TTCT - Olga Berggoltz của tôi (NXB Trẻ, 2010) của dịch giả Thụy Anh vừa giành giải văn học dịch của Hội Nhà văn Hà Nội 2011. Tác giả chia sẻ với TTCT những trải nghiệm của mình trong hành trình giới thiệu thơ ca Olga Berggoltz cho người đọc Việt. Phóng to Dịch giả Thụy Anh (đứng) trong buổi ra mắt Olga Berggoltz của tôi tại Hà Nội - Ảnh nhân vật cung cấp * Có lẽ không người Việt yêu văn học Nga nào không biết đến những câu thơ tình đằm thắm và da diết của Olga Berggoltz. Còn chị, chị đến với Olga Berggoltz như thế nào? “Đọc nhật ký của Olga Berggoltz có những lúc trào nước mắt với tất cả vui sướng, hạnh phúc, khổ đau và cả những sợ hãi rất con người: nỗi sợ trong cuộc chiến, sợ đói, sợ đau khổ, sợ cả... bị bắt vì những lý do không đâu. Thế nhưng bà đã vượt qua nỗi sợ, nỗi đau để viết, để dùng thơ mình nâng đỡ cả những người cũng đang sợ hãi như mình!”. - Ngày trước, chính một số bản dịch thơ Olga Berggoltz của nhà thơ Bằng Việt, dịch giả Ngân Xuyên đã góp những đốm lửa đầu cho tình yêu của tôi đối với bà. Khi tôi sang Nga, năm thứ nhất, thứ hai đại học, được một người bạn chép tặng bài thơ Mùa lá rụng của bà qua bản dịch của Bằng Việt, tôi rất thích! Khi đó tôi ở tuổi 19, 20, bắt đầu yêu và lãng mạn lắm (cười)! Tôi đồ rằng nhà thơ Bằng Việt dịch thơ Olga Berggoltz khi... đang yêu thì bản dịch mới đẹp, lung linh và thấm đẫm tình yêu như thế. Về sau có dịp hỏi ông, ông bảo đúng thế thật! Vào Thư viện Quốc gia Lênin, tôi tìm đọc rất nhiều tác phẩm của bà, chìm ngập trong nhật ký, thư từ trao đổi giữa bà và người thân, các bạn thơ. Khi ấy, tôi nhìn thấy Olga trong sự lấp lánh, nói như nhà nghiên cứu văn học Nga Đào Tuấn Ảnh là của một viên kim cương nhiều góc cạnh. Thơ Olga Berggoltz theo tôi suốt những năm đại học. * Khi bắt tay vào dịch thơ Olga Berggoltz, chị có e ngại việc bị "trùm bóng" bởi bản dịch của những người đi trước đã được nhiều người yêu mến? - Những bản dịch thơ của dịch giả Bằng Việt và Ngân Xuyên đã được bao thế hệ bạn đọc Việt Nam chép vào sổ tay, từ bố mẹ, anh chị chúng tôi. Tôi nghĩ nữ sĩ người Nga Olga có được sự đón nhận nồng nhiệt ngày nay một phần lớn nhờ tình yêu mà người đọc đã mặc định đối với bà từ những bản dịch đầu tiên ấy. Cơ duyên của tôi đối với Olga thì muộn hơn, chỉ khi tôi đã là vợ, là mẹ, đã có được những vui buồn mất mát trong cuộc sống mà một người phụ nữ tất yếu phải trải qua. Tôi chỉ bắt tay vào dịch Olga từ cuối năm 2006 đầu năm 2007. Khi ấy, có thể nói tôi đã sống miên man với ký ức của Olga, lấy việc dịch Olga làm niềm vui, niềm hạnh phúc và sự chia sẻ với bạn bè, và ngược lại nhận được từ bà một sự đồng cảm sâu sắc qua những nỗi niềm trong tình bạn, tình yêu, tình mẫu tử và cả tình yêu Tổ quốc của bà. Tôi đã có được một Olga hoàn toàn mới, không giống với Olga mà trước đây tôi cảm nhận. Tôi phải cảm ơn thivien.net, trang web thi ca tiếng Việt mà tôi gắn bó sau một lần vào đó tìm một bài thơ của Lưu Quang Vũ. Bấy giờ thivien.net lưu giữ nhiều cổ thi mà mảng thơ dịch hiện đại còn quá ít. Tôi bèn dịch thơ Olga và đưa lên. Có thể nói thivien.net và những cổ vũ của bạn bè, người đọc nơi đó đã cho tôi nguồn động lực đầu tiên để lao vào dịch Olga trong một sự rung cảm khó quên. Giờ tôi nghĩ chắc không thể dịch được như thế, dịch liên tục, say mê, "như điên"! * Chắc có điều gì ghê gớm lắm thúc đẩy chị? - Thời gian trước đó, suy nghĩ của tôi về cuộc sống và tình yêu có nhiều cực đoan. Thậm chí tôi từng nghĩ đối với tôi chỉ có sự chăm sóc gia đình, chăm con, chăm chồng là hạnh phúc. Cho đến thời điểm ấy, có một "cú hích" khiến tôi rơi vào khủng hoảng và tôi hiểu tôi sống chưa đúng. Chỉ từ khi bắt tay vào làm việc và dịch Olga, tôi mới thấy rõ hơn ý nghĩa toàn bộ cuộc sống của một con người, một phụ nữ. Ngoài ra, tôi thấy lúc bấy giờ người đọc vẫn chỉ mới biết một Olga nồng nàn yêu đương như tôi từng biết mà chưa hiểu được những khía cạnh khác trong số phận kỳ lạ của người con gái nước Nga, nữ sĩ - người thơ Xô viết là chứng nhân của một giai đoạn lịch sử vinh quang và thống khổ của nước Nga. Tôi mơ ước được đem lại cho người đọc Việt Nam thêm những cảm nhận mới mẻ hơn về bà, như tôi đã có được. * Và dự định làm sách cũng đến từ đó? - Phải đến khi về Việt Nam, tôi mới nghĩ đến việc hoàn chỉnh các bản dịch để in bởi dịch thơ là một công việc không dễ dàng gì, sai sót là không tránh khỏi. Người dịch không những cần giỏi tiếng Nga, giỏi tiếng mẹ đẻ, mà còn phải bắt được tần số tâm lý cảm xúc của tác giả qua văn bản, hiểu được và chuyển tải được những điều ở giữa câu chữ. Chẻ chữ chẻ từ dịch cùng từ điển thì không có được một bản dịch thơ đúng nghĩa. Vì thế, tôi tương đối cẩn trọng dù không thể đôi lúc phải thả cho cảm xúc thật "phiêu" để có những bản dịch... mang dấu ấn của cả dịch giả nữa. Lẽ ra cuốn sách có thể được xuất bản sớm hơn, nhưng có những lúc tôi cảm thấy hoảng sợ và không tự tin. Giờ thì nhờ những biên tập viên của NXB Trẻ và một nhóm bạn thân thiết cũng yêu Olga như tôi, chúng ta đã có được một Olga hiện ra trang trọng trong một ấn phẩm mang đậm tình yêu. Thú thật tôi chưa thật ưng vì đây đó vẫn có lỗi và phần khảo cứu hơi kể lể, dàn trải vì khi tập hợp bài vở tôi thiếu lời khuyên của những chuyên gia nghiên cứu văn học. Tuy vậy, nhiều bạn đọc phản hồi rằng họ có nhu cầu muốn biết những điều "kể lể" ấy. Tôi có chủ tâm sắp xếp các thi phẩm theo thứ tự thời gian chứ không theo chủ đề như nhiều tập thơ của bà đã được in ở Nga. Tôi muốn người đọc cùng tôi đi theo hành trình cả cuộc đời thi sĩ, từ khi tác giả còn là cô gái làm thơ non nớt cho đến khi trở thành người đàn bà gánh chịu những mất mát, rồi phải day dứt với nỗi buồn lớn của số phận trong biến động của thời cuộc. * Hiểu và đồng cảm để dịch, vậy có thể nhìn thấy những kinh nghiệm hay dấu ấn nào đó của Olga Berggoltz trong dịch giả chăng? - Olga Berggoltz cho tôi bài học về sự trung thực, tình cảm chân thành và hết mình đến mức quyết liệt, đến mức "không nương nhẹ trái tim" ("Em chẳng bao giờ nương nhẹ trái tim em/ trong khúc hát, trong buồn đau, trong đắm say hay tình bạn..." hay "Không! Nếu đã đau thì đau cả tâm hồn/ và vui sướng thì cả người tôi trước đám đông cũng cháy bùng thành ngọn lửa"). Với Olga Berggoltz, đã yêu thì yêu say đắm, đã tin thì tin trọn vẹn, đã cống hiến là cống hiến hết. Vậy cũng là cực đoan đấy! Và có cách sống, cách tin yêu đó không tốt cho cuộc đời Olga Berggoltz nhưng nó làm bà trở nên "không thể quên" trong hình dung của người đọc và cả những người thân. Bây giờ tôi cứ nghĩ và mong con người mình phải sống được như thế. * Cho nên có thể dễ lý giải cho sự "ôm đồm" rất nhiều việc của chị trong mấy năm qua từ khi về Việt Nam? - Tôi không biết cân nhắc khi chọn việc để làm, chỉ thấy được làm việc đã là một hạnh phúc lớn rồi. Tôi thích những gì vừa làm vừa học thêm được. Hiện giờ tôi vẫn tham gia các dự án dịch thuật và hi vọng sẽ có được sự tiến bộ nhất định để có thể trở thành một dịch giả chuyên nghiệp. Đây là một công việc không dễ dàng, đặc biệt đối với tôi, các tiểu luận triết học là một lĩnh vực khó nhưng tôi đang rất cố gắng học. Ngoài ra, các dự án giáo dục cũng chiếm nhiều thời gian - xây dựng một số giáo trình về kỹ năng sống, giá trị sống cho trẻ, điều hành câu lạc bộ Đọc sách cùng con và làm việc trong dự án của một vài tổ chức phi chính phủ. Thời gian này tôi đang bận bịu với một dự án đưa giáo dục môi trường đến với học sinh, thú vị lắm (cười). * Cảm ơn chị! DƯƠNG XUÂN thực hiện Vẫn có một tầng sâu văn hóa khác Trong thời đại thực dụng của chúng ta, khi phần lớn giới trẻ thường chỉ nghĩ đến cơm áo gạo tiền và những nhu cầu thiết thân, trong thời điểm thi ca nghiêm túc đang dần biến mất khỏi cuộc sống văn hóa tinh thần của họ thì trong các hiệu sách Việt Nam bỗng nhiên xuất hiện một cuốn sách thơ của nữ sĩ người Nga - Xô viết Olga Berggoltz, người mà ngay cả ở quê hương mình cũng chưa từng được đánh giá đúng mức. Những tác phẩm chủ yếu được sáng tác từ những năm giữa thế kỷ trước, lại được người dịch cung cấp thêm tư liệu lưu trữ cùng những phân tích lý giải của mình, được phản hồi tích cực từ phía độc giả. Đối với tôi, sự kiện ấy là chứng nhân cho cuộc sống văn hóa tinh thần ở tầng nấc cao của người Việt và là tia hi vọng rằng đằng sau sự hào nhoáng của cuộc sống tiêu dùng thời nay vẫn có một tầng sâu văn hóa khác. Cuốn sách tập hợp mảng thơ tình của nữ sĩ và những thi phẩm mang đậm chất suy tưởng về cuộc đời... Tôi cảm thấy Thụy Anh đã lựa chọn kỹ lưỡng những tác phẩm có nét gần gũi với người đọc Việt Nam. Tôi muốn được chúc mừng nữ dịch giả và cũng là nhà nghiên cứu văn học nghiêm túc này - công sức lao động của cô được đánh giá xứng đáng. Và cũng không thể không nhấn mạnh rằng tôi rất tự hào bởi cách đây nhiều năm tôi từng dạy tiếng Nga cho Thụy Anh, ngày đó còn là cô bé học trò mặt tròn xoe đầy háo hức học tập. Tags: Dịch giảNhân vậtHội Nhà văn Hà Nội 2011Olga BerggoltzNgười đọc Việt
Khoảng 10.000 khán giả đi nghe Sơn Tùng M-TP, Soobin, HIEUTHUHAI, trèo lên cây, đu cả hàng rào ĐẬU DUNG 24/11/2024 Khu vực bờ hồ và trước Nhà hát lớn Hà Nội ùn tắc kéo dài do lượng người đổ về đại nhạc hội có Soobin, HIEUTHUHAI, Sơn Tùng M-TP, Orange, Hòa Minzy, Issac…
Tiết lộ doanh thu khủng của 'đế chế chăn nuôi' C.P. Việt Nam BÌNH KHÁNH 24/11/2024 Báo cáo tài chính của Charoen Pokphand Foods, công ty mẹ của C.P. Việt Nam, cho biết doanh thu 9 tháng đầu năm nay ở Việt Nam đạt gần 68.000 tỉ đồng.
Các bên vào cuộc xem xét việc Đàm Vĩnh Hưng hát ở hải ngoại khi đang bị cấm diễn HOÀI PHƯƠNG 24/11/2024 Ông Tạ Quang Đông - thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - cho biết đang làm việc với các bên liên quan đến việc ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng bị cấm biểu diễn trong nước nhưng đi diễn ở nước ngoài.
Hezbollah tấn công Israel bằng hàng chục tên lửa và drone MINH KHÔI 24/11/2024 Hezbollah tuyên bố đã phóng hàng chục tên lửa và máy bay không người lái (drone) vào Israel, tập trung vào Tel Aviv và các mục tiêu quân sự ở miền nam.