TTCT - Dạy và học tích hợp không phải nằm ở hình thức của giáo trình hay thậm chí là việc đào tạo giáo viên, mà phải xuất phát từ người học. Tích hợp cần nhắm vào người học, kết quả, và tính ứng dụng, chứ không chỉ là tích hợp cơ học. Ảnh: Share AmericaTrong quản trị kinh doanh có khái niệm "chi phí chìm", tức chi phí đã bỏ ra, không nên đưa vào tính toán khi cân nhắc tiếp tục làm hay không làm một dự án nào đó, vì không thể thay đổi chi phí này nữa. Áp dụng khái niệm này vào giáo dục, có thể thấy nếu cần bỏ cách dạy tích hợp một số môn học thì nên bỏ ngay từ năm học sắp tới, không cần phải đợi thay xong toàn bộ sách giáo khoa từ lớp 1 đến lớp 12 (năm 2025) rồi mới tính đến chuyện quay về như cũ.Câu chuyện tích hợp có thể tóm tắt như thế này: Trước đây học sinh cấp trung học cơ sở học 5 môn riêng biệt gồm vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử và địa lý. Chương trình mới tích hợp các môn vật lý, hóa học, sinh học thành môn khoa học tự nhiên và hai môn lịch sử địa lý cũng ghép lại thành một môn.Không luyến tiếc chi phí chìmKhi triển khai chương trình mới, cả thầy cô lẫn học sinh đều lúng túng; thầy được đào tạo một môn thôi, như thầy dạy môn lý làm sao dạy tích hợp môn hóa, môn sinh một cách thành thạo được. Mặc dù giáo viên đi học cấp tốc để được cấp chứng chỉ hoàn thành chương trình bồi dưỡng giáo viên dạy môn khoa học tự nhiên, nhưng như thế là phạm vào một sai lầm cơ bản: dùng sở đoản thay cho sở trường. Giáo viên được đào tạo môn sinh ắt sẽ gặp khó khăn khi dạy môn lý, môn hóa mới học được vài ba tháng; học sinh có hỏi, có thắc mắc cũng khó có kiến thức sâu để giải đáp thỏa đáng.Nếu trường linh động, phân công ba giáo viên thay nhau lần lượt dạy môn khoa học tự nhiên sẽ đẩy cái khó về cho học sinh, kiến thức thu lượm được sẽ bị phân mảnh, việc sắp xếp thời khóa biểu sẽ khó khăn, việc thi cử, chấm bài kiểm tra càng rắc rối nữa.Đã có nhiều ý kiến đề nghị bỏ tích hợp để quay về cách làm cũ, các môn học tách riêng, có sách giáo khoa riêng, thầy được đào tạo môn nào dạy môn đó, như ý kiến của thầy Nguyễn Xuân Khang, hiệu trưởng Trường Marie Curie, Hà Nội. Tuy nhiên, thầy Khang đề nghị chỉ quay về như cũ sau năm 2025, tức sau khi thay sách đến hết lớp 12 cho trọn vẹn chương trình mới.Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cũng cho rằng trước mắt có hai con đường cho môn tích hợp: quay về như cũ thành các đơn môn; hoặc vẫn kiên trì đổi mới và sẽ tính toán lộ trình để có đội ngũ giáo viên phù hợp.Thiết nghĩ cần xem tích hợp như hiện nay là một cách làm sai, là loại "chi phí chìm" đã lỡ rồi, không cần bàn nữa; tính toán đào tạo các lứa sinh viên mới học sâu cả ba môn lý, hóa, sinh hay hai môn sử - địa là không khả thi, 5-10 năm nữa chưa chắc đã xong. Cần xác định tích hợp chủ yếu là chuyện của học sinh, là kết quả đầu ra sau cùng, biết vận dụng, "tích hợp" các kiến thức từng môn riêng lẻ để giải quyết vấn đề cuộc sống thực tế. Nói cách khác, điểm nhấn của tích hợp không phải là gán ghép cơ học 2-3 môn thành một môn; mà là làm sao để học sinh, trong bài tập hay dự án làm chung, sẽ dùng kiến thức từ nhiều môn để giải quyết một bài toán cụ thể dưới sự hướng dẫn của nhóm giáo viên liên môn.Một vài ví dụCó thể xem xét một ví dụ cụ thể: vào cuối học kỳ, lớp được phân thành nhiều nhóm, mỗi nhóm nhận một đề tài và sẽ phải thảo luận nhóm để làm bài thuyết trình chung, trong đó các em cần vận dụng nhiều môn học nhằm tìm ra giải pháp. Người viết đã thử dùng ChatGPT với câu yêu cầu: Cho một ví dụ học sinh lớp 8 dùng kiến thức nhiều môn để giải quyết một vấn đề thực tiễn. ChatGPT gợi ý: Giả sử một nhóm học sinh muốn lập kế hoạch trồng cây cho một khu công viên mới được quy hoạch, các em sẽ phải sử dụng kiến thức môn toán để đo diện tích khu công viên, tính toán số cây trồng tối ưu, lập kinh phí, số lượng nguyên vật liệu; môn địa lý để biết khí hậu thổ nhưỡng địa phương thích hợp loại cây trồng nào nhất; môn văn để soạn bài giới thiệu dự án, thư kêu gọi cộng đồng đóng góp; môn công dân để biết cần xin phép ở cơ quan nào, thủ tục ra sao; môn mỹ thuật để thiết kế khu công viên hài hòa với cảnh quan chung quanh; môn tin học để thực hiện khu công viên ảo trước khi triển khai…Hiện nay các chương trình ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) đều có thể cung cấp các ví dụ tương tự với số lượng gần như vô hạn. Những dự án đòi hỏi kiến thức liên môn được AI đề xuất như giải quyết vấn đề ô nhiễm con sông địa phương; làm sao để đường phố hết ngập; thu gom rác thải… đều là những cách giải quyết vấn đề đòi hỏi "tích hợp" các môn riêng biệt học sinh đã học.Như thế, thầy được đào tạo môn nào cứ dạy môn đó. Nhiệm vụ của chương trình và nhà trường là dành thời gian cho loại bài tập dự án tích hợp như mô tả ở trên. Lúc đó học sinh sẽ hứng thú tích hợp kiến thức đã học; thầy cô có thể đóng vai trò hướng dẫn, tư vấn và xác định đúng sai trong từng mảng lĩnh vực riêng. Suy cho cùng, mục đích của tích hợp đâu phải là gom các môn vào chung thành một cuốn sách, mà là để chuẩn bị cho học sinh ra đời được trang bị kiến thức đa ngành và giải quyết được vấn đề của thực tế cuộc sống dựa trên kiến thức đó. Đó cũng là mục đích sau cùng của giáo dục. Tags: Đào tạo giáo viênDạy tích hợpSách giáo khoaChương trình mớiSách giáo khoa riêngThời khóa biểuQuản trị kinh doanhTrung học cơ sởChương trình tích hợp
Để việc 'giải quyết thủ tục hành chính phi địa giới' đi vào thực chất Nguyễn Đức Lam (Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông IPS) 11/10/2024 1863 từ
Trung tâm phục vụ hành chính công: Vượt qua các thách thức của mô hình TS NGUYỄN SĨ DŨNG 10/10/2024 2062 từ
Chuyện của những ‘bà đỡ’ doanh nhân đưa nông sản ra nước ngoài THẢO THƯƠNG 11/10/2024 Ngày doanh nhân VN đang đến gần, đứng sau những thành tích xuất khẩu và sự khởi sắc của nhiều gia đình nông dân, nhiều doanh nhân vẫn đang nhiệt thành với “nghiệp” nâng danh tiếng và chất lượng nông sản VN khi ra thế giới.
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc: Việt Nam là ngôi sao của ASEAN QUỲNH TRUNG 11/10/2024 Đó là lời khẳng định của Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc António Guterres khi gặp Thủ tướng Phạm Minh Chính ngày 11-10 tại Lào. Cùng ngày, Thủ tướng cũng gặp lãnh đạo một số nước dự hội nghị ASEAN.
Doanh nhân Việt có đang 'giàu' lên? BÌNH KHÁNH 11/10/2024 Tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong quý 3 này được một tờ báo nước ngoài ví như “tên lửa”. Doanh nhân, doanh nghiệp Việt, người Việt đang "giàu" lên một cách tương xứng?
Chủ tịch Hà Nội: Đường ở thủ đô mà cứ 'bé tẹo', trong khi các tỉnh đường rộng 60m PHẠM TUẤN 11/10/2024 Chủ tịch Hà Nội Trần Sỹ Thanh nói như vậy tại buổi tiếp xúc cử tri huyện Mê Linh, Sóc Sơn trước kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV chiều 11-10.