Tế bào gốc - Tiềm năng, hi vọng và cường điệu

NGUYỄN VĂN TUẤN 20/03/2010 07:03 GMT+7

TTCT - Trong lúc có nhiều thông tin và hi vọng đã được gieo về khả năng trị liệu của tế bào gốc, nhiều chuyên gia trong và ngoài nước lên tiếng cảnh báo về những hiểu lầm, ảo tưởng, thậm chí cường điệu trong lĩnh vực này. TTCT giới thiệu những ý kiến khác nhau về nghiên cứu, ứng dụng và thương mại hóa việc trị liệu bằng tế bào gốc.

Phóng to
Ảnh: Science photolibrary

30 năm trước, khi công nghệ sinh học mới phát triển và kỹ thuật di truyền bắt đầu khởi sắc, rất nhiều nhà khoa học tuyên bố rằng trị liệu gen nay mai sẽ là một liệu pháp điều trị cho những bệnh hiểm nghèo. Đến nay, tuyên bố đó vẫn chưa thành hiện thực.

Tế bào gốc thành... hàng hóa dịch vụ?

Trong khi công chúng dần quên giấc mơ trị liệu gen, thì y học lóe lên hi vọng mới về triển vọng ứng dụng tế bào gốc (TBG - stem cells) vào điều trị các bệnh nan y như bệnh thần kinh, tim mạch, tiểu đường, ung thư...

Tế bào là đơn vị cơ bản nhất của con người và cách tiếp cận chữa trị bệnh tật bằng tế bào là một liệu pháp có thể nói là logic. Một số bệnh như Parkinson, Alzheimer (mất trí nhớ), tiểu đường, ung thư... thường tấn công người cao tuổi, cơ chế chính của những bệnh này là do mất tế bào chuyên biệt hay do tế bào bị hư hỏng. 

Do vậy, thay thế các tế bào đã mất hay bị hư hỏng bằng cách “trồng” hay “gầy giống” các TBG là một giải pháp được giới y khoa chú ý hơn 10 năm qua.

Điều trị bệnh bằng thay thế tế bào nếu không là hi vọng sau cùng thì cũng là một phát triển quan trọng trong hành trình chinh phục bệnh tật của con người.

Trên thực tế, điều trị bằng thay thế tế bào không mới. Năm 1981, các bác sĩ Mỹ lần đầu tiên thành công trong việc ghép tủy xương cho một em bé 16 tháng tuổi. Từ đó đến nay kỹ thuật này được ứng dụng tương đối rộng rãi ở các nước phương Tây. Việc dùng TBG trong điều trị các bệnh nhân bỏng cũng là một thành công lớn của tế bào trị liệu. Cách đây khoảng năm năm, một nhóm bác sĩ Mỹ tuyên bố đã thành công trong việc sử dụng TBG lấy từ người trưởng thành để điều trị bệnh tim.

Trong nghiên cứu này, các bác sĩ tiêm TBG của tủy xương vào tim của bệnh nhân, sau sáu tháng theo dõi kết quả cho thấy tim vận hành tốt hơn. Có nghi ngờ rằng hiệu quả đó có thể không phải do TBG mà do các cơ chế sinh học khác. Tuy nhiên, những thành công bước đầu của tế bào trị liệu vẫn mở ra một cánh cửa mới cho y học hiện đại.

Từ những thành công bước đầu nói trên, rất nhiều nhóm trên thế giới bắt đầu khai thác TBG cho mục tiêu thương mại. Chỉ cần xem qua những quảng cáo trên các tập san y khoa quốc tế hay dạo một vòng các website cổ động cho TBG và ngân hàng TBG, rất dễ dàng thấy TBG đang dần trở thành một loại hàng hóa hay dịch vụ để kiếm lời.

Ở Anh và châu Âu, người ta lập ra những ngân hàng TBG hay những trung tâm y khoa quảng bá điều trị bằng TBG, thu hút rất nhiều bệnh nhân tuyệt vọng. Nhiều bệnh nhân cả tin phải trả hàng ngàn euro để được tiêm những tế bào mơ hồ mà chẳng có hiệu quả lâm sàng nào.

Thế giới chưa có phác đồ tế bào trị liệu

TBG có tiềm năng ứng dụng điều trị bệnh, nhưng vẫn còn trong vòng nghiên cứu và phải rất thận trọng. Cũng chưa có bằng chứng từ các nghiên cứu lâm sàng cho thấy hiệu quả thật sự của TBG trong điều trị các bệnh như tim mạch, tiểu đường, ung thư, viêm khớp xương, Parkinson, mất trí nhớ...

Đã có vài thành công với tế bào trị liệu, nhưng phần lớn là ở chuột và rất khó nói các kết quả này có thể ứng dụng ở bệnh nhân. Ngay cả một vài ca có triển vọng ở bệnh nhân cũng chưa thể triển khai ở quy mô lớn hơn, vì nếu chưa qua nghiên cứu lâm sàng đối chứng ngẫu nhiên thì chưa thể ứng dụng gì trong lâm sàng. Đến nay, trên thế giới chưa có phác đồ nào về tế bào trị liệu.

Ở Việt Nam, đã nghe đến những thành công bước đầu trong việc ghép TBG vùng rìa giác mạc hoặc TBG cuống rốn cho bệnh nhân hỏng giác mạc. Mới đây, có thông tin cho biết các bác sĩ Việt Nam đã tiến hành ghép TBG trong máu cho bệnh nhân đột quỵ. Tuy nhiên, chưa thấy các kết quả nghiên cứu được công bố trên một tập san y khoa có uy tín trên thế giới.

Ứng dụng nghiên cứu cơ bản trong lâm sàng là một hành trình khoa học rất dài và chông gai. Có thể tiên đoán con đường từ nghiên cứu TBG trong phòng thí nghiệm đến ứng dụng trị liệu trong lâm sàng cũng là một con đường dài. 

Để được phép thử nghiệm bất cứ một thuật điều trị nào trên người (dù là bệnh nhân ở giai đoạn cuối đời), nhóm nghiên cứu phải là những chuyên gia có các công trình nghiên cứu được công bố liên tục về lĩnh vực họ thực hiện, đặc biệt là những thử nghiệm tiền lâm sàng (thử nghiệm trên động vật) đầy đủ.

 Không nên phủ nhận hoàn toàn vai trò TBG

“Đã có nhiều công trình nghiên cứu về TBG nhưng kết quả nghiên cứu thế nào, hiệu quả ứng dụng ra sao, ở mức độ nào vẫn còn đang phải nghiên cứu tiếp. Nhưng nói TBG không có tiềm năng, phủ nhận hoàn toàn vai trò của TBG, nói đó là do người ta vẽ vời, thêu dệt nên là không đúng về mặt khoa học.

Nhiều nghiên cứu của các nhà khoa học trên thế giới đã khẳng định máu cuống rốn chứa nhiều dòng TBG còn rất trẻ và có khả năng phân chia tốt. Từ tế bào máu cuống rốn có thể biệt hóa thành một số loại tế bào khác như nguyên bào xương, nguyên bào sụn, tế bào mỡ, nguyên bào sợi, nguyên bào cơ, tế bào gan và thậm chí cả tế bào thần kinh... TBG máu cuống rốn đã được sử dụng để điều trị một số bệnh về máu và hệ thống miễn dịch có liên quan đến một số bệnh di truyền, ung thư và những rối loạn chức năng có liên quan về máu. Việt Nam đã ứng dụng điều trị cho bệnh nhi bị một số bệnh lý về máu”.

 PGS.TS TRẦN CÔNG TOẠI (ĐH Y Phạm Ngọc Thạch)

Là hi vọng mới nhất của y học hiện đại thế kỷ 21, nhưng TBG cũng đặt ra nhiều vấn đề đạo đức khoa học. Tiềm năng ứng dụng của nó có thể xem là vô tận, nhưng đến nay ứng dụng TBG cho điều trị bệnh vẫn rất hạn chế trong một số bệnh hiếm, chứ chưa rộng rãi như nhiều người quảng bá (hay tin tưởng).

Đáng quan tâm là trong tình trạng bất định như thế, một số nhóm trên thế giới đã khai thác lòng tin của bệnh nhân để biến một vấn đề mang tính khoa học thuần túy thành một dịch vụ kinh doanh kiếm lời. 

Những gì đã và đang xảy ra ở châu Âu liên quan đến TBG là một bài học để chúng ta cẩn trọng. Trong khi chưa có bằng chứng về hiệu quả lâm sàng của TBG, cần nhiều nghiên cứu có hệ thống trước khi áp dụng trên bệnh nhân.

Chưa thể kết luận sau vài công trình nghiên cứu

“TBG có khả năng biệt hóa và tăng sinh. Nhưng biệt hóa thành cái gì, mức độ nào cần có thời gian, có khi hàng trăm năm chứ không phải qua một vài công trình nghiên cứu là có thể kết luận được.

Quảng cáo không đúng bản chất của sự việc là không tôn trọng y đức và bệnh nhân. TBG không phải là thần thánh, nó là một sinh thể, là vật chất, suy cho cùng là cấu trúc của con người nên cũng có thể có những sai lầm. Khi con người mắc bệnh ung thư là do có biến đổi TBG, đó là những sai lầm sinh học dẫn đến bệnh.

Có nhiều đơn vị mời tôi nói chuyện về TBG, họ có mục tiêu ứng dụng công nghệ này, do vậy thường đề nghị tôi hạn chế nói về mặt trái của công nghệ TBG, như vậy là không nên. 

Tôi cho rằng trong khoa học phải trung thực, nhất là các lĩnh vực đụng chạm tới giá trị con người. Do đó cần phải xem lại động lực thông tin, đối tượng thông tin, người chủ thông tin rồi mới kết luận. Trong trường hợp các nhà khoa học tranh luận với nhau là A hay B thì đó là những sinh hoạt lành mạnh. Chính từ sự tranh cãi đó chân lý mới được bộc lộ”.

ThS PHAN KIM NGỌC (Phòng thí nghiệm TBG - Đại học KHTN, ĐH Quốc gia TP.HCM)

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận