TTCT - Janusz Leon Wisniewski là một tên tuổi Ba Lan không xa lạ với độc giả Việt. Tiểu thuyết Cô đơn trên mạng của ông từng được đón nhận nồng nhiệt cùng chuyến đi giới thiệu sách của ông ở Việt Nam năm 2009. Tuy nhiên, Wisniewski “không chỉ mạnh với mảng đề tài về những xung đột của thế giới hiện đại, về những ham muốn của nữ giới và nỗi sợ của nam giới đến từng chi tiết nhỏ nhất”. Phạm vi đề tài của ông khá rộng, mà tuyển tập tiểu luận Lời thú tội dang dở là một thí dụ. 18 tiểu luận về nhiều chủ đề khác nhau: Những suy đoán khoa học về sự tiến hóa của con người, về tổ tiên tiền sử của họ, về những gen ích kỷ và những hoocmôn không thể kiểm soát, về cuộc sống của những con người hiện đại, cô đơn giữa đám đông, lạc lõng trong các siêu đô thị, bị mắc kẹt trong những mối quan hệ phức tạp với nhau và với chính mình... TTCT giới thiệu một trong số 18 tiểu luận này. Việc hành hình tôi được lên kế hoạch vào nửa sau của tháng giêng năm 1998 - bằng giọng điềm tĩnh, cân nhắc kỹ mỗi từ, không cảm xúc, người phụ nữ thấp, chắc người, tóc nhuộm vàng, trong chiếc áo loang lổ trắng đen kể bằng tiếng Anh giọng Mỹ.Tháng 3-2016, ở đây, tại Berlin, bà sẽ kỷ niệm sinh nhật lần thứ năm mươi hai của mình. Bà đã trải qua gần nửa đời người, hơn hai mươi bốn năm trong buồng giam tử tù ở nhà tù an ninh nghiêm ngặt của bang Arizona, Mỹ.- Đầu tiên, một bác sĩ vào buồng giam để kiểm tra các tĩnh mạch của tôi. Ông ta khám cẩn thận, sau đó dùng các ngón tay gõ khá lâu vào những chỗ phồng lên của ven ở hai tay. Tại chỗ khuỷu tay, chỉ ở mặt trong. Họ phải chắc rằng không có trở ngại nào cho việc đặt hai ống thông tĩnh mạch vào ven của tôi.Để chắc chắn, họ luôn đặt hai bên để loại trừ khả năng phải lặp lại việc hành hình, nếu một trong hai ống thông bị hỏng. Do đó, chất độc được bơm vào ở cả hai bên. Trong quá trình tử hình, chất độc chỉ xâm nhập qua một ống thông, nhưng trong trường hợp trục trặc kỹ thuật, như họ thường nói thế, chất độc có thể được từ từ chuyển hướng sang ống thứ hai.Đó là một thủ tục bình thường, chuẩn bị cho việc hành hình ở Mỹ. Một số tù nhân, những ai trong quá khứ từng sử dụng ma túy, các ven của họ bị hư hại rất khó đặt ống thông. Tôi biết những trường hợp mà việc đặt chúng mất hơn nửa tiếng. Những nhà bảo vệ nhân quyền Hoa Kỳ cho rằng việc này quá vô nhân đạo, giống tra tấn. Nên họ thay đổi quy tắc. Họ đặt không phải một, mà là hai ống. Con người ta khi đã biết chính xác là không còn hi vọng gì, chỉ muốn nhanh chóng thoát khỏi cuộc sống. Với anh ta, mỗi giây đều được tính, và mỗi giây đếm thêm đó chẳng khác nào tra tấn.Sau bác sĩ khám tĩnh mạch của tôi, đến một linh mục vào phòng giam để “cho tôi sự hỗ trợ cuối cùng”. Tôi không hỏi ông ta từ Chúa trời nào đến, ông ta cũng chẳng hỏi tôi nói chung có tin vào Chúa hay không. Ở Mỹ, việc nhận “dịch vụ này” là quyền lợi không thể tước đoạt của những người bị kết án, còn như ở Trung Quốc chẳng hạn, không có.Tương tự vậy là việc chọn bữa ăn cuối cùng. Nhưng không phải vị linh mục lẫn Chúa của ông ta đã cho tôi sự hỗ trợ cuối cùng. Mà là các luật sư của tôi. Nhờ họ mà người ta không gắn cho tôi dây truyền chất độc và không ấn bơm tiêm. Hóa ra không cần làm việc đó vì tôi vô tội. Mặc dù họ không làm sáng tỏ điều này ngay, mà việc làm rõ nó bị chút chậm trễ. Mười lăm năm hơn trôi qua kể từ vụ khám tĩnh mạch vào tháng giêng đó, cho đến khi một thẩm phán ở Arizona thừa nhận “thực tế không có bằng chứng nào để bắt đầu tố tụng chống lại người phụ nữ bị buộc tội giết người”. Mười lăm năm…Vào ngày 2-12-1989, James Lynn Styers, người sống chung với Debra Milke, sinh năm 1964, cùng bạn mình, Roger Scott, đưa cậu con trai bốn tuổi của Debra là Christopher đi chơi. Christopher đã bị bắn chết trong chuyến đi chơi này. Sau khi bị bắt, Scott khai vụ giết người là do Debra Milke đặt hàng, người muốn nhận bảo hiểm năm nghìn đôla cho cái chết của con trai mình. Nhưng Milke chưa bao giờ ký tờ bảo hiểm như vậy. Người phụ nữ bị viên cảnh sát tên Armand Saldati thẩm vấn.Trong phiên tòa, Saldati làm chứng: Milke thú nhận đã đặt hàng cái chết con trai mình. Nhưng không có biên bản nào ghi lại cuộc thẩm vấn của Saldati, cũng chẳng có video hay băng ghi âm nào khẳng định những lời làm chứng này.Mặc dù vậy, ngày 12-10-1990, Debra Milke vẫn bị tòa Arizona kết án tử hình. Bản án này gây nhiều tranh cãi, đặc biệt khi người ta biết Roger Scott bị tâm thần phân liệt. Hơn nữa, còn có lời tố giác viên sĩ quan Armand Saldati đã sử dụng các phương pháp thẩm vấn bất hợp pháp. Tòa thượng thẩm bang Arizona vào ngày 17-3-2015 đã tha bổng cho Debra Milke, người đã chịu đựng trong buồng giam tử tù ròng rã hai mươi bốn năm.Buồng giam của tôi? Những ngày thường của tôi? Ba mét. Bêtông xám xanh, toilet, bồn rửa mặt, một chiếc giường hẹp. Thức ăn được đưa qua một cái ô trong cửa buồng giam. Tôi là người duy nhất mang án tử trong nhà tù, vì thế tôi không được phép có bất cứ liên lạc nào với những phụ nữ khác. Kể cả trong lúc đi dạo, tôi cũng có một lối đi riêng, bị rào bằng dây kẽm gai.Tôi vật lộn với nỗi cô đơn. Vào bốn giờ sáng, khi nhà tù còn vắng lặng, tôi đã dậy. Tôi viết hay đọc. Vào năm giờ, ô cửa trên cánh cửa buồng giam mở ra, và họ đẩy bữa sáng qua đó cho tôi. Cho đến trưa tôi ngồi thiền, hít đất và nghe nhạc. Tôi viết nhật ký. Tôi thực sự thiếu những động chạm xúc giác. Việc tiếp xúc thực thể với người khác chỉ xảy ra khi họ tra còng vào tay tôi.Tôi nhớ sau vài năm ngồi tù, một nữ bảo vệ mới đến làm việc. Một lần nọ, bà mở ô cửa sổ mà họ chuyển thức ăn, thò đôi tay của mình vào và nói: “Debra, đi lại đây”, sau đó bà nắm lấy tay tôi. Chính thức thì việc này bị cấm. Giờ đây, khi ai đó đưa tay cho tôi, tôi vẫn cảm nhận được lòng bàn tay của người phụ nữ ấy, mặc dù thậm chí tôi còn không biết tên bà.■(Phan Xuân Loan dịch từ bản tiếng Nga) Tags: Tử hìnhNhà tùTiểu luận của Leon WisniewskiTác giả Cô đơn trên mạng
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Quân đội Mỹ tuyên bố sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân TRẦN PHƯƠNG 21/11/2024 Bộ tư lệnh chiến lược Mỹ (STRATCOM) nói Washington sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân nếu cần nhưng chỉ trong tình hình 'có thể chấp nhận được'.
Chi tiết sáp nhập phường của TP.HCM áp dụng từ ngày 1-1-2025 THÀNH CHUNG 21/11/2024 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký ban hành nghị quyết về việc sáp nhập đơn vị cấp xã của TP.HCM giai đoạn 2023 - 2025.
Chi tiết sáp nhập xã, phường của Hà Nội: Giảm 53 xã, phường THÀNH CHUNG 21/11/2024 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sáp nhập phường, xã của Hà Nội giai đoạn 2023 - 2025.
Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo ông Vương Đình Huệ THEO WEBSITE ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM 21/11/2024 Ngày 20-11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm.