Trong xứ sở lênh đênh

LÊ ĐỨC DỤC 28/10/2016 01:10 GMT+7

TTCT - Không phải bây giờ hay vài mươi năm trở lại đây những cư dân miền Trung lại thiên di vào Nam, mà cụ thể là náu nương về đất Sài Gòn sau mỗi đận thiên tai, mỗi kỳ tao loạn.

Minh họa: VIIP
Minh họa: VIIP


 Cả chục triệu cư dân Sài Gòn hôm nay có bao nhiêu triệu người đã tha hương bỏ quê xứ miền Trung từ đận “lụt năm Thìn”, từ hai mươi năm dằng dặc bom rơi đạn xé, và từ sau 1975 thì không chỉ dân miền Trung tìm vô với đất này.

Đôi khi chuyện vãn về phận người trôi dạt, chúng tôi vẫn nói cùng nhau “may mà đất nước chúng ta còn có Sài Gòn”. Sài Gòn cưu mang vài triệu phận đời miền Trung qua trập trùng năm tháng dâu bể lênh đênh.

Mấy hôm nay ngược xuôi trong vùng lũ bắc miền Trung, ám ảnh trong tôi không chỉ là những mảnh làng xác xơ bùn non dày cả tấc, không phải lũy tre bên sông oằn xuống dưới lớp lớp rác rều, không phải là những mặt người trĩu nặng như màn mây đang âm u báo thêm nhiều cơn mưa lớn sắp dội xuống...

Tôi đang nghĩ rồi thêm vài tuần, ít tháng nữa sẽ có thêm nhiều người dân nơi đây lại bỏ làng ra đi, “đi Sài Gòn, đi Nam”, rồi sẽ thành thợ hồ, thợ “đụng” hay kẹo kéo hát rong, lăn lộn vỉa hè. Đi vì mảnh đồng bãi ruộng nương đã lở xuống dòng sông, đi vì thóc giống lên mộng sau cả tuần ngâm lũ, đi vì hi vọng sẽ có tiền gửi về đóng tiền học cho con, tiền thuốc thang cho cha mẹ...

Mấy tháng trước, trong một lần vô Sài Gòn, tôi đã gặp người bán vé số giọng trọ trẹ, nhận đồng hương xong thì biết anh vô đây khi làng biển quê nhà chết đứng bởi thảm họa môi trường.

Cả nhà dắt díu nhau vào bởi ở quê không đi biển “không biết mần chi ăn”, thôi thì “balô lộn ngược lên tàu vào Nam”. Đi, dù không biết sẽ ra sao nhưng vẫn mơ hồ tin yêu là Sài Gòn sẽ cưu mang họ. Bao nhiêu ngư dân làng biển duyên hải Bắc Trung bộ đã vào đây kể từ dạo tháng tư biển chết?

Những cơn lũ ngày càng hung dữ vì rừng bị tàn phá, vì thủy điện xả nước bất ngờ, bất ngờ như một cuộc đánh úp vào đời dân. Dân miền Trung đâu ngán gì lũ lụt, nhưng ngày trước trong thời gian nước dâng lên đến cao độ nguy cấp, dân có đủ giờ khắc mà chuẩn bị tránh lũ, mà di dời, mà sơ tán...

Bây giờ mưa gió của trời, thủy điện của người làm hai mũi giáp công, chưa kịp trở tay nước cao ngay tới cổ. Ly hương để không còn lo những ngày cầm cập dầm mình trong lũ nhìn cơ nghiệp bị dòng nước cuốn đi hay bị nhấn chìm. Đi để nuôi những niềm hi vọng mới ở một miền đất mới...

Vậy mà bây giờ tuần nào cũng vẫn những bản tin về một Sài Gòn ngập nước, những trận mưa không khác gì với những trận mưa gây lũ ở miền Trung, và Sài Gòn dù không tang thương như quê nhà cố xứ của những lưu dân nhưng những phận đời nghèo khó ly hương, trốn bão lũ ra đi nuôi tìm hi vọng ấy chắc cũng đâu thoát được cảnh ngoi ngóp trong những căn nhà thuê ọp ẹp, lõng bõng nước trong những con hẻm sâu hun hút tối hù và giấc ngủ cần lao nhọc nhằn sũng nước không dễ buông tha, nó mãi còn đuổi dời dân chạy từ quê nhà vô tới trời Nam.

Vài hôm nữa trời Hà Tĩnh, Quảng Bình sẽ hửng, sau khi dọn dẹp căn nhà lấm lem bùn non sẽ có không ít nhà được khép khóa cổng ngõ, làng lại có thêm người “balô lộn ngược xuôi tàu vào Nam” như những đồng hương ngư dân đã bỏ biển lên đường từ đận biển bị Formosa xả độc!

Bâng quơ nhớ một câu ca xưa mạ ru: “Cây khô xuống nước cũng khô/phận nghèo đi tới nơi mô cũng nghèo”. Mà sao dân mình, dân quê xứ mình nghèo mãi nghèo mãi dù cả một đời tảo tần gánh cực đổ lên non. Thì đi. Đi khỏi miền quê lũ lụt nhưng biết có thoát được cái phận nghèo ngoi ngóp trong mưa chiều Sài Gòn tầm tã hay chỉ ước cầu “miền Trung lụt rồi, Sài Gòn thôi đừng ngập nữa!”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận