Sách giáo khoa ở Mỹ: Một mê cung chằng chịt

TIM KENNEDY (*) 28/11/2019 19:11 GMT+7

Ảnh:
 

TTCT - Tại Hoa Kỳ, quan hệ giữa sách giáo khoa (SGK) và chương trình học thật sự ở trường, nói tối thiểu cũng là rất phức tạp.

Giữa muôn vàn chọn lựa

Trực tiếp thì các trường và học khu có quyền chọn SGK và chương trình học. Nhưng gián tiếp thì sự chọn lựa đó chịu ảnh hưởng cả từ các quy định giáo dục cấp bang và liên bang, rồi cả từ một ngành xuất bản SGK tư nhân lớn và béo bở. Thay vì là một chuỗi nhân - quả đơn giản, cả quá trình đó giống như chịu đến ba “nhân” rồi mới dẫn đến một “quả”.

Không có một chương trình học toàn quốc cho các trường công từ mẫu giáo tới lớp 12 ở Hoa Kỳ. Quyết định về việc dạy gì ở trường, dạy như thế nào là kết quả sau cùng của một quá trình bắt đầu từ trên cao, rồi “nhỏ giọt” dần xuống dưới.

Ở cấp độ cao nhất, chính quyền liên bang yêu cầu các bang lập và tuân thủ những bộ tiêu chuẩn học tập của riêng họ và từ năm 2001, các bang về cơ bản có một hình thức thi cử tiêu chuẩn hóa nào đó để đo đạc sự tiến bộ hướng tới các tiêu chuẩn học tập đã nêu.

Nhưng ngay cả với các tiêu chuẩn, vốn thường khác nhau rất lớn giữa các bang, cũng không hẳn được phản ánh vào chương trình học. Các tiêu chuẩn có xu hướng trừu tượng và mang tính khái niệm; chúng xác định các kỹ năng, nhưng không xác định cách thức học trò cần học.

Lấy ví dụ, “học sinh sẽ hiểu và giải thích được cách dùng phép ẩn dụ trong kỹ thuật viết tiểu thuyết” có thể là một tiêu chuẩn. Trong khi đó, “học sinh sẽ phải phân tích được tầm quan trọng của việc sử dụng màu xanh lá cây mang tính biểu tượng trong tiểu thuyết The Great Gatsby của F. Scott Fitzgerald” lại là một phần của chương trình học.

Vậy nên rốt cuộc, chuyển những tiêu chuẩn học tập vào một chương trình học cụ thể thường là việc của các trường địa phương và các hạt quản lý trường công. Như thế trên lý thuyết, các trường và giáo viên ở Hoa Kỳ được tự do lựa chọn bất cứ học liệu nào họ thích cho lớp học - bao gồm SGK.

Những tranh luận đau đầu

Trên thực tế, các trường và giáo viên hiếm khi có được sự tự trị tuyệt đối đó vì có một lực khác, mạnh mẽ hơn ở đây: thị trường tự do. SGK về cơ bản do các công ty tư nhân, vì lợi nhuận, xuất bản, điều đồng nghĩa SGK không chỉ là công cụ phục vụ việc học tập. Chúng còn là sản phẩm để bán. Và đôi khi hai vai trò này của SGK xung đột với nhau.

Để xem một trong những ví dụ rõ ràng nhất, hãy nhìn vào Texas. Texas, với 28,7 triệu dân, là bang đông dân thứ hai ở Hoa Kỳ, với khoảng cách xa so với bang thứ ba (New York, 19,5 triệu). Điều đó đồng nghĩa ở bang này có số học sinh đông hơn nhiều so với hầu hết các bang khác, trừ California (37,7 triệu dân).

Một nhà xuất bản SGK có thể bán sách ở Texas thì sẽ thu được lợi nhuận lớn hơn rất nhiều so với, nói ví dụ, một nhà xuất bản ở thị trường bang Delaware (gần 1 triệu dân). Vì lẽ đó, động cơ lợi nhuận khiến các nhà xuất bản SGK bỏ rất nhiều thời gian và tiền bạc viết sách hợp với tiêu chuẩn học tập ở Texas, và ít hơn hẳn thời gian lẫn công sức cho SGK hợp với các tiêu chuẩn học tập ở Delaware.

Vậy Delaware (và nhiều bang ít dân khác) sẽ phải làm sao? Thường thì họ sẽ dùng lại các bộ SGK của Texas, với một ít chỉnh sửa (SGK từ California, dù là một thị trường còn lớn hơn Texas, hiếm khi được các bang khác dùng lại vì những tiêu chuẩn học tập ở bang này đòi hỏi đưa vào các nội dung cụ thể của California không phù hợp với các bang khác).

Theo một bài báo vào năm 2012 trên tờ New York Review of Books tựa đề “Texas đã lan truyền SGK dở tệ khắp Hoa Kỳ ra sao”, từ 50-80% các SGK những môn xã hội bán ở Hoa Kỳ “về cơ bản là SGK kiểu Texas”.

Dùng lại nội dung SGK Texas ở các bang khác cũng không có gì sai nếu Texas là một bang trung lập về chính trị. Nhưng Texas, ít ra ở cấp độ chính quyền tiểu bang, là một trong những bang thiên hữu nhất cả nước và trong nhiều thập kỷ, điều đó ảnh hưởng lên những gì được giảng dạy ở các trường học của bang.

Việc thông qua nội dung SGK của Texas là trách nhiệm của Hội đồng Giáo dục tiểu bang, nơi mà giới bảo thủ Công giáo áp đảo từ rất lâu và, lấy một ví dụ thôi, suốt từ năm 1974 tìm cách đưa vào SGK những nội dung phê phán thuyết tiến hóa của Charles Darwin (vốn đi ngược với thần học Công giáo bảo thủ).

Vào năm 2009, hội đồng này đã thành công trong việc thông qua nội dung trong SGK ở Texas yêu cầu học trò phải cân nhắc những sự ngắt quãng trong các bằng chứng hóa thạch và tìm hiểu “mọi khía cạnh của dữ liệu khoa học” khi học về tiến hóa - ám chỉ còn có một khía cạnh khác với học thuyết mà giới khoa học gần như nhất trí 100%. Năm 2017, hội đồng một lần nữa đã bỏ phiếu giữ lại yêu cầu đó.

Bài báo đã dẫn năm 2012 trên New York Review of Books đầy các ví dụ về sự can thiệp vào SGK của hội đồng ở Texas, như giảm bớt việc nhắc tới các cuộc Thập tự chinh vì sợ điều đó gây ấn tượng không tốt cho Công giáo, hay thay thế cụm từ “chủ nghĩa tư bản” bằng “hệ thống kinh doanh tự do”.

Nhưng từ khi bài báo đó được xuất bản, đã có một thay đổi lớn trong nền giáo dục Hoa Kỳ giúp hạn chế ảnh hưởng mà những bang như Texas tạo ra lên SGK trên cả nước: Lần đầu tiên, hầu hết các bang lựa chọn một bộ tiêu chuẩn học tập có phạm vi toàn quốc, tên gọi Sáng kiến tiêu chuẩn cốt lõi phổ biến cho các bang.

Bộ tiêu chuẩn cốt lõi này không phải là một chương trình của liên bang, dù Bộ Giáo dục Mỹ thời chính quyền Obama đã khuyến khích mạnh mẽ các bang áp dụng bộ tiêu chuẩn đó. 46 bang đã áp dụng, dù sau đó có 4 bang rút ra, và hơn một chục bang khác cũng đang cân nhắc rút lui.

Bộ tiêu chuẩn cốt lõi không bao gồm tất cả các môn, chỉ có toán và các môn tiếng Anh. Dẫu vậy, lần đầu tiên trong lịch sử Hoa Kỳ, hơn 40 bang đã theo cùng các tiêu chuẩn học tập trên toàn quốc, thay vì tự mình lập nên tiêu chuẩn từ số không.

Bộ Tiêu chuẩn cốt lõi

Điều đó có nghĩa gì với những cuốn SGK? Cảm giác như thể hơn 40 bang theo Bộ tiêu chuẩn cốt lõi đã lập một liên minh và giờ có thể đối mặt với các áp lực thị trường từ một bang như Texas (bang này không áp dụng Bộ tiêu chuẩn cốt lõi).

Các nhà xuất bản SGK, nhìn thấy cơ hội tiếp cận một thị trường toàn quốc mới mẻ, đã bỏ nhiều tiền vào việc tạo ra các nội dung tương ứng với Bộ tiêu chuẩn cốt lõi - một sự dịch chuyển mạnh mẽ khỏi hệ thống cũ, vốn dành phần lớn nguồn lực của họ vào các bang lớn nhất, rồi dùng lại sách của những bang đó cho các thị trường nhỏ hơn.

Nếu Bộ tiêu chuẩn cốt lõi mở rộng ra để bao gồm cả các môn khoa học tự nhiên và xã hội khác, khả năng những bang lớn như Texas định hình cách thức giảng dạy khoa học và lịch sử ở khắp nước Mỹ có thể sẽ chấm dứt vĩnh viễn.

Tuy nhiên, thành công của Bộ tiêu chuẩn cốt lõi là không hề chắc chắn, và chương trình này đã trở thành một vấn đề gây chia rẽ chính trị trong 5 năm qua. Tổng thống Trump tranh cử (và viết tweet) với tuyên ngôn cụ thể là sẽ chấm dứt Bộ tiêu chuẩn cốt lõi, nhưng vì Bộ tiêu chuẩn cốt lõi do các bang tự nguyện sử dụng, chính quyền liên bang của Trump không có quyền “chấm dứt” chương trình này.

Các kết quả thi cử sơ bộ không cho thấy kết quả tốt, nhưng những người ủng hộ Bộ tiêu chuẩn cốt lõi giải thích đó là vì các tiêu chuẩn này nghiêm túc và thách thức hơn so với các tiêu chuẩn được áp dụng ở nhiều bang trước đó, nên sẽ cần nhiều năm nữa học trò mới theo kịp (Bộ tiêu chuẩn cốt lõi cho môn toán chẳng hạn, một phần học theo cách Singapore dạy toán, nhấn mạnh vào tư duy phản biện và hiểu biết toàn diện, chứ không phải là ghi nhớ).

Tương lai của Bộ tiêu chuẩn cốt lõi sẽ phụ thuộc vào việc liệu các bang có lựa chọn tiếp tục sử dụng nó không, hay quay lại với tiêu chuẩn do họ tự thiết kế. Dù có thế nào, học trò sẽ cần SGK, và dù thế nào, ngành SGK tư nhân sẽ tiếp tục là nơi cung ứng lớn nhất. Lợi ích của các trường là ngành SGK duy trì tình trạng cạnh tranh như hiện nay, thay vì trở lại với tình trạng độc quyền của một bang lớn như trong quá khứ.■

(*) Tác giả nguyên là giáo viên tại Mỹ.

Xuất bản SGK ở Hoa Kỳ là một ngành kinh doanh béo bở. Trong năm 2017, năm gần nhất có số liệu thống kê, chỉ riêng SGK K-12 (từ mầm non đến hết lớp 12) đã tạo ra doanh thu 3,62 tỉ đôla cho các nhà xuất bản. Các loại SGK khác, như giáo trình đại học, có doanh thu 6,62 tỉ đôla nữa. Tổng cộng, SGK chiếm gần 40% doanh thu của toàn bộ ngành xuất bản sách Mỹ.

Thị trường SGK K-12 chịu sự chi phối của ba nhà xuất bản lớn: Pearson Education, McGraw-Hill Education và Houghton Mifflin Harcourt. Cả ba cộng lại chiếm 85% doanh số bán SGK K-12 cho những môn học chính. Giá trung bình của một cuốn SGK K-12 là khoảng 65 USD.

Nhưng đây chỉ là con số đại khái, vì chi phí rất khác nhau giữa các lớp và môn học. SGK trung học nâng cao có thể có giá trên 100 USD/cuốn, trong khi sách bài tập cho học sinh lớp cấp dưới thường rẻ hơn rất nhiều. Trong các trường công lập, chi phí cho SGK được các trường chi trả từ ngân sách của họ, phần lớn được tài trợ bởi một nguồn hỗn hợp của cả liên bang và tiểu bang, cùng thuế bất động sản địa phương.

Sinh viên đại học thường được yêu cầu tự mua giáo trình và chính ở chỗ này, thị trường tự do đã trở nên hỗn loạn. Chi phí giáo trình đại học đã tăng hơn 1.000% kể từ những năm 1970. Chỉ từ năm 2006 - 2016, chi phí này tăng 88%.

Ngày nay, theo College Board (một tổ chức phi lợi nhuận, đại diện cho hơn 6.000 trường cao đẳng, đại học, trung học và tổ chức giáo dục ở Mỹ, chuyên hỗ trợ sinh viên cả người Mỹ lẫn du học sinh ở bậc đại học), sinh viên đại học trung bình chi hơn 1.200 USD/năm cho sách và tài liệu.

Không giống thị trường SGK K-12, nơi các trường thường mua hàng trăm hoặc hàng ngàn cuốn cùng lúc, do đó có thể thương lượng giảm giá, sách cho sinh viên đại học là một thị trường người mua “bị bắt làm con tin”. Họ phải mua các giáo trình được chỉ định để vượt qua một khóa học cụ thể, vì vậy thường phải bấm bụng trả bất cứ giá nào mà các nhà xuất bản đưa ra.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận