TTCT - Khắp thế giới, ngày càng có nhiều thành phố phải đối mặt thường xuyên với sạt lở, lũ lụt, cái nóng khắc nghiệt hay tình trạng thiếu nước… MidjourneyKhắp thế giới, ngày càng có nhiều thành phố phải đối mặt thường xuyên với sạt lở, lũ lụt, cái nóng khắc nghiệt hay tình trạng thiếu nước… Trong nhiều trường hợp, đô thị đã "tự đào hố chôn thân", theo nghĩa bóng lẫn nghĩa đen, bằng những sai lầm trong kiến trúc và quy hoạch.Hơn một nửa nhân loại đang chen chúc nhau trong các thành phố, làm việc, đi lại, gây ô nhiễm và tìm cách tồn tại. Bây giờ là khoảng 4,4 tỉ người. Đến năm 2045, số lượng thị dân sẽ tăng lên, đến 6 tỉ người, theo Ngân hàng Thế giới.Các thành phố tiêu thụ một tỉ lệ lớn nguồn cung năng lượng của thế giới và đóng góp khoảng 70% lượng khí thải nhà kính liên quan đến năng lượng trên toàn cầu, nói cách khác chịu trách nhiệm to lớn cho sự nóng lên của Trái đất. Trong khi là nguyên nhân chính của biến đổi khí hậu, các thành phố cũng là nơi bị ảnh hưởng nhiều nhất. Đảo nhiệt đô thị, mực nước biển dâng và thời tiết khắc nghiệt đều đang được các thị dân cảm nhận sâu sắc hơn cả.Từ ven rừng sang bờ vực thẳmĐứng cách "vách đá" vài bước chân, Deusimar Batista - một thợ may người Brazil - tuổi ngoại ngũ tuần, đang phơi quần áo ở nơi mà về mặt lý thuyết vẫn là "trong sân nhà" của bà. Gần đó là nơi ngôi nhà mặt phố của một người hàng xóm từng tọa lạc, trước khi sụp xuống vực sâu.Batista sống ở thành phố Buriticupu, phía đông bắc Brazil, nơi các cư dân đã phải sống trong một bộ phim kinh dị đằng đẵng. Mặt đất bên dưới chỗ họ ăn, ngủ đang xói mòn thành những cái hố khổng lồ, nuốt chửng đường phố, nhà cửa và thậm chí con người, theo tin AFP đưa ngày 4-5. Thành phố 70.000 dân thuộc bang Maranhao nghèo khó đang "lở loét" là do "bệnh" phá rừng và thiếu quy hoạch đô thị trầm kha, theo các chuyên gia.Buriticupu, nằm ở rìa của rừng nhiệt đới Amazon hùng vĩ, đã phát triển nhanh chóng vào những năm 1970 nhờ chương trình nhà ở cho công nhân nông thôn. Theo các nhà khoa học, nạn khai thác gỗ tràn lan đã xóa sổ cây cối trong khu vực, cùng với đó là khả năng hấp thụ nước mưa của đất. Tất cả cộng hưởng với việc thiếu hệ thống thoát nước phù hợp nên tình trạng xói mòn đất đang đe dọa xóa sổ luôn thành phố này.Theo văn phòng thị trưởng của Buriticupu, hơn 300 ngôi nhà có nguy cơ đổ sập vào vực sâu. Ảnh: AFPNgười dân địa phương gọi những chiếc hố khổng lồ là "vocorocas", có nghĩa là "đất bị xé toạc" trong tiếng Tupi-Guarani bản địa. Lúc đầu, chúng là những vết nứt nhỏ trên mặt đất, chờ đợi những trận mưa lớn để bành trướng, cuối cùng trông như những miệng núi lửa. Nhìn từ trên cao, chúng chẳng khác những cái miệng to lớn màu đỏ và cam đang đánh chén da thịt của thành phố, và nhờ đó gia tăng kích thước. Theo các nhà chức trách, khoảng hai thập niên qua, đã có 26 "vocorocas" xuất hiện, nơi sâu nhất đạt tới 70 mét.Vì vậy, những đêm mưa đã trở thành nỗi kinh hoàng đối với Batista. "Trời mưa tôi không ngủ được. Tôi thức trắng đêm. Tôi sợ đi ngủ và bỏ mạng nếu như xảy ra một vụ sụp đổ" - bà nói với AFP.Phố không gần biển mà đang chìmVới Alessandro Rotta Loria, trợ giáo sư kỹ thuật xây dựng và môi trường ĐH Northwestern (Mỹ), ta không cần phải tới Venice để được sống trong một thành phố đang chìm dần. Chỉ cần tới Chicago cũng được.Nghiên cứu mới đây của nhóm ông cho thấy mặt đất bên dưới "thành phố lộng gió" Chicago đang dịch chuyển bởi một hiện tượng… nhân tạo. Kể từ giữa thế kỷ 20, phần đất nằm giữa bề mặt thành phố và nền đá đã ấm lên trung bình 3,1oC. Tất cả lượng nhiệt đó - chủ yếu đến từ các tầng hầm và các công trình ngầm khác - đã khiến các lớp cát, đất sét và đá bên dưới một số tòa nhà hoặc trồi lên, hoặc sụt xuống vài milimet. Chỉ nhiêu đó cũng đủ làm trầm trọng thêm các vết nứt và hỏng hóc trên tường và nền móng. May mắn là các tòa nhà không có nguy cơ sụp đổ ngay lập tức.Giới khoa học gọi đó là "biến đổi khí hậu ngầm" (underground climate change) - một hiện tượng khác biệt với biến đổi khí hậu trong bầu khí quyển, gây ra bởi khí thải nhà kính từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch. Mô hình 3D mô phỏng sự gia tăng nhiệt độ ngầm và tác động của nó lên bề mặt đất ở Chicagp. Ảnh: Alessandro Rotta Loria/Đại học NorthwesternNghiên cứu do Loria công bố ngày 11-7 trên tạp chí Communications Engineering, là công trình đầu tiên định lượng được những biến dạng mặt đất gây ra bởi biến đổi khí hậu ngầm và ảnh hưởng của nó đối với cơ sở hạ tầng dân dụng.Nhưng hiện tượng không xảy ra ở riêng Chicago. Nghiên cứu cho thấy nhiệt độ tăng vọt dưới chân thành phố có thể thách thức độ bền của các công trình đô thị trên khắp Hoa Kỳ. Ở các thành phố lớn trên toàn thế giới, nhiệt đang tỏa ra từ các tầng hầm, nhà để xe, đường hầm xe lửa, đường ống, cống rãnh và dây cáp điện… vào đất đai xung quanh.Loria cảnh báo biến đổi khí hậu ngầm là "một mối nguy hiểm thầm lặng" - mọi người không nhìn thấy các nguồn nhiệt, nên họ lầm tưởng chúng không tồn tại. "Mặt đất đang biến dạng do sự thay đổi nhiệt độ, và không có công trình dân dụng hoặc cơ sở hạ tầng hiện có nào được thiết kế để chịu được những biến đổi này" - ông nói.Tây Phi ướt átMưa bão và lũ lụt ở các vùng ven biển Tây Phi dự kiến trở nên nghiêm trọng hơn khi hành tinh tiếp tục ấm lên. Và nạn phá rừng có thể làm cho tình hình thêm phần tồi tệ, theo một nghiên cứu đăng trên tạp chí PNAS hồi đầu năm 2022. Theo đó, nạn phá rừng làm tăng tần suất các cơn bão buổi chiều. Trên thực tế, các khu vực rừng bị chặt phá nặng nề hiện đang hứng chịu số lượng bão tăng gấp đôi so với 30 năm trước. Diện tích "rừng trọc" càng lớn, các cơn bão càng mạnh hơn.Đó là bởi vì rừng giúp điều hòa khí hậu địa phương, theo nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi Christopher Taylor thuộc Trung tâm Sinh thái và Thủy văn Vương quốc Anh. Ở những vùng nhiệt đới, cây xanh thường có tác dụng làm mát. Khi những khu rừng này bị phá hủy, khu vực xung quanh nóng lên. Ở một số nơi, chẳng hạn rừng Amazon, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng nạn phá rừng thực sự khiến cho khu vực trở nên khô hạn, vì cây giúp bổ sung độ ẩm cho bầu khí quyển, còn "rừng trọc" có tác dụng ngược lại.Nhưng ở ven biển Tây Phi, đó là một câu chuyện khác. Nhiệt độ ấm hơn trên đất liền làm tăng cường gió biển thổi vào từ đại dương. Loại gió này làm kích hoạt sự hình thành của dông bão.Hậu quả của trận lở đất ở Sierra Leone. Ảnh: Getty ImagesKhu vực nghiên cứu bao gồm một số thành phố đông dân cư, như Freetown (thủ đô của Sierra Leone), Conakry (thủ đô của Guinea) và Monrovia (thủ đô của Liberia). Ở những thành phố này, nạn phá rừng làm đất đai thêm tơi xốp, tăng lượng nước chảy tràn và nguy cơ sạt lở đất thảm khốc. Điều đó có nghĩa là chính quyền địa phương có thể phải lập kế hoạch cho một tương lai thậm chí còn tồi tệ hơn những gì họ đã biết từ biến đổi khí hậu.Ở những nơi như Freetown, cộng đồng địa phương đang nỗ lực làm chậm nạn phá rừng. Nhưng tác động của một hành tinh nóng lên sẽ không biến mất chừng nào khí nhà kính còn tiếp tục bị thải vào bầu khí quyển.Bài học từ thành cổTừ năm 900 đến năm 1500 sau Công nguyên, một số thành phố cổ đại của người Khmer ở Đông Nam Á lục địa và của người Maya ở Trung Mỹ đã sụp đổ, trùng hợp với thời kỳ khí hậu biến đổi dữ dội.Nhưng tại sao vùng nông thôn xung quanh họ vẫn tiếp tục thịnh vượng? Một nghiên cứu năm 2021 trên PNAS gợi ý câu trả lời có thể là sự thích ứng có chủ ý của các làng mạc với áp lực khí hậu.Phó giáo sư Daniel Penny - tác giả chính của nghiên cứu, từ ĐH Sydney (Úc) - cho biết: "Họ đã tạo ra những cảnh quan rộng lớn của các cánh đồng bậc thang và đê bao (để kiểm soát dòng nước), chúng hoạt động như những bể chứa nước, phù sa và chất dinh dưỡng khổng lồ". Vì vậy, trong khi vùng lõi của các đô thị - khu hành chính và khu nghi lễ - đã bị bỏ hoang, thì các cộng đồng xung quanh vẫn tồn tại.Ví dụ, tại thành phố cổ Angkor (ở Campuchia ngày nay), khu vực "lõi" dần dần bị bỏ hoang trong vài thập niên, với đỉnh điểm là một loạt trận hạn hán thảm khốc vào thế kỷ 14 và 15. Thế nhưng, cảnh quan nông nghiệp xung quanh có thể đã vượt qua các thời kỳ căng thẳng này."Chúng ta thường coi những sự kiện lịch sử này là thảm họa, nhưng chúng cũng dạy chúng ta nhiều điều về sự kiên trì, khả năng phục hồi và tính liên tục khi đối mặt với biến đổi khí hậu" - Penny nói trong một thông cáo. Móng nhà không phải là thứ duy nhất bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu ngầm. Các nhà nghiên cứu cho rằng nó có liên quan đến sự phát triển bất thường của thực vật và ô nhiễm nhiệt của nước ngầm. Nếu đường ray trở nên quá nóng, các tàu điện ngầm phải chạy chậm hơn hoặc dừng hẳn. Và đối với những hành khách dưới lòng đất, nhiệt độ cao hơn có thể dẫn đến tình trạng sức khỏe như mất nước, hen suyễn và tăng huyết áp. Theo Alessandro Rotta Loria, các thành phố nên ứng dụng các công nghệ địa nhiệt để "thu hoạch" lượng nhiệt dư thừa dưới mặt đất và đưa nó đến các tòa nhà để sưởi ấm. Các nhà quy hoạch cũng có thể lựa chọn vật liệu cách nhiệt cho các tòa nhà hiện nay và sắp xây dựng để giảm thiểu lượng nhiệt đi vào lòng đất. Tags: Thiên taiMực nước biểnNước biển dângThời tiết khắc nghiệtBiến đổi khí hậuThời tiết cực đoanPhá rừngLũ lụtBão
Thuế nào chống đầu cơ bất động sản hiệu quả? TS Phan Phương Nam (Trường đại học Luật TP.HCM) 18/12/2024 1720 từ
Tổng Bí thư dự phiên trọng thể Đại hội IX Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam QUỐC LINH 18/12/2024 Sáng 18-12, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm dự phiên trọng thể Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam lần thứ 9, nhiệm kỳ 2024 - 2029.
Tin thế giới 18-12: Ông Trump sắp cử người sang Ukraine; Mỹ nêu số thương vong của lính Triều Tiên THANH HIỀN 18/12/2024 Nga sẽ đưa vụ ám sát trung tướng Kirillov ra Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc; Mỹ khẳng định hàng trăm binh sĩ Triều Tiên thương vong ở Kursk.
Đà Lạt hướng tới mục tiêu trở thành hình mẫu tiêu biểu về tăng trưởng xanh MAI VINH 18/12/2024 Ngày 18-12 tại TP Đà Lạt, UBND Thành phố Đà Lạt phối hợp với Báo Tuổi Trẻ tổ chức Hội thảo quốc tế “Đà Lạt phát triển du lịch xanh và công nghiệp văn hóa từ tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và văn hóa địa phương”.
Tương quan sức mạnh giữa Việt Nam và Philippines ở ASEAN Cup 2024 HOÀI DƯ 18/12/2024 Tuyển Việt Nam vượt trội chủ nhà Philippines gần như mọi mặt trước cuộc đọ sức ở lượt trận thứ tư bảng B ASEAN Cup 2024.