TTCT - Có một buổi sáng đọc báo Tuổi Trẻ thấy tin chợ Đầm tròn Nha Trang sẽ không còn nữa. Vậy Nha Trang sẽ ra sao? Chợ cá trên sông ở Cát Bà - Ảnh: Trần Thùy Linh Tự nhiên lại nhớ những tấm hình đã chụp ở nơi xưa - kia - từng - là - chợ - Mơ (Hà Nội), nhớ tới biết bao mái lều chợ dọc chiều dài chữ S đã bị phá bỏ để những khối bêtông chợ mọc lên hoang vắng, lạnh ngắt vì bị chối từ. Lại cứ miên man nhớ về những ngôi chợ dọc những chuyến đi... Những ngày mới đưa du khách nước ngoài đi dọc ngang thăm xứ mình, tôi cũng không chú ý nhiều về những ngôi chợ trên đường đi hay ở nơi mình tới. Đã nghĩ rằng văn hóa vật thể là thứ gì đó phải thật lớn lao, phải thật hoành tráng như những công trình kiến trúc cổ, như những đình, chùa, lăng tẩm vua chúa. Hoặc ít ra phải là những loại hình văn hóa phi vật thể trong những buổi biểu diễn nhạc dân tộc. Cứ nghĩ rằng khách du lịch muốn tới những địa danh nổi tiếng, nhìn ngắm những phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ hoặc lạ mắt với họ. Ấy vậy mà thật ngạc nhiên khi thấy tần suất đưa lên của những chiếc máy ảnh trước một cảnh đẹp thiên nhiên lại thua xa những khi xe đi ngang qua một ngôi chợ nhỏ bên đường. Chợ Việt Nam có gì thu hút thế? Vào một ngày cách đây đã lâu, chúng tôi khởi hành lúc 5g sáng từ Quy Nhơn ra Đà Nẵng. Trời mưa lâm râm, còn người thì gà gật. Tự nhiên choàng tỉnh nghe ồ à ầm ĩ, thế là dừng xe. Một rừng nón lá trắng xóa hiện ra bên ngã ba sông. Một cái chợ nhỏ dưới chân cầu, lầy lội bùn. Cả đoàn tràn ra cầu lia lịa bấm. Mưa phùn như một tấm màn mỏng khoác lên những chiếc nón lá và phủ lên những lao xao của bình minh còn ngái ngủ. Nón trắng nổi bật trên xanh đỏ áo mưa tạo nên một quang cảnh thật lạ mắt. Chợ đấy, chợ ven sông. Rồi một ngày chúng tôi đi lễ chùa và dừng lại thăm một ngôi đền có tiếng linh thiêng gần Lạng Sơn. Ngay lối vào của đền là một cái chợ nhỏ, bán toàn đặc sản địa phương: măng rừng tươi và muối chua, những phản thịt lợn đen, trái mắc mật, trái vả, rau rừng các loại, những trái gấc đỏ rực, linh tinh đồ hàng xén, rất nhiều loại bánh quê làm từ bột gạo, đặc biệt thật nhiều dao và thớt gỗ nghiến. Một cái chợ tỉnh lẻ họp ngay ngã ba đường, một không khí gì đó đầy chất núi rừng và có gì đó tâm linh khi việc mua bán, sinh hoạt của người trần đều diễn ra dưới sự chứng giám của thần linh. Chợ đấy, chợ đường cái. Những cái chợ lớn nhỏ như vậy ở nước mình nhiều lắm. Bạn đã đi những chợ cá ở vùng biển, họp ngay trên bờ cát khi thuyền vừa cập bến ở Lộc An, Quảng Ninh, Quy Nhơn, Phú Yên hay Sa Huỳnh? Hay những phiên chợ vùng cao miền Tây Bắc, Đông Bắc và cao nguyên Trung bộ, đẹp chói lòa với những váy áo thổ cẩm và má ai trắng hồng? Hay những chợ nổi vùng sông nước Cửu Long với những ghe xuồng đầy cây trái? Bạn đã bao giờ nghe tên chợ Rồng ở Hải Phòng, Ninh Bình, Nam Định, Hải Dương, Nghệ An, Hà Tây...? Những chợ ven sông lớn phía Bắc thường mang tên chợ Rồng phải chăng vì luôn gắn với nước? Chợ miền Bắc thường họp gần cầu, trước cửa hoặc gần đình làng, cổng làng - những nơi tâm linh gắn liền với văn hóa làng xã của người Việt. Đi chợ còn là đi giao lưu, là đi chơi, là đi chào hỏi nhau “từ đầu chợ tới cuối chợ”. Ai từng tới những phiên chợ nón làng Chuông hay chợ quạt làng Vác (Hà Tây) ắt hẳn chẳng thể nào quên được khung cảnh và không khí đặc biệt của những ngôi chợ làng nghề xứ Bắc. Có vài ngôi chợ ở những thành phố lớn cũng để lại nhiều dấu ấn trong lòng du khách: chợ Đồng Xuân, chợ Đông Ba, chợ Hàn, chợ Đầm và chợ Bến Thành - mang tính biểu tượng của từng thành phố. Mỗi ngôi chợ đều là chứng nhân lịch sử của từng địa danh ấy. Là nơi mà bạn thấy rõ nhất một xã hội thu nhỏ với những con người, tập tục và cả sự phát triển của địa phương ấy. Và dù lớn dù nhỏ, dù là có nhà lồng chợ hay không, là chợ có lịch sử xây dựng lâu đời, kiến trúc cổ kính hay chỉ là chợ chồm hổm, mỗi ngôi chợ đều là những thực thể sống không thể thiếu được trong đời sống của người Việt xưa và nay. Ở mỗi vùng, mỗi miền, chợ đều mang đậm tính bản địa như vậy, mỗi chợ đều mang trong mình cái hồn của vùng đất đó. Cái linh khí của đất, cái hồn của người làm nên hồn của chợ. Tự nhiên mong ước giá mà làm được một tour du lịch mang tên “Người kẻ chợ”. Bởi chẳng phải người và chợ đã góp phần làm nên bản sắc Việt không thể lẫn hay sao? Tags: Nha Trang
Thuế nào chống đầu cơ bất động sản hiệu quả? TS Phan Phương Nam (Trường đại học Luật TP.HCM) 18/12/2024 1720 từ
Giá vé bay Tết cao vẫn khó mua CÔNG TRUNG 18/12/2024 Dù hơn 7 triệu ghế được cung ứng dịp Tết 2025 nhưng tình trạng giá vé cao, khan hiếm khiến nhiều người gặp khó trong việc tìm đường về quê.
Chuyên gia: Vụ ám sát Trung tướng Nga Igor Kirillov có 2 mục đích chính THANH BÌNH 18/12/2024 Ukraine dường như muốn gửi đi 'thông điệp rõ ràng' tới những ai chịu trách nhiệm lập kế hoạch, chỉ đạo và hỗ trợ chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine.
Nhìn thành phố từ buồng lái: Cảm nhận đặc biệt của nữ lái tàu metro CHÂU TUẤN 18/12/2024 Chị Phạm Thị Thu Thảo - nữ lái tàu đầu tiên của tàu điện tuyến metro số 1 - đã chia sẻ những cảm nhận của mình.
Mờ mắt đột ngột, cảnh giác có thể dấu hiệu cảnh báo đột quỵ TƯỜNG VY 18/12/2024 Rất nhiều người khi xuất hiện dấu hiệu nhìn mờ lại chủ quan cho rằng đó là vấn đề về mắt như cận thị, viêm mắt... mà không nhận ra rằng đó có thể là dấu hiệu của đột quỵ.