Tết cổ tích của bánh nhúng

LIÊN HƯƠNG 16/02/2024 04:16 GMT+7

TTCT - Bánh nhúng không chỉ là sự ngon miệng, khoái khẩu. Nơi có mùi chiên thơm lừng lan tỏa trong không khí sẽ là nơi có một bếp lửa ấm, có niềm hớn hở, có sự quây quần, có hình bóng mẹ.

Nhẩm ngày đếm tháng, số năm lưu lạc xứ người của tôi đã vượt quá số năm sống tại quê hương.

Thế nên ngày Tết Nguyên đán thực sự đã ở miền cổ tích, Tết nhiều phần như một sự nhớ về, một vọng tưởng. Một bữa cơm đơn sơ cúng vọng vào lúc quê hương đón giao thừa, nén nhang thơm, mấy nhành hoa trên bàn thờ là Tết.

Tết cổ tích của bánh nhúng - Ảnh 1.

Nhưng Tết của cõi lòng, của tâm tưởng cũng trải dài không có thời điểm nhất định, không có kết thúc, đến và đi bất chợt. Tết là vui, Tết là ấm, Tết là đủ đầy, Tết bỗng nhiên mà tới qua màu sắc, từ mùi vị thân quen, nơi món ăn, rau trái.

Tháng ba, tháng tư cắt cọng hành, cọng ngò tươi mới thả vào nồi canh: Tết đến.

Khi hoa vạn thọ nở rực rỡ ngoài vườn cuối hè, lúc hái rổ rau gia vị thơm ngon đủ cải cay, cải cúc, tía tô, diếp cá, rau răm vào cuốn bánh tráng, khi cuối thu nhổ gừng non đem sên mứt, mùi gừng nồng ấm lan tỏa trong bếp là lại thêm một lần đón Tết.

Lạ lùng hơn nữa, giữa những tấp nập, nhộn nhịp người với người của những dịp lễ hội hóa trang, hội làng, chỉ cần mùi dầu chiên trong gió đưa tới là Tết ùa về.

Mùi dầu chiên bánh fritella bên đất Ý này gợi lại mùi dầu chiên của những ngày mồng hai Tết trong bếp của mẹ xưa. Chiều mồng hai Tết, cúng kiếng đã tạm ngưng, thăm viếng chúc Tết người lớn, bà con cũng đã chu toàn, trong căn bếp nhỏ ám khói, mẹ bắt đầu pha bột, đốt bếp than và chiên bánh nhúng.

Trứng gà đánh tan, quậy tan hết đường, bột cho vào từ từ cùng với nước để khỏi vón cục, thêm chút sữa đặc cho thơm.

Nguyên vật liệu đơn giản, dễ kiếm, tất cả chỉ canh bằng mắt, làm theo thói quen. Bột để nghỉ một chút thì bếp than đã hồng, chảo dầu phụng đã lăn tăn reo vui, khuôn bánh nhúng ngâm vào trong dầu cho nóng trước khi nhúng vào bột và rồi nhúng trở lại vào chảo dầu.

Những cái bánh bắt đầu phồng lên, trở sang màu vàng óng, lắc tay nhẹ bánh rời khuôn, cả căn bếp thơm lừng. Bánh vừa được gắp ra khỏi chảo dầu là biến mất, chỉ còn nghe những tiếng nhai giòn rụm, tiếng xuýt xoa.

Đây là lúc bầy con được ăn Tết thiệt, Tết còn nóng hổi, thơm tho. Bởi vì vài tuần trước đó, chúng cứ phải thèm thuồng khi nghe mùi mứt đủ loại, mùi bánh thuẩn, mùi vịt lạp nướng thơm lừng… và chỉ được phép đụng vào các món ăn ngon được làm chăm chút, tỉ mỉ, tinh khiết đã dâng cúng trên bàn thờ.

Hàng triệu năm về trước, từ khi tự nhóm lên được ngọn lửa, những người tiền sử đã học hỏi vị đầu bếp Tự nhiên những món ăn ngon lành, hấp dẫn, biết quây quần sưởi ấm bên ngọn lửa hồng. Rồi người tiền sử học cách trồng trọt, chăn nuôi và chế biến.

Loại bột lâu đời nhất trên thế giới được phát hiện có niên đại 32.000 năm được làm từ yến mạch, được người Homo Sapiens nghiền trong một hang động ở Gargano, tỉnh Foggia, Ý (theo Rainews, dẫn nghiên cứu của các nhà khoa học Ý đã đăng trên tạp chí khoa học PNAS năm 2015).

Năm 2020, Học viện Ẩm thực Ý đã mời các chuyên gia trong nước và trên thế giới thảo luận về các món ăn chiên rán trong dầu mỡ.

Hai nhà sử học Jean Louis Flandrin và Massimo Montanari nêu giả thuyết rằng những người Ai Cập đã phát minh ra món bánh ngọt bằng bột, chiên trong mỡ động vật.

Giả thuyết thứ hai cho rằng chính những người Do Thái vào thế kỷ 13 TCN đã chế ra món chiên ở trong sa mạc Sinai khi chạy trốn khỏi Ai Cập.

Giả thuyết thứ ba đáng tin cậy nhất, là vào thế kỷ 15 TCN, người Trung Quốc đã làm món chiên với thứ chảo sâu lòng có tên là wok. Cũng chính người Trung Quốc đã biết cách lấy dầu từ mè, đậu nành…

Món bánh chiên frittella được cho là ra đời vào khoảng cuối những năm 1300, cất giữ ở Venezia (Venice).

Như câu chuyện cổ tích Cô bé Lọ Lem có hàng trăm phiên bản khác nhau, thuộc về tài sản văn hóa của nhiều dân tộc khác nhau trên thế giới, chiếc bánh nhúng cũng là tài sản ẩm thực của nhiều quốc gia, có cái tên thông dụng nhất là Rosette.

Trong tiếng Ý là biscotti a rosetta. Rosette nhằm chỉ cái vòng khuôn kim loại để làm bánh có dạng hoa văn uốn lượn hình bông hoa, hình sao, hình trái tim, hình bông tuyết, đôi khi có hình chim bồ câu hay hình bươm bướm.

Bánh biscotti a rosetta

Bánh biscotti a rosetta

Bánh nhúng như là một đại diện cho ngày vui, ngày sum họp, những rộn rã, tưng bừng và giòn giã.

Ở mỗi vùng đất, bánh có nhiều biến thể khác nhau, có nơi pha bột bằng sữa, có vùng pha bằng nước cam, bánh chiên xong được phủ đường, phủ mật ong, rắc mè, thêm hương vani, lá dứa, nước cốt dừa, sầu riêng… Tuy nhiên tiêu chuẩn đặc trưng bắt buộc của một chiếc bánh nhúng là giòn rụm và thơm phức.

Bánh nhúng không chỉ là sự ngon miệng, khoái khẩu. Nơi có mùi chiên thơm lừng lan tỏa trong không khí sẽ là nơi có một bếp lửa ấm, có niềm hớn hở, có sự quây quần, có hình bóng mẹ.

Hễ còn có một bàn tay người mẹ thì một bếp lửa lại được đốt lên, công thức bánh nhúng lại được lưu truyền. Cứ thế, bao nhiêu thời gian đã đi qua, bao nhiêu thế hệ đã sinh ra và lớn lên, chiếc bánh nhúng không hề mai một.

Nơi căn bếp tha hương, mỗi khi nhớ Tết và muốn có Tết, tôi lại chiên bánh nhúng, để có cơ hội gia đình quây quần bên lửa ấm, để đưa con, để dắt lòng về một miền cổ tích. Cổ tích bắt đầu từ: "Ngày xưa có mẹ…".■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận