Trường hợp cá biệt

HẠ CƯỜNG 29/07/2012 17:07 GMT+7

TTCT - Đó là đồng nghiệp của tôi. Hồi phổ thông anh học khá các môn toán lý hóa nhưng khi thi sư phạm anh chọn khối C, ra trường dạy sử. Ngày đó bạn bè bất ngờ với quyết định của anh.

Chưa bao giờ thấy anh mặc cảm hay thiếu tự tin rằng mình dạy môn phụ. Cũng chưa bao giờ nghe anh than trách học trò không chịu học môn sử. Có thể vài học sinh không thích học sử nhưng ít ra chúng thích anh ở sự uyên bác, ở phong cách giảng dạy. Anh dám cởi nút ngực diễn tả một cuộc tiến công hay nhảy phóc lên bàn giáo viên cười sảng khoái. Học trò, đồng nghiệp coi anh như từ điển bách khoa sống.

Khi Internet thông dụng, mọi người gọi vui anh là “wiki di động”. Giáo viên tiếng Anh trong trường phục sát đất một lần anh dịch bài diễn văn của một vị khách châu Âu của Tổ chức Đông Tây Hội Ngộ dịp kỷ niệm 25 năm thành lập trường để đưa vô kỷ yếu. Giáo viên toán cũng không dám coi thường, vì sau bao nhiêu năm dạy sử anh vẫn giải được bài toán hình học không gian trong đề thi tốt nghiệp lớp 12...

Dạy học trên 20 năm, danh hiệu thi đua cao nhất anh đạt được là lao động tiên tiến. Thật ra do nói vống lên chứ “lao động tiên tiến” được coi bết nhất, chỉ một hai giáo viên “bị” như vậy, số còn lại là lao động giỏi, chiến sĩ thi đua các cấp. Nhưng không vì thế ban giám hiệu đánh giá thấp anh. Nhớ lần trường cử anh đi thi giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, trong buổi tổng kết chung, chuyên viên sử của sở nhận xét: “Thầy P. dạy thì hay nhưng hết tiết thầy phải hoàn thành ba đề mục, đằng này thầy say sưa quá nên chỉ xong một mục. Nói thầy cháy giáo án chưa đúng, nói chính xác là thiêu rụi giáo án luôn”. Cả hội trường cười như vỡ chợ, anh cũng cười theo.

Anh độc lập với các chỉ tiêu thi đua, những quy định thiểu ích. Cứ trống đánh vô lớp anh dạy nhiệt tình, hào sảng. Anh lấy sự hiểu rộng và sâu chuyên môn làm cứu cánh, làm niềm vui với nghề. Là giáo viên, có cái gì cần thiết hơn? Dù không ai điều tra nhưng tôi tin nếu hỏi học sinh rằng thầy cô nào trong trường được yêu thích nhất, người đó chắc là anh; rằng thầy cô nào được đồng nghiệp mến mộ nhất, người đó chắc là anh.

Không phải vì anh không đạt một danh hiệu thi đua nào mà ai đó dám đánh đồng anh với những giáo viên chây ỳ hay giáo viên già “liều mạng” đợi ngày nghỉ hưu. Anh là trường hợp cá biệt, một ngoại lệ tích cực. Trường tôi có anh, được hai cái lợi. Thứ nhất, giáo viên ngó anh mấy mươi năm chưa một lần đạt lao động giỏi nên chuyện thi đua không đến mức bức bách, răm rắp làm theo. Giáo viên biết cái cần cho chuyên môn và cái ngoại vi chuyên môn. Thứ hai, anh thẳng thắn phản đối những thứ áp đặt vô lý, những quy định vô lối với lập luận sắc sảo, vững chắc nên không khí dân chủ trong trường được phát huy.

Anh dẫn André Maurois, viết trong quyển Thư gửi tuổi 20: Làm người cần có chút danh rồi sau mới yên tâm sống phần đời còn lại. Tôi bảo: “Riêng nghề giáo anh đã có danh rồi”. Anh nói: “Với nghề giáo, khó biết mình đã thành hay chưa. Tôi không nói đến thứ bằng khen, giấy khen treo đầy nhà”. Nhưng mới đây anh ốm nặng phải vào Sài Gòn mổ. Phần lớn chi phí mổ được cựu học sinh của trường đang làm việc tại thành phố quyên góp trang trải. Bác sĩ thực hiện ca mổ cũng thuyết phục giám đốc bệnh viện miễn phí tiền phòng, tiền chăm sóc, nói là vì mến mộ anh dạy hay, được học trò yêu mến.

Tôi nghĩ là anh đã thành danh.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận