Trung hòa carbon cho TP.HCM: ai mua tín chỉ carbon, tôi bán cho!

TTCT - TP.HCM đề xuất thí điểm cơ chế tài chính thực hiện biện pháp giảm phát thải khí nhà kính theo cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon. Theo đó, ngân sách TP sẽ được hưởng 100% nguồn thu từ giao dịch tín chỉ carbon.

Đề xuất của TP.HCM liên quan đến mục tiêu phát triển đô thị carbon thấp, cũng là mục tiêu trung hòa carbon theo lộ trình chung mà Việt Nam phải thực hiện theo cam kết của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại COP26. Vấn đề là TP làm cách nào đạt được mục tiêu này?

Hệ thống điện mặt trời trên mái nhà của người dân ở phường Thảo Điền, TP Thủ Đức, TP.HCM. Ảnh: QUANG ĐỊNH

Hệ thống điện mặt trời trên mái nhà của người dân ở phường Thảo Điền, TP Thủ Đức, TP.HCM. Ảnh: QUANG ĐỊNH

Trung hòa carbon: chuyện không của riêng ai

Theo dự thảo nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển, TP.HCM đã đề nghị thí điểm cơ chế tài chính thực hiện biện pháp giảm khí thải nhà kính theo cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon.

Theo đó, giải pháp của TP.HCM tập trung vào nhánh thị trường tự nguyện giảm phát thải khí nhà kính và trung hòa carbon. Theo đó, TP.HCM xin được sử dụng mái nhà cơ quan công sở, là tài sản công, để đầu tư hệ thống điện mặt trời, chuyển thành tín chỉ carbon và bán ra thị trường carbon, vừa tạo nguồn thu vừa đạt mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính. Rất tiếc cơ chế đặc thù này lại có phạm vi quá hẹp, chỉ áp dụng cho cơ chế tài chính và trong phạm vi các cơ quan nhà nước.

Một tính toán gần đây cho thấy nếu lắp đặt hệ thống điện mặt trời tại Bệnh viện đa khoa Củ Chi thì mỗi năm sẽ giảm phát thải khoảng 500 tấn carbon (tương đương 500 tín chỉ carbon). Nếu giá một tín chỉ carbon là 5 USD, doanh thu từ dự án giảm phát thải carbon này sẽ khoảng 2.500 USD/năm. Trong khi đó, một người di chuyển bằng máy bay từ TP.HCM đi Paris cũng sẽ thải ra chừng 1 tấn carbon.

Như vậy, nếu chỉ thực hiện theo đề xuất trên thì kết quả sẽ rất hạn chế, đơn giản vì nhóm cơ quan nhà nước chiếm tỉ trọng nhỏ về quy mô, và kinh doanh tín chỉ carbon không phải là nhiệm vụ chính của họ. 

Cần biết xây dựng và vận hành một dự án bù trừ tín chỉ carbon rất phức tạp về quy trình và đòi hỏi đầu tư nhiều nguồn lực. Các cơ quan nhà nước chỉ đơn giản là đơn vị cho thuê mặt bằng mái nhà khi công ty tư vấn hoặc công ty trung gian vào thực hiện các công đoạn còn lại của dự án.

Khi thành phố hướng tới mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, thực hiện kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, cần đề nghị cơ chế đặc thù cho một công cụ chính sách rộng hơn, huy động được sự tham gia của mọi thành phần trong xã hội. Ví dụ, người dân đi một chuyến TP.HCM - Paris khứ hồi thải ra khoảng 2 tấn carbon. Họ có thể bỏ ra 10 USD mua 2 tín chỉ carbon để bù trừ. 

Trong thực tế hiện nay, nhiều tổ chức có mục tiêu trung hòa carbon, họ cần phải có tín chỉ carbon bù đắp cho lượng phát thải khí nhà kính trong quá trình hoạt động, do vậy họ cũng sẽ bỏ tiền mua tín chỉ carbon. Nếu các tổ chức và cá nhân cùng thực hiện trung hòa carbon, TP.HCM sẽ đạt được mục tiêu trung hòa carbon, góp phần vào mục tiêu chung carbon ròng bằng 0 của cả nước vào năm 2050.

Cần nhấn mạnh, mục tiêu đô thị carbon thấp và trung hòa carbon vào năm 2050 chỉ có thể đạt được khi mọi thành phần kinh tế, mọi tổ chức, doanh nghiệp, hộ gia đình, người dân tham gia sự chuyển đổi này. Cân bằng carbon cần có trong hành động của mọi tổ chức.

Cơ hội từ thị trường tín chỉ carbon

Chính sách đặc thù cho TP.HCM là thí điểm cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon nhằm mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính. Thí điểm cơ chế này bao gồm việc ban hành các quy định, chuẩn bị cơ sở hạ tầng cho thị trường tín chỉ carbon, cơ chế tài chính, các hoạt động hỗ trợ xây dựng và vận hành thí điểm các dự án trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon. 

Mọi tổ chức, cá nhân đều có thể tham gia đầu tư và kinh doanh tín chỉ carbon. Chính sách đặc thù về cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon nên xếp trong điều 6 về quản lý đô thị và tài nguyên môi trường thay vì ở điều 5 về tài chính ngân sách của nghị quyết về cơ chế thí điểm.

Thí điểm cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon ở TP.HCM là một bước quan trọng trong mục tiêu phát triển đô thị carbon thấp và giảm phát thải khí nhà kính. Tuy nhiên, để đạt được kết quả trong dài hạn, cần một cách tiếp cận rộng hơn, theo đó cơ chế đặc thù áp dụng cho toàn bộ quá trình xây dựng và hình thành dự án trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon. 

Chính quyền thành phố hỗ trợ các dự án bù trừ tín chỉ carbon, tạo điều kiện kết nối đối tác, tăng cường thông tin, nâng cao hiểu biết về vấn đề trung hòa carbon, quản lý và giám sát chặt chẽ. Chính quyền chỉ cần đóng vai trò bà đỡ và giám hộ trong quá trình xây dựng và thực hiện các dự án trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon của mọi thành phần trong xã hội.

Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 (có hiệu lực từ ngày 1-1-2022) khuyến khích áp dụng công cụ thị trường để bảo vệ môi trường và giảm phát thải khí nhà kính. Trong khi có rất nhiều dè dặt về thuế carbon thì nhóm công cụ thị trường carbon đã được lên kế hoạch thúc đẩy mạnh mẽ.

Ngay sau khi Luật Bảo vệ môi trường có hiệu lực, Chính phủ ban hành ngay nghị định số 06 (đầu năm 2022) về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone, trong đó quy định chi tiết về giảm phát thải khí nhà kính và hình thành, phát triển thị trường carbon.

Nghị định này đã đề ra lộ trình phát triển thị trường carbon trong nước: từ 2021 - 2027 là giai đoạn chuẩn bị, xây dựng quy chế vận hành và thành lập sàn giao dịch tín chỉ carbon, thí điểm cơ chế trao đổi, bù trừ carbon; năm 2028 trở đi sàn giao dịch carbon sẽ chính thức đi vào hoạt động. Như vậy, TP.HCM thí điểm xây dựng thị trường carbon vào thời điểm này rất phù hợp, nếu thành công sẽ là hình mẫu để triển khai đại trà cho cả nước. ■

Theo trang carboncredits.com, hệ thống giao dịch hạn ngạch phát thải là thị trường bắt buộc và dành cho các đơn vị phát thải khí nhà kính lớn (trên 3.000 tấn CO2 tương đương hằng năm). Thị trường trao đổi - bù trừ carbon là cơ chế tự nguyện cho phép các cơ sở phát thải (không thể tránh khỏi) có thể bù trừ lượng carbon bằng cách mua tín chỉ carbon từ các dự án giảm phát thải. Điều này nhằm giảm lượng phát thải khí nhà kính trên cơ sở tự nguyện.

Thị trường tự nguyện này ở Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển sơ khai, với tổng cộng gần 60 dự án cơ chế Tiêu chuẩn vàng (GS) và Tiêu chuẩn carbon được thẩm định, ban hành hơn 7 triệu tín chỉ carbon, chủ yếu là từ các dự án thủy điện và điện mặt trời trung tâm.

Có thể nói thị trường carbon tự nguyện là thị trường của tương lai. Các nghiên cứu cho thấy lượng tín chỉ carbon được phát triển theo các cơ chế tín chỉ carbon quốc tế (đặc biệt là CDM) bị suy giảm mạnh từ 2014, do cộng đồng quốc tế không đạt được thỏa thuận thực hiện giai đoạn cam kết thứ hai của Nghị định thư Kyoto về biến đổi khí hậu.

Trong khi đó lượng tín chỉ carbon từ các tổ chức carbon độc lập tăng mạnh do các sáng kiến và cam kết giảm phát thải tự nguyện ngày càng tăng. Các chuyên gia dự báo thị trường carbon tự nguyện thế giới có thể đạt được doanh số 25 tỉ USD vào năm 2030 và 480 tỉ USD vào năm 2050.

Phát thải ròng bằng 0 là trạng thái mà tổng lượng khí thải carbon mà một hệ thống phát thải ra bằng hoặc nhỏ hơn lượng carbon được loại bỏ hoặc hấp thụ.

Trung hòa carbon, tức là làm cho tổng lượng khí thải carbon tạo ra được bù trừ bằng cách hấp thụ, loại bỏ lượng khí thải carbon tương đương hoặc mua tín chỉ bù trừ carbon. Phát thải ròng bằng 0 thường là mục tiêu cấp quốc gia, còn trung hòa carbon là mục tiêu ở cấp độ tổ chức, doanh nghiệp hoặc cá nhân.

Do đó, các chính sách đưa ra phải nhằm mục tiêu giảm lượng khí thải carbon trong mọi hoạt động của cả xã hội như đổi mới công nghệ sản xuất hoặc chuyển từ dùng năng lượng có nguồn gốc hóa thạch sang năng lượng tái tạo… Với lượng khí thải carbon còn lại sau nỗ lực giảm, cần có hành động bù trừ như trồng rừng để hấp thụ, hoặc có tín chỉ carbon (chứng chỉ cho phép phát thải 1 đơn vị khí nhà kính).

Hiện có 3 nhóm công cụ chính sách chủ yếu cho nỗ lực trung hòa carbon. Công cụ quy định như đặt mục tiêu tỉ trọng năng lượng tái tạo hay tiêu chuẩn hiệu quả năng lượng; công cụ đầu tư công như các dự án giao thông công cộng phát thải carbon thấp; và công cụ thị trường, gọi là định giá carbon - là quá trình đưa chi phí carbon vào mọi hoạt động kinh tế.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận