Thể thao Việt nhìn từ SEA Games 2017

THẢO NGUYÊN 05/09/2017 21:09 GMT+7

TTCT - SEA Games 2017 đã kết thúc. Với người hâm mộ thể thao Việt Nam, đây là một kỳ SEA Games nhiều cung bậc cảm xúc vui buồn khác nhau. Nhưng sau đó là gì nữa?

Các cổ động viên Việt Nam cuồng nhiệt cổ vũ cho đội bóng quê nhà tại SEA Games 29. -Ảnh: Nguyễn Khánh
Các cổ động viên Việt Nam cuồng nhiệt cổ vũ cho đội bóng quê nhà tại SEA Games 29. -Ảnh: Nguyễn Khánh

 

Khi viết bài này, tôi ám ảnh bởi nhận xét của HLV đội U-22 Thái Lan, khi ông nói rằng đội bóng của mình không nghĩ nhiều đến HCV như đội Việt Nam (và có lẽ cả dân Việt luôn)! Điều đó có nghĩa là gì? Là bệnh thành tích đã ăn quá sâu vào máu chúng ta.

Bóng đá như câu chuyện huy chương IMO

Bóng đá là vua (nói cho chính xác hơn là bóng đá nam). Cái này thì cứ nhìn khán đài, nhìn số ý kiến sau mỗi một bài bóng đá trên các báo mạng là đủ biết.

Vì vậy, không thể không quay lại với câu chuyện thất bại của U-22 Việt Nam .

Đã có nhiều phân tích nhằm lý giải cho thất bại, như tâm lý kém, HLV bảo thủ, thể lực yếu... Tôi xin không nhắc lại những chuyện đó, bởi theo quan điểm riêng, đó chỉ là phần ngọn của câu chuyện.

Cách đây vài tuần, cũng trên báo TTCT, chúng ta đã đọc bài viết “IMO xong thì làm gì nữa?” của tác giả Nguyễn Thế Trung - người từng đoạt HCB IMO (Olympic toán học quốc tế) năm 1995. Có lẽ, chuyện của U-22 cũng không khác mấy.

Bóng đá và giáo dục gặp nhau ở một điểm: Khi thiên hạ còn vừa học vừa chơi thì chúng ta đã luyện gà chọi để đấu đá.

Việc thành công của bóng đá Việt ở các giải trẻ cũng y như bên giáo dục tự hào với những chiếc huy chương Olympic toán, lý, hóa.

Cách đây ba năm, khi còn chơi ở giải U-19, lứa Công Phượng, Tuấn Anh... đã quần tơi tả các đối thủ Thái Lan. Chính điều đó đã gây ra ảo tưởng với phần lớn người hâm mộ bóng đá Việt, rằng bây giờ gặp lại nhau cũng sẽ thế mà thôi.

Nhiều người quên rằng các cầu thủ Thái đã vào “đại học”: Thai League có đẳng cấp khác xa V-League!

Từ đây, lại một câu hỏi cũ nữa được đặt ra: Vai trò của VFF khi nền bóng đá nước nhà bao nhiêu năm vẫn vậy và sau mỗi thất bại tại SEA Games hay AFF Cup là sóng gió nổi lên.

Không phải hơn 90 triệu dân Việt tìm không ra người làm bóng đá giỏi, có tâm; mà bởi vướng những tiêu chí chọn người lãnh đạo liên đoàn (không riêng gì bóng đá) quá nghiệt, chẳng liên quan gì đến sự phát triển bóng đá!

Nghĩa là, cứ loay hoay tìm người trong một số ít người đáp ứng đủ các tiêu chí, vậy nên vài chục năm nay chưa hề có được một êkip nào thật sự ngon lành. Và điều đó, với tôi chính là cái gốc của vấn đề vậy.

Những điểm son từ “thoát Trung”

Nhưng thể thao Việt tại SEA Games không chỉ là mỗi một màu xám của U-22. Chúng ta có khá nhiều niềm vui.

Nếu kể theo thứ tự, có lẽ đứng đầu chính là sự kiện môn “nữ hoàng” - điền kinh - đã thực hiện cuộc lật đổ ngoạn mục người Thái để lần đầu tiên giành ngôi số 1 với 17 HCV.

Kế đến là sự phát triển ổn định của bơi lội, khi Ánh Viên vẫn giữ vững vai trò đầu đàn với 8 HCV; Quang Nhựt thi đấu ổn định và đặc biệt là sự xuất hiện của Kim Sơn, một tay bơi mới 15 tuổi nhưng đã phá kỷ lục SEA Games và đoạt HCV.

Sau những điểm son này, bài học được rút ra là đã đến lúc chính thức nói không với công nghệ huấn luyện từ Trung Quốc. Ở đây hoàn toàn không có tí gì chuyện chính trị, mà thuần túy chỉ là chuyện kinh tế thị trường.

Các lò đào tạo hay HLV phương Tây rõ ràng đâu ra đó với phương châm “tiền nào của nấy”, chứ không nói chuyện tình cảm nhưng khi bắt tay vào việc thì giấu nghề.

Với Kim Sơn, cậu thiếu niên 15 tuổi vốn là học trò ở bể bơi Yết Kiêu, theo chuyên gia Trung Quốc. Nhưng cách đây hơn một năm, cậu về tay HLV Đặng Anh Tuấn (HLV ruột của Ánh Viên).

Chưa được đi Mỹ như đàn chị, nhưng những giáo án tập luyện “made in USA” do HLV Tuấn chuyển về đã giúp Sơn thăng tiến vượt bậc.

Còn điền kinh, chính vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao 2, ông Nguyễn Trọng Hổ, nói thẳng với phóng viên Tuổi Trẻ khi lý giải sự thành công: “Đó là nhờ chọn Mỹ tập huấn thay vì Trung Quốc như trước đây”.

Thể thao không chỉ là huy chương

Nhưng cho dù có thành công đi nữa về số lượng huy chương, thì thể thao Việt Nam không thể mãi yên tâm với con đường “nuôi gà chọi” để đấu SEA Games.

Trong những ngày diễn ra SEA Games 2017, vài người bạn quan tâm đến thể thao đã cho biết một vụ khá ly kỳ, đó là việc Công ty cổ phần Golf chuyên nghiệp đóng ở Q.Bình Thạnh (TP.HCM) bị đoàn thanh tra Sở Văn hóa - thể thao TP.HCM xử phạt vì tội không báo cáo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc tổ chức thi đấu giải, không thành lập ban tổ chức, không có điều lệ giải theo quy định...

Thời gian gần đây, những người tâm huyết với thể thao Việt đã kêu trời về hàng loạt thông tư mà họ khẳng định là “giấy phép con” triệt tiêu sự phát triển thể thao của xã hội, và vụ xử phạt đó là minh chứng.

Ông Trần Văn Nghĩa, cựu cán bộ ngành thể thao, cho biết: “Theo tôi, nhiều huy chương tại một kỳ SEA Games chỉ thật sự có giá trị với một số quan chức thể thao.

Giá trị cốt lõi của thể thao nằm ở chỗ khác, đó là sức khỏe của người dân. Muốn người dân chơi thể thao nhiều thì vấn đề xã hội hóa thể thao phải được thực hiện một cách triệt để.

Có điều kiện đi nhiều nơi, tôi chưa hề thấy một quốc gia tiên tiến nào lại bắt các tổ chức thể thao tư nhân phải báo cáo cho Nhà nước khi tổ chức một giải đấu.

Duy chỉ có những giải đấu như marathon, đua xe đạp... phải sử dụng đến đường sá, nơi công cộng thì mới phải báo cáo xin phép để chính quyền hỗ trợ. Nhà nước không thể bao cấp nổi thể thao đâu, vì vậy phải mở cửa cho thể thao tư nhân phát triển thật sự; chứ hành xử kiểu làm gì cũng phải xin phép thì thể thao khó mà đạt được cái đích cao nhất của nó”.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận