Lãnh đạo chính trị, cử tri và sinh kế

HỮU NGHỊ 27/12/2019 23:12 GMT+7

TTCT - Giáng sinh và năm mới đối với người dân nhiều nước là “bình an dưới thế cho người thiện tâm”, là “thiêng liêng” với các gia đình, giống như ngày tết ở Việt Nam. Nhưng năm nay, Giáng sinh đã không được bình an ở một số nước!

Các vũ công balê Nhà hát Opera Paris biểu tình chống chính sách lương hưu mới của chính quyền Pháp. Ảnh: AFP
Các vũ công balê Nhà hát Opera Paris biểu tình chống chính sách lương hưu mới của chính quyền Pháp. Ảnh: AFP

Pháp: Quyết chiến lương hưu

Năm nay, người dân Pháp bước vào mùa đón năm mới trong bầu không khí ảm đạm. Qua đến ngày 24-12, báo chí vẫn loan những tin tức xám xịt: “Không có thỏa thuận hưu chiến vào đêm Giáng sinh”. Mọi hi vọng và ước ao “về quê ăn lễ” đã tan tành.

Cảnh trần ai không biết di chuyển kiểu gì tính đến lễ Giáng sinh đã kéo dài 20 ngày - hằng ngày có đến 3,2 triệu hành khách khu vực quanh Paris sáng tinh sương đã đáp tàu tốc hành đi làm, tối đáp tàu về nhà, tất cả đều khốn khổ vì cuộc đình công của nhân viên ngành vận tải công cộng suốt ba tuần lễ qua. Chính phủ, trong khi đó, hẹn phải qua lễ, đến 7-1-2020 mới gặp lại các phe đình công.

“Về quê ăn lễ” gì nữa khi mà cứ năm chuyến tàu cao tốc (TGV) chỉ còn hai chuyến chạy, tàu tốc hành khu vực (TER) chỉ còn 4/10 chuyến, thay bằng tàu chợ hoặc xe buýt, Công ty Đường sắt quốc gia SNCF cảnh báo.

Nếu biết rằng trong năm 2018 đã có đến 1,35 tỉ lượt hành khách đáp xe lửa các loại, thì có thể đoán ra bao nhiêu triệu người hụt những chuyến tàu cuối năm này. Đến ngày 23-12 vẫn còn 47,7% nhân viên lái xe lửa, 27,8% nhân viên soát vé và 12,3% nhân viên bẻ ghi đường tàu tiếp tục đình công.

Các cuộc đình công bắt đầu hôm 4-12 phát xuất từ phong trào chống dự án cải cách hưu trí mà chính phủ Pháp vừa đưa ra. Một số tổng liên đoàn lao động được xem là cánh tả, mà then chốt và đầu đàn là CGT, cùng bốn tổ chức sinh viên, học sinh lãnh đạo cuộc đình công này.

Tổng liên đoàn CFDT được xem là cánh hữu sau này mới tham gia. Đình công diễn không chỉ trong lĩnh vực vận tải công mà cả ở các ngành giáo dục, y tế, hành chánh, điện lực, cùng các hiệp hội nông dân... Ngay cả cảnh sát tham gia hai công đoàn cảnh sát là Alliance và Unsa Police cũng đình công.

Dự án cải cách hưu trí mà Thủ tướng Pháp Edouard Philippe đưa ra nhằm gom lại các chế độ hưu trí riêng rẽ công tư hiện tại, gồm đến 42 chế độ khác nhau, thành một chế độ hưu trí “phổ quát toàn dân” dựa trên điểm tích lũy của mỗi người.

Theo chính phủ, cải cách lần này nhằm mục đích hướng đến một sự chia sẻ hơn giữa người lao động. Cải cách còn nhắm tới giảm gánh nặng ngân sách: các quỹ hưu trí ở Pháp năm 2016 chiếm đến hơn 14% GDP, năm ngoái mới giảm chút còn 13,7%, song vẫn vào hàng cao nhất thế giới, theo France 24 .

Nhật báo Le Monde cho rằng ý tưởng cải cách này là do Tổng thống Pháp Emmanuel Macron “quá lý tưởng”, quá “nghiện trí thức” (coup de foudre intellectuel), mà quên phân tích những hậu quả có thể xảy ra khi ông nay không còn mấy quần chúng cơ sở.

“Quá lý tưởng” khi nghĩ rằng lương hưu nên bớt nhiều tầng mức khác nhau cho bớt bất công, song nghĩ và làm như thế chính là húc vào lợi ích của mấy chục triệu người đã đóng góp vào đủ kiểu quỹ hưu trí với hi vọng một ngày nào đó sẽ lĩnh chừng đó lương hưu, nay có nguy cơ bị cào bằng vì chính sách mới.

Một bằng cớ cho sự “quá lý tưởng” là việc ông loan báo khi mãn nhiệm sẽ không nhận lương hưu cựu tổng thống là 6.220 euro/tháng, mà cũng nhận lương hưu theo số điểm tích lũy như mọi người để nêu gương.

Còn bằng chứng cho việc “nghiện trí thức” là việc hôm 20-12, ông bay sang Bờ Biển Ngà đọc diễn văn tống táng chủ nghĩa thực dân - một hành động rất ý nghĩa, song giữa mùa đình công cho thấy có vẻ ông “xa xôi” với quần chúng.

Dự án cải cách này tạo cơ hội cho các nghiệp đoàn cánh tả huy động quần chúng, điều mà năm ngoái vào giờ này các nhóm “áo gilê vàng” chẳng thuộc đảng phái hay nghiệp đoàn nào đã làm. Họ bỗng dưng nhảy ra chiếm các ngã tư xa lộ và xuống đường cùng khắp chỉ vì bất bình... đủ thứ.

Trong một góc nhìn khác, các cuộc đình công năm nay chính là để giành lại quần chúng. Bởi thế, một lãnh đạo từng “ăn theo” làn sóng “áo vàng” năm ngoái là bà Marine Le Pen, năm nay do đeo mác cực hữu nên không chen vào được các phòng trào lao động cánh tả, tìm cách “ăn theo” khác: “Phải có một thỏa thuận hưu chiến cho Giáng sinh. Giáng sinh là thời điểm quan trọng đối với đồng bào chúng ta. Nhiều người đang khó khăn song cũng đã lấy vé tàu rất đắt. Vì vậy, sẽ không công bằng khi họ là nạn nhân của một cuộc tranh chấp mà chính nhiều người trong số họ cũng chia sẻ”.

Mỹ: Các công dân và tổng thống

Tổng thống Mỹ Donald Trump có cách chia vui lễ Giáng sinh rất cá tính: Trang Twitter của ông hôm 21-12 hể hả: “Nền kinh tế đang thật tuyệt vời, thị trường chứng khoán lớn tăng mạnh ngày hôm nay. Xếp hạng tốt nhất trong 20 năm, CNN thừa nhận!”.

Dưới mẩu tweet là đường dẫn đến bài bình luận trên Newsbusters.org với vô số “mắm muối” được nêm vô: “Ắt hẳn CNN phải khó khăn lắm để có thể thừa nhận nền kinh tế dưới thời Tổng thống Donald Trump đang rất tốt đẹp”. Cụ thể, thăm dò dư luận cho thấy 76% những người được hỏi cho rằng các điều kiện kinh tế ở Hoa Kỳ ngày nay là rất tốt hoặc tương đối tốt, nhiều hơn đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái (67%).

Vị tổng thống chuyên dùng Twitter để “thu phục nhân tâm” ngay sau đó đăng mẩu tweet vỏn vẹn có hai chữ “CẢM ƠN” kèm bức ảnh in đậm chữ “50% đánh giá tốt”, kết quả thăm dò của Rasmussen. Rasmussen là một hãng thăm dò dư luận hằng ngày về ông Trump, và 50% mà ông hân hoan đăng tải là kết quả thăm dò hôm 21-12.

Qua thứ hai 23-12, kết quả lại khác: chỉ còn 48% ủng hộ thôi, đến 51% không ủng hộ. Hết ngày thứ hai 23-12, không thấy cập nhật đánh giá mới này trên Twitter của ông Trump. Chẳng sao: đẹp khoe, xấu che.

Tuy nhiên, không hẳn mọi nỗ lực thông tin đều đạt mục đích thu phục nhân tâm như nhau. Tweet đăng tấm thiệp năm mới của ông gửi “các nhân viên liên bang tuyệt vời”, đầy những lời hứa hẹn, tỉ như qua năm sẽ tăng lương 3,1%, mức tăng cao nhất 10 năm qua; hay một đạo luật mới cho phép cha mẹ nghỉ có lương trong 12 tuần để chăm lo con cái mới sinh... chỉ nhận được 38,9k lượt thích.

Trong khi đó, mẩu tweet đăng thư gửi các quân nhân cũng hứa tăng lương 3,1%, lại được 66,1k lượt thích: có lẽ đầu óc quân nhân ít “cầu kỳ” hơn công chức.

Trong số các đề mục tweet được post mang tên ông Trump cũng đăng hôm 21-12, thu hút nhất là những mẩu mang “tính đảng” (Cộng hòa) như khi ông chế giễu bà chủ tịch hạ viện thuộc Đảng Dân chủ: “Nancy Pelosi đang tìm kiếm một sự đổi chác với thượng viện. Tại sao ta lại không luận tội bà ấy nhỉ?”, được đến 204,4k lượt thích! .

Cứ thế, trang Twitter của ông Trump lôi cuốn các cử tri bền vững của ông. Giáo sư tâm lý học Dan P. McAdams của Đại học Northwestern đã thử giải thích hiện tượng quần chúng của ông Trump: “Ông ta có một đội ngũ cử tri lõi khá lớn không chịu thay đổi.

Một cuộc thăm dò ý kiến cử tri gần đây tại sáu bang tranh chấp phiếu kịch liệt năm 2016 cho thấy 90% những người ủng hộ Trump năm đó nay vẫn tán thành thành tích của ông với tư cách tổng thống, bất chấp những biến động liên tục trong chính quyền, cuộc điều tra của Robert Mueller và các thủ tục luận tội...

Những người ủng hộ ông ấy ngưỡng mộ ông như một thế lực lớn hơn cả cuộc sống, một kẻ tự ái thái quá phản chiếu hình ảnh trên mặt hồ nước. Nếu họ gặp phải thông tin mới tiêu cực về tổng thống, họ cũng chẳng tin”.

Thế nhưng, ông Trump cũng có lý của ông khi gọi Đảng Dân chủ là “những kẻ chẳng làm lụng gì cả”, khi suốt ba năm qua cứ “lục tội” ông Trump. Thành ra, đừng trách tại sao xã hội Mỹ phân hóa trầm trọng.

Nga: Thuốc xịn ở đâu

Dân Nga may mắn không bị chia rẽ vì tổng thống của họ như dân Pháp hay Mỹ, song vẫn có những băn khoăn đời thường của riêng mình. Trong cuộc họp báo cuối năm hôm 19-12 với tổng thống, nhà báo Ilya Petrenko của tờ Nước Nga ngày nay (RT) nêu câu hỏi: “Tôi có thể nói rằng gần đây RT chúng tôi đã có rất nhiều bài báo liên quan đến cuộc khủng hoảng thiếu các loại thuốc thiết yếu. Bộ Y tế... vẫn cố trấn an mọi người rằng mọi chuyện đều ổn.

Tuy nhiên, mọi chuyện không ổn; các loại thuốc tương đương thường không có cùng chất lượng, thế là mọi người tuyệt vọng tìm mua thuốc trên Internet... Tôi có thể nêu tên hai món là Prednisolone và Frisium...”.

Có vẻ như Tổng thống Nga Vladimir Putin hơi cáu nên ngắt lời: “Chúng ta đâu cần cái danh sách bất tận đó. Năm mới đang đến thật nhanh”.

Nhà báo Petrenko vẫn kiên trì: “Đó không phải điều quan trọng nhất. Quan trọng hơn cả là chúng ta cần một giải pháp toàn diện. Câu hỏi của tôi là: Tổng thống có một giải pháp toàn diện cho vấn đề này không? Cảm ơn”.

Câu trả lời của ông Putin tóm tắt tình hình là đang có trục trặc trong việc đăng ký thuốc và giá thuốc nhập khẩu. Chính phủ đã đưa ra một số giải pháp, bao gồm đấu giá thuốc. “Thay đổi này nên được thực hiện sớm.

Quyết định này đã được đưa ra”, ông Putin nói. Nhưng phần tiếp theo mới cho thấy cái gốc của vấn đề: “Chúng ta không được quên việc phát triển ngành dược phẩm của chúng ta. Đáng chú ý là Liên Xô đã mua thuốc với số lượng lớn chủ yếu từ Đông Âu”.

Xem ra trong mùa lễ hội, dù các lãnh đạo chính trị có nói gì to tát thì xét đến cùng vẫn phải là các vấn đề sinh kế cho cử tri của họ và người dân nói chung. Đi lại bằng phương tiện công cộng và lương hưu ở Pháp, tăng lương và nghỉ thai sản ở Mỹ, hay giá cả thuốc men ở Nga, những cái đó mới là thước đo cuối cùng cho thành bại của một chính quyền chứ không phải lý tưởng hay chiến thắng chính trị.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận