TTCT - Tình trạng “loạn giá thuốc” - nguyên nhân gây thêm những nỗi thống khổ của bệnh nhân - xảy ra không chỉ ở VN. Gốc rễ của nó, như đã rõ, từ những “đòn phép biến hóa” của các hãng dược và sự “xuống tay” của các bác sĩ khi kê toa. Và ngày càng có nhiều sự thật được phơi bày... Phóng to Ảnh: dcscience.net Trong đoạn trích của cuốn sách mới Bad pharma (Thuốc tồi) của bác sĩ, nhà văn Ben Goldacre ra mắt ngày 27-9-2012 tại Anh, ông hé lộ một sự thật khủng khiếp: các bác sĩ kê toa cho bệnh nhân mà chẳng rõ loại thuốc đó có tác dụng hay không! Dưới sự kiểm soát của các công ty dược, cả bác sĩ và người bệnh đều bị tấm màn dày đặc che phủ mọi thông tin cần thiết để giúp đưa ra quyết định sáng suốt liên quan tới sức khỏe. Xấu che, tốt khoe Là một cây bút khoa học lành nghề nhất của Anh, Ben Goldacre còn là tác giả của Bad science, cuốn sách đã leo lên vị trí số 1 trong bảng xếp hạng thể loại phi tiểu thuyết ở Anh. Bad science bán được 400.000 bản riêng ở Anh, được dịch ra 25 thứ tiếng. Năm nay 38 tuổi, Ben Goldacre hiện sống ở London. Những bác sĩ kê toa thuốc không biết rằng các loại thuốc họ kê không có tác dụng như mong muốn. Các bệnh nhân cũng không biết những viên thuốc họ uống thật ra chẳng có tác dụng gì, thậm chí còn gây ra tác dụng phụ. Chỉ có nhà sản xuất biết, nhưng không nói. Bác sĩ Ben Goldacre kể lại câu chuyện của chính mình: “Tôi vừa kê thuốc Reboxetine cho bệnh nhân, sau khi các loại thuốc khác đều tỏ ra không có tác dụng trong việc điều trị bệnh nhân trầm cảm nặng. Tôi cũng đã đọc các dữ liệu về thử nghiệm trước khi viết toa và biết kết quả rất khả quan, tích cực. Reboxetine tốt hơn Placebo (giả dược) và tốt như bất kỳ loại thuốc an thần nào khác nếu so sánh. Cơ quan Quản lý các sản phẩm thuốc và y tế của Anh cũng đã thông qua. Mỗi năm hàng triệu liều được kê ở khắp thế giới. Reboxetine rõ ràng an toàn và hiệu quả. Bệnh nhân sau khi được tư vấn đã đồng ý dùng. Nhưng cả bệnh nhân và tôi đều nhầm. Tháng 10-2010, một nhóm các nhà nghiên cứu đã tìm tất cả dữ liệu thu thập về Reboxetine, từ các thử nghiệm được công bố và cả những dữ liệu chưa từng được công bố khoa học. Khi họ đưa tất cả vào phân tích, kết quả là một bức tranh gây sốc. Sau bảy thử nghiệm so sánh Reboxetine và giả dược, chỉ một thử nghiệm trên 254 bệnh nhân cho kết quả tích cực và được xuất bản trên ấn phẩm khoa học cho các bác sĩ và nhà nghiên cứu tiếp cận. Sáu thử nghiệm khác trên số bệnh nhân lớn gấp mười lần đều cho thấy Reboxetine không khá hơn viên kẹo đường. Nhưng những thử nghiệm này không bao giờ được xuất bản, và cũng không ai biết chúng từng tồn tại. Các thử nghiệm so sánh Reboxetine với các loại thuốc khác cho bức tranh y hệt: ba nghiên cứu nhỏ trên 507 bệnh nhân, tất cả cho thấy Reboxetine cũng như bất kỳ loại thuốc nào tương tự. Kết quả này được công bố. Nhưng dữ liệu trên 1.657 bệnh nhân không được xuất bản, và những dữ liệu không xuất bản này cho thấy bệnh nhân dùng Reboxetine cảm thấy tệ hơn khi dùng các loại thuốc khác. Ngoài ra, họ còn bị phản ứng phụ. Bệnh nhân có xu hướng dừng dùng thuốc và không tiếp tục tham gia thử nghiệm vì phản ứng phụ. Vì vậy khi kê thuốc, thay vì giúp ích cho bệnh nhân của mình, các bác sĩ đã làm hại họ. Không ai phạm luật cả trong tình huống đó. Reboxetine vẫn trên thị trường và hệ thống luật lệ cho phép nó vẫn hoạt động ở các thị trường thế giới. Chỉ có điều các dữ liệu tiêu cực về thuốc đã biến mất”. Các loại thuốc đó được những người sản xuất kiểm định, thử nghiệm vội vàng, trên một nhóm bệnh nhân ít ỏi, không mang tính đại diện, được phân tích kết quả bằng kỹ thuật nhiều thiếu sót và hiệu quả điều trị được phóng đại. Khi các thử nghiệm cho ra kết quả mà công ty không thích thì bác sĩ và bệnh nhân sẽ không thể biết được. Cơ quan chức năng cũng không có hết những kết quả đó. Năm 2010, các nhà nghiên cứu từ Harvard và Toronto đã thử nghiệm năm loại thuốc chống trầm cảm và điều trị ung thư, tính toán dựa trên hai yếu tố chính: thuốc có tác dụng không, có do công ty dược tài trợ không. Kết quả trên hơn 500 thử nghiệm: 85% nghiên cứu do các công ty dược tài trợ đem lại kết quả tích cực, nhưng chỉ có 50% nghiên cứu của chính phủ tài trợ có kết quả tương tự. Năm 2007, các nhà nghiên cứu khảo sát tất cả thử nghiệm đã công bố về lợi ích của thuốc điều trị rối loạn mỡ máu (nhóm thuốc statin). Những loại thuốc giảm cholesterol này được cho là giảm nguy cơ bị đau tim và thường được kê toa với số lượng lớn. Trong tổng cộng 192 nghiên cứu so sánh statin với loại khác, hoặc so sánh phương pháp điều trị statin với phương pháp điều trị khác, họ thấy nếu nghiên cứu do công ty dược tài trợ thì có khả năng kết quả tích cực hơn 20 lần đối với thử nghiệm do nhà nước đài thọ. Vì sao các thử nghiệm do ngành dược tài trợ lại có kết quả tích cực? Nhiều khi là do các mô hình thử nghiệm được thiết kế đã có lỗi, hoặc so sánh thuốc mới với loại thuốc mà nhà nghiên cứu thừa biết là “linh tinh” (như liều không đủ, hoặc chỉ như viên giả dược bọc đường), hoặc họ chọn bệnh nhân cẩn thận (bệnh nhân có nhiều khả năng phục hồi hơn sau khi thử nghiệm). Nghiên cứu nào không ổn lắm thì sẽ không công bố... Dù được lập ra nhằm thực hiện những khảo sát cẩn trọng, không thiên vị về tất cả phương pháp điều trị mới, nhưng Viện Quốc gia về chất lượng y tế và điều trị của Chính phủ Anh cũng không thể tiếp cận các dữ liệu một cách đầy đủ mà những nhà nghiên cứu hay công ty dược giữ, do các nhà nghiên cứu đã ký hợp đồng không được tiết lộ, thảo luận bất kỳ điều gì nếu không được phép của bên tài trợ. Không khỏi bệnh còn bị tác dụng phụ Tất cả loại thuốc đưa ra thị trường đều phải thông qua những quy định về tiếp thị riêng rẽ, cách dùng cụ thể, điều trị từng loại bệnh cụ thể. Một loại thuốc không phải để điều trị cho nhiều loại bệnh khác nhau. Nhưng các hãng dược có thể che giấu thông tin để mập mờ kiếm lợi. Đó là với trường hợp của GlaxoSmithKline (GSK) khi đăng ký giấy phép tiếp thị thuốc Paroxetine cho trẻ em. Từ năm 1994-2002, GSK đã thử nghiệm chín lần loại thuốc Paroxetine ở trẻ em. Hai lần đầu tiên không có kết quả tích cực, và khi thử nghiệm xong cả chín lần thì biên bản nội bộ ghi rõ sẽ “không thể chấp nhận về mặt thương mại vì thuốc không hiệu quả”. Trong thời điểm xuất hiện biên bản đó, 32.000 liều đã được kê cho trẻ em riêng ở Anh. Vì vậy, khi công ty biết thuốc này không có tác dụng ở trẻ em thì cũng không vội vã thông báo cho các bác sĩ biết dù rất nhiều trẻ em đang được kê toa điều trị. Năm 2003, Tổ chức kiểm soát thuốc Uppsala của WHO đã liên hệ với GSK khi nhận được hàng loạt thông tin cùng lúc về khả năng liên quan của thuốc Rosiglitazone (điều trị đái tháo đường) với các vấn đề về tim. GSK thực hiện hai phân tích dữ liệu nội bộ, và năm 2005, 2006 cho thấy nguy cơ này có thật. Nhưng dù vậy, họ cũng không công bố cho tới năm 2008, tức lượng lớn bệnh nhân vẫn tiếp tục dùng thuốc. Năm 2007, giáo sư về tim mạch Steve Nissen và đồng nghiệp công bố phân tích dữ liệu cho thấy loại thuốc này làm tăng 43% nguy cơ về tim ở bệnh nhân. Bệnh nhân đái tháo đường vốn đã dễ bị tăng nguy cơ cho tim và loại thuốc điều trị cần phải giảm nguy cơ đó, thì nay hóa ra lại làm tăng nguy cơ này. Năm 2010, loại thuốc này đã bị ngưng bán trên thị trường khắp thế giới. Đó không phải vì GSK tình nguyện mà vì hãng dược này bị tòa án Mỹ ghép tội lừa đảo buộc phải trả tiền dàn xếp và công bố kết quả thử nghiệm trên website để giáo sư Nissen có điều kiện tiếp cận và phân tích. Nếu không, các dữ liệu sẽ còn bị GSK che giấu đến khi nào có thể. Dù có một hệ thống y tế rất phát triển nhưng giá thuốc ở Thái Lan vẫn là một vấn đề đau đầu. Anh Thiradej, nhân viên một công ty dược lớn của Mỹ, cho biết: “Bạn gần như không thể có một giá thuốc thống nhất tại đây. Ví dụ thuốc Cetirizine, một loại thuốc chống dị ứng phổ biến ở Thái Lan, có thể mua tại bệnh viện này với giá 1,5 baht/viên, nhưng ở bệnh viện khác lại là 5 baht/viên. Hoặc cùng một loại thuốc nhưng với tên gọi thương mại khác và hãng đăng ký sản xuất khác, giá thuốc cũng sẽ có sự chênh lệch. Chưa kể giá thuốc có đăng ký bản quyền và thuốc sản xuất đại trà theo cách copy công thức cũng sẽ khác nhau rất xa”. Vậy các yếu tố nào làm cho thuốc có giá không đồng đều và phương thức đấu thầu ra sao? Câu trả lời được nhiều người trong ngành y tế giải đáp, tựu trung như sau: - Giá vốn và sự đầu tư khác nhau giữa hệ thống bệnh viện tư nhân và bệnh viện công. Danh tiếng của các bệnh viện trong từng hệ thống cũng quyết định giá cả dịch vụ và thuốc men, từ bình dân đến thượng hạng và đẳng cấp quốc tế. - Số lượng đặt mua và mối quan hệ giữa nhà cung cấp và bệnh viện. Giá thuốc sẽ phụ thuộc vào từng thời điểm khác nhau giữa cung và cầu. - Hợp đồng đấu thầu giữa các nhà cung cấp trong trường hợp thuốc có chức năng tương tự nhưng xuất xứ và bản quyền khác nhau. - Hệ thống phân phối sỉ, lẻ cũng như phân biệt vùng miền và khoảng cách thu nhập của bệnh nhân. Chị Rashmi, y tá của một bệnh viện tư nhân lớn khu vực Thon Buri ở Bangkok, nói: “Về giá cả, bệnh viện phải được giá tốt nhất để có thể sinh lợi. 30% là lợi nhuận tối thiểu đối với các bệnh viện có đẳng cấp cao”. Qua khảo sát thực tế, không cần nhìn vào đơn thuốc người ta cũng sẽ đoán được giá thuốc nằm ở mức nào, chỉ cần hỏi rằng bạn đã điều trị tại đâu! Nhưng đó là những khác biệt được người bệnh nhận biết dễ dàng khi nhìn vào các bệnh viện, chẳng hạn bệnh viện Bamrungrad, BNH, Bangkok International hoặc Sammitivej chuyên đón tiếp những tỉ phú đến từ Trung Đông, bệnh viện Phayathai, Vichaiyut, Bangkok Christine dành cho người khá giả hay bệnh viện dành cho mọi người dân như Chulalongkorn và Siriraj. Nhưng vẫn còn một điều rất hay, đó là việc người Thái, dù với thu nhập cao thấp thế nào, vẫn được khám chữa bệnh như nhau. Tags: Bệnh nhânNạn nhânTÁC DỤNG PHỤGiá thuốcGian dối
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Đại biểu Quốc hội: Điều hòa dân nghèo cũng sử dụng, sao xem là xa xỉ để áp thuế tiêu thụ đặc biệt TIẾN LONG 22/11/2024 Người lao động nghèo ở nhà trọ cũng lắp máy điều hòa, không hiểu sao lại đưa mặt hàng này vào hàng hóa xa xỉ để đánh thuế tiêu thụ đặc biệt.
Độc lạ Đồng Nai: Treo ô tô cũ trước cổng nhà làm kỷ niệm A LỘC 22/11/2024 Một gia đình ở Đồng Nai treo ô tô cũ trước cổng nhà làm kỷ niệm khiến cộng đồng mạng xôn xao.
Thiếu phôi bằng lái, xe 'trùm mền' HÀ MI 22/11/2024 Tình trạng thiếu phôi bằng lái đang lan ra nhiều tỉnh thành cả nước. Hệ lụy của thực trạng này là hàng chục ngàn người dân bị "treo bằng" dù thi đậu, có địa phương phải loay hoay đi mượn phôi hoặc bất đắc dĩ tạm dừng kỳ sát hạch.
Chợ Bến Thành là di tích cấp thành phố, ban quản lý cam kết bảo tồn hiệu quả HOÀI PHƯƠNG 22/11/2024 Năm di tích được công bố xếp hạng di tích cấp thành phố gồm trụ sở Cục Hải quan TP.HCM, trụ sở UBND quận 1, chợ Bến Thành, đền thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo và mộ ông Binh Bộ Kiểm duyệt Ty - Thừa vụ lang họ Trần.