Trung Quốc: chiến lược “Hoa kiều vận”

HỮU NGHỊ 30/12/2020 03:10 GMT+7

TTCT - Trang web của Bộ Ngoại giao Mỹ dành cả một chuyên mục có tên là “Chiến thuật cưỡng ép của Trung Quốc ở nước ngoài” để cảnh báo các hoạt động của Trung Quốc trên thế giới. Tất nhiên, nhìn từ phía ngược lại thì đây là công tác hải ngoại và công tác này đang hiệu quả.

Khu phố Hoa kiều ở Boston, Mỹ. Dòng chữ trên cổng chào: "Thiên hạ vi công" - Lễ ký, chương Lễ vận: "Đại đạo chi hành dã, thiên hạ vi công" (Đạo lớn được thi hành, thiên hạ là của chung). Ảnh: Wikipedia

Làm thế nào mà một nước cửa đóng then cài về mặt thông tin, không du nhập các công cụ tìm kiếm hay mạng xã hội phổ quát toàn cầu lại có thể thao túng thông tin ở các nước khác?

Đóng cửa trong nhà, bẻ khóa bên ngoài

Tài liệu của Bộ Ngoại giao Mỹ giải thích mâu thuẫn éo le này: “Trung Quốc thực hiện được điều này bằng cách sử dụng các phương tiện truyền thông do chính phủ sở hữu hoặc điều hành, cũng như các “viện văn hóa” và “giáo dục” do Trung Quốc kiểm soát có vị trí chiến lược ở Hoa Kỳ và nước ngoài. Cụ thể là nắm mạng xã hội của các nước mục tiêu. Các đại diện chủ chốt của Trung Quốc tích cực sử dụng các nền tảng truyền thông xã hội phương Tây như Twitter và Facebook, tất cả đều bị cấm ở Trung Quốc... Những thực thể này có nhiệm vụ phổ biến tuyên truyền và thông tin trong khi trấn áp những chỉ trích nhắm vào Trung Quốc”.

Hệ quả là trong khi ở trong nước người Trung Quốc hầu như không thể tiếp cận các nguồn tin quốc tế, thì bản thân truyền thông Trung Quốc lại mở rộng hoạt động rất mạnh ở nước ngoài những năm gần đây. Riêng tại Hoa Kỳ năm 2020, Bộ Ngoại giao nước này đã đếm được tới 15 cơ quan truyền thông trực thuộc Trung Quốc đang hoạt động. Mới đây, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã đặt ra những giới hạn nhân sự cho một số cơ quan truyền thông này, đồng thời xem họ là những cơ quan đại diện chính thức của Trung Quốc, chứ không phải các hãng tin độc lập.

Báo cáo “Beijing’s Global Megaphone” của Freedom House công bố hôm 14-1-2020 cho biết năm 2009, Bắc Kinh đã chi 6 tỉ đôla cho việc mở rộng truyền thông nhà nước nhằm phổ biến tuyên truyền qua các cơ quan truyền thông nhà nước xuất bản ở nước ngoài bằng nhiều thứ tiếng. Theo Freedom House, những cơ sở này hoạt động với bình phong nguồn tin tức độc lập, trong khi họ thực sự làm công việc tuyên truyền. Trên thực tế, có thể kiểm chứng qua các “đầu báo” như Global Times hay China Daily và kênh truyền hình CGTN (China Global Television Network - Mạng lưới Truyền hình toàn cầu của Trung Quốc), mà người xem ở Pháp hay Mỹ đều có theo dõi trực tiếp các cuộc biểu tình ở nước mình, mà nhiều khi các đài trong nước lại không đưa tin! Cứ xem miết hôm nay “áo gilê vàng” biểu tình ở đây, mai đòi bình đẳng sắc tộc bạo động ở kia, rõ ràng cũng là một kiểu chiến tranh thông tin. Hoạt động “trực tiếp truyền hình” các cuộc biểu tình bạo động này của kênh CGTN đồng bộ với kênh RT (Russia Today - Nước Nga ngày nay), vốn nổi tiếng là chuyện Pháp, Mỹ thì đầy, còn tin tức Nga thì lại hẻo!

Hoạt động đưa tin độc đáo kiểu này được giải thích rõ ràng trên tờ Le Temps của Thụy Sĩ, một nước vẫn tự hào về tính trung lập của mình: “Chúng tôi muốn khác biệt với truyền thông phương Tây bằng cách hướng tới nhãn quan rộng hơn và đưa tin về những vùng miền và chủ đề mà truyền thông phương Tây lơ là”. Tờ báo mô tả quy mô phát triển của CGTN: “CGTN đang chuẩn bị mở một văn phòng tin tức châu Âu tại London với 300 chỗ làm, khoảng 90 vị trí đã được cho thi tuyển, thu hút tới hơn 6.000 ứng viên, lương cao hơn hẳn giá thị trường”. Trước London, từ năm 2012 CGTN đã mở hai văn phòng tại Mỹ và Kenya, mỗi nơi 150 nhân viên. Ở London, CGTN phát hình bằng 11 ngôn ngữ đến 140 nước. Tờ báo Thụy Sĩ kết luận rằng Bắc Kinh muốn giành lại quyền kiểm soát truyền thông và đã tung ra một loạt nền tảng truyền thông nhắm vào khán giả nước ngoài, với mức đầu tư lên đến hơn 7 tỉ đôla.

Ban Công tác Mặt trận thống nhất

Đầu não của các hoạt động ở nước ngoài này là Ban Công tác Mặt trận thống nhất (UFWD), với nhiều hoạt động “ngoại giao nhân dân” như các chương trình thành phố kết nghĩa, ủy ban thương mại, hội hữu nghị và đặc biệt là công tác thu hút người Hoa hải ngoại. UFWD nhấn mạnh mối quan hệ “máu thịt” với Trung Quốc của thành phần này, kèm theo đảm bảo hỗ trợ chính trị và tài chính. UFWD thường xuyên tổ chức gặp gỡ với các chi hội “hội đồng hương” ở nước sở tại, đôi khi có sự có mặt của các quan chức lãnh sự cấp cao của Trung Quốc.

Một ví dụ về cách UFWD tác động lên giáo dục đại học và tự do học thuật ở Hoa Kỳ là trường hợp Hiệp hội Sinh viên và học giả Trung Quốc (CSSA). Khi Chính phủ Trung Quốc lần đầu tiên cho phép công dân nước mình theo học các trường đại học phương Tây vào cuối những năm 1970, họ cũng đồng thời tạo điều kiện thành lập các chi hội của CSSA ở những trường này để giám sát du học sinh Trung Quốc. Ngày nay, các phân hội của CSSA đã và đang hoạt động ngày càng tích cực, báo cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ quả quyết, với sự tài trợ và hướng dẫn thường xuyên từ các cơ quan ngoại giao Trung Quốc ở nước sở tại.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, từng là giám đốc CIA, đã phải đưa ra cảnh báo trong một bài phát biểu tại Học viện Kỹ thuật Georgia ngày 9-12 về nguy cơ Trung Quốc “xâm nhập các viện đại học Hoa Kỳ”! Cụ thể, ông Pompeo nói: “Nhiều học giả Mỹ - mà các nghiên cứu được tài trợ bởi người dân Mỹ đóng thuế - đã bị lôi kéo vào các chương trình tuyển dụng của Trung Quốc. Trung Quốc trả cho họ hậu hĩ để thực hiện nghiên cứu... và sau đó thường sử dụng thành quả trí tuệ của họ để xây dựng sức mạnh quân sự”. Ông cũng nêu ra con số đáng suy nghĩ: “400.000 sinh viên mỗi năm đến Hoa Kỳ để học tập đến từ chỉ một quốc gia. Đó không phải là tình cờ... Phần lớn cơ sở công nghiệp cao cấp ở Trung Quốc dựa trên công nghệ đánh cắp hoặc mua từ các quốc gia khác, chớ không phải là cây nhà lá vườn”.

Công khai quan điểm

Nếu ở Mỹ mỗi năm có 400.000 sinh viên Trung Quốc sang học, thì ở Úc tính đến tháng 7-2017 sinh viên Trung Quốc chiếm 29% trong tổng số hơn nửa triệu sinh viên nước ngoài, theo số liệu từ Bộ Giáo dục Úc.

Một trong những thí dụ rõ ràng về việc sử dụng các hội đoàn sinh viên CSSA chính là ở Úc và New Zealand. UFWD đã nhắm mục tiêu vào một loạt tổ chức và nhân vật chính trị ở hai nước này và đạt được thành công đáng kể trong việc tạo ảnh hưởng chính trị, kiểm soát các phương tiện truyền thông quan trọng và ngăn chặn các bài báo mà Trung Quốc cho là bất lợi cho lợi ích của họ. Tổ chức Tình báo an ninh Úc cho biết ở nhiều địa phương của nước này, các ứng viên tranh cử gần đây có liên hệ với các cơ quan tình báo Trung Quốc. Các ví dụ khá rõ ràng. Huang Xiangmo (Hoàng Hướng Mặc), thường trú nhân người Úc sinh tại Trung Quốc và một ông trùm bất động sản ở Úc, từng là chủ tịch phân hội Úc của tổ chức trực thuộc UFWD giai đoạn 2014-2017. Một thượng nghị sĩ Úc, Sam Dastyari, vốn ủng hộ quan điểm của Trung Quốc về tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông, gắn bó với ông Huang đến mức bị cáo buộc là người đã cảnh báo ông Huang về việc các cơ quan tình báo Úc đang điều tra ông. Thượng nghị sĩ Dastyari cuối cùng đã phải từ chức vào cuối năm 2017 trước sức ép dư luận Úc.

Ở New Zealand có trường hợp Yang Jian (Dương Kiện), nghị sĩ gốc Hoa. Ông Yang bị phát hiện có 15 năm làm việc trong lĩnh vực tình báo quân sự của Trung Quốc trước khi nhập quốc tịch New Zealand. Mãi sau này nhà chức trách New Zealand mới phát hiện ông Yang che giấu mối quan hệ quá khứ với quân đội Trung Quốc khi khai xin thẻ thường trú và xin việc. Ông Yang chỉ tuyên bố rút lui khỏi chính trường New Zealand vào tháng 10-2020.■

Ngoại giao vaccine

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, ngoại giao Trung Quốc đang có thêm một đòn bẩy mới: vaccine. “Chắc chắn là Trung Quốc đang xúc tiến ngoại giao vaccine nhằm nỗ lực sửa chữa hình ảnh - Huang Yanzhong (Hoàng Nghiêm Trung), nghiên cứu viên cấp cao về y tế toàn cầu ở Hội đồng Quan hệ đối ngoại (CFR), một tổ chức nghiên cứu tại Hoa Kỳ, nói với AFP - Nó cũng trở thành một công cụ để gia tăng ảnh hưởng toàn cầu của Trung Quốc và để dàn xếp… các vấn đề địa chính trị”.

Hồi tháng 8, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã cam kết ưu tiên tiếp cận vaccine cho các nước dọc sông Mekong, vốn có tranh cãi với Trung Quốc về vấn đề xây đập ở thượng nguồn. Trung Quốc cũng đã ký các thỏa thuận cung cấp vaccine cho Malaysia và Philippines, hai nước có tuyên bố tranh chấp ở Biển Đông. “Ngoại giao vaccine của Trung Quốc sẽ không phải là không có điều kiện kèm theo”, Ardhitya Eduard Yeremia và Klaus Heinrich Raditio nói trong một nghiên cứu đăng trên trang của Viện Yusof Ishak ở Singapore vào tháng 12-2020.

Trong khi đó, Mỹ vắng mặt trong liên minh toàn cầu gồm 189 nước cam kết sẽ phân phối vaccine công bằng. Trung Quốc đã tham gia liên minh này từ tháng 10, khi các hãng dược của nước này đang thử nghiệm giai đoạn cuối và dự kiến sản xuất được 1 tỉ liều cho năm tới. Việc này xem ra lợi cả đôi đường cho Trung Quốc. Chỉ cần chiếm được 15% thị phần vaccine ở các nước thu nhập trung bình và thấp, ngành dược Trung Quốc sẽ đảm bảo được doanh số 2,8 tỉ đôla trong năm tới, theo ước tính của hãng môi giới chứng khoán trụ sở tại Hong Kong Essence Securities. Đó cũng sẽ là cú hích mạnh mẽ cho chiến lược Vành đai - con đường của nước này. Hãng thương mại điện tử khổng lồ Alibaba đã kịp hoàn tất các nhà kho lớn tại Ethiopia và Dubai, những nơi dự kiến đóng vai trò trung tâm phân phối vaccine của Trung Quốc cho châu Phi và Trung Đông. Các cơ sở sản xuất vaccine do Trung Quốc xây dựng cũng đã mọc lên ở Brazil, Morocco và Indonesia, các nước có tham gia thử nghiệm vaccine toàn cầu của những hãng dược nước này.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận