Trường công chất lượng cao và vấn đề bình đẳng xã hội

TTCT - Tuyên bố của Sở GD-ĐT Hà Nội mới đây về chủ trương thành lập những “lớp chất lượng cao”, “trường chất lượng cao”, đi kèm mức học phí cao tạo nên những tranh luận nhiều chiều.

Liệu những tiêu chí đi kèm nó có thật sự biểu hiện cho “chất lượng cao” của giáo dục, nếu ta định nghĩa chất lượng giáo dục là những phẩm chất, năng lực mà người học thụ đắc qua quá trình học tập, và do đó phải được đo chủ yếu ở kết quả đầu ra?

Phóng to
Cô Nguyễn Thị Ngọc Yến (bìa phải) hướng dẫn ôn thi cho học sinh lớp 12 Trường THPT Lê Quí Đôn, Q.3, TP.HCM - Ảnh: Như Hùng

Mục đích công và lợi ích tư

Nhà trường từ thuở mới hình thành đã chứa đựng mâu thuẫn giữa hai tầm nhìn khác nhau về mục đích của giáo dục. Mâu thuẫn đó vẫn đang tồn tại: một mặt, giáo dục được xem là phương tiện thực hiện sứ mạng công (duy trì sự trung thành với những niềm tin cột trụ của xã hội, những giá trị cốt lõi giữ cho xã hội ổn định và phát triển), mặt khác giáo dục là phương tiện thực dụng để đạt những lợi ích tư (đạt được những kỹ năng và kiến thức giúp người có học kiếm sống tốt hơn những người không được học hành).

Ở các nước tư bản phát triển, lý do kinh tế cho việc theo đuổi học hành ngày càng tăng mạnh và nay rõ ràng trở thành một mục tiêu cơ bản của giáo dục. Quan niệm của công chúng về giáo dục diễn tiến qua thời gian, từ chỗ nhấn mạnh mục tiêu tôn giáo đến chỗ nhấn mạnh vào chính trị, rồi sau đó là kinh tế và cuối cùng là gắn chặt với lợi ích của những người đi học (David Labaree 1974, 2011, David Tyack and Larry Cuban 1995).

Xu hướng này diễn tiến tương tự ở Việt Nam, từ chỗ nhấn mạnh mục tiêu chính trị đến mục tiêu kinh tế và cơ hội của từng cá nhân, đặc biệt trong bối cảnh chuyển từ kinh tế kế hoạch hóa sang kinh tế thị trường. Mặc dù mục đích công và lợi ích tư của giáo dục không mâu thuẫn nhau, nhưng việc nhấn mạnh yếu tố nào là chủ yếu sẽ dẫn đến cách định hình hệ thống giáo dục và cách sử dụng ngân sách công cho giáo dục:

Các nhà cải cách theo quan điểm thứ nhất nay vẫn có xu hướng đối xử với giáo dục như là hàng hóa công. Họ coi những nỗ lực cải cách giáo dục như một giải pháp nhằm giải quyết các vấn nạn xã hội cũng như thúc đẩy tăng trưởng kinh tế quốc gia, do đó lợi ích mà giáo dục mang lại sẽ được chia sẻ cho tất cả mọi người dù bản thân người ấy hay con cái họ có đến trường hay không.

Trái lại, những người tiêu dùng giáo dục lại tiếp cận giáo dục như một hàng hóa tư, một tài sản cá nhân của những người giành được nó. Họ chỉ đơn giản là theo đuổi lợi ích của chính họ qua phương tiện giáo dục.

Sự thống trị âm thầm của quan điểm thứ hai khiến giáo dục được coi là một dịch vụ, và trong vòng hai thập kỷ qua đã hình thành một thị trường giáo dục ở Việt Nam. Đã là dịch vụ thì có mua bán, và có quy luật “tiền nào của ấy”. Trường tư ra đời đã đáp ứng nhu cầu đa dạng hóa nguồn cung dịch vụ giáo dục, để người học có nhiều cơ hội lựa chọn hơn giữa mong muốn và khả năng chi trả của mình.

Trường tư, trường quốc tế với nguồn vốn đầu tư của tư nhân, cơ sở vật chất to đẹp, thu học phí cao, dành cho con em nhà giàu. Trường công với nguồn lực hạn hẹp của ngân sách công, điều kiện dạy và học hạn chế, học phí thấp, dành cho con em nhà nghèo. Đó là một thực tế bất bình đẳng nhưng chưa thể xóa bỏ ngay, vì nguồn lực nhà nước không đủ để đảm bảo điều kiện giáo dục tốt cho tất cả mọi trẻ em.

Nói là bất bình đẳng vì thực tế đó tạo ra những điều kiện và cơ hội phát triển khác nhau cho trẻ em có nguồn gốc gia đình và nền tảng kinh tế khác nhau, khiến cho bất bình đẳng xã hội ngày càng thêm sâu sắc.

Giáo dục và bình đẳng xã hội

Không thể tăng cường cơ hội cho tất cả mọi người trong lúc vẫn duy trì ưu thế của một số người, không thể thúc đẩy sự bình đẳng trong lúc vẫn bảo vệ cho đặc quyền.

Vậy giáo dục có vai trò như thế nào trong bối cảnh ấy? Đã từ lâu người Việt được biết đến như một dân tộc coi trọng sự học. Người Việt trong nước, cũng như kiều bào ở nước ngoài, hi sinh nhiều thứ để con cái được đến trường và theo đuổi giáo dục bậc cao. Đằng sau sự quyết tâm và hi sinh đó là kỳ vọng xem giáo dục như một phương tiện thần kỳ làm thay đổi số phận.

Từ góc nhìn xã hội, giáo dục là phương tiện tạo ra bình đẳng bằng cách mang lại cơ hội công bằng cho mọi người. Thông qua cơ hội công bằng, giáo dục kích thích nỗ lực vươn lên của mọi cá nhân, thúc đẩy sự ưu tú, tài năng, sự sáng tạo, nhờ đó tạo ra tiến bộ và phát triển xã hội.

Chính vì lẽ đó, hệ thống giáo dục công lập phải nhằm mục tiêu làm giảm nhẹ chứ không phải làm tăng thêm bất bình đẳng xã hội. Các trường công lập được chi trả bằng tiền ngân sách, tức là tiền thuế của người dân, phải tạo cơ hội cho người nghèo. Điều này củng cố sự ổn định và phát triển của xã hội, bởi khi người nghèo bị tước hết mọi cơ hội thay đổi số phận thông qua giáo dục thì những mâu thuẫn xã hội sẽ dồn nén lại ngày càng căng thẳng và dẫn đến giải pháp cực đoan. Có câu nói “thêm một trường học là bớt đi một nhà tù” là vì thế.

Bình đẳng trong cơ hội tiếp cận giáo dục là một nhân tố cơ bản tăng cường sự cố kết xã hội (Andy Green, John Preston, Ricardo Sabates, 2003). Chính vì lẽ đó mà ở nhiều nước, thụ hưởng giáo dục được xem là một quyền cơ bản của công dân. Nhưng từ chính sách đến thực tế vẫn còn khoảng cách lớn.

Ấn Độ chẳng hạn, từ năm 1960 có quy định trong hiến pháp về giáo dục miễn phí đến năm 14 tuổi, nhưng thực tế chỉ 74% dân số biết đọc biết viết. Hiến pháp Việt Nam 1992, điều 59 có quy định “Học tập là quyền và nghĩa vụ của công dân. Bậc tiểu học là bắt buộc, không phải trả học phí”, nhưng trong thực tế số người chưa bao giờ đến trường đang có xu hướng tăng: 0,3% trong Điều tra quốc gia về vị thành niên và thanh niên Việt Nam năm 2003 tăng lên đến 2,4% năm 2009.

Tỉ lệ bỏ học cũng đang ngày càng tăng: khảo sát 10.044 thanh thiếu niên 14-25 tuổi tại 63 tỉnh/thành phố năm 2009 cho thấy khoảng một nửa số người được hỏi hiện đã thôi học, 24% trong số đó đã thôi học khi chưa đến 15 tuổi. Tỉ lệ bỏ học chủ yếu ở nông thôn: 87%. Cấp bỏ học cao nhất là THCS chiếm 47,17%.

Mặc dù vậy có đến 44% người thôi học cho biết họ muốn đi học tiếp. Trong bối cảnh đó càng cần những chính sách chú trọng đến thành phần này thay vì những thành phần đang có ưu thế.

Sử dụng ngân sách công cho giáo dục

Thông qua việc thành lập những trường công chất lượng cao (với học phí tương xứng) và lớp chất lượng cao (dĩ nhiên cũng với học phí cao) trong trường công, chính sách này đang khoét sâu thêm khoảng cách bất bình đẳng ấy trong giáo dục phổ thông và kèm theo đó là bất công, vô lý, bởi làm như vậy là lấy tiền của ngân sách để cho người giàu, thay vì phải hỗ trợ người nghèo để tăng cường cơ hội cho họ.

Trường công, ngay cả khi thu học phí cao vẫn phải dùng nguồn lực công làm nền tảng. Học phí cao thật ra chỉ đủ để bù đắp chi phí hoạt động, còn cơ sở hạ tầng thì vẫn là từ nguồn lực công. Thực chất những lớp học được gọi là “chất lượng cao” này không khác gì những “kế hoạch B”, tức là tận dụng cơ sở vật chất hạ tầng của Nhà nước để tạo nguồn thu, tăng thu nhập cho những người đang làm việc trong hệ thống nhà nước, và người ta xem đó là giải pháp tình thế để bù đắp những thiếu hụt của nguồn lực công.

Tình trạng nhập nhằng công - tư như vậy diễn ra không chỉ trong lĩnh vực giáo dục, nhưng trong giáo dục, đặc biệt là giáo dục phổ thông, thì nó tác động trực tiếp đến công bằng xã hội - một trong những giá trị nền tảng tạo ra tính chính danh cho Nhà nước, cũng như tác động đến sự ổn định và phát triển của xã hội tương lai.

Vì sao? Bởi vì là giải pháp tình thế, nó có thể tháo gỡ những khó khăn trước mắt về nguồn lực tài chính cho một số trường. Nhờ nguồn thu cao hơn, họ có thể tạo ra điều kiện dạy và học tốt hơn, tuy điều đó cũng không đảm bảo chất lượng giáo dục tốt hơn. Phương án “chất lượng cao” dường như là một giải pháp dung hòa để giải quyết mâu thuẫn giữa nguồn lực tài chính có hạn của Nhà nước cùng những mong đợi ngày càng cao của phụ huynh, và sự mở rộng tầng lớp trung lưu trong xã hội.

Ai có con đang học phổ thông ở các thành phố lớn đều hiểu tình trạng “phong bì” cho thầy cô giáo hiện nay cũng trầm trọng không kém bất cứ lĩnh vực dịch vụ công nào khác. Học phí cao cho các lớp chất lượng cao cũng có thể chỉ là cách chính thức hóa những khoản chi ấy.

Nhưng việc dùng nguồn lực nhà nước để đầu tư cơ sở vật chất hạ tầng cho những trường công chất lượng cao để những trường này có thể thu học phí gấp ba lần mức lương tối thiểu của xã hội là một việc không thể biện minh dưới góc độ công bằng xã hội, vì chỉ người giàu đủ tiền đóng học phí mới được hưởng những tiện ích dịch vụ này.

Ta muốn nhà trường thực hiện lý tưởng của mình về bình đẳng xã hội, đồng thời đem lại cho chúng ta khả năng đạt đến tham vọng của mình với tư cách một cá nhân. Nhưng không thể tăng cường cơ hội cho tất cả mọi người trong lúc vẫn duy trì ưu thế của một số người, không thể thúc đẩy sự bình đẳng trong lúc vẫn bảo vệ cho đặc quyền.

Những người có học hành, bằng cấp cao có được ưu thế chính là vì nhiều người khác không được học. Nếu tất cả mọi người đều có bằng đại học thì bằng đại học không còn là một ưu thế nữa. Kết quả là giáo dục không ngừng mở rộng trong lúc sự tín nhiệm giá trị của giáo dục cũng không ngừng lạm phát.

Nguyên tắc căn bản rằng ngân sách công thì phải phục vụ lợi ích công và mục tiêu công là không thể phá vỡ. Chúng ta không tránh khỏi việc người giàu hơn thì được học trường tốt hơn, nhưng hãy để thị trường phục vụ họ.

Ngân sách công không thể góp phần vào việc làm giãn rộng khoảng cách ấy mà cần được dùng vào việc tạo cơ hội cho người nghèo, nhất là ở bậc học phổ thông, bảo đảm rằng bất kỳ em nhỏ nào, dù hoàn cảnh xuất thân ra sao cũng có thể tiếp cận giáo dục cơ bản và thay đổi số phận cá nhân mình nhờ vào giáo dục. Đó không chỉ là một lý tưởng mà còn là phương tiện cốt lõi bảo đảm sự ổn định và phát triển của xã hội.

Bởi vậy, Nhà nước cần đầu tư nâng cao chất lượng giáo dục của số đông thông qua khâu trọng yếu nhất là năng lực, trình độ và phẩm chất của người thầy, cũng như đầu tư cải thiện nội dung chương trình giáo dục. Những vấn nạn của giáo dục hiện nay nằm ở đó.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận