyết áp, cân nặng thường xuyên, nhóm 269 người này chắc chắn là những người có ý thức về sức khỏe hơn so với mặt bằng chung dân số. 

Ít nhất, họ cũng cân thường xuyên hơn nhiều người khác. Vì vậy, có thể giả định là trong dân số Mỹ nói chung, tỉ lệ tăng cân sẽ cao hơn.

Trước đó, một khảo sát ở Anh do ĐH King’s College London và Công ty Ipsos MORI thực hiện với 2.254 tình nguyện viên cũng cho thấy có 48% người cho biết mình đã tăng cân trong thời gian phong tỏa. Các chuyên gia dinh dưỡng cho rằng nếu chúng ta đã tăng thêm vài kilogram trong năm qua thì cũng không nên cảm thấy tồi tệ. 

Về lâu dài, sau đại dịch, các chính phủ cần triển khai những chương trình khuyên sống lành mạnh, kiểm soát cân nặng để đưa dân số về lại mức cân nặng khỏe mạnh.

Trẻ em, người lớn đều dùng màn hình nhiều hơn trong thời gian bị phong tỏa. Ảnh: edtechnology.co.uk

 

Say xỉn nhiều hơn

Trước đại dịch, Chris McLone làm nghề quản lý bán hàng là một người đàn ông ưa nhìn, khỏe mạnh, có uống rượu nhưng chưa bao giờ nghiện. Sau vài tuần nước Anh bị phong tỏa, từ chỗ uống cho vui, người đàn ông này đã thành bạn thân của chai rượu. 

McLone sống một mình, anh rơi vào trầm cảm và càng uống nhiều. Biết mình lạm dụng rượu, anh muốn dừng lại nhưng không thể kiểm soát bản thân, anh uống từ sáng đến tối và ngày này qua ngày khác.

Tại Vương quốc Anh, nhóm nghiên cứu của ĐH Cambridge phát hiện: cứ 3 người lại có 1 người uống rượu bia nhiều hơn trong đợt phong tỏa đầu tiên năm 2020. Tỉ lệ uống nhiều hơn ở người lớn tuổi, người có con nhỏ, y bác sĩ và những người bị mất người thân do COVID-19.

Có đủ lý do để uống rượu: người lớn tuổi có nguy cơ cao nên phải cách ly nghiêm ngặt, cuộc sống thay đổi, không còn tiếp cận được một số dịch vụ hỗ trợ. Người có con nhỏ nay vừa phải làm việc tại nhà, vừa chăm con toàn thời gian và phải giúp con học online nên có nhu cầu giải tỏa căng thẳng. 

Y bác sĩ làm việc đến kiệt sức và những người mất đi thân nhân thì đau khổ nên cũng tìm đến rượu. Nhiều người khác uống rượu đơn giản vì thấy thoải mái do được làm việc ở nhà… Khảo sát cho thấy cả nam và nữ đều uống rượu bia nhiều hơn dù tỉ lệ ở nam cao hơn một chút.

Tại Mỹ, khảo sát gần 2.000 người trưởng thành cho thấy tỉ lệ uống rượu mạnh ở những người uống nhiều tăng lên 19% theo mỗi tuần phong tỏa. 

Lượng rượu uống vào ở những người uống nhiều tăng hơn gấp đôi so với những người không uống nhiều, đặc biệt cao ở những người từng bị trầm cảm.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận