TTCT - Liên hoan phim quốc tế Venice năm nay (lần 68) nổi bật ở những bộ phim có nguồn gốc văn học: Vụ chém giết của Roman Polanski (người Pháp gốc Ba Lan) từ vở kịch Thần chiến tranh của nữ nhà văn Pháp Yasmina Reza, Thợ hàn, thợ may, chiến binh, gián điệp của Tomas Anfredson (Thụy Điển) từ truyện trinh thám Tay gián điệp trở về từ xứ lạnh của nhà văn Anh John le Carre, Đỉnh gió hú của Andrea Arnod (Anh) từ tiểu thuyết cùng tên của nữ văn sĩ đồng hương Emily Bronte... Phóng to Nữ diễn viên người Đức Hanna Schygulla trong vai vợ thương gia - Ảnh: filmofilia.com Nhưng Faust của đạo diễn Nga Alexander Sokurov là dự án đưa tác phẩm văn học lên màn ảnh đặc sắc nhất: không bê nguyên xi mà lột tả thần thái, những ý tại ngôn ngoại, đặc biệt bằng chính ngôn ngữ Đức của Goethe. Nhà biên kịch Yuri Arabov sử dụng nhiều đoạn đối thoại, triết lý say sưa mà thâm thúy, kéo khán giả vào cuộc theo dõi vất vả nhưng lý thú. Con người và quyền lực Đây là câu chuyện cuộc đấu giữa con người và ác quỷ, mở đầu bằng cảnh gây sốc: trong phòng thí nghiệm, tiến sĩ Faust mổ phanh một thi hài nhưng không tìm thấy tâm hồn ở chỗ nào trong cơ thể con người. Tiến sĩ Faust khát khao kiến thức để giải mã những bí ẩn sâu kín của cuộc sống con người, muốn sục sạo vào chốn bếp núc của địa ngục cuộc đời... đến khi quỷ dữ xuất hiện như một con người có cá tính. Quỷ dữ chính là Mephistopheles, gã thương lái sở tại, gì cũng mua tất, kể cả tâm hồn con người. Trong 134 phút chiếu, trang phục nhân vật của thế kỷ 19 và ngoại cảnh quay từ những khu lâu đài cổ ở Cộng hòa Czech, ở Ireland, bộ phim màu Faust thể hiện một giải pháp mỹ thuật hùng hậu gợi lại phong cách lãng mạn của những danh họa Đức Albrecht Dürer (1471-1528), Lucas Cranach (1472-1553). Sau Moloch (1999, về trùm phát xít Hitler), Sao Kim Ngưu (2000, về những ngày Lenin ở Gorky), Mặt trời (2004, về Nhật hoàng sau Thế chiến 2), Faust là sự kết thúc hoàn toàn logic công trình điện ảnh đồ sộ nhằm phản ánh, lý giải mối quan hệ con người và quyền lực mà A.Sokurov đã thực hiện trong 15 năm. Quyền lực được nhen nhóm từ thế kỷ 16 và thống trị châu Âu suốt 400 năm sau - một đề tài quả là cấp thiết. Phóng to Đạo diễn A.Sokurov - Ảnh: filmofilia.com Văn hóa không xa xỉ! Làm việc với một ngân quỹ khá lớn (do nhạc sĩ Andrei Sigle tài trợ, được Quỹ Hỗ trợ phát triển truyền thông Petersburg rót 8 triệu USD, Quỹ Điện ảnh Nga rót 1,5 triệu USD), A.Sokurov đủ khả năng tập hợp được một đoàn làm phim quốc tế từ 38 quốc gia. Chuyên gia ánh sáng người Canada, quay phim người Pháp (Bruno Delbonnel, từng quay những bộ phim nổi tiếng Amelie, Harry Potter và hoàng tử lai), có lúc trên trường quay phải dùng cả một tổ phiên dịch cho bốn ngôn ngữ khác nhau... Nhưng A.Sokurov không câu nệ “sao”: chỉ mời nữ minh tinh Đức Hanna Schygulla (vai vợ thương gia) xuất hiện không nhiều. Những diễn viên chính như: Anton Adasinsky (vai quỷ Mephistopheles) người Nga, còn Johannes Zeiler (Faust), Georg Friedrich (Wagner) và Isolda Dychauk (Gretchen) người Đức thì chưa lừng danh trước đó. Nếu như Goethe đã dành toàn bộ cuộc đời mình để viết Faust, gửi gắm vào đó những suy ngẫm nhiều năm về sự sống và cái chết, về bản chất của cái ác, về tình yêu, về sự vĩnh cửu mà không hề đưa ra giải đáp cho bất kỳ câu hỏi nào của riêng mình, thì A.Sokurov đã chọn từ đó để làm nên một bức tranh: tấm toan là màn ảnh, màu sắc là các diễn viên và ngọn bút lông là nhà quay phim. Những cảnh cuối của bộ phim, khi Faust giác ngộ rằng bản hợp đồng ký bằng máu với tên quỷ dữ chẳng có ý nghĩa gì và khuân đá núi ném túi bụi vào quỷ Mephistopheles... mang đầy nỗi hoài nghi và tính ẩn dụ. Bộ phim giữ được xuất xứ Đức từ đề tài, phong vị, ngôn ngữ điện ảnh đến phông văn hóa chung không thể thiếu khi chuyển thể tác phẩm của Goethe. Thần thái của Goethe qua chuyển tải của A.Sokurov vẫn xanh tươi. Chẳng thế, khi biết mình chiến thắng, đạo diễn A.Sokurov đã reo lên: “Văn hóa không phải là một sự xa xỉ! Đây là cơ sở cho sự phát triển của xã hội” và chủ khảo - đạo diễn Mỹ Darren Aronofsky - phải nhấn mạnh: “Có những bộ phim chạm đến ước mơ của chúng ta. Có những bộ phim khiến chúng ta bật khóc. Cũng có một số phim khiến chúng ta mỉm cười. Có phim lại làm thay đổi cuộc sống của mỗi chúng ta. Và đây là bộ phim có thể làm tất cả điều đó”. Tags: Điện ảnhLiên hoan phimVăn họcMàn ảnhYuri Arabov
Tuổi Trẻ Cuối Tuần số 38-2023: "Các chuyến đọc giữa những vì sao" TUỔI TRẺ CUỐI TUẦN ONLINE 28/09/2023 1 từ
Trung tướng Tô Ân Xô: Bắt Ngô Thị Tố Nhiên và 2 người vì chiếm đoạt tài liệu mật của EVN THÀNH CHUNG 30/09/2023 Trung tướng Tô Ân Xô thông tin việc bắt bà Ngô Thị Tố Nhiên và 2 người khác do liên quan đến hành vi chiếm đoạt tài liệu mật của EVN.
Khởi tố nguyên phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM vụ án thứ 2 THÂN HOÀNG 30/09/2023 Nguyên phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cùng 6 người khác bị Bộ Công an khởi tố điều tra nghi vấn thông thầu trong cung cấp thiết bị gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng tài sản nhà nước.
Khởi công đường dây 500kV hơn 1.100 tỉ đồng để nhập khẩu điện từ Lào NGỌC AN 30/09/2023 Dự án đường dây 500kV Monsoon - Thạnh Mỹ (đoạn trên lãnh thổ Việt Nam) đã được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phát động thi công ngày 30-9.
Thông báo tìm bị hại trong vụ án lừa đảo tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát DANH TRỌNG 30/09/2023 Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an thông báo tìm bị hại trong vụ án lừa đảo xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Công ty CP Tập đoàn Đầu tư An Đông.