Thanh toán không tiền mặt: 1 năm từ cú hích COVID-19

TRÚC ANH 15/06/2021 06:05 GMT+7

TTCT - Vào thời điểm này năm ngoái, đại dịch COVID-19 đã khiến thế giới chao đảo non nửa năm, và trở thành cú hích bất đắc dĩ cho hình thức thanh toán không tiền mặt, bởi lo sợ những tờ tiền giấy có thể là phương tiện lây truyền virus corona. Tương quan giữa trả tiền mặt và các hình thức không chạm, thanh toán online, di động sau một năm hiện như thế nào?

 Minh họa: The Telegrap

Xu hướng không tiền mặt vốn sẵn có từ trước đại dịch đã chuyển từ tăng trưởng đều đặn sang tăng trưởng thần tốc trong năm qua. Những lo sợ về việc lây truyền dịch bệnh đã buộc người tiêu dùng phải suy nghĩ lại về cách họ mua sắm và thanh toán, trong khi các nhà bán lẻ và nhà hàng đang ưa chuộng hình thức quét thẻ không chạm, scan mã QR hơn tiền mặt để giảm tiếp xúc cho nhân viên.

Những con số mới, cũ

Khảo sát mới nhất về thái độ thanh toán của người tiêu dùng của Visa, công bố đầu tháng 6-2021, hơn một nửa (55%) người tiêu dùng Đông Nam Á hiện nay thích các hình thức thanh toán hơn so với mang theo tiền mặt (45%).

Trong các hình thức không tiền mặt, sử dụng thẻ trực tuyến và ví điện tử phổ biến nhất, đều chiếm 11%, sau đó là thẻ không chạm (10%). Khảo sát thực hiện trên 7.500 người tuổi từ 18 đến 65 ở Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Philippines, Myanmar, Campuchia và Việt Nam trong giai đoạn tháng 8 đến 9-2020.

Không khó để nhận thấy lý do đằng sau sự dịch chuyển này. Theo khảo sát của Visa, ngoài quan tâm về sức khỏe và an toàn, người tiêu dùng cũng không có nhiều cơ hội để dùng tiền mặt khi phải tuân thủ các lệnh giãn cách, phong tỏa. Gần 2/3 người tiêu dùng khu vực đã thử chuyển sang không dùng tiền mặt trong năm ngoái, với nhóm dẫn đầu về tỉ lệ là Việt Nam (84% số người được hỏi), Thái Lan (82%) và Philippines (79%). Trung bình, người tiêu dùng Đông Nam Á có thể sống không cần tiền mặt trong hơn 1 tuần (8 ngày).

 

Còn ở Anh, kết quả khảo sát về thanh toán toàn cầu của Hãng Worldpay cho thấy tỉ lệ chi trả bằng tiền mặt tại các cửa hàng đã giảm một nửa, từ 27% trong năm 2019 xuống còn 13% vào năm ngoái. Hãng này dự báo xu hướng này sẽ tiếp tục trong 3 năm tới, xuống chỉ còn 7% vào năm 2024. Đó cũng là năm mà Thụy Điển sẽ trở thành quốc gia “gần như không tiền mặt”, với các khoản thanh toán bằng tiền giấy chỉ chiếm 0,4% (con số năm 2019 là 15,2% và 2020 là 8,8%).

Về phía các doanh nghiệp, báo cáo công bố tháng 3-2021 của công ty tài chính và thanh toán số Square cho thấy đại dịch COVID-19 cũng làm ảnh hưởng sâu sắc hành vi thương mại và thanh toán toàn cầu. Cũng như người tiêu dùng, các nhà kinh doanh cũng ngày càng chuộng hình thức thanh toán số, với tỉ lệ chấp nhận không dùng tiền mặt và thanh toán trực tuyến và không tiếp xúc gia tăng đều đặn một năm sau khi đại dịch bùng phát.

Square sử dụng khái niệm “doanh nghiệp không tiền mặt”, tức các cơ sở có số thanh toán không tiền mặt (cà thẻ/quẹt thẻ không chạm tại chỗ, hệ thống thanh toán Square Online, thanh toán bằng thẻ trực tuyến) chiếm từ 95% tổng giao dịch trở lên. Tại Mỹ, Úc, Canada và Anh, số “doanh nghiệp không tiền mặt” đã tăng hơn gấp đôi so với thời trước đại dịch (từ tháng 3-2020 đến tháng 3-2021).

Chẳng hạn, tháng 2-2020, chỉ có 6,3% các nhà bán hàng trong mạng lưới Square được xem là “doanh nghiệp không tiền mặt”, nhưng một năm sau, tỉ lệ đã vọt lên 14%. Trong cùng khoảng thời gian 1 năm đó, tỉ trọng giao dịch bằng tiền mặt giảm từ 37,5% xuống 30,5%. Square cho biết nếu không có đại dịch, phải mất gần 3 năm mới có thể đạt được sự chuyển dịch từ tiền mặt sang không tiền mặt lớn như thế.

Theo Báo cáo thanh toán toàn cầu (Global Payments Report) công bố hồi tháng 3 của Công ty dịch vụ tài chính FIS, sự gia tăng của chi tiêu bằng ví điện tử chính là xu hướng nổi bật nhất của năm qua. Đáng chú ý nhất là nó đã trở thành phương thức thanh toán phổ biến nhất trong các giao dịch online lẫn offline, tất nhiên cũng nhờ chất xúc tác là đại dịch COVID-19. FIS nhận định “tiền mặt không còn là vua” và xu hướng này sẽ còn tiếp tục sau đại dịch. Hãng này dự đoán đến năm 2024, tiền mặt sẽ chỉ chiếm 12,7% các giao dịch, trong khi ví điện tử chiếm 33,4%.

Tiền mặt biến mất chưa?

Khi nhắc đến chủ đề thanh toán không tiền mặt, có một câu hỏi luôn được tranh luận trong suốt những năm qua: tiền mặt có thật sự biến mất hoàn toàn không, và nếu vậy thì khi nào? Sau khi “mồi lửa” mang tên COVID-19 làm đà tăng của các hình thức thanh toán số trở nên nóng hơn, một câu hỏi khác xuất hiện: hết dịch thì sao, người ta vẫn chuộng không tiền mặt hay trở về như trước đó?

Với câu hỏi thứ hai, báo cáo của Square nhận định xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt sẽ còn tiếp diễn, ngay cả khi đại dịch qua đi. Còn câu hỏi còn lại, hãng thanh toán này mời Shelle Santana, phó giáo sư marketing Đại học Bentley, đưa ra nhận định khách quan: tiền mặt coi vậy mà “cứng”, vẫn sẽ còn ở lại cuộc chơi, dù vai trò sẽ ngày càng nhỏ dần.

“Hè năm 2020, người ta tự hỏi liệu tiền mặt có trở thành di tích của quá khứ không; giờ thì chúng tôi thấy rằng mặc dù các giao dịch tiền mặt đang giảm, chúng vẫn chiếm khoảng 1 trong mỗi 3 giao dịch ở Mỹ. Điều đó không phải là không đáng kể” - Santana nói.

Một xã hội hoàn toàn vắng bóng tiền mặt có thể vẫn còn là một tương lai khá xa; trong tương lai gần, tính từ khi thanh toán không tiền mặt có được cú hích COVID-19, nhận định sau của Morten Jorgensen, giám đốc hãng tư vấn thanh toán RBR (London), có lẽ là phù hợp: “Tiền mặt sẽ không biến mất, nhưng nó sẽ tiếp tục giảm và COVID đang đẩy nhanh xu hướng đó”.■

Bảo đảm tính bao trùm - không ai bỏ lại phía sau khi ứng dụng rộng rãi các hình thức thanh toán phi truyền thống cũng là một trong các vấn đề của xu hướng không tiền mặt. Đại dịch COVID-19 khiến thanh toán không tiếp xúc, không dùng tiền mặt tăng mạnh, song không phải ai cũng có điều kiện thích ứng. Họ là những người lớn tuổi không rành công nghệ, những người không có tài khoản ngân hàng.

Khảo sát của tổ chức bảo vệ người tiêu dùng Which? (Anh) cho thấy khoảng 34% người tiêu dùng ở nước này đã không thể thanh toán bằng tiền mặt khi mua hàng ít nhất một lần trong thời gian chính phủ áp đặt các lệnh phong tỏa.

Khi các lệnh giới hạn được gỡ bỏ, Which? kêu gọi các nhà bán lẻ, cơ sở kinh doanh tham gia cam kết vẫn chấp nhận tiền mặt, để đảm bảo rằng 10 triệu người tiêu dùng chưa sẵn sàng hoặc không thể từ bỏ tiền mặt “không bị bỏ rơi khi các doanh nghiệp từ chối tiền mặt vĩnh viễn”, theo báo The Independent ngày 13-5.

“Chúng tôi muốn trấn an những người tiêu dùng vẫn phụ thuộc vào tiền mặt rằng họ sẽ không bị để lại phía sau khi chúng ta chuyển dịch sang các hình thức thanh toán số” - Anabel Hoult, CEO của Which?, giải thích.

Nhiều nhà bán lẻ, chuỗi siêu thị và thương hiệu lớn, bao gồm Aldi, Asda, Co-op, John Lewis, LloydsPharmacy, đã hưởng ứng lời kêu gọi, công khai cam kết sẽ không từ chối khách hàng muốn trả bằng tiền giấy hay tiền xu tại các điểm kinh doanh của mình, dù các hệ thống này đều đang chuyển dần sang thanh toán số.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận