Khó nói Việt Nam hưởng lợi từ thương chiến 

NGUYỄN ĐÌNH BÍCH 06/08/2019 22:08 GMT+7

TTCT - Trung Quốc là nước xuất khẩu lớn nhất thế giới và bạn hàng nhập khẩu lớn nhất của VN. Còn Hoa Kỳ - nước nhập khẩu lớn nhất thế giới - cũng là bạn hàng xuất khẩu lớn nhất của VN. Trong bối cảnh những thương lượng để dàn xếp cuộc chiến thương mại giữa hai siêu cường này vẫn chưa ngã ngũ, hẳn nhiên hoạt động xuất nhập khẩu của VN không thể tránh khỏi các tác động.

Ảnh: Axios
Ảnh: Axios

Tính đến thời điểm này, cuộc thương chiến đã kéo dài hơn một năm và có lẽ đã có thể ít nhiều bắt đầu “lượng hóa” các tác động của nó, nhằm phòng ngừa những rủi ro tiềm ẩn với nền kinh tế vẫn còn phải dựa nhiều vào xuất khẩu của VN.

Ba điểm nhấn

Trong bối cảnh kinh tế và thương mại toàn cầu bị bao phủ bởi những tác động của thương chiến Trung - Mỹ, hoạt động xuất nhập khẩu của VN 6 tháng đầu năm 2019 không thể là ngoại lệ. Các con số thống kê cho thấy nhận định “kinh tế VN hưởng lợi từ thương chiến” không hẳn đã có cơ sở trên thực tế.

Thứ nhất, có thể khẳng định một cách chắc chắn rằng tổng kim ngạch 122,5 tỉ USD, dù chỉ tăng 8,2 tỉ USD và 7,2%, tức chưa bằng một nửa mức tăng 16,6 tỉ USD và 17% của cùng kỳ năm 2018, vẫn là kết quả đáng khích lệ với kinh tế trong nước.

Tuy nhiên, thương mại toàn cầu giảm sút do thương chiến Trung - Mỹ cũng đã khiến nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực giảm giá. Tính toán với 16 mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của VN có số liệu thống kê về lượng và giá trị cho thấy các mặt hàng này chỉ đạt kim ngạch xuất khẩu 14,3 tỉ USD, tức giảm 662 triệu USD và 4,4% so với cùng kỳ 2018.

Nếu quy về giá cùng kỳ năm ngoái, tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này lẽ ra phải đạt 15,7 tỉ USD và tăng 4,9%. Điều này có nghĩa trong 6 tháng qua, vì giá giảm trên thị trường quốc tế, VN đã mất khoảng 1,4 tỉ USD, tương ứng tỉ lệ 9,8%.

Thứ hai, trong bối cảnh chung đó, nông dân và nông nghiệp là khu vực gánh chịu nhiều khó khăn và thua thiệt nhất. Các tính toán từ các số liệu thống kê cho thấy tổng kim ngạch xuất khẩu 13 mặt hàng nông sản chủ yếu 6 tháng qua chỉ đạt hơn 18 tỉ USD, giảm 281 triệu USD và 1,5% so với cùng kỳ 2018.

Trong đó, xuất khẩu 7 mặt hàng nông sản chủ yếu có số liệu thống kê về lượng và giá trị chỉ đạt gần 6,4 tỉ USD, giảm rất mạnh, tới hơn 1 tỉ USD và 13,7% so với cùng kỳ 2018. Thiệt hại càng lớn nếu quy về giá cùng kỳ 2018.

Nếu cũng bán với giá của năm ngoái, thì tổng khối lượng hàng nông sản đã xuất khẩu của VN lẽ ra phải giá trị hơn 7,4 tỉ USD, tức là nông dân và các doanh nghiệp xuất khẩu nhóm hàng này thua thiệt về giá tới hơn 1 tỉ USD, tương đương 13,7% giá trị xuất khẩu thực tế thu được.

Các số liệu đó cũng cho thấy xuất khẩu các mặt hàng có số liệu thống kê về lượng và giá trị còn lại trong hai nhóm hàng nhiên liệu, khoáng sản và hàng công nghiệp chế biến đỡ khó khăn, và quả thật có những mặt hàng hưởng lợi do biến động về giá cả.

Thứ ba, dù vẫn có đóng góp của khu vực khác, nhưng gánh nặng khắc phục nhập siêu vẫn chủ yếu phải dựa vào bờ vai của nông dân. Sở dĩ nói như vậy là bởi, như các số liệu thống kê cho thấy, trong khi kim ngạch xuất siêu cùng kỳ năm 2018 đạt gần 3,26 tỉ USD, 6 tháng đầu năm 2019, VN chỉ xuất siêu còn 1,59 tỉ USD.

Ngoài việc suy giảm kim ngạch xuất khẩu, lý do khiến kim ngạch xuất siêu giảm đương nhiên nằm ở đầu bên kia: nhập siêu nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản tăng mạnh, từ hơn 5 tỉ USD lên 5,53 tỉ USD trong 6 tháng đầu năm 2018 và 2019.

 

Nguy cơ “xuất khẩu hộ”

Bức tranh cơ cấu thị trường và cơ cấu mặt hàng xuất nhập khẩu 6 tháng qua thực ra nêu lên nhiều quan ngại hơn là phấn khởi: nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc đã tăng mạnh, đồng thời xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ cũng tăng gần như tương ứng.

Cụ thể, các số liệu thống kê của Hải quan VN cho thấy trong tổng kim ngạch xuất khẩu tăng hơn 8,2 tỉ USD của 6 tháng đầu năm 2019 so với 6 tháng cùng kỳ 2018, riêng thị trường Hoa Kỳ, mức tăng đã là hơn 5,9 tỉ USD, chiếm 71,9%.

Trong khi đó, gần như ngược lại hoàn toàn, trong tổng kim ngạch nhập khẩu tăng gần 9,9 tỉ USD 6 tháng qua so với cùng kỳ 2018, riêng thị trường Trung Quốc đã có mức tăng gần 5,5 tỉ USD, chiếm 55,5%.

Đáng chú ý, riêng nhóm hàng công nghiệp chế biến nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc đã có mức tăng 5,16 tỉ USD, tức gần bằng mức tăng xuất khẩu nhóm hàng này sang thị trường Hoa Kỳ, những con số không khỏi nêu lên quan ngại thật sự là VN trở thành trạm trung chuyển để hàng Trung Quốc né tên đạn của cuộc thương chiến, một thực tế có thể để lại nhiều hậu quả lâu dài với cả sản xuất lẫn thương mại quốc gia.

VN đang chiếm thứ hạng khá cao trong danh sách các quốc gia xuất siêu sang thị trường Hoa Kỳ, điều có thể gây chú ý và dẫn tới những động thái không mong đợi từ chính quyền Mỹ.

Số liệu thống kê của Liên Hiệp Quốc cho biết năm 2018, trong khi Hoa Kỳ xuất khẩu lượng hàng hóa dịch vụ giá trị gần 9,7 tỉ USD vào thị trường VN, đồng nghĩa VN vẫn nằm ngoài tốp 30 thị trường xuất khẩu lớn nhất của Hoa Kỳ, thì nhập khẩu của Hoa Kỳ từ VN đã đạt 51,3 tỉ USD, biến VN thành nước xuất khẩu lớn thứ 12 vào Mỹ.

Chênh lệch đó khiến VN xếp thứ 6/98 nước đang nhập siêu vào Hoa Kỳ xét theo giá trị. Xét theo tỉ lệ thì vị trí đó còn cao hơn nữa, với gần 430%, đứng thứ hai, chỉ kém một chút so với quốc gia đứng đầu Ireland.

Tóm lại, ngoài chuyện hàng nông sản VN gặp khó tại thị trường Trung Quốc khiến chúng ta đẩy mạnh xuất khẩu sang Hoa Kỳ, hoặc là có những hàng hóa Hoa Kỳ hạn chế nhập khẩu của Trung Quốc vì thương chiến, nên chúng ta có cơ hội gia tăng xuất khẩu, thì liệu trong “rổ hàng công nghiệp chế biến” nhập khẩu từ Trung Quốc đang phình to, gần tương đương rổ hàng này xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ, thực sự có bao nhiêu hàng hóa “Made in China” mượn danh “Made in Vietnam”, hoặc mượn đường để xuất khẩu sang Hoa Kỳ?

Đây rõ ràng là điều các nhà quản lý không thể coi nhẹ, bởi nguy cơ “vạ lây” trong cuộc thương chiến Trung - Mỹ có vẻ còn dai dẳng đang trở nên hiển hiện hơn bao giờ hết.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận