Luận tội Tổng thống Mỹ: Ông Trump “thấm đòn”?

HỮU NGHỊ 09/12/2019 02:12 GMT+7

TTCT - Tháng 11 vừa qua đã là tháng khiếp đảm nhất đối với ông Donald Trump trong cương vị tổng thống Hoa Kỳ. Các buổi lấy lời khai để nhắm tới luận tội ông do phe đối lập Dân chủ khởi xướng chưa chắc đã thực sự nguy hiểm với ông, song những cuộc quần thảo suốt một tháng qua dường như cũng đã làm ông bắt đầu “thấm đòn”.

Vòng vây với ông Trump đang thu hẹp dần. Ảnh: Axios
Vòng vây với ông Trump đang thu hẹp dần. Ảnh: Axios

17h32 thứ hai 25-11 (giờ Hà Nội), tức 5h32 phút sáng cùng ngày ở Washington, trên trang Twitter @realDonaldTrump chạy dòng Tweet: “Tất cả mọi chuyện về Nga chỉ là một trò dối trá, vụ Ukraine là một trò chơi khăm, còn Đảng Dân chủ là một lũ hề. Đây là thảm họa với họ!”. 

Ngay bên dưới mẩu Tweet của ông Trump là mẩu Tweet của truyền hình “gà nhà” Fox News: “Đảng Dân chủ ăn không ngồi rồi đang làm tổn thương đất nước chúng ta, và họ bất cần!”.

Ông nói gà, bà nói vịt

Làm thế nào mà ông Trump lại thức dậy vào sáng tinh mơ như thế, trừ phi ông đang trăn trở quá nhiều chuyện? Dù thế nào đi nữa, bắt đầu một ngày đầu tuần như vậy thì khá là cay đắng. Cũng khoảng giờ đó, Fox News loan tin dân biểu phe Dân chủ Adam Schiff, chủ tịch Tiểu ban tình báo Hạ viện Mỹ, tuyên bố các căn cứ luận tội Tổng thống Trump là không thể tranh cãi, nhưng cũng nói rằng ông muốn thảo luận vấn đề này với các cử tri và đồng viện của ông trước khi đưa ra phán quyết cuối cùng.

CNN, vốn thuộc nhóm báo chí bị ông Trump mạt sát không tiếc lời từ ngay nhậm chức, chạy tít: “Phe Cộng hòa chấp nhận lý giải sặc mùi thuyết âm mưu của ông Trump nhằm giảm nhẹ tác động của các buổi điều trần”. Hãng truyền hình từng được xem là hiện thân của “tiếng nói Hoa Kỳ” từ cuộc chiến vùng Vịnh lần thứ nhất, nay bị chính quyền Trump liệt vào hàng “tin vịt”, tóm tắt tình hình mấy tuần lấy lời khai vừa qua, bắt đầu từ hôm 13-11: “Ngày càng có những dấu hiệu cho thấy thái độ tiếp cận và “nắm quân” hung hăng của tổng thống trong Đảng Cộng hòa tại Washington là nhằm ngăn ngừa phe mình đổi ý nhân dịp phe Dân chủ sắp tạm ngưng lấy lời khai dịp lễ Tạ ơn”.

CNN nêu trường hợp thượng nghị sĩ Cộng hòa bang Louisiana John Kennedy, khi được Fox News hỏi ông có tin rằng Nga can thiệp vào cuộc tranh cử tổng thống năm 2016 không, đã lắc đầu: “Tôi không biết, bạn cũng không biết, không ai biết hết”. CNN ngay lập tức tuyên bố lời phủ nhận tuyệt đối của ông Kennedy đồng nghĩa ném tất cả các báo cáo chuyên môn của tình báo Mỹ, các khảo sát của Quốc hội và báo cáo của điều tra viên đặc biệt Robert Mueller vào sọt rác.

Những lời bộc bạch thương đau

Trong số các nhân chứng được Tiểu ban tình báo Hạ viện mời lên điều trần, nổi bật nhất là các cựu đại sứ Mỹ liên quan đến quan hệ giữa Tổng thống Trump và tổng thống mới đắc cử của Ukraine Volodymyr Zelensky. Nữ đại sứ Marie Yovanovitch là nhân chứng đầu tiên lên trả lời hôm 15-11.

Cuộc điều trần với bà Yovanovitch phơi bày không chỉ thân phận của một đại sứ có 33 năm thâm niên trong ngành ngoại giao bỗng dưng bị giải nhiệm, mà còn nhắc lại việc cả chục quan chức Mỹ đã bị cách chức “ngang xương” trong hai năm hơn qua, và mở rộng ra có thể còn là thân phận của cả một bộ máy chính quyền và... hơn thế nữa. Đặc điểm của các buổi hỏi - đáp được trực tiếp truyền hình như thế là người theo dõi có thể nhìn và thấy những nỗi đau đầy tính người của các nhân vật trong cuộc.

Hình ảnh bà Yovanovitch, vừa tròn 61 tuổi vào bốn ngày trước, quả ứng với lời giới thiệu tóm tắt nhân chứng của Chủ tịch Tiểu ban tình báo Hạ viện mở đầu buổi lấy lời khai: “Vào tháng 4-2019, đại sứ Hoa Kỳ tại Ukraine Marie Yovanovitch đang ở tại Kiev thì được một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao gọi và bảo phải lên ngay máy bay trở về Washington. Về đến thủ đô, bà được cấp trên thông báo rằng mặc dù bà đã không làm gì sai, bà không còn được làm đại sứ tại Ukraine nữa vì bà không có được sự tin tưởng của tổng thống.

Đó là một biến cố ngỡ ngàng với nhà ngoại giao được đánh giá cao này, người đã nỗ lực tham gia công tác chống tham nhũng ở Ukraine quyết liệt đến mức không lâu trước đó, bà được Bộ Ngoại giao yêu cầu gia hạn nhiệm kỳ”.

Điều gì khiến bà đại sứ bị loại? Có liên quan gì tới công chuyện chống tham nhũng ở Ukraine hay không? Mà tại sao một đại sứ Mỹ lại đi chống tham nhũng cho nước sở tại? Hay là do có thể sẽ liên quan tới những chuyện sắp tới?

Lời khai đầu tiên của bà Yovanovitch là sự giải thích không chỉ cho trường hợp nhà nước Ukraine, mà cả một số nhà nước tương tự khác: “Cũng quan trọng không kém cuộc chiến với Nga, nền dân chủ đang gặp khó khăn của Ukraine đang đối mặt với thách thức chiến đấu chống lại di chứng tham nhũng... đang tràn ngập chính quyền. Tham nhũng khiến giới lãnh đạo của Ukraine dễ bị tổn thương trước Nga và người dân Ukraine hiểu điều đó”.

Gạt bỏ chuyện “lý tưởng”, “đạo đức”, “nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ”, bà Yovanovitch giải thích việc bà tham gia chống tham nhũng ở Ukraine chính là nhằm củng cố quan hệ Mỹ - Ukraine trong cuộc tranh chấp lãnh thổ với Nga: “Ở đây một lần nữa có sự trùng hợp về lợi ích. Các nhà lãnh đạo tham nhũng vốn không đáng tin cậy, trong khi một lãnh đạo Ukraine trung thực và có trách nhiệm sẽ làm cho mối quan hệ đối tác giữa Hoa Kỳ và Ukraine trở nên vững chắc và có giá trị hơn đối với Hoa Kỳ... Nói tóm lại, đó là lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ... Việc giúp Ukraine chống tham nhũng đã và vẫn là ưu tiên hàng đầu của Hoa Kỳ”.

Đến đây, bà Yovanovitch nói tới vụ của bà: “Thật không may, như tình hình mấy tháng qua cho thấy không phải tất cả người dân Ukraine đều chấp nhận việc chống tham nhũng của chúng tôi... Có những người Ukraine thích chơi theo luật tham nhũng cũ nên đã tìm cách loại bỏ tôi. Điều tiếp theo làm tôi ngạc nhiên là việc họ thấy người Mỹ sẵn sàng hợp tác với họ trong chuyện đó: Có vẻ họ đã thành công trong việc dàn xếp loại bỏ một đại sứ Hoa Kỳ”.

Có quá nhiều câu hỏi từ tuyên bố đó: Người Mỹ nào sẵn sàng hợp tác với những người Ukraine thích tham nhũng? Họ ở cấp bậc nào mà có thể tống khứ bà Yovanovitch ra khỏi Ukraine, vội vã và gần như trắng trợn y hệt tống khứ một persona non grata - một kẻ không được chào đón? Đó giống với một cuộc trục xuất hơn là một cuộc triệu hồi đại sứ bình thường, xuất phát từ một cú điện thoại của Bộ Ngoại giao Mỹ chớ không phải của Ukraine.

Đến đây, bà Yovanovitch đưa ra những câu hỏi mà thẩm quyền của bà không đủ sức giải quyết: “Vì lẽ gì mà hệ thống của chúng ta lại có thể sụp đổ như vậy? Bởi làm sao mà nhóm lợi ích tham nhũng nước ngoài lại thao túng được chính phủ chúng ta? [...] Kiểu hành vi đó làm suy yếu Hoa Kỳ, hạ thấp bạn bè của chúng ta và mở toang cửa cho những kẻ chuyên quyền như Tổng thống [Nga Vladimir] Putin”.

Bà Yovanovitch (Ảnh: Business Insider)

Những cú gõ búa chọn lọc

Sau phần tự thuật của bà Yovanovitch, chủ tọa Schiff bắt đầu đặt những câu hỏi “nhị thức” - câu trả lời là “có” hoặc “không” nhắm thẳng vào trọng tâm: “Tôi không biết bà có cơ hội xem lời khai của George Kent [phó trợ lý Bộ trưởng ngoại giao phụ trách các vấn đề châu Âu và Á-Âu] hôm qua không, nhưng bà có đồng ý với đánh giá khá thẳng thắn của ông ấy rằng nếu bà chống tham nhũng, bà sẽ chọc giận một số người tham nhũng? Và rằng trong nỗ lực chống tham nhũng để thúc đẩy lợi ích chính sách của Hoa Kỳ, bà đã chọc giận một số nhà lãnh đạo tham nhũng ở Ukraine?”.

Sau câu trả lời “có”, chủ tọa Schiff lại tiến sát mục tiêu hơn nữa: “Một trong những người tham nhũng có phải là Yuriy Lutsenko [Tổng công tố nhà nước Ukraine]?”. Lại là một cái gật đầu nữa. Chủ tọa Schiff hỏi tiếp: “Và người tiền nhiệm của ông Lutsenko, Viktor Shokin?”. Bà Yovanovitch lại đáp: “Đúng là như vậy”.

Đến đây chủ tọa Schiff giơ sẵn một “cây đinh” cho nhân chứng ngôi sao của ông “đập búa” thật lực: “Bà có biết là cả Lutsenko và Shokin đều có liên lạc với Rudy Giuliani, luật sư và đại diện của Tổng thống Trump?”. “Đúng vậy”. Chủ tọa Schiff lại giơ ra một cây đinh nữa: “Có phải Giuliani cố gắng đảo ngược quyết định từ chối cấp visa [vào Mỹ] cho Shokin mà bà đã tham gia? Sự từ chối đó có phải là bởi Shokin là một nhân vật tham nhũng?”. “Vâng. Đó là sự thật”.

Rồi cây đinh cuối cùng: “Có phải ông Lutsenko đã phối hợp với ông Giuliani để thu thập những lời buộc tội giả mạo chống lại bà cũng như gia đình Biden [cựu phó tổng thống Mỹ Joe Biden, cũng là ứng viên hàng đầu của phe Dân chủ trong cuộc bầu cử tổng thống 2020]?. Và sự bôi nhọ này còn được khuếch đại qua con trai của tổng thống, Donald Trump Jr., cùng một số nhân vật trên truyền hình Fox?”. Nhân chứng: “Vâng, theo những gì tôi biết thì là như vậy”.

Như thế đã là quá đủ. Ngày 3-12, Ủy ban Tình báo Hạ viện đã bỏ phiếu gửi báo cáo dài 300 trang kết luận ông Trump lạm dụng quyền lực cho Ủy ban Tư pháp, bắt đầu giai đoạn tiếp theo của thủ tục luận tội.

Giờ sẽ tới lượt Ủy ban Tư pháp mở các cuộc điều trần. Tổng thống và các luật sư của ông đều được mời tới để “đối chất” và đều đã từ chối. Luật sư của Nhà Trắng Pat Cipollone nói trong một lá thư gửi Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Jerry Nadler rằng ông không tham dự điều trần vì “không chắc là Ủy ban Tư pháp sẽ hành xử công bằng với tổng thống”.

Tiếp theo, ông Nadler dự tính sẽ mời lên điều trần bốn giáo sư luật học để làm rõ các vấn đề pháp lý của quá trình luận tội, xem hành vi của ông Trump có được xếp là “trọng tội” như quy định trong hiến pháp Mỹ hay không.■

Khổ thân” Ukraine

Cũng được mời ra điều trần là đại biện lâm thời Mỹ tại Ukraine, Bill Taylor, cựu đại sứ Mỹ tại Ukraine 2006 - 2009 dưới trào Tổng thống George W.Bush. Giống như bà Yovanovitch, ông Taylor là một nhà ngoại giao, tức về nguyên tắc họ “phi đảng phái”.

Theo ông Taylor, Tổng thống Zelensky muốn cải tổ nhanh nên hậu thuẫn chủ trương lập pháp chống tham nhũng, bãi bỏ điều khoản hiến pháp dành quyền miễn trừ cho các đại biểu quốc hội, vốn là chỗ dựa cho nhiều quan chức tham nhũng suốt hai thập niên qua, cũng như mở tòa án cấp cao chống tham nhũng. Mọi việc ở Ukraine đang ngon trớn, giờ sẽ gặp rất nhiều trục trặc vì đấu đá ở chính trường Mỹ.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận