Thái Thiên Phượng: Một bi kịch thế thái nhân tình

SÁNG ÁNH 14/03/2023 09:43 GMT+7

TTCT - Câu chuyện của Abby Choi (Thái Thiên Phượng) - một chuyện hình sự thương tâm tại Hương Cảng đang được cả thế giới theo dõi - là cả một trời thế thái nhân tình.

Tóm lược như sau: Một cô gái 28 tuổi, xinh đẹp và được coi là người mẫu, mất tích ngày 22-2-2023. Ba ngày sau, tại Long Vĩ Thôn - một vùng ngoại ô bờ biển vắng của thành phố, công an phát hiện trong một căn hộ hai nồi xúp lớn chứa xương sọ và xương sườn của cô Phượng. Phần đùi vẫn còn trong tủ lạnh. 

Căn hộ này mới được thuê trước đó mấy tuần, bên trong được sửa soạn để phi tang thân thể nạn nhân. Sàn và tường lót ni lông và vải buồm để khỏi vấy máu; tại chỗ có áo mưa, bao tay và mặt nạ, dao kéo và máy nghiền thịt, máy cưa xương. 

Giấy tờ tùy thân và túi đầm Hermes của cô vẫn còn bỏ đấy, nhưng không rõ tay và phần trên thân thể cô đâu.

Ảnh: The Times

Ảnh: The Times

"Gia đình tiêu biểu"

Những người tình nghi bị bắt giữ là gia đình chồng cũ của cô, gồm bốn người: ông bố Quảng Cầu (65 tuổi), bà mẹ Lý Thụy Hương (63 tuổi), con trưởng Quảng Cảng Kiệt (31 tuổi) ở chung nhà. Cũng bị bắt giam còn có một phụ nữ họ Ngũ (47 tuổi), tục gọi Dung Dung và là người tình của ông bố Cầu ca. 

Cậu con thứ Quảng Cảng Trí (28 tuổi) - chồng cũ của Phượng - bị bắt giữ ngày 26-2 tại bến phà Đông Dũng trên đảo Đại Tự Sơn trong khi đang thuê ca nô máy tìm đường tẩu thoát sang Trung Quốc đại lục. Anh ta mang trên người 500.000 tiền Hương Cảng (64.000 USD) và một vốc đồng hồ đeo tay tổng trị giá 500.000 USD.

Lý do ban đầu được đưa ra là gia đình này tranh chấp với cô Phượng một căn hộ ước giá 8,5 triệu USD tại khu Kadoori Hills sang trọng. Câu chuyện này được cả trăm triệu người bàn tán trên mạng xã hội vì nó kinh hoàng quá - người đẹp cũng chết, người giàu cũng chết và án mạng không chừa cái sự sang.

Bố mẹ cô Phượng là dân có của trong ngành xây dựng tại Hoa Lục. Cô có của từ bố mẹ. Năm 2019, tức 3-4 năm sau khi ly dị chồng, cô tậu căn hộ nói trên với giá 9,3 triệu USD cho chồng cũ và hai con cùng bố mẹ chồng ở. 

Cô trả ngay bằng tiền mặt, nhưng "sổ đỏ" do Cầu ca đứng tên, có lẽ để bớt thuế bất động sản. Gần đây, cô tính bán căn hộ. Luật sư cho cô biết rằng tuy nhà tên người khác nhưng nếu cô xác chứng được là mua bằng tiền của cô thì tòa sẽ xử thuận. 

Dĩ nhiên gia đình nhà chồng cũ chống đối. Cầu ca còn phát biểu đại loại "bán nhà mà không thay bằng nhà khác thì đừng có trách trời ở trên cao".

Quảng Cầu vốn là nhân viên cảnh sự lon trung sĩ, bị buộc thôi việc và hưu non 18 năm trước do lùm xùm tình nghi trong một vụ hiếp dâm. 

Theo ông chính thức khai báo thì lợi tức của vợ chồng ông dưới mức 8.400 USD/năm, tài sản dưới mức 238.000 USD, tức đủ điều kiện hưởng chương trình của chính phủ mua căn hộ xã hội giá 280.000 USD, dẫu ông đang đứng tên và ngụ trong một căn giá gấp 30 lần như thế. 

Chuyện này cho ta thấy hai điều. Đầu tiên là tuy Hương Cảng tự do kinh tế và thương mại nhất thế giới, nhưng chính quyền cũng có chương trình giúp đỡ người nghèo. Điều thứ nhì là phố Kadoori Hills 4 năm qua đã bị mất chút giá, từ 9,3 triệu xuống 8,5 triệu, chứ bất động sản Hương Cảng không phải chỉ có lên như lời đồn. 

Đây là phố đẳng cấp đã từ lâu, đặt tên theo họ một dòng tộc Do Thái khởi nguồn ở Iraq, thế kỷ 18 lập nghiệp ở Mumbai (Ấn Độ), thế kỷ 19 ở Thượng Hải và thế kỷ 20 ở Hương Cảng, đi tới đâu thì leng keng tiền tới đó.

Hai người con của ông bà "nhà nghèo và được trợ giúp xã hội" đều vô nghề nghiệp, học vấn dạng biết đọc biết viết, đánh vần ngoại ngữ được chữ D-I-O-R. Anh Trí 28 tuổi, là chồng cũ của Phượng. 

Họ quen nhau lúc cả hai mới cùng 15 tuổi, lấy nhau lúc 18 tuổi (2013), con đầu của họ 10 tuổi và con thứ 8 tuổi. Trí cao to trên mét tám, đẹp trai chải chuốt và dẻo miệng. Trong 2 năm lấy vợ giàu, anh ta không làm gì nhưng bị truy tố tội ăn cắp "39 dây chuyền, 32 vòng đeo tay, 13 thỏi vàng và 10 lạng vàng, 6 lắc vàng và 102 đồng vàng…" tại ba nơi. 

Anh ta lên một mạng xã hội của giới đồng tính, nhờ sạch sẽ và dẻo miệng mà dụ được bốn người đưa cho anh ta 637.000 USD để đầu tư. Năm 2015, anh ta bị kết án và truy nã về chuyện này lúc sắp chia tay với Phượng. Và vì đang bị truy nã nên Trí kín tiếng trên mạng xã hội, không phải ai cũng thấy được ảnh anh ta cười duyên.

Quảng Cảng Kiệt, 31 tuổi và là anh hai của Trí, tuy cũng cao to đẹp mã nhưng xui hơn em, không vớt được vợ giàu. Kiệt ở chung căn nhà mà Phượng mua, còn được cô em dâu lập cho một công ty chung mở một xe bán bánh xèo tây, nhưng công ty lỗ lã nên bị kiện nợ 15.000 USD. 

Tuy vậy trên Instagram của Kiệt, người ta thấy ảnh anh lúc đi ăn Howard's Gourmet ở Central Road, lúc tắm ở KS Aria Las Vegas, khoe giày Dior và túi đeo ngực LV, sang chơi Thẩm Quyến thì thấy hình Rolls Royce. Anh ta làm gì ngoài ngồi chụp hình trên du thuyền ăn macaron Pháp? 

Các nhân vật chính trong vụ Thái Thiên Phượng. Ảnh: Real Hong Kong News

Các nhân vật chính trong vụ Thái Thiên Phượng. Ảnh: Real Hong Kong News

Anh ta cũng mắc tội thiếu tiền thẻ không trả và là tài xế cho em dâu cũ, chuyên đưa đón cô và các cháu.

Chồng mới của Phượng không đẹp trai như Trí, nhưng Chris Tam (cũng 28 tuổi) là "thái tử" của chuỗi 131 nhà hàng Đàm Tử Tam Ca/ Đàm Tử Vân Nam Mễ Tuyến chuyên bán bún nước lèo. Họ làm đám cưới cổ truyền năm 2016 nhưng không đăng ký kết hôn, có lẽ vì lý do tài sản tế nhị, rồi có với nhau hai đứa con khác. 

Câu chuyện thương tâm vì Phượng tốt bụng, sau khi ly dị rồi vẫn chu cấp cho cả gia đình chồng. Nhưng có lẽ phần chu cấp này không đủ với họ, vì như đã nói ở trên, chồng cũ vẫn phải ăn cắp và lường gạt để mà sống. Cả gia đình này sống ngoài tầm thu nhập, mẹ chồng cũ của Phượng năm 2016 đã khai phá sản.

Thể diện và ăn diện

Còn Abby Choi là ai? Trước khi chết, cô là vợ một thiếu gia không mấy tên tuổi ở đất Hong Kong, nhìn cô cũng xinh xắn. Tuy nhiên, cô không phải người mẫu, cũng chẳng phải diễn viên, đàn ca cũng không biết luôn. 

Cô chỉ tới lui các buổi trình diễn thời trang tận châu Âu, mặc hàng hiệu và chụp ảnh đưa lên mạng xã hội. Cô có 100.000 người theo dõi trên Instagram (tiêu chuẩn tối thiểu của một influencer, theo Advertising Standard Authority, là có 30.000 người theo dõi).

Ở Hong Kong hay Trung Quốc đại lục, Sing hay Đài Loan, cô Phượng không là gì, nhưng ở Pháp thì khác. Các nhà thiết kế có thể cho cô một ghế ngồi hàng đầu vì mặt cô coi rất Trung Hoa. 

Họ biết 30 năm gần đây, khách Trung Quốc mãi lực về mặt hàng thời trang đẳng cấp ngày càng cao. Trước đây, 25% doanh số của LV là ở Nhật. Đồng hồ Philippe Patek bán nhiều nhất ở Sing, nhưng chỉ cần 10% giàu nhất Trung Quốc thôi là đã hơn cả dân số nước Nhật, và 1% giàu nhất Trung Quốc là hơn gấp hai dân số Sing. 

Ở Paris hay Los Angeles mua cái túi Kelly hay Birkin còn khó, chứ Hong Kong thì cửa hàng túi đầm nào cũng có. Cô Phượng dựa vào đó để lên bìa tạp chí: Cô không phải người mẫu đại diện cho nhà thiết kế, mà đại diện cho khách tiêu dùng.

Tại Pháp (cũng như nhiều nước khác), khách nước ngoài mua hàng được miễn thuế VAT. Do họ phải trình hộ chiếu nên ta có thống kê: Năm 2011, khách Trung Quốc chiếm 25% hàng miễn thuế ở Pháp. Chi tiêu trung bình về mua hàng xa xỉ, cũng năm 2011, là Hong Kong 1.500 USD/khách, Trung Quốc 1.470 USD, Nga 1.000 USD và Saudi là 6.100 USD. Nhưng Saudi lại hay sang Anh và chỉ có 20 triệu dân, tức 1,4% người giàu nhất Trung Quốc bằng cả dân số nước Saudi.

Người Trung Quốc lại không thích mua hàng xa xỉ trong nước. Trước dịch COVID-19, 77% hàng xa xỉ ở Trung Quốc là mua ở nước ngoài khi họ đi chơi. Đây là hiện tượng toàn cầu. Số du khách Trung Quốc năm 2025 sẽ vượt số chi tiêu của du khách Mỹ để chiếm 41% du lịch toàn cầu.

Ảnh: BBiography

Ảnh: BBiography

Nhưng việc này liên quan gì đến Thái Thiên Phượng?

Cô Phượng là một tiểu Paris Hilton, len vào được nơi thanh lịch nhờ những con số mới dẫn ở trên. Paris Hilton chẳng phải diễn viên, người mẫu hay ca sĩ, và tài lẻ tài chẵn lục mãi cũng không ra được chút gì. 

Nhưng cô nổi tiếng nhờ… nổi tiếng, và có 22 triệu người theo trên Instagram, chứ không phải 100.000. Cái "diện" của Paris Hilton là lớn, nhưng cái "diện" của cô Phượng mới là tương lai chói sáng lâu dài. Khách Trung Quốc đã thay đổi thành phần mua sắm hàng hiệu trong xã hội. 

Trước đây ở châu Âu, hàng hiệu là đặc quyền ít nhiều kín đáo của sự thành đạt, cho người ở tuổi ngoài 40, là dấu hiệu của chín chắn, tuy có lấp lánh nhưng cũng gần như điềm đạm. Tuy nhiên khách Trung Quốc ngày nay là dạng trên dưới 30 tuổi, phô trương cách tiêu dùng hàng hiệu như một lối sống để khẳng định đẳng cấp mới, tức là như cô Phượng.

Khi Nicolas Sarkozy làm tổng thống Pháp, ông còn bị phê bình là tổng thống "bling bling" vì đeo Rolex. Ở Pháp, dù đứng tuổi và quyền cao chức trọng, đeo Rolex thì nhìn giờ và kéo cổ tay áo xuống rất nhanh, chứ giơ ra mãi người ta cười. 

Nhưng thế thì nhà Rolex khó bán đồng hồ. Ở Trung Quốc trong khi đó bỗng nhiên xuất hiện lớp thanh niên ào ạt mỗi ngày đổi một mẫu đồng hồ. Họ đưa tổng giám đốc của LVMH (Louis Vuitton Moet Hennessy) Bernard Arnault lên hàng tỉ phú số 1 (213,7 tỉ USD vào tháng 2-2023), trên cả Elon Musk, Jeff Bezos, Bill Gates, Warren Buffet… Tầm quan trọng của Abby Choi là ở đó: cô thò chân ra dưới váy là có ngàn người bắt chước mua cùng một mẫu giày.

Nói tới đây lại phải động đến "Signifié - signifiant" - khái niệm của F. Saussure trong ngôn ngữ học: không có mối quan hệ tự nhiên giữa cái được biểu đạt (nội dung) và cái dùng để biểu đạt (hình thức). 

Phượng là một "đại diện", cô cũng là biểu đạt của "ăn diện", hay Trí là một kiểu "thể diện", Kiệt cầu tới "phương diện", và Cầu ca thì chấp nhận "tiểu diện" để hưởng trợ cấp mua nhà. Như nhà văn Joseph Conrad từng nói về một người bạn cũ (Roger Casement): đó là một nhân vật bi kịch nhưng thiếu tầm vóc của sự vĩ đại.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận