"Tôi chưa bao giờ là một vị thánh"

TRẦN NHÃ THỤY 07/07/2013 07:07 GMT+7

TTCT - Những ngày này, khi tin tức về tình hình sức khỏe nguy kịch của Nelson Mandela lan truyền khắp thế giới, đọc Tự thoại (*) của Nelson Mandela để nghe ông tự “giải thiêng”.

Phóng to

Nelson Mandela - người tù lâu nhất trên thế giới (27 năm) vì tranh đấu chống lại nạn phân biệt chủng tộc. Nelson Mandela - người nhận giải Nobel hòa bình năm 1993 thì năm 1994 sau khi được bầu làm tổng thống đầu tiên của Nam Phi dân chủ đã cho xuất bản cuốn tự truyện Chặng đường dài đến tự do nổi tiếng và bán chạy nhất trên thế giới.

Nelson Mandela - người chưa từng tắt vầng quang huyền thoại. Thế nhưng trong cuốn Tự thoại (nguyên bản Conversations with myself, xuất bản lần đầu tiên năm 2010), ông đã bộc bạch: “Hồi ở tù, có một chuyện khiến tôi rất lo lắng, đó là tôi vô tình tạo ra một hình tượng không thật về mình đối với thế giới bên ngoài. Mọi người coi tôi như một vị thánh. Tôi chưa bao giờ là một vị thánh, kể cả theo cách mà con người chúng ta vẫn định nghĩa: thần thánh là kẻ có tội nhưng không ngừng cố gắng”.

Tính đến ngày 3-7, tình trạng sức khỏe của ông Nelson Mandela “vẫn còn nguy kịch nhưng ổn định”, theo tin từ Văn phòng Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma. Ông Mandela, 94 tuổi, nhập viện từ ngày 8-6 vì bị viêm phổi. “Chúng tôi nhắc mọi người dân bắt đầu lên kế hoạch cho ngày sinh nhật của Madiba (biệt danh truyền thống bộ tộc của ông Mandela) vào ngày 18-7 tới. Tất cả chúng tôi phải làm điều tốt đẹp cho nhân loại vào ngày này để tỏ lòng tôn kính cựu tổng thống của chúng tôi” - Tổng thống Zuma nói.

npr.org

“Thần thánh là kẻ có tội nhưng không ngừng cố gắng” - đó là câu mà Mandela rất tâm đắc, thường trích dẫn. Nhưng ông không bao giờ cho mình là thần thánh. Bởi vậy, Tự thoại là cuốn sách Nelson Mandela dùng để “giải thiêng” cho chính mình, viết cho chính mình.

Hay nói như Verne Harris - trưởng dự án Trung tâm Hồi ức và đối thoại Mandela, thì “kết cấu cuốn sách được lấy cảm hứng từ tác phẩm Suy ngẫm của Marcus Uurelius - một nhà lãnh tụ, một hoàng đế La Mã”. Quả vậy, Tự thoại - một cuốn sách đọc để suy ngẫm, để soi rọi vào nội tâm cũng như tri kiến mỗi người.

Tôi nhớ mãi cuộc trò chuyện giữa Nelson Mandela và Richard Stengel (biên tập viên tạp chí Time - người thực hiện những cuộc trò chuyện dài với Mandela để thực hiện cuốn Chặng đường dài đến tự do) về cái cách mà chúng ta đối diện với khó khăn, nghịch cảnh.

Câu chuyện về một người đàn ông sống trong ngôi làng bị ma ám, vì không thể đuổi lũ ma đi nên ông chọn cách dọn nhà đi khỏi làng. Trên đường đi, ông gặp một người bạn, người này hỏi: “Đi đâu đấy?”. Tức thì một giọng vang lên: “Chúng tôi đi chơi. Chúng tôi bỏ làng rồi”. Đó là giọng của con ma. Nó đã đi theo cùng ông. Nếu chúng ta không đương đầu, giải quyết dứt điểm khó khăn thì dù có đi đâu nó vẫn bám theo.

Một câu chuyện ngụ ngôn đời thường thú vị.

Trong cuốn sách này, chúng ta cũng có dịp hiểu hơn về những cuộc hôn nhân của Mandela. Từng chạy trốn cuộc hôn nhân đầu tiên được sắp xếp để lấy người mình yêu, nhưng sau đó Mandela lại ly hôn. Mandela lấy Winnie Madikizela-Mandela, lại ly hôn về những bất hòa về chính trị.

Rồi Mandela tái hôn khi ở tuổi 80. Có lẽ trong ba cuộc hôn nhân thì cuộc hôn nhân với Winnie là có nhiều cung bậc cảm xúc nhất, nó vừa hạnh phúc vừa bi phẫn. Khi ở nhà tù, Mandela vẫn thường viết thư cho Winnie.

Và tôi vẫn nhớ một đoạn trích trong lá thư ngày 26-10-1976 rằng: “Những bức thư em và gia đình gửi cho anh giống như giọt sương, như cơn mưa mùa hạ, như tất cả những gì tươi đẹp nhất của đất nước, giúp anh phấn chấn tinh thần và cảm thấy tự tin”... Thế mà sau này giữa họ có những xung đột thật dữ dội.

Một cuốn sách có quá nhiều cái để đọc và rất nhiều điều để học. Như sau đây là những dòng mà Nelson Mandela viết vào ngày 16-10-1998 trong bản thảo chưa từng xuất bản: “Nhưng lịch không bao giờ ngừng trêu ngươi, kể cả với những chiến sĩ đấu tranh vì tự do dày dạn kinh nghiệm, nổi tiếng trên toàn thế giới.

Từ xưa đến nay, những cuộc cách mạng thường nhanh chóng đầu hàng trước lòng tham. Cuối cùng thì họ cũng bị cuốn đi bởi xu hướng biến tài sản chung thành của riêng.

Bằng cách tích lũy những khối tài sản cá nhân khổng lồ, bằng cách phản bội lại lý tưởng cá nhân tốt đẹp từng khiến họ trở nên nổi tiếng, gần như họ đã bỏ rơi dân chúng và gia nhập hàng ngũ của tầng lớp áp bức trước đây - những người từng làm giàu cho bản thân bằng cách nhẫn tâm ăn cướp của những người nghèo nhất trong số những người nghèo”.

___________

(*): Những ghi chép cá nhân và tư liệu chưa từng được công bố của Nelson Mandela - Tự thoại, Nguyễn Hằng chuyển ngữ, NXB Trẻ ấn hành.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận