Tay máy Việt Nam và những bức ảnh trên NAT GEO:​ "Tôi chú tâm hơn, chứ không giỏi hơn..."

QUANG THI 11/04/2018 06:04 GMT+7

TTCT - Xuất thân là dân kiến trúc, lập công ty công nghệ thông tin, nhưng Trần Tuấn Việt đang nổi tiếng về những bức ảnh trên tạp chí National Geographic (NatGeo).

 

??
Trần Tuấn Việt 

 

Hai năm trở lại đây, tên tuổi Trần Tuấn Việt nổi lên trong giới nhiếp ảnh với những bức ảnh được giới thiệu trên NatGeo. Bức ảnh Làm nhang của anh được chọn đăng trong ấn bản Những góc nhìn của thế giới (NatGeo) tháng 6-2017. Tháng 3-2018, bức ảnh này tiếp tục đoạt giải ở hạng mục Ảnh du lịch cuộc thi nhiếp ảnh Smithsonian (Mỹ) với số lượng lượt xem là 50.000, lớn nhất từ trước đến nay của cuộc thi.

Bức ảnh ghi lại cảnh làm hương (nhang) này được tác giả Trần Tuấn Việt chụp ở xã Quảng Phú Cầu, Hà Nội. Không chỉ được chọn đăng Daily Dozen ngày 27-10-2016, được bình chọn là Bức ảnh trong ngày của Your Shot vào ngày 3-12-2016 mà đây còn là bức ảnh được NatGeo bình chọn là một trong những tác phẩm ấn tượng nhất mục Vision of Earth (Tầm nhìn Trái đất) đăng trên tạp chí National Geographic số tháng 6 - 2017.

 

Chưa kể, Việt có bức ảnh 21 lần vào hạng mục Daily Dozen (Ảnh đẹp trong ngày) của NatGeo, một “kỷ lục” đáng thán phục. Trong số đó, có những tác phẩm đang được tạp chí địa lý Mỹ đàm phán mua để in những ấn bản tiếp theo. Năm 2017, Trần Tuấn Việt cũng đoạt HCV hạng mục Ảnh tự do cuộc thi ảnh nghệ thuật quốc tế lần thứ 9 tại Việt Nam (VN - 17) với tác phẩm Thiên nga.

NatGeo là một trong 10 tạp chí uy tín hàng đầu của Mỹ. Họ thu hút một số lượng người chơi ảnh khổng lồ và là một trong những cộng đồng nhiếp ảnh lớn nhất thế giới. Cho nên, được họ chọn ảnh, nhận được những lời nhận xét tích cực từ biên tập viên ảnh của họ đối với tôi là một niềm hạnh phúc và vinh dự. Như mục ảnh Daily Dozen, mỗi ngày họ nhận từ 5.000-7.000 bức ảnh để chọn ra 12 bức ảnh đẹp nhất trong ngày. Thử thách đó thực không phải là dễ!” - Việt nói.

Trần Tuấn Việt học khoa kiến trúc ĐH Xây dựng Hà Nội và sau đó mở một công ty công nghệ thông tin. Năm 2007, anh bắt đầu chơi nhiếp ảnh, như tìm một thú vui ngoài giờ của công việc. Mãi đến năm 2015, khi công việc công ty đã ổn định, anh đọc được bài viết “Hãy cứ khát khao, hãy cứ dại khờ” của huyền thoại Steven Jobs, và quyết định đến lúc phải sống cho khát khao nhiếp ảnh trong mình.

Lúc đầu, cũng như bao tay máy khác, anh rong ruổi vào Nam ra Bắc, thử sức với đủ thể loại ảnh từ đời thường, phong cảnh, tới thiên văn, nude art... Cho đến khi cảm thấy phải tìm cho mình một lối đi riêng, một phong cách riêng, anh hướng về câu chuyện một thần tượng của mình - huyền thoại sống của nhiếp ảnh Steve McCurry, người không muốn được gọi là nhiếp ảnh gia mà tự nhận mình là người kể chuyện bằng những bức ảnh (phototeller). Trần Tuấn Việt cũng muốn mình là một người kể chuyện bằng nhiếp ảnh.

Kể những câu chuyện bằng nhiếp ảnh với anh, đôi lúc tình cờ dễ dàng, nhưng nhiều lúc là sự kỳ công. Để có bức ảnh Thăng bằng chụp những thợ điện treo mình trên dây điện cao thế ở cánh đồng Bắc Ninh, anh phải chạy xe từ Hà Nội - Bắc Ninh 6 lần. Có những đề tài anh đi 8 lần vẫn chưa ưng ý.

Nhưng bức ảnh nổi tiếng nhất của anh là Làm hương thì có chút may mắn hơn. Hôm đó anh đến làng Quảng Phú Cầu (Ứng Hòa, Hà Nội) với nhiều người, nhưng vì vác máy ảnh nặng nên anh đi sau. Những người dân làng khi đó đang “dị ứng” với truyền thông, không cho chụp ảnh, Trần Tuấn Việt phải ra sức thuyết phục, chứng minh mình chỉ chụp ảnh nghệ thuật chứ không phải ảnh báo chí, họ mới đồng ý. Anh chụp 200 kiểu để chọn ra bức ảnh mà về sau rất nổi tiếng này.

Thuộc thế hệ 8X, chọn cho mình cách kể chuyện qua nhiếp ảnh, tạo dựng tên tuổi mình ở cộng đồng nhiếp ảnh lớn của thế giới là NatGeo..., Trần Tuấn Việt là một chân dung thú vị trong một thế hệ nhiếp ảnh gia mới với chân trời rộng mở hơn, thử thách hơn là những cuộc thi nhiếp ảnh quốc tế từ trước đến nay. Nhưng anh cũng khiêm tốn nhận rằng thành công đó là do anh “chú tâm hơn” với sân chơi này, chứ không phải vì anh giỏi hơn. ■

Hãy cùng xem những bức ảnh của Trần Tuấn Việt và lời bình từ các biên tập viên ảnh của National Geographic.

Bức ảnh các cụ bà ngồi đan những chiếc đó bắt cá được chọn đăng trên Daily Dozen ngày 24-12-2015.

“Những vệt sáng tương phản trên nền màu ấm áp của bức ảnh tạo ra một khung cảnh rất bắt mắt, nhưng điều làm cho bức ảnh đẹp ngỡ ngàng, tôi nghĩ chính là layer (các lớp ảnh). Từ đám cỏ ở tiền cảnh đến những người đang ngồi làm việc, đến những chiếc đó treo trên cao, khiến mắt tôi liên tục di chuyển và làm tôi thấy rất thú vị”, Jeanne M Modderman, cựu sản xuất hình ảnh của Nat Geo nhận xét.

 

Cảnh người nông dân đang chăn vịt ở thị trấn Vân Đình, Hà Nội là một trong số 12 bức ảnh nổi bật của Daily Dozen ngày 6-6-2017.

“Tôi nghĩ đây là bức ảnh chụp người nông dân chăn vịt đầu tiên trên Your Shot mà tôi xem. Y tưởng chụp từ trên không cũng rất độc đáo vì nhờ đó mà tôi có thể mường tượng được số lượng đàn vịt khổng lồ ở đó. Tôi bị ‘mê hoặc’ bởi ‘hoa văn’ hình tròn mà đàn vịt tạo ra”, Matt Adams nhận xét.

 

“Xây nhà cho một cuộc sống mới” là tựa đề của bức ảnh được Daily Dozen chọn đăng ngày 11-5-2017. “Tôi thích góc ảnh rộng từ trên cao này. Nó cho tôi ý tưởng về kích thước của căn phòng, và tôi thích vị trí chủ thể trong bức ảnh của bạn, cho tôi cảm giác quan sát bắt đầu từ một góc phòng sau đó hướng mắt thẳng đến người phụ nữ đang làm việc. Một tác phẩm xuất sắc”, Matt Adams nhận xét.

 

Bức ảnh thiếu nữ mặc áo dài thả đèn hoa đăng trên sông Hương, Huế, được chọn đăng Daily Dozen ngày 23-8-2017. “Khoảng khắc này có vẻ tĩnh lặng và nhẹ nhàng, nhưng bản thân bức ảnh vẫn nói được nhiều điều. Tôi thích tông màu xanh trong bức ảnh này và cách bạn chụp khoảnh khắc này từ trên cao. Một tác phẩm xuất sắc”. Matt Adams nhận xét.

 

Bức ảnh chụp khu chợ Hãng Phân hơn 100 năm tuổi ở quận 4, TP.HCM của Trần Tuấn Việt được chọn đăng Daily Dozen ngày 13-9-2017. “Tôi thích sự pha trộn màu sắc của những chiếc dù. Khoảng trống giữa những chiếc dù lộ ra những mảng màu của rau quả bán trong chợ lại điểm thêm sắc màu cho bức ảnh. Nhìn thấy khoảnh khắc này và nhanh chóng “bắt lấy” nó, người chụp bức ảnh này đã làm rất tốt”, nhà sản xuất cấp cao Matt Adams nhận xét.

 

Bức ảnh chụp Hang Sơn Trà, tỉnh Kiên Giang được chọn vào danh sách những bức ảnh nổi bật nhất cho bộ ảnh Off the Beaten Path của chuyên trang du lịch thám hiểm National Geographic Expeditions trong tháng 7 – 2017. “Sự tương phản giữa bóng tối và ánh sáng trong hang ‘chơi đùa’ với nhau một cách đẹp mắt. Tôi thích cảm giác thanh bình, màu sắc và kết cấu rất đẹp của hang động. Một cú máy xuất thần!”, Lindsay Kuczera, chuyên gia truyền thông kỹ thuật số của National Geographic Expeditions nhận xét.

 

Cánh đồng ở huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ là một trong những hình ảnh của Daily Dozen ngày 20-3-2017. “Một sự tương phản dễ chịu giữa phần ruộng che bạt xanh và phần không phủ bạt. Một quy trình tưới cây thú vị mà tôi chưa từng thấy bao giờ. Tôi cũng thích màu xanh lá cây của vật dụng tưới cây mà người phụ nữ dùng trong hình”, Matt Adams nhận xét.

 

Bức ảnh chụp cảnh người đàn ông đan giỏ tre này Trần Tuấn Việt chụp ở Tây Ninh, được chọn đăng trong chuyên mục Daily Dozen ngày 26-3-2018. “Đây là một bức chân dung đẹp, với ánh sáng tuyệt vời. Tôi thích cách bạn tạo khung cho bức hình, dùng những cây tre trên nền đất để hướng mắt tôi vào người nông dân. Tác giả không chỉ khiến tôi dừng lại và nhìn ngắm khung ảnh đẹp đẽ, mà còn cho tôi hiểu biết thêm về những người tạo ra những chiếc giỏ truyền thống này”, nhà sản xuất NatGeo Your Shot David Y. Lee nhận xét.

 

Với tôi, một bức ảnh không đơn thuần là đẹp mà phải hay nữa. Nghĩa là sau cái đẹp của nhiếp ảnh, tôi còn muốn truyền đạt một câu chuyện hay, ý nghĩa về văn hóa, con người... nước mình. Nhiều người nhận xét rằng tôi đưa hình ảnh Việt Nam ra nước ngoài, tôi nghĩ nhận xét vậy là hơi lớn.

Tôi chỉ muốn truyền tải ra nước ngoài những vẻ đẹp, những câu chuyện về văn hóa, con người, đời thường... của Việt Nam. Những câu chuyện như vậy đối với chúng ta quá quen thuộc vì là cuộc sống hằng ngày, nhưng với người nước ngoài nó mới mẻ như tiếp xúc lần đầu tiên!”.

Trần Tuấn Việt

 

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận