Trung Quốc: Đẳng cấp... giả!

MINH THƯ THỰC HIỆN 04/07/2012 05:07 GMT+7

TTCT - Thế giới đã quá quen với hàng giả của Trung Quốc (TQ): từ iPhone giả, DVD in lậu, túi Louis Vuitton nhái... Ấy vậy nhưng những ông chủ hàng giả này có lẽ phải bái Lâm Xuân Bình làm sư phụ, người đã sáng chế ra cả một... ngân hàng giả ở tận đất Mỹ!


Lâm Xuân Bình - Ảnh: AFP

Từ gạo Trung Quốc tới ngân hàng Mỹ

Từ một doanh nhân không tên tuổi, Lâm trở thành tâm điểm chú ý của báo chí địa phương từ đầu năm nay. 

Tháng 2-2012, Nhân Dân Nhật Báo (*) đưa tin: Tháng 6-2011, Lâm đã mua lại ngân hàng Mỹ Atlantic Bank of America trị giá 60 triệu USD. Tin nói ngân hàng “có trụ sở ở Delaware” này dường như gặp khó khăn do khủng hoảng kinh tế, tuyên bố phá sản cuối năm 2008 và Lâm Xuân Bình muốn mua lại ngân hàng này từ năm 2009. Tuy nhiên, Lâm đã phải “lao tâm khổ trí” tới hai năm mới mua được.

Đầu tiên các cổ đông Atlantic Bank of America kêu giá 600 triệu USD, nhưng sau những “cuộc mặc cả kéo dài” Lâm đã hạ được giá mua. Kết quả, ngân hàng được mua đã hoạt động lại từ tháng 11-2011 với cái tên mới là U.S.A. New HSBC Federation Consortium Inc. Phần cuối bản tin nói sau hợp đồng làm ăn này, Lâm đã biến ngân hàng thành có lãi, kiếm được 700.000-800.000 USD/năm.

Báo chí TQ mô tả Lâm như một người lao động chân chính, thời thiếu niên từng đi bán nút áo, đến khi trưởng thành đã đầu tư vào các mỏ vàng và đồng ở Ghana, đồng thời buôn bán gạo ở TQ. Kết quả là Lâm Xuân Bình nổi tiếng không chỉ trên các phương tiện truyền thông, mà còn nhận được một chức vụ trong Hội nghị hiệp thương chính trị nhân dân TQ (cơ quan cố vấn chính trị cho Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, thành viên do Đảng Cộng sản TQ lựa chọn, tổ chức đại hội hằng năm cùng thời điểm với Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc).

“Những biệt ngữ còn lại từ kỷ nguyên của cách mạng văn hóa quá cách biệt với thực tiễn đến nỗi xã hội đầy những điều vô nghĩa, những lời trống rỗng”.

Thế nhưng chính sự nổi tiếng này đã hại Lâm. Giới báo chí tài chính TQ lẫn những cư dân mạng “tọc mạch” đã “đào bới” và phát hiện chẳng có cái “ngân hàng 85 tuổi Atlantic Bank” nào tồn tại cũng như hợp đồng mua bán nó. Còn chính quyền Delaware thì nói rõ công ty mà Lâm đăng ký hoạt động dưới cái tên rất kêu “U.S.A. New HSBC Federation Consortium Inc.” trên thực tế chỉ là một công ty bình thường chứ chẳng hề là một tổ chức tài chính.

Vụ việc vỡ lở. Lâm xin lỗi đã “phóng đại” vụ mua lại ngân hàng, đổ thừa cho việc muốn “nâng cao vị thế xã hội” và “tạo cho mình các cơ hội trong ngành ngân hàng sau này”. Hình tượng Lâm hoàn toàn tan tành vào ngày 13-6, khi cảnh sát Ôn Châu (Chiết Giang) thông báo Lâm và sáu cộng sự đã bị bắt vì tội trốn thuế lên tới 10 triệu nhân dân tệ (khoảng 1,6 triệu USD).

Theo đó, Lâm và đàn em đã lợi dụng hệ thống phức tạp ở 22 tỉnh thành TQ để tiến hành những hợp đồng giả qua các công ty của Lâm. Nếu bị chứng minh có tội, Lâm có nguy cơ “bóc lịch” 6-10 năm. Cảnh sát TQ tuy vậy cho biết vụ bắt giữ này không liên quan tới vụ “mua lại ngân hàng Mỹ” của Lâm.

Nói gì thì nói, giờ đây tên tuổi Lâm Xuân Bình đã gắn với “ngân hàng giả Atlantic Bank”, như tờ The Global and Mail mai mỉa: “Với ngân hàng giả này, Lâm đã đưa trình độ làm giả của TQ lên một đẳng cấp mới”.

Cửa hàng Apple và trường đại học... giả

Nhân chuyện động trời này, báo chí Anh, Úc, Mỹ tranh thủ tổng kết: trang phục nhái, giỏ xách nhái, DVD lậu, đồng hồ giả... là chuyện xưa lắm rồi. Các doanh nhân TQ đã nâng tầm hàng giả lên cấp cao hơn nhiều. 

Ví dụ năm ngoái, các quan chức đã phát hiện năm cửa hàng Apple giả ở tỉnh Côn Minh, phía tây nam TQ (**). Các cửa hàng này đã sao chép giống hệt những cửa hàng Apple chính hiệu, từ màu áo của nhân viên bán hàng tới thiết kế các bậc cầu thang. Cái sự giả này tinh vi đến nỗi chính nhân viên trong cửa hàng cũng không biết cửa hàng mình là giả!

 

 Một cửa hàng Apple giả ở Sơn Đông, Trung Quốc - Ảnh: Telegraph

Đầu tháng 6-2012, báo chí TQ phát hiện một “đại học giả” ở tỉnh Sơn Đông. Chuyện như sau: một số sinh viên TQ không đủ điểm vào các trường đại học quốc gia đã nhận được thư tiếp nhận vào Đại học Công nghiệp nhẹ Sơn Đông, một trường có thật. Sinh viên chỉ cần trả 30.000 tệ (4.800 USD) để học trường này trong bốn năm (***).

Vài tuần trước khi tốt nghiệp, các sinh viên này phát hiện họ không thể nhận bằng tốt nghiệp bởi họ không phải là sinh viên của trường, mà chỉ đang tham dự một chương trình đào tạo mướn mặt bằng của trường, theo tờ Tế Nam Thời Báo. Ban giám hiệu của “trường ảo” đó dĩ nhiên biến mất.

Zinch China, chi nhánh TQ của hệ thống mạng Zinch.com trụ sở tại Mỹ, ước tính 90% thư đề cử các sinh viên TQ vào các trường Mỹ là giả, 70% tiểu luận của sinh viên TQ được người khác viết, và một nửa bản dịch là bịa tạc. Để chứng minh, Zinch đưa các con số từ những cuộc phỏng vấn với sinh viên TQ, phụ huynh của họ và các đại lý du học.

Vì sao lại tràn lan cái sự giả này? Tờ Chron.com (Houston) dẫn lời các chuyên gia nói có nhiều nguyên nhân, từ nhu cầu phải nổi bật trong một xã hội quá đông đúc cho đến quan niệm rằng có thể giả dối để đạt được thành công, vì một mục tiêu “cao cả” hơn. Hà Hoài Hồng, giáo sư triết Đại học Bắc Kinh, nhận xét: “Những biệt ngữ còn lại từ kỷ nguyên của cách mạng văn hóa quá cách biệt với thực tiễn đến nỗi xã hội đầy những điều vô nghĩa, những lời trống rỗng”.

__________

(*) http://english.people.com.cn/90778/7735849.html

(**): http://latimesblogs.latimes.com/technology/2011/07/fake-apple-stores-popping-up-in-china.html

(***): http://www.chron.com/news/article/Fabricated-bank-adds-to-China-s-list-of-fakery-3641293.php#page-1

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận