Thu thuế: tiêu thụ hay thu nhập?

ĐINH TUẤN MINH 31/08/2017 01:08 GMT+7

TTCT - Việc Bộ Tài chính đưa ra kế hoạch tăng thuế giá trị gia tăng đặt ra một vấn đề quan trọng về mặt lý luận mà các nhà kinh tế cần phải xem xét khi đưa ra quan điểm ủng hộ hay phản đối chính sách này.

Ảnh: Quang Định
Theo các chuyên gia, tăng thuế sẽ ảnh hưởng ngay đến sức mua vốn đang cần kích lên trong tình hình hiện nay. Ảnh: Quang Định

 

Đó là nguồn thu thuế nên dựa vào thuế thu nhập (thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân) hay thuế tiêu thụ (thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt)?

Trong những năm qua, tỉ trọng thuế tiêu thụ ở Việt Nam, bao gồm thuế giá trị gia tăng (VAT), thuế tiêu thụ đặc biệt trong nước, và thuế môi trường (phần lớn đánh trực tiếp vào giá xăng dầu, than đá) trên tổng nguồn thu từ thuế đã tăng liên tục, từ mức 32,1% năm 2005 lên mức 49,6% vào năm 2007.

Nếu kế hoạch trên của Bộ Tài chính được chấp thuận, tỉ trọng thuế tiêu thụ trên tổng thu từ thuế của Việt Nam chắc chắn sẽ vượt mức 50%. Điều này có nghĩa là hệ thống thuế của Việt Nam về cơ bản đã chuyển hẳn sang dựa trên thuế tiêu thụ.

Điều này là tốt hay xấu lên nền kinh tế? Để có câu trả lời thực nghiệm sẽ đòi hỏi phải có một nghiên cứu đánh giá toàn diện về tác động của việc dịch chuyển nguồn thuế từ thuế thu nhập sang thuế tiêu thụ ở Việt Nam trong thời gian vừa qua đối với tăng trưởng kinh tế cũng như đời sống dân cư.

Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể đưa ra được câu trả lời với mức độ tin cậy nhất định dựa vào thuần túy trên lập luận lý thuyết. Ngoài ra, chúng ta cũng có thể dựa thêm vào các bằng chứng thực nghiệm của các quốc gia đi trước để củng cố hay nghi ngờ các nhận định mang tính lý thuyết đó.

Xét trên góc độ lý luận, chúng ta cần xem xét trên khía cạnh: giả sử cùng với một lượng thu ngân sách từ thuế, việc thu thuế từ thuế thu nhập tốt hơn hay thuế tiêu thụ tốt hơn? Quan điểm của tôi là thuế tiêu thụ tốt hơn và chúng ta cần tiếp tục lộ trình để chuyển sang hướng này.

So sánh giữa hai hệ thống thuế

Để so sánh giữa hai hệ thống thuế dựa trên thuế thu nhập và thuế tiêu thụ, trước hết chúng ta cần phải xác lập một số nguyên tắc cơ bản về thế nào là một hệ thống thuế tốt. Một hệ thống thuế tốt cần phải:

- Công bằng: đảm bảo rằng mọi người dân đều phải nộp thuế. Mức thuế một cá nhân phải nộp cần tương ứng với mức phúc lợi mà người dân được hưởng từ thuế.

- Đơn giản: dễ tính toán, dễ thu.

- Ổn định: hệ thống thuế cần ổn định để không ảnh hưởng đến kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp và người dân.

- Không tạo ra quyền lực ban phát cho chính quyền: không tạo ra nhiều trường hợp đặc thù để chính quyền xem xét, ban phát.

- Hạn chế ảnh hưởng tiêu cực đối với tăng trưởng chung của nền kinh tế: xét một cách tương đối, hệ thống tốt phải là hệ thống ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng thấp hơn so với hệ thống khác.

Dưới đây là các đánh giá về hai loại hệ thống này theo các tiêu chí trên.

- Về tính công bằng: thoạt nhìn, hệ thống thuế dựa trên thu nhập tưởng chừng công bằng hơn so với hệ thống thuế dựa trên thuế tiêu thụ vì hệ thống thuế dựa trên thu nhập sẽ áp đặt mức thuế cao hơn cho người có thu nhập cao và thấp hơn cho người có thu nhập thấp.

Tuy nhiên, chính việc đặt ra các mức thuế khác nhau cho những đối tượng khác nhau lại tạo ra vấn đề cho khái niệm công bằng. Liệu một người có thu nhập 20 triệu đồng nhưng phải nuôi con nhỏ, chịu mức thuế cao hơn so với người thu nhập 10 triệu nhưng không phải nuôi con nhỏ?

Đây là lý do dẫn đến các khoản giảm trừ thuế thu nhập. Có rất nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến đòi hỏi giảm trừ thuế thu nhập, gây ra tranh cãi trong xã hội về tính hợp lý, công bằng của các khoản đó.

Một vấn đề khác được đặt ra là những người có thu nhập thấp không phải nộp thuế nhưng lại được hưởng rất nhiều trợ cấp, dịch vụ miễn phí của Nhà nước.

Điều này khiến những người theo quan điểm bảo thủ cho rằng không công bằng vì những người giàu phải nộp thuế nuôi những người ăn bám.

Trong khi đó những người theo quan điểm xã hội lại cho rằng những người giàu được hưởng lợi rất nhiều từ hệ thống phúc lợi của Nhà nước (đường sá, an ninh...) nhưng lại nộp thuế ít.

Trên thực tế có vẻ như giới trung lưu phải chịu nộp thuế thu nhập nhiều hơn so với mức họ được hưởng.

Người giàu có thể có nhiều cách để trốn thuế thu nhập (đặc biệt là khi hệ thống cồng kềnh phức tạp), nhưng được hưởng nhiều phúc lợi hơn. Người nghèo thì không phải nộp thuế, được sử dụng nhiều hệ thống phúc lợi miễn phí, thậm chí được trợ cấp.

Trong khi đó, với hệ thống thuế dựa trên thuế tiêu thụ, tất cả mọi người đều phải đóng thuế. Người giàu tiêu thụ nhiều sẽ phải đóng thuế nhiều, người nghèo tiêu thụ ít sẽ phải đóng thuế ít.

Ngay cả với cùng một loại hàng hóa thiết yếu, người giàu có xu hướng tiêu thụ các loại hàng hóa cao cấp hơn nên trên thực tế với cùng mức thuế họ vẫn đóng thuế nhiều hơn người nghèo.

- Về tính đơn giản: hệ thống thuế dựa trên thu nhập cực kỳ phức tạp và rối rắm. Để công bằng thì cần phải đặt ra rất nhiều mức thuế khác nhau, rất nhiều khoản giảm trừ khác nhau, dẫn đến hệ thống thuế cồng kềnh phức tạp.

Sự cồng kềnh phức tạp dẫn đến hiện tượng trốn thuế lại tạo ra sự mất công bằng. Trong khi đó hệ thống thuế dựa trên tiêu thụ lại cực kỳ đơn giản, đặc biệt nếu như đó là một hệ thống chỉ có một mức thuế tiêu thụ. Mọi người đều tiêu dùng và đều phải chịu thuế.

- Về tính ổn định: hệ thống thuế dựa trên thu nhập rất dễ bị thay đổi do quan điểm về “công bằng” thường xuyên thay đổi theo các nhóm lợi ích có quyền lực chi phối.

Thu nhập cũng có xu hướng tăng, giảm thất thường do các chu kỳ kinh tế, dẫn đến các chính sách thay đổi mức thuế.

Trong khi đó hệ thống thuế dựa trên tiêu thụ sẽ ổn định hơn vì mức thuế ít chịu tác động của các nhóm lợi ích; mức thu sẽ tự động tăng khi nền kinh tế bùng nổ và tự động giảm khi nền kinh tế thu hẹp. Nhà nước vì vậy sẽ có thể tiên liệu được khả năng thu để lên kế hoạch chi hợp lý.

- Về khả năng tạo ra quyền lực ban phát cho chính quyền: điều này là khá rõ ràng, hệ thống thuế dựa trên thuế thu nhập tạo ra ban phát cho chính quyền.

Việc quyết định các mức thuế thu nhập khác nhau, giảm trừ thuế... đều tạo ra quyền lực cho bộ máy hành chính. Với hệ thống thuế dựa trên thuế tiêu thụ chính quyền sẽ mất đi đặc quyền đó.

Hơn nữa, với việc tất cả người dân phải nộp thuế, nó sẽ tạo ra sức ép lớn hơn đối với chính quyền trong việc chi thuế sao cho công bằng.

- Tác động tới tăng trưởng kinh tế: hệ thống thuế dựa trên thuế thu nhập thực chất là hệ thống thuế đánh vào tiết kiệm. Nó làm giảm đầu tư, làm méo mó phân bổ nguồn lực theo thời gian, và do vậy, giảm tăng trưởng kinh tế về dài hạn.

Trong khi đó hệ thống thuế dựa trên thuế tiêu thụ lại khuyến khích tiết kiệm và đầu tư, do vậy tạo ra nhiều công ăn việc làm hơn cho nền kinh tế, qua đó làm tăng thu nhập của người dân, và dẫn đến tăng chi tiêu trong tương lai. Đa số các mô hình lý thuyết kinh tế hiện đại đều xác nhận ảnh hưởng tích cực hơn của thuế tiêu thụ lên tăng trưởng kinh tế so với thuế thu nhập.

Tính toán của tác giả dựa trên nguồn số liệu của Bộ Tài chính
Tính toán của tác giả dựa trên nguồn số liệu của Bộ Tài chính

 

Kinh nghiệm thế giới

Trong những năm qua, các nước châu Âu và một số nước khác thuộc Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) đã đi tiên phong trong việc áp dụng hệ thống thuế VAT.

Đa số các quốc gia này đều áp dụng tỉ lệ thuế VAT tương đối cao so với các quốc gia khác trên thế giới. Nhiều quốc gia đã tăng tỉ lệ trong những năm vừa qua, từ mức trung bình 17,8% vào năm 2005 lên mưc 19,2% vào năm 2016.

Một trong những quan ngại chính của việc mở rộng hệ thống thuế tiêu thụ là nó gây ra bất bình đẳng.

Tuy nhiên, điều khá ngạc nhiên là, những quốc gia được xem như là mẫu hình của nhà nước phúc lợi như Na Uy, Thụy Điển, Phần Lan, Đan Mạch đều áp dụng mức thuế VAT rất cao, lên tới 24-25%.

Ngạc nhiên hơn nữa là những quốc gia này áp dụng tỉ lệ cao gần như ngay từ rất sớm chứ không phải như một số nước rơi vào hoàn cảnh có nguy cơ vỡ nợ như Ý, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hi Lạp.

Việc những quốc gia mẫu hình về nhà nước phúc lợi - tức là những quốc gia luôn quan tâm đến vấn đề bất bình đẳng hơn ở những quốc gia phát triển khác như Mỹ hay Anh Quốc - áp dụng tỉ lệ thuế VAT rất cao từ rất sớm cho thấy họ không quan ngại việc áp dụng thuế tiêu thụ sẽ gây ra tình trạng bất bình đẳng.■

 

 

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận