Việt Nam chịu nhiệt từ thương chiến Mỹ - Trung: “Núp bóng” vốn FDI và chuyện doanh nghiệp Việt bị vạ lây

KHANG NGỌC 09/10/2019 22:10 GMT+7

TTCT - Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ Trung Quốc và các vùng lãnh thổ có liên quan vào VN tăng mạnh trong 8 tháng đầu năm. Bên cạnh sự hân hoan về khả năng hưởng lợi từ sự dịch chuyển dòng vốn của các tập đoàn đa quốc gia “tránh bão” thương chiến, mối lo ngại về những dự án đầu tư “núp bóng” để hưởng ưu đãi có chất lượng thấp cũng đang lớn dần.

 

Anh Long - một cán bộ khu công nghiệp và khu chế xuất của Hà Nội - cho biết từ đầu năm đến nay liên tiếp đón các đoàn khách từ Trung Quốc và Hong Kong (Trung Quốc) sang tìm hiểu, thuê đất mở nhà máy, mở xưởng sản xuất. 

Tuy nhiên, do quỹ đất trống của Hà Nội ở các khu công nghiệp, khu chế xuất không còn nhiều nên không thể đáp ứng nhu cầu của họ. “Chúng tôi giới thiệu họ đến các địa phương lân cận, đặc biệt là các nhà đầu tư trong lĩnh vực sản xuất linh kiện, lắp ráp và chế biến chế tạo” - anh cho biết.

Cần tiêu chuẩn cho các dự án “ảo”

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT), 8 tháng đầu năm 2019, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cấp mới, điều chỉnh và đầu tư qua mua cổ phần vào VN đạt 22,63 tỉ USD, bằng 92,9% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó có 2.406 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, tăng 25,4% về số dự án so với cùng kỳ năm 2018.

Đáng chú ý là không có dự án nào quy mô lớn, nên tổng vốn đầu tư cấp mới chỉ đạt 9,13 tỉ USD, giảm 32,3% so với cùng kỳ năm 2018. Trung Quốc và Hong Kong là nhà đầu tư lớn nhất với gần 1,9 tỉ USD, chiếm 20,6%.

Tuy nhiên, sự chuyển dịch dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc ngày càng mạnh mẽ lại đặt ra không ít lo ngại. Một lãnh đạo tham gia thẩm định các dự án đầu tư thuộc Sở Công thương tỉnh Bình Dương cho biết xu hướng dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc vào VN ngày càng phức tạp. Bởi trước đòn đánh thuế của Mỹ, nhiều nhà đầu tư nước này tìm giải pháp đầu tư sang các nước lân cận để né thuế.

Nhưng việc dịch chuyển nhà máy không phải diễn ra trong “một sớm một chiều” mà thông thường, các nhà đầu tư sẽ lựa chọn dịch chuyển những khâu quan trọng, cần thiết nhất để hưởng xuất xứ, ưu đãi thuế mà VN có được từ các hiệp định tự do. Do đó, có những dự án nhà đầu tư thuê đất rất ít, nhưng lại có sản lượng sản xuất lớn, đặc biệt trong các ngành gỗ và lâm sản, sắt thép, lắp đặt máy móc thiết bị, may mặc...

“Nhà đầu tư thường thuê các đơn vị tư vấn lập dự án “ảo”, nếu các địa phương không sàng lọc kỹ lưỡng, thiếu kinh nghiệm đánh giá, phân tích dự án thì rất dễ chấp thuận cho các dự án “núp bóng” vào VN. Những biểu hiện rõ nhất của các dự án này là quy mô sản xuất lớn nhưng công nghệ thiết bị, mặt bằng và lao động không tương xứng.

Ví dụ, sản xuất hàng triệu sản phẩm mà chỉ có diện tích đất khoảng 1-2ha. Thậm chí có DN xây dựng nhà máy, dự án quy mô chỉ là vỏ bọc bên ngoài, thực ra khi nhập hàng về thì xé lẻ đưa đến các điểm khác hoàn tất các công đoạn cuối để tiêu thụ” - vị này cho hay.

Trao đổi với TTCT, ông Nguyễn Mại - chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư nước ngoài - cũng cho rằng chuyển dịch đầu tư từ Trung Quốc vào VN nhiều hơn kể từ khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung diễn ra. Khai thác tốt dòng vốn này, theo ông Mại, sẽ giúp VN giảm nhập siêu từ Trung Quốc, bởi hiện nay các nguyên liệu đầu vào cho sản xuất các ngành may mặc, giày da, linh phụ kiện... đều nhập từ nước này.

Tuy nhiên, ông lưu ý cần phải chọn dự án tốt, đảm bảo môi trường và có công nghệ hiện đại, đầu tư sản xuất thực chất tại VN. Ông cho biết có tới 40% dòng vốn FDI của thế giới có hiện tượng trốn thuế và gian lận xuất xứ. Ông đề nghị cơ quan luật pháp trong sàng lọc dự án FDI cần phải quản lý nghiêm minh, nói không với tham nhũng, lót tay và xử lý mạnh mẽ khi phát hiện vi phạm, gian lận.

“Cần có định mức kinh tế kỹ thuật đối với các dự án đầu tư, không chỉ yêu cầu chung về cơ sở hạ tầng mà các tiêu chí về môi trường: nước, chất rắn, khói bụi, phải được kiểm soát chặt chẽ hơn” - ông Mại nói.

Sắt thép là một trong những ngành hàng đang bị điều tra chống bán phá giá. Trong ảnh: một nhà máy sản xuất thép của doanh nghiệp VN tại Thái Nguyên. Ảnh: Ngọc An
Sắt thép là một trong những ngành hàng đang bị điều tra chống bán phá giá. Trong ảnh: một nhà máy sản xuất thép của doanh nghiệp VN tại Thái Nguyên. Ảnh: Ngọc An

Không cạnh tranh nổi hàng Trung Quốc

Còn tồn hàng nghìn đôi giày, trong khi đơn hàng nhận về không mấy khả quan, anh Hòa (chủ cơ sở sản xuất da giày Phương Quỳnh, Hải Phòng) tạm dừng sản xuất nhiều tháng nay. Anh cho biết trong năm nay chỉ tập trung giải quyết đống hàng tồn, mong thu hồi vốn để vớt vát phần nào tiền đầu tư bỏ ra và giải quyết các công nợ.

Xưởng sản xuất này phải đóng cửa, theo anh Hòa, là do hàng da giày trong nước chịu sự cạnh tranh gay gắt từ hàng Trung Quốc tràn vào ồ ạt. Và không chỉ xưởng da giày Phương Quỳnh, nhiều làng nghề, các xưởng da giày khác đều đã phải cắt giảm sản xuất, đóng cửa.

DN không có khả năng đưa hàng vào siêu thị vì phải xây dựng thương hiệu, mất nhiều chi phí nên họ chủ yếu bán tại các cửa hàng, chợ truyền thống. Mà những nơi này đều đã tràn ngập hàng Trung Quốc giá rất rẻ, đặc biệt là hàng giả các thương hiệu nổi tiếng.

Tại nhà máy sản xuất hàng dệt may của Công ty may Đáp Cầu (Bắc Ninh), lượng đơn hàng nhận được trong 8 tháng đầu năm vẫn đều đều như mọi năm. Nhưng điều khiến ông Nguyễn Đức Thăng - giám đốc điều hành công ty - lo lắng là giá rất thấp, khiến lợi nhuận giảm nhiều. Tình hình cuối năm còn căng thẳng hơn khi lượng đơn hàng bắt đầu giảm, chủ yếu là các đơn hàng nhỏ nên “giá nào cũng phải làm”.

“Ngay tại Trung Quốc, DN may không có việc, Mỹ tăng thuế nguyên phụ liệu nên phải giảm giá gia công, đơn hàng ít đi. Nhà nhập khẩu Mỹ sợ rủi ro nên chỉ làm đơn hàng nhỏ từ VN” - ông Thăng nói. Theo ông, lượng đơn hàng năm nay có thể giảm khoảng 15-20% so với năm trước, còn giá thì giảm tới 30%.

“Ngành may còn có đơn hàng, chứ ngành sợi thì rất nan giải” - ông Nguyễn Sơn, nguyên phó chủ tịch Hiệp hội Bông sợi VN, lo lắng. Theo ông, với ngành dệt may, sợi, Trung Quốc chiếm tới 36% thị phần của Mỹ nên khi bị áp thuế, nhiều nhà máy sản xuất dệt ở Trung Quốc bị thiếu đơn hàng, phải đóng cửa và giảm nhập khẩu sợi, tác động đến DN xuất khẩu sợi VN.

Ông Sơn nói những năm trước, nhiều DN đầu tư vào lĩnh vực sợi chỉ chú trọng xuất khẩu vào Trung Quốc nên khi thị trường biến động, số đơn hàng bị giảm rất mạnh, dẫn đến phải giảm sản lượng hoặc đóng cửa từng phần nhà máy. Chưa kể, do Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ, nên giá sợi của VN xuất khẩu vào các thị trường này bị thua thiệt.

Nhiều DN xuất khẩu, sản xuất bị giảm đơn hàng và phải thu hẹp hoạt động khiến các DN cung ứng dịch vụ bị vạ lây. Ông Cao Hoài Dương - tổng giám đốc Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil) - cho biết trước đây công ty cung ứng lượng lớn xăng dầu cho các DN vận tải xuất khẩu sang Trung Quốc, nhưng kể từ tháng 6 đến nay, sản lượng bán ra giảm mạnh. ■

Trung Quốc siết nhập khẩu để bảo vệ hàng nội địa

Cuộc họp do hai bộ trưởng Bộ NN&PTNT và Bộ Công thương chủ trì mới đây đã chỉ ra nguyên nhân xuất khẩu giảm: do Trung Quốc siết chặt quản lý nhập khẩu, yêu cầu cao hơn về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc. Xuất khẩu của VN lại phụ thuộc đường tiểu ngạch, sản xuất manh mún, chưa chú trọng nâng cao chất lượng.

Ông Đặng Phúc Nguyên - tổng thư ký Hiệp hội Rau quả VN - cho biết một số loại quả có tiềm năng như sầu riêng, bưởi thường xuất qua đường tiểu ngạch nhưng hiện nay Trung Quốc cấm nhập qua đường này, xuất theo đường chính ngạch thì các loại quả này chưa đáp ứng tiêu chuẩn.

Mặt hàng chủ lực như thanh long cũng vướng ở biên giới do nhiều nơi làm chậm thủ tục về truy xuất nguồn gốc, lại trùng với mùa vụ Trung Quốc, nên họ tìm cách bảo vệ nội địa... Với ngành rau quả, ông Nguyên cho biết tỉ lệ trồng VietGap mới chỉ đạt khoảng 20%.

Phân tích từng ngành hàng để thúc đẩy tăng trưởng

Kim ngạch xuất khẩu trong 8 tháng đầu năm mặc dù vẫn duy trì mức tăng trưởng 7,3%, ước tính đạt 169,98 tỉ USD. Để đạt mục tiêu xuất khẩu năm nay 262 tỉ USD, mỗi tháng còn lại kim ngạch phải đạt khoảng 23-24 tỉ USD. Đây là “nhiệm vụ nặng nề” khi mức cao nhất năm 2018 chỉ đạt 23 tỉ USD.

Bộ Công thương cho rằng diễn biến khó lường từ 2 đối tác kinh tế lớn của toàn cầu là Mỹ, Trung Quốc cần được đánh giá đầy đủ. Trong đó, cần tập trung vào kịch bản tăng trưởng xuất nhập khẩu để xây dựng kế hoạch tăng trưởng cho từng thị trường và ngành hàng, tận dụng cơ hội tăng trưởng cuối năm. Đồng thời, lựa chọn nhóm hàng có nguy cơ dính vào tranh chấp thương mại để có giải pháp trong phòng vệ thương mại, chống gian lận xuất xứ...

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận