Tăng "lì xì" cho trung hạn và dài hạn

PHÚC TIẾN 09/02/2009 18:02 GMT+7

TTCT - Câu chuyện rôm rả nhất trong buổi gặp tân niên của một nhóm doanh nhân trẻ đầu tuần này chính là “bao lì xì lớn” của Chính phủ: bù lãi suất cho vay!

Một giảng viên đại học cùng dự nhắc chừng: “Chiều mồng 10, nhớ đi dự họp triển khai của Ngân hàng Nhà nước. Có gì thắc mắc cứ chuẩn bị nêu lên. Tình hình này dầu sôi lửa bỏng, ông Nhà nước chắc chắn lắng nghe để làm sao chủ trương mới phải thực hiện được nhanh chóng!”. Anh còn nhắc đến một “bao lì xì” khác có thể nhiều người chưa chú ý ngay, đó là vài chục tỉ rót qua Bộ Công thương để trợ giúp doanh nghiệp khai phá thị trường mới, xúc tiến thương mại. Mặt khác, Bộ Tài chính cũng vừa công bố việc giảm 50% thuế VAT cho nhiều mặt hàng.

Hoan hô Nhà nước “lì xì” lấy hên đầu năm! Như thế doanh nghiệp nào cũng mong “đầu xuôi đuôi lọt”, hi vọng các ngân hàng thương mại và Bộ Công thương khi làm thủ tục nhận các “gói lì xì” này xin đừng biến thành một thứ xin-cho quen thuộc! Hơn nữa, anh em ai nấy đều hi vọng sau khi được “mở hàng” đầy ấn tượng, Nhà nước sẽ còn nhiều loại “lì xì” khác cho dân để sử dụng cho trung hạn và dài hạn chứ không phải chỉ cứu nguy trước mắt.

Quả thật, Nhà nước không chỉ kích cầu bằng tiền mà còn có thể sử dụng nhiều chính sách toàn diện để vừa cứu vãn thu nhập cho dân, đồng thời tiết kiệm triệt để nhiều khoản chi tiêu không cần thiết cho quốc gia lúc này. Có thế mới tăng nguồn lực đón bắt thời kỳ sau khủng hoảng.

Chẳng hạn, để dân thêm vốn làm ăn và tiêu xài, Nhà nước tiếp tục “lì xì” cho dân bằng cách bớt nhiều khoản thu cho dân trong thời gian suy giảm kinh tế. Kinh nghiệm chèo chống khủng hoảng của nhiều nước đang cho thấy một trong những việc làm trước tiên của Chính phủ và Quốc hội là thông qua những quyết định giảm thuế, trong đó có giảm thuế suất và dời thời gian đóng thuế cho doanh nghiệp và các khu vực thu nhập thấp.

Trước đây khoảng năm 1990, thực hiện di chúc Bác Hồ, Quốc hội đã từng thông qua quyết định giảm thuế nông nghiệp 50% trong hai năm kế tiếp. Đây là một tiền lệ hay cho thấy Nhà nước biết sử dụng công cụ thuế để chia sẻ khó khăn với dân. Từ tiền lệ này, Bộ Tài chính nên có phương án đưa ra dân bàn việc có nên giảm thuế 50% cho tất cả các loại thuế trong vòng hai năm 2009-2010. Nếu khó đạt được mức giảm thuế 50% thì nên bổ sung thời gian giãn thuế trong vòng hai năm. Dĩ nhiên, nguồn thu thuế cho ngân sách giảm cũng là động cơ hối thúc Nhà nước cắt giảm các khoản chi tiêu không sinh lợi.

Đồng thời Nhà nước có thể thực hiện ngay việc tăng “dư địa” đầu tư cho dân bằng cách phát hành trái phiếu lãi suất cao, bán rộng rãi hơn nữa cổ phần của các tập đoàn nhà nước đang có lợi nhuận lớn như dầu khí, điện, viễn thông, hàng không, bảo hiểm, ngân hàng. Nhà nước nên đưa ra những đơn đặt hàng lớn dự trữ nông sản cho tiêu dùng nội địa và xuất khẩu, xây dựng thêm chung cư cho công nhân và dân nghèo, xây dựng bệnh viện và trường học mới... theo phương thức công tư cùng hợp tác.

Để những gói “lì xì” trên được trao tay hiệu quả, Nhà nước ắt phải tiếp tục tăng cường minh bạch trong tài chính công, chi tiêu công. Thật vậy, dư luận mấy tháng trước đây rất lo ngại tiền kích cầu sẽ được bơm vào các doanh nghiệp lớn làm ăn không hiệu quả thì nay thông qua việc bù lãi suất vay, Nhà nước và ngân hàng cần cho dân thấy rõ tín dụng phải được rót đúng người, đúng việc. Tương tự, những đơn đặt hàng, những dự án xây dựng và giao đất để gia tăng kích cầu như cầu đường, bến phà, đường hầm, đô thị mới, trường học, bệnh viện, trang thiết bị của cơ quan nhà nước... đều cần thực hiện thông qua đấu thầu công khai và chặt chẽ.

Theo xu hướng đó, trên website của Chính phủ và các bộ, website của UBND các tỉnh thành và các sở ban ngành trực thuộc rất cần bổ sung mục thông tin đặt hàng và đấu thầu cùng thông tin nhà thầu, nhà giám sát và tiến độ thực hiện bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh để không những người dân, doanh nghiệp trong nước mà chính phủ và doanh nghiệp nước ngoài cũng như các tổ chức quốc tế đều biết. Website của báo đài và các tổ chức chính trị - xã hội, các hội đoàn doanh nghiệp, phương tiện truyền thông đại chúng cũng nên có thêm các chuyên mục tổng hợp tình hình chi tiêu của Nhà nước để vừa có thêm phương tiện làm kẻ xấu chùn tay, vừa có thông tin cho nhà đầu tư và người tư vấn phản biện.

Trong khi ấy, để nêu gương xài đúng chỗ - đúng mức trong thời khủng hoảng, các cơ quan cần ưu tiên xài hàng nội và các dịch vụ bình dân. Các quan chức được hưởng tiêu chuẩn đi vé máy bay hạng business trở lên có thể chuyển qua các loại vé ít tiền hơn. Công chức các cấp nên đi đầu trong việc sử dụng các phương tiện đi lại công cộng, không sử dụng phương tiện công cho việc gia đình. Hãy coi đấy không chỉ là hành động thực hành tiết kiệm mà quan trong hơn còn là thúc đẩy một cách sống gần dân, chia lửa cùng dân!

Rất mong định kỳ hằng tuần, hằng tháng các vị thủ trưởng đầu ngành tự đưa con đến trường, tự đi chợ, tự xếp hàng, tự đi xe gắn máy và xe đạp hoặc cùng ngồi quán cà phê, quán phở với dân. Qua đấy, các thủ trưởng không những “vi hành” mà cùng dân “hành động”, ứng phó muôn vàn nghịch cảnh trong đời thường sinh động.

Các đại biểu Quốc hội, hội đồng nhân dân sẽ là người tiên phong tham gia việc này và có thể chọn các trợ lý tình nguyện là sinh viên, học sinh để tăng cường hoạt động tiếp dân, thăm dân. Đặc biệt với khu vực dân doanh, vào thời điểm này rất cần cán bộ lãnh đạo các ngành thường xuyên đến thăm doanh nghiệp để cùng tháo gỡ khó khăn, tìm hiểu phản hồi chính sách, đồng thời làm gương sử dụng hàng hóa và dịch vụ của dân doanh. Chắc chắn với những chính sách quyết liệt và không cần nhiều tiền như thế, xã hội sẽ có thêm niềm tin Nhà nước biết cách bươn chải cùng dân! Đây là niềm tin rất quý giá, một vốn liếng vô tận hơn mọi gói “lì xì” nào khác.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận