TPP và những chiều kích xung lực mới

THANH TUẤN 07/04/2013 01:04 GMT+7

TTCT - Vòng đàm phán TPP thứ 16 vừa khép lại. Với tuyên bố tham gia TPP của Nhật và việc Mỹ, EU đề xuất đàm phán một hiệp định khác (Hiệp định tự do xuyên Đại Tây Dương - TAFTA), TPP đang có những chuyển biến mới.


Giáo sư Peter A. Petri


Mô thức hợp tác kinh tế toàn cầu đang có những thay đổi gì từ những hiệp định mới này. Giáo sư Peter A. Petri - nguyên hiệu trưởng sáng lập trường kinh tế quốc tế ĐH Brandeis (Boston, Mỹ), người có nhiều năm nghiên cứu về kinh tế quốc tế và hội nhập toàn cầu - trò chuyện riêng với TTCT về những diễn biến mới này.

* Ông có thể nói rõ thêm về những biến chuyển mới trong quá trình đàm phán TPP trong vài tháng qua?

- Câu chuyện TPP bắt đầu từ bốn nước, giờ là 12 nước (nếu Nhật tham gia), nhưng tôi nghĩ sẽ không dừng ở con số đó. Trong tương lai thì Hàn Quốc, Thái Lan, Philippines, Indonesia cũng có thể tham gia. Nội tại TPP như vậy là có nhiều thay đổi.

Ngoài TPP, chúng ta có hai đàm phán rất lớn khác. Một là RCEP (hiệp định kinh tế toàn diện ASEAN+6) và hiệp định Mỹ - EU (TAFTA), cả hai đều bắt đầu đàm phán trong năm nay. Với RCEP, một phần nhóm đó là Trung Quốc - Nhật Bản - Hàn Quốc, tam giác Đông Bắc Á, đã bắt đầu đàm phán cách đây vài ngày. Tất cả những cái này diễn ra cùng lúc và tôi không nghĩ đó là ngẫu nhiên. Có sự tương tác, cạnh tranh nhau giữa các hiệp định, trong kinh tế chúng ta gọi là cạnh tranh trong tự do hóa thương mại. Một nước đạt được tiến bộ thì các nước khác cũng phải cố chạy để bắt kịp.

Việt Nam là miếng ghép rất thú vị ở đây. Các bạn ở ngay tâm điểm của những đàm phán này từ RCEP, TPP rồi đàm phán với EU. Một nước nhỏ, một nước còn nghèo nhưng là tâm điểm của cuộc chơi mới này. TPP đang ở giai đoạn đàm phán tương đối sâu. Có lẽ đây sẽ là hiệp định hoàn tất đàm phán đầu tiên.

* Mọi người chỉ chú ý đến TPP khi Mỹ bắt đầu tham gia. Nhưng giờ Mỹ bắt đầu đàm phán TAFTA với EU. Phải chăng có sự dịch chuyển trong mối quan tâm của người Mỹ? 

- Tôi không nghĩ vậy. TPP là trọng tâm quan trọng nhất của Mỹ. Hiệp định đã vào giai đoạn đàm phán sâu, rất tham vọng và phức tạp hơn chuyện Mỹ - EU nhiều. Trong TPP có nhiều nước với mô hình khác nhau, phức tạp hơn... Nếu thành công với mô hình TPP, chúng ta có quy chuẩn mới để áp dụng với nhiều khu vực và nền kinh tế khác trong tương lai. 

Nếu là người ở cơ quan đại diện thương mại hay là Tổng thống Obama, trong tình cảnh chính trị hiện tại ở Mỹ, có lẽ tôi sẽ chọn cái gì đó dễ dàng hơn là chọn một thứ phức tạp như TPP? Với EU, mô hình kinh tế giữa hai bên tương đồng hơn, khối lượng giao thương cũng lớn hơn với TPP.

- Dễ thì không phải lúc nào cũng tốt. Đôi khi lựa chọn khó khăn sẽ là điều tốt hơn về dài hạn. TPP là cơ hội để thiết lập những luật chơi mới cho những thập niên tới, không chỉ với các nước tham gia mà cả với các nước khác.

TPP đòi hỏi nguồn nguyên liệu cho dệt may “từ sợi trở đi” phải có xuất xứ từ chính các nước thành viên TPP. Đòi hỏi này được cho là làm bế tắc đàm phán vấn đề dệt may, nay có thể có hướng ra nhờ Mỹ đề xuất lập “danh sách nhà cung cấp ngắn”. Sẽ có hai danh sách, một gọi là cho lợi ích lâu dài và một cho lợi ích tạm thời (khoảng ba năm). Các nhà cung cấp nguyên liệu trong danh sách này có thể nằm ngoài các nước thành viên TPP. Bước “đột phá” này được đánh giá là có thể giải được bài toán khó về nguồn nguyên liệu dệt may cho VN.

 

* Giờ chúng ta thật sự có hi vọng một cái gì đó dài hạn xuất phát từ Washington? 

- Có chứ (cười). Tôi rất hiểu ý anh chuyện Washington đang hỗn loạn thế nào. Tôi thì lạc quan một cách hợp lý. Tôi lạc quan ít nhất bởi ba lý do: Tổng thống Obama giờ ở nhiệm kỳ hai nên ông không phải lo về chuyện bầu cử nữa. Ông muốn để lại di sản và thương mại quốc tế là một nội dung quan trọng. Tôi nghĩ ông Obama rất quyết tâm về vấn đề này.

Lý do thứ hai là dù Washington mâu thuẫn dữ dội thì các vấn đề thương mại vẫn thường được sự ủng hộ của cả hai phe. Lý do thứ ba rất đơn giản là Mỹ có nhiều lý do lâu dài để tiếp tục dính líu ở châu Á cả về chính trị và kinh tế, trong đó phần kinh tế quan trọng hơn.

* Ông nói ông quan ngại về việc nước Nhật tham gia đàm phán TPP?

- Tôi lo ngại nhiều về chuyện chính trị nội bộ của Nhật hơn, nhưng tôi nghĩ việc họ gia nhập được TPP sẽ là điều tốt. Mỹ có cơ hội tiếp cận thị trường Nhật mà trong thời gian dài đã rất khó. Nhật vào TPP cũng có lợi cho Việt Nam... Với mọi nước, việc Nhật tham gia sẽ là cơ hội tốt nhưng việc đàm phán chắc chắn cũng sẽ cam go hơn vì Nhật là nước lớn, họ có những lợi ích rất đặc thù và sẽ đấu rất dữ để bảo vệ những lợi ích này.

* Việc có nhiều ý kiến ở Nhật phản đối TPP có làm quá trình đàm phán chậm lại? Một số nước đã lo ngại như thế.

- Tôi nghĩ là vậy. Quá trình đàm phán sẽ bị chậm lại nhưng có thể chỉ là vài tháng, không thể là vài năm được. Các nhà đàm phán và các nước đều quyết tâm rất mạnh để hoàn tất đàm phán. Các nước đều không muốn tự hành hạ mình thêm vài năm để rồi mắc kẹt như vòng đàm phán Doha [của WTO].

* Một số doanh nhân lo ngại khi Nhật tham gia, phía Mỹ sẽ chuyển hướng sang Nhật và Việt Nam bị đẩy xuống hàng thứ yếu trong quá trình đàm phán?

- Theo tôi, Việt Nam luôn rất quan trọng với Mỹ. Vì Việt Nam là đại diện của các nước thu nhập thấp và chúng tôi muốn có thỏa thuận để có thể áp dụng với nhiều nước khác nhau trên thế giới. Câu chuyện Việt Nam quan trọng không chỉ vì quy mô kinh tế tuyệt đối. Có thể việc Nhật Bản khi tham gia thì giống con khủng long kinh tế. Các bạn là con hổ (cười), nhưng con hổ trên góc độ nào đó lại có những điểm thú vị hơn con khủng long.

* Khi ông nói chuyện với những nhà đàm phán Mỹ, mối lo chính của họ là gì?

- Phần lớn họ đều tập trung rất ngắn hạn. Họ có vòng đàm phán tiếp theo sắp diễn ra và họ muốn mọi thứ sẵn sàng cho vòng đàm phán đó. Họ cũng lo lắng về các nhóm vận động luôn gây sức ép với họ cũng như họ luôn phải trao đổi với quốc hội về những gì đang diễn ra của quá trình đàm phán.

* Giờ đang có rất nhiều hiệp định tự do thương mại được đàm phán. Ông có nghĩ vì có nhiều hiệp định như vậy thì TPP sẽ bị giảm sức hấp dẫn?

- Tôi không nghĩ vậy. Trong tất cả các hiệp định đang được đàm phán thì có ba hiệp định lớn nhất: TPP, RCEP và TAFTA. Chúng ta có khoảng 20 năm với toàn những hiệp định song phương nho nhỏ giữa các nước. Giờ chúng ta có ba hiệp định lớn này. Nói cách khác, chúng ta đang chuyển hướng: từ có một hiệp định toàn cầu lớn (GATT, WTO) tới hiệp định nhỏ, song phương và giờ là tới các hiệp định khu vực lớn, toàn diện hơn.

* Liệu vì xu hướng mới này thì WTO có thể trở thành lạc hậu và không còn cần thiết nữa?

- Tôi nghĩ WTO ngày càng trở nên xa vời trước những biến chuyển mới. Nó tỏ ra thiếu hiệu quả hơn... Dù vậy, WTO vẫn quan trọng vì nó là cơ sở thiết lập những quy định cơ bản, có cơ chế giải quyết nếu các nước có tranh chấp.

* Trong dự đoán của ông, kinh tế Việt Nam có thể tăng 7,7%-10,5% nhờ TPP. Nhưng có một ẩn số ở đây rất quan trọng là chuyện Mỹ áp dụng nguyên tắc xuất xứ “từ sợi trở đi” (yarn - forward) thế nào?

- Hai con số này (một có Nhật, một không) đều dựa trên dự đoán của chúng tôi về chuyện “từ sợi trở đi” sẽ được dứt điểm thế nào. Nguyên tắc về xuất xứ luôn rất đơn giản. Hàng may mặc Việt Nam xuất khẩu đi Mỹ có đáp ứng được yêu cầu “từ sợi trở đi” để đạt được mức thuế ưu đãi hay không. Anh sẽ chỉ được giảm 15% thuế ưu đãi nếu chứng minh được nguyên liệu sản xuất đáp ứng yêu cầu về xuất xứ (“từ sợi trở đi” đều sản xuất trong các nước TPP).

Quan điểm đàm phán của hai bên hiện nay theo tôi hiểu là: phía Mỹ sẽ vẫn giữ “từ sợi trở đi” nhưng sẽ có danh sách ngắn những nhà cung cấp nguyên liệu [ngoài TPP] được ngoại lệ, họ có thể có hai danh sách: một cố định, một tạm thời... Theo tôi hiểu chuyện họ còn cãi nhau bây giờ là chuyện ai sẽ được có mặt trên các danh sách ngắn đó. Tính toán của tôi dựa trên giả định là khoảng 58% hàng may mặc Việt Nam sẽ được áp mức thuế ưu đãi của TPP khi vào Mỹ.

* Các doanh nghiệp đã phàn nàn nhiều về chuyện thiếu thông tin của quá trình đàm phán...

- Đây là vấn đề của doanh nghiệp rất nhiều nước. Các tổ chức NGO phàn nàn rất nhiều. Đây thực tế chỉ đúng một phần vì rất nhiều nội dung đàm phán có “rò rỉ” ra ngoài. Nếu anh lên Internet thì có thể tìm thấy 90% nội dung của đàm phán. Tôi hiểu họ muốn bí mật vì không muốn chịu sức ép từ các nhóm, trong khi nếu giữ bí mật thì các doanh nghiệp lại phàn nàn. Tôi không có giải pháp nào cho chuyện này.

* Đôi khi chúng ta không nhìn được bức tranh lớn mà đa số cãi nhau vì những chuyện tiểu tiết?

- Tôi nghĩ chuyện đó rất đúng với quá trình đàm phán các hiệp định thương mại. Mọi người thường tập trung vào những chuyện nhỏ nhặt rồi tự hỏi là tôi sẽ thắng hay thua mà không chịu nhìn vào cả bức tranh lớn, nơi mà phần lớn sẽ có lợi.


Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận