TTCT - Phía sau sự cố động đất liên tiếp ở khu vực thủy điện Sông Tranh 2 thời gian qua khiến người dân và chính quyền ở Bắc Trà Mi, tỉnh Quảng Nam luôn sống phấp phỏng, lo âu là một sự thật đầy tai tiếng về báo cáo đánh giá tác động môi trường. Vậy các báo cáo đánh giá tác động môi trường liên quan đến thủy điện hiện nay đáng được tin cậy đến đâu và ai phải chịu trách nhiệm nếu đây là những báo cáo sai lệch, sao chép cẩu thả, thậm chí gian dối? Phóng to Dễ dàng thấy nhiều cánh rừng quanh đập Sông Tranh 2 đã bị cạo trọc, chỉ còn cây bụi nhỏ và cỏ dại - Ảnh: Lê Thanh Tuấn Quy định rất rõ ràng “Ông Nguyễn Tài Sơn (tổng giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng điện 1) cho rằng: “Bây giờ chúng tôi thừa nhận sai sót khi kết luận hồ thủy điện Sông Tranh 2 không gây động đất kích thích khi tích nước. Chúng ta chưa có kinh nghiệm. Chưa có thì phải mượn thế giới về dùng”. Đây không phải là “sai sót” như ông Nguyễn Tài Sơn phát biểu mà là “sai lầm” nghiêm trọng. Đã không có kinh nghiệm mà “mượn” của thế giới một cách cẩu thả thì hậu quả khó lường”. Từ tháng 4-2011, Chính phủ đã ban hành nghị định số 29/2011/NĐ-CP quy định về đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC), đánh giá tác động môi trường (ĐTM) và cam kết bảo vệ môi trường, quy định rất rõ rằng báo cáo ĐTM phải được thực hiện đối với 146 loại hình dự án khác nhau. Theo đó, tất cả dự án thủy điện với hồ chứa có dung tích từ 100.000m3 nước trở lên đều phải lập báo cáo ĐTM. Thông thường các chủ dự án đều thuê một đơn vị tư vấn nào đó làm giúp báo cáo ĐTM theo kiểu đơn đặt hàng. Tất nhiên, không chủ đầu tư nào muốn có báo cáo ĐTM phản bác dự án mà họ muốn đầu tư, do vậy bên “làm thuê” ĐTM phải tìm cách viết một báo cáo thế nào để dự án của bên thuê được phê duyệt theo “định hướng” giông giống một kiểu như “dự án có gây tác động môi trường nhưng không đáng kể và có phương án giảm thiểu...”. Sau đó, chủ dự án cầm báo cáo này lo tiếp khâu phê duyệt để có thể tiến hành xây dựng. Quy trình làm ĐTM của các dự án thủy điện hiện nay nói chung là không sai, nhưng chưa đủ chặt chẽ. Thực tế có nhiều báo cáo ĐTM làm rất sơ sài, thời gian khảo sát thực tế rất ngắn, số liệu bất nhất và rời rạc, tính toán khiên cưỡng và cẩu thả, tệ hại hơn là sao chép từ các báo cáo khác như trường hợp của dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A đã bị báo Tuổi Trẻ “lật tẩy” vào năm ngoái. Cuối cùng, có vẻ như mọi dự án thủy điện cũng được phê duyệt với khẳng định thủy điện không có vấn đề gây nguy hại cho môi trường và xã hội. Tuy nhiên, thực tế sau một thời gian các dự án thủy điện đi vào hoạt động, hàng loạt vấn đề dần bộc lộ, có lẽ do khâu hậu kiểm các cam kết bảo vệ môi trường không được coi trọng và thực chất. Theo một báo cáo của Liên Hiệp Quốc, sau khi khảo sát các dự án làm đập thủy điện, chuyển dòng chảy của 227 dòng sông lớn nhất thế giới, các chuyên gia đã phát hiện hơn 60% hệ sinh thái các con sông này bị suy thoái. Thực tế không như các báo cáo ĐTM... Hầu hết báo cáo ĐTM đều cố gắng làm giảm nhẹ việc rừng bị thu hẹp và tàn phá do hồ chứa nước hình thành từ các đập thủy điện. Trong báo cáo không tránh khỏi việc phải đưa ra diện tích rừng bị mất từ phần diện tích bị ngập nước và phần đất xây dựng nhà máy thủy điện. Thực tế diện tích rừng bị mất bao giờ cũng cao hơn con số báo cáo do nhiều nguyên nhân mà báo cáo ĐTM cố tình bỏ qua: (1) phần đất rừng xung quanh hồ chứa bị mất dần do đất ở xung quanh hồ bị ngập nước, lầy hóa khiến cây rừng bị ngộp úng, xói lở và chết dần. Tỉ lệ chu vi hồ chứa trên diện tích mặt thoáng càng lớn thì phần diện tích xung quanh hồ bị mất càng lớn; (2) rừng bị mất do phải xây dựng nhiều hệ thống dẫn điện; (3) hồ chứa và đường thi công tạo thuận tiện cho lâm tặc chặt trộm cây rừng, săn bắt trộm thú rừng và vận chuyển lâm sản lậu khỏi lâm phần. Trong cam kết bảo vệ môi trường, chủ dự án nào cũng hứa sẽ trồng bù lại phần rừng bị mất tại địa phương có dự án nhưng hội đồng thẩm định nhiều lúc “quên” đòi hỏi chủ dự án phải có bản đồ chỉ ra phần đất trống nào dự trữ cho việc trồng rừng đã được chính quyền địa phương ở đó xác nhận. Đến nay ở Việt Nam chưa có chủ dự án nào thực hiện trồng bù đủ số diện tích đất rừng mất và cũng chẳng cơ quan nào có trách nhiệm kiểm tra, xử phạt đúng mức việc “thất hứa” này. Vấn đề vận hành hồ chứa là một bức xúc khác, đặc biệt ở các hệ thống sông có nhiều bậc thang thủy điện. Các báo cáo ĐTM thường khẳng định công trình sẽ tích nước vào mùa mưa để giảm lũ lụt ở hạ du và xả nước về xuôi vào mùa khô để gia tăng nguồn nước, giảm khô hạn. Thực tế nhiều câu chuyện “lũ chồng lũ” và “hạn gay gắt hơn vào mùa khô” do vận hành thủy điện ở miền Trung (như việc xả lũ ở sông Ba Hạ, sông A Vương, việc gây khô hạn nặng nề của thủy điện Đắk My 4) đã minh chứng ngược lại các lời khẳng định trong các ĐTM này. Thiệt hại về giá trị môi trường cũng không được tính đủ khi các báo cáo ĐTM không ước lượng hết giá trị của tính đa dạng sinh học, thu hẹp, thay đổi địa bàn sinh sống và tồn tại các loài động, thực vật quý hiếm, các nguồn lợi thủy sản, phù sa và “hiệu ứng” hồ chứa lên hệ sinh thái sông ngòi và đất ngập nước trong lưu vực. Nhiều báo cáo ĐTM có đề xuất xúc tiến di dời các động, thực vật hoang dã đến nơi khác để bảo tồn. Đây gần như là một việc không tưởng và thực tế chưa có dự án thủy điện nào làm được chuyện này. Việc phân tích kinh tế thường bỏ qua những tổn thất như mất sự tài trợ từ các tổ chức môi trường, có thể mất danh hiệu hay công nhận quốc tế (các di sản văn hóa - lịch sử, khu ramsar, khu bảo tồn sinh quyển...), mất cơ hội bán carbon từ rừng, giảm nguồn thu từ du lịch, thu hẹp địa điểm học tập - nghiên cứu, các sự cố phát sinh... Danh sách thiệt hại còn dài mà nhiều báo cáo ĐTM chưa thể liệt kê hết được. Các báo cáo ĐTM dự án thủy điện thường hứa hẹn sẽ tạo nên sự an cư, cải thiện sinh kế và nâng cao chất lượng của cư dân tại chỗ, chủ yếu là dân nghèo, nông dân, người dân tộc thiểu số. Tuy nhiên khi hồ chứa hình thành, nhiều làng mạc, nơi cư trú, nơi sản xuất của dân bị thu hẹp, người dân bị ép đến những khu định cư đầy khó khăn và bất trắc, cuộc sống rất bấp bênh, nhiều phong tục tập quán, văn hóa bản địa của người thiểu số bị mất, pha tạp. Phóng to Người dân xã Trà Đốc, huyện bắc Trà My xếp gỗ và củi vào nhà mình - Ảnh: Đăng Nam Lỗ hổng trong các quy trình thực hiện báo cáo ĐTM Nhiều chủ dự án xem báo cáo ĐTM chỉ là một “thủ tục” trong hàng loạt thủ tục để xin phép nên dễ dàng chấp nhận các báo cáo ĐTM làm sơ sài trong hồ sơ của mình. Dù họ có làm cam kết bảo vệ môi trường nhưng thực tế dư luận đang muốn có thêm một “cam kết chịu trách nhiệm” khi có sai lầm. Một vấn nạn khác là đơn vị thực hiện hợp đồng làm ĐTM và cả thành viên hội đồng thẩm định không đủ kiến thức, không đủ thời gian, không đủ dữ liệu cho các báo cáo ĐTM. Sông Tranh 2 là một ví dụ rõ nhất. Không một ai trong đơn vị lập báo cáo và hội đồng thẩm định có đủ trình độ về động đất để có thể khẳng định “không có động đất kích thích ở thủy điện Sông Tranh 2” và còn dối trá trong việc trích dẫn báo cáo của người khác. Nhiều báo cáo bao biện có những tổn thất về sinh thái nhưng vẫn dẫn đến kết luận là thiệt hại không đáng kể. Nhiều thành viên trong hội đồng tham gia thẩm định và đánh giá nhưng chưa hề có các khảo sát kiểm tra thực địa, hoặc chỉ đi sơ sài vài ngày rồi kết luận vấn đề. Trên nhiều con sông ở VN đang có hàng loạt nhà máy thủy điện nhưng các báo cáo ĐTM thường tách tác động môi trường và xã hội cho từng dự án một và không có các đánh giá tác động tích lũy. Điều này dễ dẫn đến ngộ nhận là các tác động là nhỏ, không đáng kể. Thật sự, đây là bài toán vận hành liên hồ theo một tổ hợp tác động rất phức tạp, có thể dẫn đến tác hại tăng lên theo bội số mà các báo cáo ĐTM thường cố tình bỏ qua. Xu thế trên thế giới hiện nay là các công trình thủy lợi - thủy điện lớn liên quan đến dân sinh, môi trường và xã hội đều phải qua nhiều bước đi xem xét và kiểm tra rất nghiêm ngặt. Trước tiên, các kế hoạch này phải có đánh giá môi trường chiến lược (Strategic Environmental Assessment - SEA) cho cả khu vực sông trước khi có đánh giá tác động môi trường (Environmental Impact Assessment - EIA) và đánh giá tác động xã hội (Social Impact Assessment - SIA). Bên cạnh đó phải có đánh giá tác động tích lũy (Cumulative Impact Assessment - CIA) khi có ít nhất hai hoặc nhiều hơn công trình hay dự án tác động lên một hệ sinh thái. Khi thực hiện ĐTM cho một dự án thủy điện lên một hệ sinh thái, một nguồn tài nguyên thiên nhiên hay một thành tố xã hội phải xem xét trên và dưới dự án thủy điện này còn có các công trình nào khác mà sự tác động của chúng khi cùng vận hành tạo ra các hiệu ứng “cộng hưởng” hay tạo ra một chuỗi tác động tiêu cực theo dạng “domino” cho môi trường lưu vực và dân sinh. Ở Việt Nam hiện nay dường như đang thiếu một quy trình cho việc đánh giá tác động tích lũy bên cạnh các báo cáo ĐTM. “Ở nước ta, thực tế người ta vẫn đang xem thủy điện là kênh đầu tư hấp dẫn, mang lại lợi nhuận lớn. Mặc dù thủy điện là công trình hạ tầng đòi hỏi kỹ thuật phức tạp, có tác động sâu rộng và lâu dài đến môi trường, nhưng ai cũng có thể làm thủy điện và những tác động tiêu cực của nó đang ngày càng hiện rõ. Về mặt pháp lý, đang thấy rõ những bất cập khi Nhà nước giao quyền xây dựng báo cáo ĐTM cho chủ đầu tư. “Chủ dự án có trách nhiệm lập hoặc thuê tổ chức có đủ điều kiện quy định tại khoản 1 điều 16 nghị định này lập báo cáo đánh giá tác động môi trường cho dự án đầu tư của mình (điều 12, nghị định số 29/2011/NĐ-CP)”. Trong rất nhiều trường hợp, chủ đầu tư thuê cơ quan tư vấn có năng lực và độc lập lập báo cáo ĐTM, hoặc nhà đầu tư cùng cơ quan tư vấn lập ĐTM. Điều này trên thực tế không khác nhiều so với việc nhà đầu tư lập ĐTM, vì nhà đầu tư là người đàm phán với cơ quan tư vấn và là người trả tiền cho cơ quan tư vấn. Kinh phí trả cho cơ quan tư vấn chỉ được hoàn trả đầy đủ khi dự án được phê duyệt! Đến lượt các cơ quan tư vấn cũng muốn giảm thiểu kinh phí đầu tư cho nghiên cứu hiện trường (chẳng hạn), chắc chắn kết quả đã được xác định tương đối rõ. Nhưng còn một khía cạnh nữa cũng nên nhìn nhận là không phải báo cáo ĐTM nào cũng có vấn đề. Nhiều báo cáo ĐTM được thực hiện một cách hoàn hảo, công trình được đưa vào xây dựng nhưng tác động hậu dự án không nhỏ và không khắc phục được. Điều này do một vấn đề khác, đó chính là nhìn nhận giá trị môi trường, sinh thái và sinh kế. Các giá trị về tài nguyên, giá trị thiệt hại và tác động được định giá ở mức thấp hơn rất nhiều so với giá trị thực hoặc không được tính đến (tài nguyên nước, tài nguyên rừng, đất rừng, kinh phí cho tái định cư và duy trì sinh kế lâu dài, tổn thất về văn hóa bản địa...). Xin dẫn chứng một nghiên cứu của một nhà khoa học Trung Quốc gần đây về đánh giá tác động phát triển thủy điện đến chức năng sinh thái vùng đầu nguồn sông Giang Long, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc. Nghiên cứu cho thấy tỉ số giá trị tác động tiêu cực trên hiệu ích tích cực biến động từ 65-91%, nghĩa là tác động tiêu cực luôn cao hơn tích cực; tổn thất đa dạng sinh học và suy giảm chất lượng nước từ 80-94%. Những tác động tiêu cực lớn lên chức năng phục vụ của hệ sinh thái vùng đầu nguồn, chi phí trung bình cho môi trường cho một đơn vị điện lượng lên đến 3/4 tiền thuế điện lượng được đưa lên lưới, phí tài nguyên nước hiện tại chỉ tính cho khoảng 4% giá trị tác động tiêu cực do phát triển thủy điện gây ra. Những kết quả này chỉ để tham khảo, dù sao cũng cho thấy một bức tranh về cách đánh giá tác động tích cực, tiêu cực của phát triển thủy điện và hệ lụy lâu dài theo sau của nó (theo Guihua Wang, Qinhua Fang và tác giả khác, 2009). Tags: Động đấtThủy điệnSự cốSông Tranh 2Báo cáoTác động môi trường
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Thiếu phôi bằng lái, xe 'trùm mền' HÀ MI 22/11/2024 Tình trạng thiếu phôi bằng lái đang lan ra nhiều tỉnh thành cả nước. Hệ lụy của thực trạng này là hàng chục ngàn người dân bị "treo bằng" dù thi đậu, có địa phương phải loay hoay đi mượn phôi hoặc bất đắc dĩ tạm dừng kỳ sát hạch.
Đề xuất nền tảng bán hàng xuyên biên giới không hiện diện ở Việt Nam cũng bị đánh thuế NGỌC AN 22/11/2024 Với các nền tảng thương mại điện tử, nền tảng công nghệ số của doanh nghiệp nước ngoài tiến hành cung cấp hàng hóa, dịch vụ tại Việt Nam sẽ phải chịu thuế dù không có hiện diện.
Ronaldo tạo cơn sốt hơn 13 triệu view cùng YouTuber số 1 thế giới Mr Beast THANH ĐỊNH 22/11/2024 Tiền đạo Cristiano Ronaldo tiếp tục chứng tỏ sức hút vượt trội của mình ngoài sân cỏ khi vừa công bố video cùng khách mời là YouTuber số 1 thế giới Mr Beast.
Tin tức thế giới 22-11: Nga sẽ bắn thêm tên lửa Oreshnik; Triều Tiên cảnh báo chiến tranh hạt nhân BÌNH AN 22/11/2024 Nga đã dùng tên lửa đạn đạo siêu vượt âm tầm trung để đánh Ukraine; Ông Matt Gaetz rút khỏi đề cử bộ trưởng tư pháp Mỹ;