Thăm "Ngôi nhà của Matryona" sau hơn nửa thế kỷ

PHAN XUÂN LOAN (*) 14/11/2022 10:20 GMT+7

TTCT - Solzhenitsyn trong Ngôi nhà của Matryona không tìm nhà để sở hữu, mà kiếm tìm "một vùng nhỏ bé và yên tĩnh trên đất Nga" cho thầy giáo làng - người là cựu tù chính trị - có nơi lưu trú.

Thăm Ngôi nhà của Matryona sau hơn nửa thế kỷ - Ảnh 1.

Ảnh: M.N.

Lúc đầu, đó chỉ là cuộc tìm kiếm một ngôi nhà. Nhưng Solzhenitsyn trong Ngôi nhà của Matryona không tìm nhà để sở hữu, mà kiếm tìm "một vùng nhỏ bé và yên tĩnh trên đất Nga" cho thầy giáo làng - người là cựu tù chính trị - có nơi lưu trú. 

Cuối cùng, ông tìm được chỗ tá túc, "một căn nhà gỗ có bốn khung cửa sổ nằm thẳng hàng bên phần râm mát ở phía sau, nóc nhà lợp bằng vỏ cây và chia thành hai mái, mỗi bên trổ một ô cửa nhỏ ở tầng sát mái. 

Nhà không thấp - khoảng 18 thân gỗ tròn. Tuy nhiên, mái nhà đã mục, những súc gỗ làm vách nhà và cổng xưa kia chắc phải bệ vệ lắm nay đã ngả sang màu xám xịt vì đã quá cũ, ngay cả lớp vỏ bên ngoài cũng đã loang lổ rất nhiều". Một chỗ trọ chẳng tươm tất cho lắm đối với bà chủ nhà ốm đau, nàng mèo thọt, con dê còi và lũ gián lộng hành.

Thế nhưng vào những buổi tối yên bình, tiếng chuột chạy hòa với tiếng sột soạt của bọn gián sau bức vách tạo nên âm thanh như tiếng sóng đại dương rì rầm cũng khiến người ta quen đi, bởi "trong tiếng động đó không có sự dối lừa"… Một căn nhà của vài thế hệ, trải qua hai cuộc cách mạng và chứng kiến bao nhiêu số phận nhục nhằn, vụn vỡ.

Thăm Ngôi nhà của Matryona sau hơn nửa thế kỷ - Ảnh 2.

Giống như nhiều căn nhà gỗ khác ta đọc được trong văn học Nga, ngôi nhà của cụ bà Matryona là những tầng ký ức, không chỉ lưu lại kỷ niệm của các thế hệ sống qua, mà còn là lớp trầm tích văn hóa dày theo các biến động lịch sử. Một ngôi nhà có thể kể lại đời sống nông dân Nga từ trước cách mạng, rồi thuở nông trang, những sinh hoạt thời Xô viết. Trong ngôi làng - xã hội Xô viết thu nhỏ đó cũng có những người phụ nữ tị hiềm, những mugich nát rượu, và có cụ bà Matryona Vasilyevna – một nguyên mẫu đời thật ở làng Talnovo, miền Vladimir cổ kính, đã cho Solzhenitsyn nương náu.

Đó là một bà lão khốn khổ, "ngốc nghếch, thích làm việc không công cho thiên hạ, chẳng tích cóp được gì, không màng đến trang phục, chẳng buồn sắm sửa, không được thông cảm và bị chồng ruồng bỏ", nhưng sống nhân hậu, chan hòa, trọng lẽ công bằng. Nói về bà Matryona, Tổng biên tập tạp chí Thế giới mới A. Tvardovsky, khi cho đăng truyện ngắn này, đã ví von Matryona như "một Anna Karenina quê mùa": "Matryona ít học, chỉ là một người lao động giản dị, nhưng thế giới tinh thần của bà được phú cho những phẩm chất mà ta có thể trò chuyện với bà như với Anna Karenina" (sự ví von phần nào còn có lẽ vì cái chết cũng không kém bi thảm của Matryona).

Solzhenitsyn hoàn tất truyện ngắn này năm 1959, nhưng phải đến 20-1-1963 tác phẩm mới được in trên tạp chí Thế giới mới. Trong tập I của Toàn tập Solzhenitsyn, Ngôi nhà của Matryona được giới thiệu cùng các truyện ngắn khác như Trường hợp tại nhà ga Kochetovka, Bàn tay phải, Vì lợi ích công việc và các đoản văn.

Nếu quyết định trao cho A. Solzhenitsyn Nobel văn chương 1970 căn cứ trên "sức mạnh đạo đức mà ông đã nối tiếp truyền thống lâu đời của văn học Nga", thì các truyện ngắn này là những minh họa. Các nhân vật chính trong các truyện ngắn, dù là một nông dân ít học hay một bệnh nhân hấp hối, một sĩ quan mẫn cán hay một hiệu trưởng chất phác, đều mang những dằn vặt trần thế: trăn trở thiện ác, danh dự, lẽ công bằng trong cuộc sinh tồn. 

Chất suy tư chảy như một mạch ngầm qua các đoản văn, với thiên nhiên Nga đầy những sắc màu tương phản: tĩnh lặng và thanh khiết, giận dữ và khốc liệt. Từng khúc gỗ, từng bóng nước, mỗi cơn dông đều có thể nhắn gửi và thức tỉnh. 

Để khi tuổi già hằn nếp, mỗi con người lưu giữ cả một kho báu hồi ức không ai có thể tước đoạt... Quả chuông thành Uglich, nhà thờ bên dòng Oka, tháp chuông Kalyazin… các di tích bị phá hủy do thời gian, vì binh biến, hoặc bởi sự u mê… có khi vọng lại trong văn Solzhenitsyn vỏn vẹn một nốt thăng trần tục (Chuyến đi xuôi dòng Oka).

A. Solzhenitsyn đã gọi Matryona là một người đạo hạnh - "mà nếu thiếu những con người ấy thì chẳng làng mạc nào, chẳng thành phố nào, thậm chí cả thế gian này, có thể tồn tại được". ■

(*) Dịch giả Phạm Ngọc Thạch, NXB Phụ nữ, 2022

Năm 2013, kỷ niệm 50 năm ngày xuất bản Ngôi nhà của Matryona, nhà báo Denis Korsakov của Sự thật Komsomol đã về thăm ngôi nhà nổi tiếng này. Tiếc thay, nó đã bị thiệt hại nặng nề sau trận hỏa hoạn mùa thu năm trước. Ý tưởng tổ chức tại đây một bảo tàng vĩnh viễn vẫn là ý tưởng. Ngôi nhà, vốn nằm ở làng Talnovo hẻo lánh (cách thủ phủ quận Gus-Khrustalny 30km, cách thủ phủ tỉnh Vladimir 100km, cách thủ đô Matxcơva 300km) đang chia sẻ số phận với rất nhiều ngôi làng Nga hấp hối…

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận