TTCT - Việc tiêm vaccine COVID-19 ở các nước trên thế giới từ cuối năm 2020 đến nay trải qua khá nhiều sắc thái. Sau giai đoạn rượu mời - tổ chức xổ số, nhạc sống, đãi ăn, mời bia, tặng quà đủ loại để “dụ” người đi tiêm, giờ thì nhiều nơi đã dòm ngó sang chén rượu phạt. Ảnh: cbslocal.comTrong những tuần gần đây, những lời kêu gọi bắt buộc tiêm vaccine ngày càng có nhiều tiếng nói ủng hộ. Người tiêm vaccine đầy đủ bắt đầu cáu khi bị ảnh hưởng do lỗi của người không tiêm, hay nói như John McCullough, một người Mỹ ở Virginia: quyền tự do không tiêm vaccine ảnh hưởng trực tiếp đến tự do của những người đã tiêm.Mỹ hết kiên nhẫn Không tiếc tiền mua vaccine COVID-19 để tiêm miễn phí cho dân nhưng sau khi lập kỷ lục vào ngày 8-4 với hơn 4,4 triệu liều vaccine được tiêm trong ngày, số lượt tiêm chủng ở Mỹ giảm dần một cách đáng lo ngại. Hiện nay, với 69,9% người tiêm ít nhất một mũi, theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC), việc kiếm người tiêm mới ở Mỹ là hết sức khó khăn.Ngày 29-7, Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo Mỹ sẽ thực hiện nhiều biện pháp mới để giảm số ca nhiễm COVID-19 mới đang tăng dần đều trong các tuần từ đầu tháng 7-2021 đến nay. Cụ thể, hàng triệu viên chức làm việc tại các cơ quan liên bang và các nhân viên hợp đồng làm việc ở đây phải chứng minh là họ đã tiêm vaccine COVID-19 đầy đủ. Ai không tiêm thì phải đeo khẩu trang khi làm việc, ngồi cách xa các nhân viên khác và khách hàng, phải xét nghiệm COVID-19 1 hoặc 2 lần mỗi tuần và bị hạn chế đi công tác.Chính sách của ông Joe Biden cũng yêu cầu khách đến các tòa nhà liên bang hoặc người tham dự các hội nghị do liên bang tài trợ phải chứng minh họ đã tiêm đủ liều vaccine, hoặc có xét nghiệm COVID-19 âm tính trong vòng ba ngày trước.Dù vậy, các viên chức chính quyền từ chối tiêm vaccine cũng không bị sa thải. Mục đích chính của quy định mới là để họ nêu gương cho những người đi làm tại các cơ quan khác trên cả nước.Liên minh của các hiệp hội về y tế ở Mỹ cũng đã lên tiếng ủng hộ “tất cả các cơ sở y tế, nhà dưỡng lão yêu cầu nhân viên phải tiêm vaccine COVID-19”, trong khi Bộ Cựu chiến binh Mỹ tiên phong buộc hơn 100.000 nhân viên phải tiêm vaccine. Trong tuần qua, nhiều công ty vào loại lớn nhất nước Mỹ đã ra thông báo yêu cầu các nhân viên phải tiêm vaccine COVID-19.Hai gã khổng lồ công nghệ Google và Facebook đều thông báo các nhân viên khi quay lại văn phòng làm việc tại các trụ sở ở Mỹ phải tiêm vaccine COVID-19. Facebook sẽ có quy trình riêng cho những người không thể tiêm vì lý do y tế hoặc các lý do khác.Disney, công ty giải trí lớn nhất thế giới, bắt buộc tất cả nhân viên ăn lương chính thức và người làm công nhật tại các cơ sở ở Mỹ phải tiêm vaccine đầy đủ; người mới tuyển cũng phải đạt yêu cầu này trước khi bắt đầu làm việc. Nhân viên Disney chưa tiêm thì phải tiêm ngay trong 60 ngày tới.Walmart, công ty tư nhân có nhiều nhân viên nhất Mỹ với gần 1,6 triệu nhân sự, thông báo toàn bộ nhân viên khối doanh nghiệp và giám đốc vùng buộc phải tiêm vaccine COVID-19 đến ngày 4-10. Tuy nhiên, quy định không áp dụng với nhân viên làm việc tại các cửa hàng và kho hàng - chiếm đa số trong lực lượng lao động của Walmart. Để khuyến khích, Walmart sẽ tặng 150 USD cho ai chịu đi tiêm.Chủ nhà hàng nổi tiếng Danny Meyer cũng cho biết không chỉ 100% nhân viên của nhà hàng phải tiêm vaccine, thực khách cũng phải như vậy. Nhà hàng sẽ từ chối phục vụ thực khách nào không có bằng chứng là đã tiêm vaccine. Các công ty đều nêu lý do an toàn về sức khỏe cho yêu cầu mới. null1001 kiểu buộc tiêm vaccineNgày 3-7-2021, với thông báo bắt buộc tất cả công dân từ 18 tuổi trở lên phải tiêm vaccine COVID-19, Tajikistan, một quốc gia ở Trung Á, đã trở thành nước đầu tiên trên thế giới có quy định bắt buộc tiêm vaccine với công dân để kiểm soát các đợt bùng phát mới của dịch COVID-19.Dù đã thông báo rộng rãi, Tajikistan vẫn chưa công bố kế hoạch chi tiết làm sao để thực hiện yêu cầu này, cũng như hình phạt cho người vi phạm, nhất là trong bối cảnh quốc gia này chỉ có 5% dân số được tiêm ít nhất một liều vaccine, theo số liệu công bố ngày 25-7-2021 trên trang cơ sở dữ liệu thế giới Our World in Data.Ngày 7-7, Turkmenistan nối gót, trở thành nước thứ hai luật hóa quy định tiêm vaccine COVID-19 bắt buộc. Theo trang British Medical Journal, luật vaccine của Turkmenistan quy định mọi công dân trên 18 tuổi, trừ người có lý do y tế, phải tiêm vaccine phòng COVID-19. Từ ngày 8-2, Tòa thánh Vatican đã có văn bản khẳng định tiêm vaccine cho tất cả những ai sống và làm việc tại thành phố là cấp thiết. Những người không thể tiêm vaccine vì lý do sức khỏe có thể sẽ được điều chuyển sang làm công việc không phải tiếp xúc với nhiều người. Ai không có lý do chính đáng sẽ bị xử lý, theo hướng cân bằng giữa bảo vệ sức khỏe cộng đồng và quyền tự do lựa chọn tiêm vaccine của mỗi cá nhân.Hiện nay trên thế giới, có rất ít quốc gia bắt buộc tiêm chủng “cứng”, toàn diện mà chỉ tập trung vào một nhóm người hoặc một số ngành nghề lĩnh vực. Kazakhstan, một quốc gia Trung Á khác, quy định người lao động trong hàng loạt lĩnh vực, từ vận tải đến bán lẻ, ngân hàng, truyền thông... phải tiêm vaccine COVID-19 kể từ ngày 2-7. Trước đó, từ giữa tháng 6-2021, các ngành dịch vụ, giáo dục, chăm sóc sức khỏe, giải trí trong nước được yêu cầu phải có ít nhất 60% nhân viên tiêm vaccine.Ngày 9-7, chính quyền Fiji cho biết tất cả người lao động phải tiêm vaccine COVID-19. Trong bài phát biểu trên truyền hình, Thủ tướng của Fiji, ông Frank Bainimarama, cho biết: “Dù là giám đốc, doanh nhân hay nhân viên tập sự, bạn phải tiêm vaccine, nếu không doanh nghiệp của mình có nguy cơ bị đóng cửa”.“Không tiêm, không việc làm” là chính sách cương quyết của Fiji và sẽ được thực thi bằng pháp luật. Chính sách này có thể đã học từ Saudi Arabia vì quốc gia Trung Đông giàu có này bắt buộc tiêm vaccine COVID-19 với bất cứ ai ra vào các cơ quan công sở, doanh nghiệp tư nhân như trường học, tụ điểm giải trí, phương tiện giao thông công cộng. Chỉ các nhân viên đã tiêm vaccine mới được đến văn phòng.Cách đây không lâu, Nga và Kazakhstan cũng yêu cầu nhiều lĩnh vực ngành nghề phải tiêm vaccine trong nỗ lực kiềm chế dịch bệnh COVID-19 trong nước. Tương tự, chính quyền Latvia cũng đang tìm cách điều chỉnh các quy định để buộc tiêm vaccine với nhân viên nhà nước, nhân viên y tế, nhân viên công tác xã hội, giáo viên và nhiều ngành nghề khác. Quy định sẽ cho phép các công ty tư nhân sa thải người lao động không có chứng nhận tiêm vaccine trước ngày 15-9. Ảnh: UNICEF Tajikistan/2021Bắt buộc gián tiếp Bên cạnh các biện pháp bắt buộc trực tiếp theo từng nhóm nghề hoặc nhóm người, một số quốc gia có các giải pháp gián tiếp, không bắt buộc nhưng gây nhiều khó dễ cho người chưa tiêm chủng.Thủ tướng Anh Boris Johnson vạch ra lộ trình đến cuối tháng 9-2021, các câu lạc bộ đêm, điểm giải trí ở nước này sẽ xét giấy chứng nhận đã tiêm vaccine đầy đủ. Thời gian từ thời điểm thông báo đến tháng 9 đủ cho những ai chưa tiêm có thể hoàn thành các mũi tiêm và được an toàn.Tại châu Âu, Pháp là nhà nước đưa ra các biện pháp “cưỡng chế” mạnh tay nhất khi yêu cầu giấy thông hành y tế tại rất nhiều địa điểm và buộc tiêm vaccine với nhân viên y tế bắt đầu từ tháng 8-2021.Giấy thông hành y tế bao gồm chứng nhận đã tiêm vaccine hoặc kết quả xét nghiệm âm tính hoặc bằng chứng vừa khỏi bệnh COVID-19. Nhà chức trách sẽ phạt ở mức khởi điểm là 1.500 euro và tăng dần với các doanh nghiệp, như rạp chiếu phim, quán bar, nhà hàng, bệnh viện, tàu hỏa, máy bay... nếu không nghiêm túc kiểm tra giấy thông hành y tế của khách hàng và tái phạm nhiều lần.Riêng tại Pakistan, các địa phương tùy ý đưa ra các hình thức gây “khó dễ” với người chưa tiêm. Chẳng hạn, tỉnh Baloutchistan cấm người không tiêm vaccine tiếp cận các dịch vụ công cộng như công viên, trung tâm thương mại, giao thông công cộng. Theo một nguồn tin chính thức của địa phương này, đã có 70 người trong lực lượng dân quân bán vũ trang giúp cảnh sát trong công việc giữ gìn trật tự, đã bị cho nghỉ việc vì từ chối tiêm vaccine COVID-19. Tỉnh Sind thì có quyết sách không được trả lương cho người từ chối tiêm phòng. Tỉnh Penjab dọa cắt điện thoại những người từ chối tiêm vaccine. ■Fred Ryan, lãnh đạo báo Washington Post, giãi bày rất tình cảm rằng: “Tôi đã hỏi thăm nhiều người làm việc tại tờ báo, ở tất cả các bộ phận. Sau khi nghe nỗi lo của các đồng nghiệp cho sức khỏe của bản thân và gia đình liên quan đến các biến thể mới nổi của virus, tờ báo quyết định sẽ yêu cầu mọi nhân viên phải chứng minh mình đã tiêm vaccine COVID-19 đầy đủ. Đây là một điều kiện tuyển dụng bắt đầu từ ngày 13-9, ngày chính thức trở lại văn phòng làm việc. Quy định bắt buộc tiêm vaccine cũng sẽ áp dụng với nhân viên hợp đồng ngắn hạn và các vị khách đến thăm”. Có ngoại lệ dành cho những ai xác nhận về y khoa hoặc lý do tôn giáo. Tags: COVID-19VaccineTiêm chủngChích ngừaBắt buộc tiêm chủng
Giáo sư Lea Ypi: "Tiểu thuyết khuyến khích niềm khoan dung..." HOÀNG HẢI VÀ ZÉT NGUYỄN 14/09/2024 3109 từ
Để nhà ở xã hội cho thuê không còn "trên giấy" Phạm Thái Sơn (giảng viên chương trình Phát triển đô thị bền vững, Đại học Việt Đức) 12/09/2024 1762 từ
Hai ngày tới, TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Kiên Giang đều mưa lớn LÊ PHAN 15/09/2024 Trong hai ngày tới Nam Bộ mưa to nhiều nơi, đây là đợt mưa diện rộng dài ngày.
Mua ròng ở Indonesia, Malaysia, sao khối ngoại vẫn bán ròng chứng khoán ở Việt Nam? BÌNH KHÁNH 15/09/2024 Tỉ giá đã giảm hơn kỳ vọng do đồng USD suy yếu, lộ trình nâng hạng tích cực, Fed sắp hạ lãi suất... Dù vậy, khối ngoại vẫn miệt mài bán ròng trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Cao tốc TP.HCM - Long Thành đang sửa cầu, tiếp tục ùn ứ ngày cuối tuần MINH HÒA 15/09/2024 Chiều cuối tuần, lượng xe từ các nơi bắt đầu dồn về cao tốc TP.HCM - Long Thành, cộng một làn đường trên cầu Long Thành được rào chắn để sửa khe co giãn nên xảy ra ùn ứ kéo dài.
Bị xử phạt, người bị tố 'chặt chém' IshowSpeed trả lại tiền, xin lỗi nam streamer ĐAN THUẦN 15/09/2024 Sau khi làm việc với công an, người đàn ông bị tố "chặt chém" streamer IshowSpeed ở phố đi bộ Nguyễn Huệ đã nhận thức được hành vi của mình là sai và đến xin lỗi, trả lại tiền cho IshowSpeed.